Hàng ngàn lá đơn “bặt vô âm tín”!
Trước những bức xúc của nông dân bị thiệt hại do tình trạng ô nhiễm sông Thị Vải, ngày 6/1, Ban Thường vụ Hội nông dân tỉnh Đồng Nai đã có buổi làm việc với 4 cơ sở Hội nông dân: Phước An, Long Thọ (huyện Nhơn Trạch) và Phước Thái, Long Phước (huyện Long Thành) để nắm tình hình đơn thư khiếu nại.
Theo đó, tổng số 4 cơ sở trên đã nhận 3.945 lá đơn (trong đó có 230 đơn không có cơ sở xác định thiệt hại của xã Long Thọ và Phước An vì các hộ này đã bỏ nghề từ lâu). Theo phân loại bước đầu của các cơ sở, có 862 đơn là hộ có ao nuôi tôm (Phước An: 392 hộ, Long Phước: 135 hộ, Long Thọ 224 hộ), số đơn còn lại là các hộ đánh bắt cá, tôm, làm đáy, đăng… Trong 3.945 đơn trên thì có 168 đơn là cán bộ, đảng viên.
Ngoài ra, tổng số đơn mà nông dân đã gửi tới Giám đốc Công ty Vedan và Tòa án Nhân dân huyện Long Thành là 435 đơn (người dân xã Phước Thái đã gửi đến Công ty Vedan là 304 đơn và đã được công ty này tiếp nhận nhưng chưa giải quyết). Số đơn được gửi đến Tòa án Nhân dân huyện Long Thành là 131 đơn, nhưng Tòa trả lại và yêu cầu nông dân phải cung cấp đầy đủ chứng cứ cũng như phải chứng minh được tài sản bị thiệt hại.
Bên cạnh đó, số đơn nông dân đã gửi Cục cảnh sát Môi trường, Bộ Tài nguyên và Môi trường là 551 đơn, đã được 2 nơi này tiếp nhận. Hội nông dân xã Long Thọ cũng đã cử 2 đại diện tới Công ty Vedan để gửi đơn khiếu nại nhưng bảo vệ Công ty này không cho vào. Những bức xúc của người dân là không nhỏ khi mà hàng ngàn lá đơn đã được gửi vẫn chưa thấy hồi âm. Họ vẫn mong chờ một động thái tích cực từ phía Vedan.
Vedan phải chịu trách nhiệm về những thiệt hại hơn 10 năm qua…
Người dân bị thiệt hại đang chờ một động thái tích cực từ phía lãnh đạo của công ty
Ngày 9/2, tiếp xúc với những người dân có đơn gửi mà “không có hồi âm”, họ mong rằng, công ty Vedan là người gây ra ô nhiễm môi trường, làm thiệt hại lớn về kinh tế cũng như sức khỏe của người dân nơi đây thì phải chịu trách nhiệm với hậu quả đã gây ra. Phải đền bù hoặc hỗ trợ thiệt hại cho nông dân để bù đắp phần nào thiệt hại mà họ phải chịu đựng hơn 10 năm qua.
Tổng diện tích nuôi trồng của những hộ nông dân 4 xã trên không nhỏ, tổng cộng lên tới 1.438,5 ha (trong đó xã Long Thọ: 221 ha, xã Phước An: 950 ha, xã Long Phước: 163 ha và xã Phước Thái: 149,5 ha). Tổng diện tích nuôi trồng bị thiệt hại trên có 29,5 ha là diện tích sản xuất nông nghiệp. Họ đề nghị Công ty Vedan phải chấp hành nghiêm Luật bảo vệ tài nguyên môi trường của Việt Nam.
Theo báo cáo của 4 cơ sở Hội nông dân của 4 xã trên về việc nuôi trồng thủy sản sau khi đình chỉ xả nước thải chưa qua xử lý: hiện nay nguồn nước đã bình thường trở lại, cũng đã có nhiều cá tôm vào sông, rạch nhỏ, nước không còn mùi hôi. Tuy nhiên, nguồn nước hiện nay trong một cách kỳ lạ (có hôm nước trong đến độ nhìn rõ đáy sông ở một số khu vực), họ băn khoăn “không biết đó là nước tự nhiên hay là nước đã được xử lý bằng hóa chất”.
Do những băn khoăn trên, nhiều hộ nông dân nuôi trồng thủy sản vẫn chưa dám bỏ vốn ra để đầu tư. Họ đề nghị cơ quan chức năng có sự giám định lại nguồn nước hiện nay.
Ngoài những đề nghị trên, nhiều hộ nông dân cũng đề nghị công ty Vedan phải có sự khắc phục về khí thải ra. Theo họ, việc này ảnh hưởng rất nhiều đến cây trồng tại khu vực quanh nhà máy Vedan, làm cho cây trồng khu vực này không thể đơm hoa kết trái và hơn thế nữa làm ảnh hưởng đến sức khỏe của người dân.
Đoàn Quý