Với đặc điểm là một thành phố trung tâm của Miền Trung có rất nhiều các dự án thu hồi đất, đền bù giải toả có liên quan trực tiếp đến lợi ích của nông dân, năm 2008, các cấp Hội Nông dân thành phố Đà Nẵng đã tích cực thực hiện Chỉ thị 26/TTg, Công văn 1502/TTg-V.II của Thủ tướng Chính phủ tham gia giải quyết khiếu nại tố cáo của nông dân, đạt được nhiều kết quả rất đáng ghi nhận, được Đảng và chính quyền đánh giá cao, nông dân đồng tình ủng hộ.
Ngay từ đầu năm 2008, Ban Thường vụ Hội Nông dân Thành phố Đà Nẵng cùng với Lãnh đạo Sở Tư pháp thành phố xây dựng Kế hoạch phối hợp triển khai tuyên truyền phổ biến pháp luật năm 2008 và giai đoạn 2008 – 2012 theo Chương trình phối hợp thực hiện Chỉ thị 26/TTg. Qua đó, Hội đã phối hợp với Tư pháp, Thanh tra, Tài nguyên Môi trường, Ban Tôn giáo và các ngành liên quan tổ chức 376 buổi tuyên truyền về Luật phòng chống bạo lực gia đình, Luật phòng chống ma túy, Luật đất đai, Luật giao thông đường bộ, Pháp lệnh thực hiện dân chủ ở xã, phường, thị trấn, Pháp lệnh tín ngưỡng tôn giáo… cho 18.486 lượt cán bộ, hội viên, nông dân. Đồng thời, Thành Hội đã cung cấp cho quận, huyện và cơ sở Hội hơn 2.500 tập văn bản pháp luật có liên quan trực tiếp đến quyền lợi của nông dân như: Quyết định 70/2007/QĐ-UBND ngày 20/12/2007 ban hành quy định giá các loại đất trên địa bàn thành phố Đà Nẵng, quyết định số 71/2007/QĐ-UBND ngày 20/12/2007 ban hành quy định về bồi thường, hỗ trợ và tái định cư khi Nhà nước thu hồi đất trên địa bàn thành phố Đà Nẵng…
Các Câu lạc bộ nông dân với pháp luật được thành lập, tiếp tục được kiện toàn, củng cố và phát huy hiệu quả tích cực. Tăng cường hoạt động của 11 Câu lạc bộ nông dân với pháp luật tại 11 cơ sở của 7 quận, huyện Hội (Hòa Vang 3 câu lạc bộ, Liên Chiểu 2 câu lạc bộ, các quận còn lại mỗi quận 1 câu lạc bộ) có 397 hội viên tham gia sinh hoạt thường xuyên. Ngoài ra, còn có 24 cán bộ Hội tham gia các Câu lạc bộ pháp luật khác ở cơ sở. Trong năm qua, các câu lạc bộ đã phối hợp tổ chức được 13 cuộc thi tìm hiểu pháp luật, có 302 người tham gia và thu hút 887 lượt người tham dự cổ vũ, góp phần nâng cao nhận thức pháp luật cho cán bộ. hội viên, nông dân.
Hoạt động trợ giúp pháp lý, tư vấn pháp luật cho nông dân được đẩy mạnh. Trong năm qua, các cấp Hội đã tổ chức thực hiện 134 cuộc trợ giúp pháp lý cho 1.576 lượt hội viên, nông dân; phối hợp với Trung tâm và các chi nhánh của Trung tâm Trợ giúp pháp lý Nhà nước thực hiện 101 cuộc trợ giúp pháp lý cho 472 đối tượng được hưởng trợ giúp pháp lý theo quy định của pháp luật. Hội Nông dân thành phố đã tổ chức được 11 cuộc tư vấn pháp luật cho 19 nông dân và thường xuyên phối hợp với Trung tâm trợ giúp pháp lý Nhà nước để thực hiện trợ giúp pháp lý cho một số đối tượng nông dân theo Luật Trợ giúp pháp lý. Để nâng cao trình độ cho cán bộ thực hiện trợ giúp pháp lý, tư vấn pháp luật, các cấp Hội đã cử cán bộ thường xuyên tham dự các lớp tập huấn nghiệp vụ do Trung tâm tổ chức.
Công tác hoà giải được chú trọng, là một trong những nhiệm vụ trọng tâm trong việc tham gia giải quyết khiếu nại tố cáo của nông dân. Các cơ sở Hội đã trực tiếp hoà giải được 92 vụ mâu thuẫn, tranh chấp trong nội bộ nông dân; trong đó có 78 cuộc hòa giải thành, đạt 85%; tham gia với các tổ hòa giải ở cơ sở thực hiện 277 cuộc, có 241 cuộc hòa giải thành; tỷ lệ hòa giải thành có Hội tham gia đạt 87%. Tổng số tổ hòa giải ở cơ sở trong toàn tỉnh hiện nay là 1.340 tổ, với 4.582 hòa giải viên, trong đó có 558 hòa giải viên là cán bộ Hội Nông dân, chiếm tỷ lệ 12,2% trên tổng số hòa giải viên của những xã, phường có tổ chức Hội.
Các cấp Hội thực hiện công tác tiếp dân thành nề nếp. Năm 2008, các cấp Hội đã tổ chức được 226 buổi tiếp 384 lượt cán bộ, hội viên nông dân; tham gia tiếp dân với Ủy ban nhân dân và các ngành liên quan 329 buổi, tiếp 1.821 lượt nông dân, trả lời kịp thời những vấn đề bức xúc của nông dân. Tiếp nhận 159 đơn thư khiếu nại tố cáo, kiến nghị của cán bộ, hội viên nông dân, trong đó có 30 đơn thuộc thẩm quyền giải quyết cuả Hội, Hội đã giải quyết dứt điểm; 127 đơn không thuộc thẩm quyền của Hội nhưng có nội dung đề nghị Hội can thiệp, Hội đã kiểm tra xác minh thực tế, giải thích cho nông dân thực hiện đúng pháp luật, vận động 66 trường hợp rút đơn khiếu kiện; chuyển đến cơ quan chức năng 61 đơn và phối hợp giải quyết 48/61 đơn, hầu hết các đơn thư gửi đến Hội có nội dung kiến nghị về tranh chấp đất đai, đền bù giải tỏa, ô nhiễm môi trường và đã được Hội tham gia giải quyết ngay tại cơ sở.
Trong năm, Lãnh đạo Hội Nông dân thành phố đã thực hiện 15 lượt tiếp nông dân ngay tại các cơ sở và tham gia với các ngành liên quan tiếp 500 lượt nông dân tại các cơ sở Hội, tiếp nhận 17 đơn thư của nông dân. Ban Thường vụ thành Hội chỉ đạo thực hiện 20 cuộc kiểm tra, xác minh thực tế từng trường hợp, trong đó đã giải quyết dứt điểm 01 đơn khiếu nại thuộc thẩm quyền giải quyết của Hội; còn 16 đơn có nội dung liên quan đến quyền lợi hợp pháp của nông dân, Hội đã có kiến nghị, đồng thời đối với những trường hợp khiếu kiện sai Hội đã giải thích, vận động 9 trường hợp rút đơn chấm dứt khiếu nại; tập hợp ý kiến phản ánh của nông dân và làm văn bản kiến nghị các cơ quan chức năng xem xét 7 đơn, đã giải quyết xong 6/7 đơn; các kiến nghị của thành Hội đều được UBND thành phố và các cơ quan liên quan phúc đáp kịp thời nhằm bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp của nông dân.
Các cấp Hội thường xuyên phối hợp với Ban chỉ đạo cùng cấp để triển khai các nội dung Pháp lệnh thực hiện dân chủ cơ sở cho 11.736 lượt nông dân; cung cấp 1.541 tài liệu pháp luật, trong đó Thành Hội đã in 1.000 tờ gấp và sưu tầm 300 tập sách tuyên truyền về thực hiện dân chủ cơ sở, cung cấp cho 100% cơ sở và chi Hội Nông dân làm tài liệu tuyên truyền cho nông dân. Các cơ sở và chi Hội tham gia xây dựng và ký kết 144 bản Quy chế phối hợp thực hiện dân chủ cơ sở với chính quyền, Mặt trận và các ngành liên quan. Hiện nay trên địa bàn thành phố có 129 công trình, dự án có thu hồi đất, di dời giải toả, ảnh hưởng trực tiếp đến 6.910 hộ nông dân, nhưng chỉ có 29 cán bộ Hội Nông dân tham gia Hội đồng đền bù giải toả hoặc Ban giám sát công trình, dự án. Điều đó đã ảnh hưởng không nhỏ đến hiệu quả của việc Hội tham gia thực hiện Pháp lệnh dân chủ cơ sở.
Năm 2008, việc thực hiện Chỉ thị 26/TTg và Công văn 1502 của Thủ tướng Chính phủ của các cấp Hội Nông dân Thành phố Đà Nẵng đã có nhiều chuyển biến tích cực. Hội Nông dân thành phố Đà Nẵng đã phối hợp chặt chẽ với các ngành chức năng, nhất là ngành Tư pháp tập trung đẩy mạnh công tác phổ biến giáo dục pháp luật, trợ giúp pháp lý, tư vấn pháp luật, hoà giải các mâu thuẫn trong nội bộ nông dân. Mô hình Câu lạc bộ Nông dân với pháp luật từng bước phát huy có hiệu quả, góp phần nâng cao nhận thức và ý thức chấp hành pháp luật của nông dân. Các cấp Hội đã góp phần giải quyết kịp thời những khiếu nại tố cáo của nông dân, những trường hợp bức xúc về đền bù giải toả, về sản xuất, đời sống của nông dân; đã hạn chế đến mức thấp nhất tình trạng khiếu kiện đông người, không để phát sinh điểm nóng trên địa bàn nông thôn, nông dân; tạo niềm tin của nông dân với tổ chức Hội, củng cố mối quan hệ giữa nông dân với Đảng và Nhà nước; góp phần giữ vững an ninh chính trị, trật tự an toàn xã hội trên địa bàn thành phố.
Vân Anh