Để giải quyết những vấn đề bức xúc của nhân dân, ngoài cơ quan đại diện cho ý chí của nhân dân như Hội đồng nhân dân, UBND, còn có các cơ quan đoàn thể của nhân dân như đã nêu trên, trong đó phải kể đến Hội nông dân, một trong những đoàn thể đại diện cho quyền lợi của giai cấp nông dân Việt Nam.
Thực hiện Chỉ thị số 26 của Thủ tướng Chính phủ, UBND huyện Nhơn Trạch đã tích cực tạo điều kiện cho Hội nông dân tham gia giải quyết khiếu nại, tố cáo của công dân trên địa bàn. Năm 1994, huyện Nhơn Trạch được thành lập, là một huyện thuần nông với 80% dân số sống bằng nghề nông, đến năm 1996, huyện được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt quy hoạch phát triển thành phố mới. Do đó, trong quá trình xây dựng thành phố mới, chuyển dịch cơ cấu kinh tế từ nông nghiệp sang công nghiệp - dịch vụ, huyện Nhơn Trạch gặp không ít khó khăn, mà trước mắt là việc thay đổi thói quen tập tục của đời sống nông nghiệp nông thôn để phát triển tác phong công nghiệp đô thị. Trước sự tác động mạnh mẽ của nền kinh tế thị trường, lối sống, suy nghĩ của nhân dân cũng có nhiều đổi mới. Tuy nhiên, bên cạnh những mặt tích cực, cũng còn những tác động tiêu cực ảnh hưởng đến tình hình an ninh nông thôn, trật tự an toàn xã hội, đó là tình trạng tranh chấp trong nội bộ nhân dân và việc khiếu nại, tố cáo của công dân.
Những “cơn sốt đất” làm tăng giá trị lợi nhuận của đất đai, đã làm phát sinh nhanh các tranh chấp về quyền sử dụng đất, đặc biệt là tranh chấp đất trong dòng tộc, đòi lại đất cũ, tranh chấp ranh đất do mâu thuẫn trong nội bộ nhân dân. Một mặt, thực hiện chính sách mời gọi, thu hút vốn đầu tư, khuyến khích đầu tư nước ngoài với giá thuê đất thấp và trước tình hình huyện đang phát triển nhanh, đòi hỏi công tác quản lý nhà nước ngày càng chặt chẽ ở một số lĩnh vực nhạy cảm như xây dựng, đất đai… đã làm ảnh hưởng đến lợi ích trước mắt của người dân, nhân dân chưa hưởng ứng mạnh mẽ dẫn đến phát sinh khiếu nại; bên cạnh đó chính sách bồi thường chưa phù hợp với tình hình thực tế tại địa phương, tiêu chuẩn định giá tài sản, tái định cư chưa cụ thể rõ ràng nên việc áp dụng không đồng nhất giữa các hộ và các công trình là một trong những vấn đề làm nảy sinh khiếu kiện.
Từ đặc điểm trên, UBND huyện đã đặt công tác tiếp dân, giải quyết khiếu nại tố cáo của công dân là một trong những nhiệm vụ trọng tâm, góp phần giữ vũng ổn định chính trị trật tự an toàn xã hội trên địa bàn, để từ đó chú trọng bố trí cán bộ có chuyên môn, nghiệp vụ, có đạo đức, tinh thần trách nhiệm và nhận thức sâu sắc về công tác tiếp dân để làm công tác này từ huyện đến cơ sở, quan tâm đến công tác hoà giải từ cơ sở nhằm giảm lượng đơn khiếu nại về cấp trên đồng thời tạo được mối đoàn kết trong nội bộ nhân dân. Trong công tác hoà giải, giữ vai trò quan trọng là các đoàn thể, UBND đã phối hợp và tranh thủ sự hỗ trợ của MTTQ, Hội Nông dân để làm tốt công tác này. Chỉ thị số 26/CT.TTg của Thủ tướng Chính phủ về tạo điều kiện để Hội nông dân tham gia giải quyết khiếu nại tố cáo đã tạo được cơ sở pháp lý thuận lợi để UBND các cấp thực hiện tốt hơn nhiệm vụ giải quyết KNTC của công dân, đặc biệt là trong những năm gần đây, tình hình tranh chấp khiếu kiện về đất đai trong nội bộ nhân dân trên địa bàn huyện Nhơn Trạch tăng đột biến.
Từ khi có Chỉ thị 26 của Thủ tướng Chính phủ, với lượng đơn khiếu nại tố cáo hàng năm trên 700 đơn, đòi hỏi công tác giải quyết khiếu nại, nhất là công tác hoà giải ở cơ sở phải được đặc biệt chú trọng. Nhờ tranh thủ sự hỗ trợ của các cấp Hội nông dân, công tác hoà giải cơ sở trên địa bàn huyện đã đạt được những thành quả đáng khích lệ, các vụ việc khiếu nại đông người, gây gắt, phức tạp đều được tập trung giải quyết nhanh, có sự tham gia tích cực của các cấp hội, tránh được việc phát sinh điểm nóng; Tỷ lệ hoà giải thành trên tổng số các vụ hoà giải có Hội nông dân tham gia đạt trên 80%, đã giảm đáng kể đơn khiếu nại vượt cấp.
Sự tham gia của Hội ở cấp xã là thành viên Hội đồng hoà giải của xã, ấp. Khi có phát sinh tranh chấp trong nội bộ nhân dân, Hội nông dân luôn nắm chắc hơn tình hình nội bộ của nông dân, giúp Hội đồng tổ chức hoà giải từng bước, hoặc hoà giải ngay không để phức tạp hơn và giúp người dân, đặc biệt là nông dân thông hiểu gắn chặt hơn tình làng nghĩa xóm.
Riêng đối với cấp huyện, công tác tiếp dân, giải quyết KNTC của công dân mang tính chuyên môn hơn nên Hội nông dân chỉ tham gia từ đầu trong các lĩnh vực tranh chấp, khiếu nại về đất đai. Những trường hợp này, UBND huyện đều chỉ đạo các cơ quan chuyên môn phối hợp với Hội nông dân và các đoàn thể của huyện tham gia để nghe và phản ánh đúng tâm tư nguyện vọng của người dân. Trong quá trình xác minh, giải quyết khiếu nại tố cáo của công dân, các cơ quan tham mưu UBND huyện (Thanh tra huyện, Phòng Tài nguyên và Môi trường huyện) luôn phối hợp chặt chẽ với Hội nông dân giải quyết các vụ tranh chấp, khiếu nại của nông dân liên quan đến đất đai. Thông qua đó, hướng dẫn, bồi dưỡng về nghiệp vụ cho cán bộ Hội để Hội nông dân tham gia giải quyết khiếu nại có hiệu quả. Hội nông dân huyện cũng là thành viên của Hội đồng xét giải quyết khiếu nại, tố cáo của huyện. Qua dự, nghe các báo cáo xác minh của các cơ quan chuyên môn, Hội đã đóng góp nhiều ý kiến, các quan điểm giải quyết có lý có tình, phản ánh tâm tư nguyện vọng của nông dân. UBND huyện luôn ghi nhận và xem xét, giúp giải quyết thoả đáng, đúng pháp luật các thắc mắc khiếu nại của công dân.
Trong quá trình thực hiện nhiệm vụ của mình, Hội nông dân huyện còn trực tiếp tiếp nhận đơn thư khiếu nại của hội viên để xem xét và chuyển cho các cơ quan có thẩm quyền. Trường hợp vụ việc không phức tạp, Hội cũng chủ động giải thích, hoà giải, góp phần giảm lượng đơn tồn ở các cơ quan nhà nước và tạo được tình đoàn kết trong nông dân và sự gắn bó của hội viên Hội. Hội nông dân còn tham gia thực hiện công tác tuyên truyền, phổ biến giáo dục pháp luật trong hội viên, nâng cao ý thức chấp hành pháp luật trong bà con nông dân.
Những sự đóng góp đó đều được UBND ghi nhận. Tuy về mặt pháp lý, UBND tạo điều kiện cho Hội nông dân tham gia giải quyết KNTC, nhưng thực chất sự tham gia của Hội nông dân đã hỗ trợ rất lớn cho Nhà nước trong công tác này. Do đó, UBND huyện luôn tạo điều kiện để cán bộ hội được tham gia các lớp tập huấn về công tác giải quyết KNTC, các Hội nghị triển khai các quy định mới của pháp luật để cán bộ hội ngày càng nắm rõ và hỗ trợ UBND nhiều trong công tác này. Đồng thời, trong thời gian tới, UBND huyện sẽ tiếp tục phối hợp, tạo điều kiện để cán bộ các cấp hội tham gia nhiều hơn công tác giải quyết khiếu nại tố cáo của công dân nói riêng và công tác xây dựng chính quyền nói chung nhằm giữ vững trật tự an toàn xã hội, giúp kinh tế huyện nhà ngày càng phát triển vững mạnh.
Thanh Trúc