Hội ND Hải Lâm góp phần giảm khiếu nại- tố cáo
15:45 - 18/12/2008

HỘI NÔNG DÂN VIỆT NAM

BAN CHẤP HÀNH TRUNG ƯƠNG

                           -*-                             Hà Nội, ngày 12 tháng 01 năm 2012

            Số: 04 -BC/HNDTW

 

BÁO CÁO

Kết quả 3 năm thực hiện

______________

 

Nghị quyết số 26-NQ/TW, Hội nghị lần thứ 7 Ban Chấp hành Trung ương Đảng (khoá X) về nông nghiệp, nông dân, nông thôn được ban hành ngày 5/8/2008. Đây là Nghị quyết toàn diện nhất về nông nghiệp, nông dân, nông thôn của Đảng ta trong thời kỳ đổi mới và hội nhập. Sau 3 năm triển khai thực hiện, tình hình nông nghiệp, nông dân, nông thôn đã có những chuyển biến tích cực và đạt được những kết quả quan trọng như sau:

A- Tình hình nông nghiệp, nông dân, nông thôn sau 3 năm triển khai thực hiện Nghị quyết.

Để triển khai thực hiện Nghị quyết số 26-NQ/TW, Đảng và Nhà nước đã ban hành nhiều chủ trương, chính sách khuyến khích phát triển nông nghiệp, nông dân, nông thôn; lãnh đạo, chỉ đạo các cấp, các ngành, địa phương đẩy mạnh sản xuất, hỗ trợ khuyến khích sản xuất, tập trung triển khai đầu tư xây dựng cơ sở hạ tầng nông thôn như: Chương trình kiên cố hóa kênh mương, làm đường giao thông nông thôn, xây dựng kết cấu hạ tầng nuôi trồng thủy sản và hạ tầng làng nghề nông thôn, nhất là Chương trình mục tiêu quốc gia xây dựng nông thôn mới, chính sách tín dụng phục vụ nông nghiệp, nông thôn, chính sách đào tạo nghề cho lao động nông thôn...

Bên cạnh đó, Nhà nước đã đẩy mạnh thực hiện các biện pháp an sinh xã hội; hỗ trợ hàng chục ngàn tỷ đồng khắc phục hậu quả thiên tai, dịch bệnh và hàng trăm nghìn tấn gạo hỗ trợ hộ nghèo, cứu đói giáp hạt, ảnh hưởng bởi thiên tai, dịch bệnh. Ngân sách nhà nước chi cho nông nghiệp năm 2011 cao gấp hơn 2,2 lần so với năm 2008. Tính chung 3 năm 2009-2011, tổng vốn đầu tư cho nông nghiệp, nông thôn đạt gần 290.000 tỷ đồng, chiếm khoảng 52% tổng vốn đầu tư phát triển từ ngân sách nhà nước và trái phiếu Chính phủ. Tỷ trọng chi cho nông nghiệp, nông thôn so tổng chi ngân sách nhà nước tăng từ 32,8% năm 2008 lên 39,8% năm 2011. Những năm qua, tình hình nông nghiệp, nông  thôn tiếp tục phát triển khá toàn diện. Tỉ trọng GDP khu vực nông nghiệp từ 21% (năm 2005) giảm xuống 20,6% (năm 2010). Cơ cấu lao động trong nông nghiệp từ 57,1% (năm 2005) giảm xuống 48,2% (năm 2010) cung cấp lao động cho lĩnh vực công nghiệp và xây dựng tăng từ 18,2% (năm 2005) tăng lên 22,4% (năm 2010); dịch vụ từ 24,7% (năm 2005) tăng lên 29,4% (năm 2010). Xuất khẩu nông sản đã làm lên thương hiệu Việt Nam trên thị trường quốc tế với nhiều mặt hàng chủ lực như gạo, cà phê đứng thứ 2 thế giới; thủy sản đứng thứ 5 thế giới, cao su, hạt tiêu, hạt điều... Năm 2011 đạt mức kỷ lục về sản xuất lương thực (đạt khoảng 41,5 triệu tấn) và xuất khẩu gạo (đạt khoảng 7,3 triệu tấn, cao nhất từ trước đến nay). 

Kết cấu hạ tầng kinh tế- xã hội ở nông thôn đã có nhiều đổi mới, sau 3 năm thực hiện Nghị quyết số 26-NQ/TW, cả nước đã mở mới gần 7,5 ngàn km và nâng cấp (nhựa và bê tông hóa) 29,5 ngàn km đường giao thông nông thôn, xây dựng gần 4 ngàn cầu, gần 50 ngàn cống các loại. Chợ nông thôn có 6.770 chợ, tăng 157 chợ so với năm 2008; đã có 97,8% xã, 95,4% hộ dân được sử dụng điện lưới; 97% xã có điện thoại và 70% xã có điểm truy cập Internet công cộng; 16.000 điểm giao dịch bưu điện, trong đó có 7.640 điểm bưu điện văn hóa xã. Ngoài ra, các chương trình bảo hiểm xã hội, bảo hiểm y tế, chương trình thí điểm bảo hiểm nông nghiệp đang được triển khai tích cực ở nông thôn.

Đời sống đại bộ phận nông dân được cải thiện, tỷ lệ hộ nghèo ở nông thôn giảm từ 16,2% năm 2008 xuống còn 11,3% năm 2011. Từ năm 2009-2011 cả nước đã hỗ trợ cho trên 500.000 hộ nghèo khu vực nông thôn, bảo đảm cho 2,5 triệu người có nhà ở. Hệ thống giáo dục, y tế ở nông thôn tiếp tục được tăng cường cả về số lượng và chất lượng, từng bước đáp ứng nhu cầu học tập, khám chữa bệnh ban đầu cho cư dân nông thôn. Công tác quản lý an toàn vệ sinh thực phẩm, vệ sinh môi trường nông thôn được cải thiện, đã có 60% hộ gia định có nhà tiêu hợp vệ sinh, 83% người dân nông thôn được sử dụng nước hợp vệ sinh, tăng khoảng 8% so với năm 2008...

B- Tình hình, kết quả triển khai thực hiện Nghị quyết số 26-NQ/TW của các cấp Hội Nông dân Việt Nam:

I- Công tác nghiên cứu quán triệt và triển khai thực hiện Nghị quyết.

Để triển khai thực hiện Nghị quyết, Trung ương Hội đã xây dựng Chương trình hành động số 306 –CTr/HND ngày 07/5/2009 nhằm cụ thể hóa nội dung NQ 26- NQ/TW về  nông nghiệp, nông dân, nông thôn phù hợp với chức năng, nhiệm vụ của Hội Nông dân Việt Nam và chỉ đạo Hội Nông dân các cấp tổ chức thực hiện.

Ban Chấp hành Trung ương Hội Nông dân Việt Nam đã xây dựng Kế hoạch và tổ chức 2 Hội nghị cán bộ chủ chốt để quán triệt, triển khai thực hiện Nghị quyết gắn với quán triệt Nghị quyết Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ V Hội Nông dân Việt Nam tại 2 khu vực: Phía Bắc tại thị xã Cửa Lò, Nghệ An từ ngày 13 - 15/5/2009, với 157 đại biểu của 31 tỉnh, thành Hội; Phía Nam tại TP. Vũng Tàu, tỉnh Bà Rịa- Vũng Tàu từ ngày 25-27/5/2009, với 146 đại biểu của 32 tỉnh, thành Hội; tại Hà Nội, tổ chức Hội nghị triển khai, quán triệt Nghị quyết số 26-NQ/TW cho cán bộ, công chức, viên chức cơ quan Trung ương Hội. 

Cán bộ chủ chốt các cấp Hội đã tham gia đẩy đủ các đợt nghiên cứu, quán triệt, học tập Nghị quyết do các cấp ủy đảng tổ chức; đồng thời, tiến hành lồng ghép đưa nội dung tuyên truyền NQ 26- NQ/TW về  nông nghiệp, nông dân, nông thôn vào sinh hoạt của các chi, tổ Hội. Phối hợp với các phương tiện thông tin đại chúng, Báo Nông thôn ngày nay, tạp chí Nông thôn mới, website, tờ tin và các ấn phẩm thông tin của Hội tuyên truyền những nội dung cơ bản của Nghị quyết và Chương trình hành động của Ban Chấp hành Trung ương Hội thực hiện Nghị quyết số 26-NQ/TW đến đông đảo cán bộ, hội viên, nông dân trong cả nước.

II- Kết quả triển khai các nhiệm vụ, giải pháp chủ yếu của Nghị quyết.

1- Kết quả thực hiện nhiệm vụ Bộ Chính trị giao:

Ngày 24/12/2008, Văn phòng Trung ương Đảng có Công văn số 6419-CV/VPTW thông báo ý kiến của Bộ Chính trị giao Đảng đoàn Hội Nông dân Việt Nam xây dựng Đề án “Nâng cao vai trò, trách nhiệm của Hội Nông dân Việt Nam trong phát triển nông nghiệp, xây dựng nông thôn mới và xây dựng giai cấp nông dân Việt Nam giai đoạn 2010-2020”.

Đây là 1 trong 9 Đề án lớn của Bộ Chính trị triển khai thực hiện Nghị quyết số 26-NQ/TW, Hội nghị lần thứ 7 Ban Chấp hành Trung ương Đảng (Khoá X) về nông nghiệp, nông dân, nông thôn.

Sau một quá trình chuẩn bị công phu, tổ chức nhiều cuộc hội thảo, lấy ý kiến của nhiều nhà khoa học, nhà lãnh đạo, nguyên lãnh đạo các bộ, ngành, một số đồng chí nguyên là lãnh đạo Trung ương và tỉnh Hội và lãnh đạo một số tỉnh; trên cơ sở các ý kiến đóng góp, Đảng đoàn Hội Nông dân Việt Nam đã hoàn chỉnh Đề án, trình Ban Bí thư Trung ương Đảng thông qua. Đề án đã được Ban Bí thư đánh giá cao và ban hành Kết luận số 61-KL/TW, ngày 03/12/2009 để chỉ đạo thực hiện.

Ngay sau khi Kết luận số 61-KL/TW của Ban Bí thư Trung ương Đảng được ban hành, Đảng đoàn, Ban Thường vụ Trung ương Hội đã phối hợp với Ban Dân vận Trung ương tham mưu cho Ban Bí thư Trung ương Đảng thành lập Ban Chỉ đạo thực hiện Đề án; chủ động làm việc với các bộ, ngành liên quan thống nhất xây dựng Đề án ”Cơ chế, chính sách để Hội Nông dân Việt Nam trực tiếp thực hiện và phối hợp với các bộ, ngành thực hiện một số chương trình, đề án trong phát triển kinh tế, văn hoá, xã hội nông thôn giai đoạn 2011-2020”. Đề án đã được Thủ tướng Chính phủ thông qua và ban hành Quyết định số 673/QĐ-TTg, ngày 10/5/2011 về việc Hội Nông dân Việt Nam trực tiếp thực hiện và phối hợp thực hiện một số chương trình, đề án phát triển kinh tế, văn hoá, xã hội nông thôn giai đoạn 2011-2020.

Sau khi Quyết định số 673/QĐ-TTg được ban hành, Văn phòng Chính phủ và Trung ương Hội Nông dân Việt Nam đã chuyển phát nhanh đến các bộ, ban, ngành Trung ương và địa phương để tổ chức thực hiện; đồng thời thông tin nhanh nhất trên các phương tiện thông tin để Hội Nông dân các cấp và giai cấp nông dân Việt Nam vui mừng, đón nhận.

Việc Thủ tướng Chính phủ ban hành Quyết định số 673/QĐ-TTg là bước cụ thể hóa nhiệm vụ: ”... tạo cơ chế và điều kiện thuận lợi cho Hội Nông dân Việt Nam trong việc trực tiếp thực hiện một số chương trình, dự án phục vụ sản xuất và nâng cao đời sống của nông dân, hướng dẫn phát triển các hình thức kinh tế tập thể trong nông nghiệp. Chăm lo xây dựng giai cấp nông dân Việt Nam, củng cố liên minh công nhân - nông dân - trí thức trong thời kỳ công nghiệp hoá, hiện đại hoá đất nước” mà Nghị quyết đã đề ra; trong đó, có 2 việc Hội Nông dân Việt Nam chủ trì, trực tiếp thực hiện, đó là:

- Đầu tư xây dựng mới và nâng cấp các Trung tâm Dạy nghề và Hỗ trợ nông dân thuộc Hội Nông dân cấp tỉnh và chuyển thành đơn vị sự nghiệp để trực tiếp tổ chức các hoạt động hỗ trợ, dịch vụ và dạy nghề cho nông dân; làm đầu mối tham gia với Bộ Lao động- Thương binh và Xã hội tổ chức dạy nghề cho lao động nông thôn theo Quyết định số 1956/QĐ-TTg ngày 27 tháng 11 năm 2009 của Thủ tướng Chính phủ.

- Đổi mới và nâng cao hiệu quả hoạt động của Quỹ Hỗ trợ nông dân thuộc Hội Nông dân Việt Nam; trong đó, hằng năm, ngân sách nhà nước sẽ bổ sung để phát triển Quỹ.

Năm 2011, Bộ Tài chính đã có quyết định bổ sung cho Quỹ Hộ trợ nông dân Trung ương 300 tỷ đồng; Bộ Kế hoạch và Đầu tư đã cấp 100 tỷ đồng đầu tư xây mới 10 Trung tâm; nâng cấp và bổ sung trang thiết bị cho 3 Trung tâm dạy nghề và hỗ trợ nông dân cấp tỉnh trong năm 2012.

Trên cơ sở Kết luận số 61-KL/TW và Quyết định số 673/QĐ-TTg; Đảng đoàn Hội Nông dân Việt Nam đã có văn bản đề nghị các tỉnh uỷ, thành uỷ chỉ đạo thực hiện; xây dựng Kế hoạch của Ban Chấp hành Trung ương Hội thực hiện Đề án 61 để chỉ đạo thực hiện trong hệ thống Hội. Với trách nhiệm là cơ quan Thường trực Ban Chỉ đạo, Ban Thường vụ Trung ương Hội đã tham mưu giúp Ban Chỉ đạo Trung ương xây dựng kế hoạch thực hiện Đề án 61 và Quyết định phân công nhiệm vụ cho các thành viên Ban Chỉ đạo Đề án 61.

Trung ương Hội đã làm việc và thống nhất với 8/8 Bộ liên quan về nhiệm vụ, cơ chế, kinh phí thực hiện các nội dung liên quan trong Quyết định số 673/QĐ-TTg của Thủ tướng Chính phủ và đã ký kết chương trình phối hợp với  các Bộ liên quan.  

Hội Nông dân các tỉnh, thành phố cũng đã tích cực tham mưu cho cấp ủy, chính quyền triển khai thực hiện Kết luận số 61-KL/TW và Quyết định số 673/QĐ-TTg; đến nay, đã có 62 tỉnh, thành phố có văn bản triển khai thực hiện Kết luận số 61- KL/TW của Ban Bí thư và Quyết định số 673/QĐ-TTg của Thủ tướng Chính phủ (trừ tỉnh Nam Định); trong đó, có 12 tỉnh thành lập Ban Chỉ đạo, 49 tỉnh, thành phố có kế hoạch của UBND tỉnh; có 21 tỉnh quy hoạch và bố trí mặt bằng để xây dựng mới các Trung tâm Dạy nghề và Hỗ trợ nông dân; 27 tỉnh, thành phố đã cấp bổ sung ngân sách cho quỹ hỗ trợ nông dân cấp tỉnh ngay trong năm 2011và có kế hoạch bổ sung Quỹ vào những năm tiếp theo; 27 tỉnh, thành Hội đã có kế hoạch bổ sung Quỹ Hỗ trợ nông dân vào năm 2012; đã có 44 Hội Nông dân tỉnh, thành phố làm việc với các sở, ngành để thống nhất nhiệm vụ, kinh phí và cơ chế để Hội Nông dân tham gia các chương trình, đề án phát triển kinh tế, văn hóa, xã hội ở địa phương...

2- Một số kết quả tham gia thực hiện các nhiệm vụ của Nghị quyết.

- Các cấp Hội Nông dân Việt Nam đã đẩy mạnh công tác tuyên truyền về Nghị quyết và các chủ trương, chính sách của Đảng, Nhà nước thực hiện Nghị quyết.

Trung ương Hội đã chủ động phối hợp với Bộ Thông tin và Truyền thông và các cơ quan thông tin đại chúng như Đài Truyền hình Việt Nam, Đài Tiếng nói Việt Nam, các cơ quan Báo chí thực hiện hàng trăm chương trình dưới các hình thức khác nhau để tuyên truyền Nghị quyết số 26-NQ/TW và các văn bản về chủ trương, chính sách của Đảng và Chính phủ triển khai thực hiện Nghị quyết, nhất là Đề án An ninh lương thực quốc gia, Đề án Chương trình xây dựng thí điểm nông thôn mới cấp xã, Đề án Nâng cao vai trò, trách nhiệm của Hội Nông dân Việt Nam của Ban Bí thư; Nghị quyết của Quốc hội về miễn, giảm thuế sử dụng đất nông nghiệp; Các chương trình mục tiêu quốc gia về xây dựng nông thôn mới; Ứng phó với biến đổi khí hậu, các Quyết định của Thủ tướng Chính phủ như Quyết định số 1956/QĐ-TTg về đào tạo nghề cho lao động nông thôn; Quyết định số 1045/QĐ-TTg phê duyệt Đề án đào tạo, bồi dưỡng cán bộ Hội Nông dân Việt Nam giai đoạn 2010-2015; Quyết định số 673/QĐ-TTg về việc Hội Nông dân việt Nam trực tiếp thực hiện và phối hợp với các bộ, ngành thực hiện một số chương trình, đề án phát triển kinh tế, văn hóa, xã hội nông thôn giai đoạn 2011-2020; Nghị định số 41/NĐ-CP của Chính phủ về chính sách tín dụng phục vụ phát triển nông nghiệp, nông thôn...

Đồng thời, chỉ đạo các cơ quan báo chí của Hội: Báo Nông thôn ngày nay, Tạp chí Nông thôn mới, Trang thông tin điện tử của Hội (www.nongdan.vn), các bản tin công tác Hội... thực hiện hàng ngàn chuyên trang, chuyên mục để chuyển tải sâu, rộng và nhanh nhất các nội dung của chính sách trên đến từng cán bộ, hội viên, nông dân. Báo Nông thôn ngày nay đã mở rộng phát hành các ấn phẩm nguyệt san, Báo Nông thôn điện tử; Trang trại Việt; Thế giới và Hội nhập để tăng cường tuyên truyền các Nghị quyết của Đảng, chính sách của Nhà nước liên quan đến nông nghiệp, nông dân, nông thôn. Tạp chí Nông thôn mới đã liên tục đưa các chuyên trang, chuyên mục về tình hình và kết quả áp dụng các tiến bộ khoa học kỹ thuật và công nghệ mới vào sản xuất nông nghiệp và những tấm gương làm ăn có hiệu quả cao. Trung ương Hội đã trực tiếp phối hợp với kênh truyền hình VTC 16 mở các chuyên mục tuyên truyền về nông nghiệp, nông dân, nông thôn, nhất là những điển hình tiên tiến, xuất sắc về mô hình phát triển sản xuất nông nghiệp và xây dựng nông thôn mới.   

Các cấp Hội đã đổi mới, nâng cao chất lượng các bản tin và phối hợp với các phương tiện thông tin đại chúng trên địa bàn, góp phần nâng cao hiệu quả công tác tuyên truyền của Hội, trong đó có nội dung của Nghị quyết số 26-NQ/TW.

- Các cấp Hội đã đẩy mạnh công tác xây dựng và củng cố tổ chức Hội; chú trọng đào tạo, nâng cao chất lượng cán bộ Hội các cấp, đáp ứng yêu cầu là trung tâm và nòng cốt trong phong trào nông dân.

Công tác xây dựng tổ chức Hội vững mạnh luôn được các cấp Hội quan tâm thực hiện. Trong đó, nhiều loại hình tập hợp mới được các cấp Hội triển khai thực hiện phù hợp với yêu cầu của Nghị quyết số 26-NQ/TW, nhất là hình thức tập hợp nông dân theo các nhóm ngành nghề, sở thích; tập hợp nông dân thành các tổ, nhóm sản xuất, vay vốn, tiết kiệm: “Tổ Hùn vốn làm nhà”, “Tổ an ninh nhân dân”, “Tổ tín dụng, tiết kiệm”, “Câu lạc bộ khuyến nông”; “Tổ đoàn kết bám biển”; Câu lạc bộ nông dân với pháp luật; .v.v. đã đem lại lợi ích thiết thực cho hội viên, qua đó, đã tập hợp được rộng rãi nông dân vào tổ chức Hội. Trong 3 năm qua, đã kết nạp 1.466.834 hội viên; nâng tổng số hội viên tính đến 30/6/2011 là 10.526.194 người, đạt 84,3% số hộ làm nông nghiệp.   

Đến nay, tổ chức Hội đã phát triển đến 100% thôn, ấp, bản có nông dân với 93.727 chi Hội. Nhiều cơ sở Hội đã thành lập chi Hội theo chi bộ đảng; lồng ghép nội dung sinh hoạt với bảo đảm lợi ích thiết thực cho hội viên nông dân thông qua các chương trình phát triển kinh tế- xã hội, các phong trào thi đua của địa phương và của Hội gắn với việc hỗ trợ, tư vấn, dịch vụ cho nông dân…, vì vậy, đã thu hút đông đảo hội viên tham gia sinh hoạt tổ chức Hội (bình quân đạt 75 - 80% so với số hội viên).  

 Công tác đào tạo, bồi dưỡng nâng cao trình độ cán bộ Hội các cấp tiếp tục được quan tâm thực hiện. Trong 3 năm, đã có gần 300 nghìn lượt cán bộ Hội các cấp được đào tạo chuyên môn, nghiệp vụ, lý luận chính trị. Đến nay, trong hệ thống Hội đã có 45,63 % Chủ tịch; 19,73 % Phó Chủ tịch Hội cơ sở có trình độ trung cấp chính trị; 32,67% Chủ tịch, 31,68% Phó Chủ tịch Hội cơ sở có trình độ sơ cấp chính trị; 69,5% cán bộ chuyên trách cấp tỉnh, 77,1% cán bộ chuyên trách cấp huyện (trong đó 81,7% Chủ tịch), 90,8% Chủ tịch và 81,9% Phó Chủ tịch Hội cơ sở, 76,7% chi Hội trưởng được bồi dưỡng nghiệp vụ công tác Hội do Trung ương, tỉnh và huyện Hội mở. Do vậy, chất lượng tổ chức các hoạt động của Hội và các phong trào nông dân có bước phát triển mới về chất, từng bước đáp ứng yêu cầu nhiệm vụ trong tình hình mới.

Đây là những điều kiện quan trọng để các cấp Hội Nông dân Việt Nam tuyên truyền, vận động và tổ chức cho hội viên nông dân tham gia thực hiện các mục tiêu nhiệm vụ của Nghị quyết số 26-NQ/TW.

 - Tiếp tục đổi mới, nâng cao chất lượng hoạt động của các cấp Hội, tham gia tích cực nhiệm vụ xây dựng nền nông nghiệp theo hướng hiện đại.

Trọng tâm là đẩy mạnh thực hiện Phong trào nông dân thi đua sản xuất, kinh doanh giỏi, đoàn kết giúp nhau xoá đói, giảm nghèo và làm giàu chính đáng (gọi tắt là phong trào sản xuất, kinh doanh giỏi). Đây là phong trào được xác định là trọng tâm hoạt động để thu hút đông đảo hội viên, nông dân tham gia phát triển kinh tế- xã hội trong giai đoạn mới của đất nước. Trong 3 năm qua, mặc dù có nhiều khó khăn, thách thức về thiên tai, dịch bệnh và khủng hoảng tài chính, kinh tế thế giới, nhưng với sự trợ giúp, tư vấn, hướng dẫn của các cấp Hội, Phong trào Nông dân thi đua sản xuất, kinh doanh giỏi do Hội phát động tiếp tục phát triển và có bước nâng cao về chất. Số lượng hội viên, nông dân đăng ký đạt danh hiệu nông dân sản xuất, kinh doanh giỏi ngày càng tăng. Hằng năm đã có trên 4,5 triệu lượt hội viên đăng ký và đến nay, cả nước đã có trên 4 triệu hội viên, nông dân đạt danh hiệu sản xuất, kinh doanh giỏi các cấp.

Từ phong trào nông dân thi đua sản xuất, kinh doanh giỏi đã hình thành các vùng sản xuất chuyên canh, các cánh đồng mẫu lớn, các mô hình kinh tế nông nghiệp ứng dụng khoa học kỹ thuật theo các quy trình, tiêu chuẩn sản xuất nông nghiệp an toàn, bền vững (Việt GAP), góp phần nâng cao chất lượng nông sản và sức cạnh tranh trên thị trường. Theo thống kê, tính đến năm 2011, cả nước có 145.880 trang trại; trong đó, có 42.613 trang trại cây trồng hàng năm, 25.655 trang trại cây lâu năm, 23.558 trang trại chăn nuôi, 37.142 trang trại nuôi trồng thủy sản. Việc vận động nông dân tham gia mô hình sản xuất cánh đồng mẫu lớn từng bước giúp nông dân sản xuất lúa theo đơn đặt hàng và theo kế hoạch cụ thể. Những mô hình liên kết này bước đầu hình thành các mô hình khép kín từ sản xuất đến thu mua, có sự liên kết của nhiều đơn vị tổ chức sản xuất và tiêu thụ. Hiện nay, một số tỉnh đã áp dụng việc sản xuất cánh đồng mẫu lớn đối với các loại cây trồng khác rất có hiệu quả như cánh đồng mẫu lớn trồng lúa ở các tỉnh đồng bằng sông Cửu Long, trồng đậu tương ở Thái Bình; nhiều địa phương đang triển khai đề án thí điểm mô hình xóa bờ thửa – sản xuất lớn quy mô 200ha và thành lập công ty nông nghiệp huy động nông dân góp ruộng đất, góp vốn để có diện tích ruộng lớn, áp dụng khoa học kỹ thuật, cơ giới hóa, giảm chi phí sản xuất, tăng lợi nhuận, như: mô hình trồng thanh long của Công ty Hoàng hậu ở Bình Thuận, trồng vú sữa Lò Rèn của Hợp tác xã Vĩnh Kim (Châu Thành- Tiền Giang), trồng bưởi Năm Roi của Doanh nghiệp Hoàng Gia (Vĩnh Long), xoài cát của Hợp tác xã Hòa Lộc (Cái Bè- Tiền Giang)...  

Ngoài ra, nhiều địa phương đã chú ý đến phát triển mô hình nông nghiệp đô thị hiệu quả như trồng hoa lan ở tỉnh Vĩnh Long, Tp. Hồ Chí Minh; kinh doanh hoa đào Nhật Tân; nuôi thuỷ sản tập trung an toàn tại xã Đông Mỹ- Thanh Trì (Hà Nội); các mô hình nhà nông làm vườn kết hợp du lịch tại các tỉnh đồng bằng sông Cửu Long… Thông qua các mô hình sản xuất, kinh doanh đã dần hình thành phương thức liên kết sản xuất, tiêu thụ nông sản. Hiện nay cả nước có khoảng 112.000 tổ hợp tác trong nông nghiệp, bình quân mỗi năm có gần 4000 tổ hợp tác mới được thành lập.   

Nhằm nâng cao chất lượng và hiệu quả của phong trào; năm 2011, Trung ương Hội Nông dân đã ban hành quy định tiêu chuẩn hộ nông dân sản xuất, kinh doanh giỏi các cấp giai đoạn 2011-2016; ra Nghị quyết về đẩy mạnh công tác tuyên truyền, vận động và hướng dẫn phát triển kinh tế tập thể trong nông nghiệp, nông thôn giai đoạn 2011-2020; sẽ tổ chức Hội nghị tổng kết phong trào nông dân sản xuất, kinh doanh giỏi toàn quốc lần thứ IV vào năm 2012.

- Kết quả các cấp Hội tham gia xây dựng kết cấu hạ tầng kinh tế- xã hội nông thôn gắn với xây dựng nông thôn mới.

Chương trình mục tiêu quốc gia xây dựng nông thôn mới và Cuộc vận động “cả nước chung sức xây dựng nông thôn mới” đang được các cấp hội phối hợp với các cấp, các ngành vận động hội viên, nông dân tham gia tích cực. Thực hiện Quyết định 800/QĐ-TTg ngày 04/6/2010 của Thủ tướng Chính phủ phê duyệt chương trình mục tiêu quốc gia về xây dựng nông thôn mới giai đoạn 2010-2020, Trung ương Hội đã chỉ đạo các cấp Hội đẩy mạnh thực hiện Phong trào nông dân thi đua xây dựng nông thôn mới và Phong trào nông dân tham gia bảo đảm quốc phòng, an ninh do Hội phát động. Chủ động tham gia thực hiện các tiêu chí về nông thôn mới, các cấp Hội đã cử 01 đồng chí phó chủ tịch, tham gia Ban chỉ đạo xây dựng xã điểm nông thôn mới của Ban Bí thư. Ban Chấp hành Trung ương Hội đã ban hành Nghị quyết 05-NQ/HNDTW ngày 29/7/2011 về tham gia thực hiện Chương trình mục tiêu quốc gia xây dựng nông thôn mới giai đoạn 2011-2020.

Kết quả 3 năm qua, các cấp Hội đẩy mạnh tuyên truyền, vận động nông dân đóng góp tiền và công sức tham gia xây dựng kết cấu hạ tầng nông thôn, tham gia xây dựng nông thôn mới. Hội viên, nông dân cả nước đã đóng góp được 1,95 ngàn tỷ đồng, trên 40 triệu ngày công để làm mới và sửa chữa gần 345 ngàn km đường giao thông nông thôn, 182 ngàn km kênh mương nội đồng và hàng ngàn nhà văn hóa xã, thôn, ấp, bản...

Các cấp Hội đã tăng cường tuyên truyền, hướng dẫn và tổ chức cho cán bộ, hội viên, nông dân thực hiện Cuộc vận động ”Toàn dân đoàn kết xây dựng đời sống văn hoá ở khu dân cư gắn với xây dựng nông thôn mới”; tích cực phòng chống các tệ nạn xã hội, giữ gìn trật tự, an ninh trên địa bàn nông thôn và thực hiện 3 chương trình vệ sinh tại hộ, chỉnh trang đường làng, ngõ xóm, khơi thông cống thoát nước, trồng cây xanh tạo cảnh quan, thực hiện khẩu hiệu ”sạch từ nhà ra ngõ, đẹp từ ngõ ra đồng”...

 Nhiều hoạt động văn hoá, văn nghệ, thể thao gắn với giáo dục ý thức công dân, truyền thống gia đình, dòng tộc và nếp sống văn minh ở khu dân cư do Hội tổ chức đã được đông đảo nông dân hưởng ứng như: Hội thi “Tiếng hát đồng quê”, các giải Bóng chuyền, Bóng đá nông dân, các cuộc thi “Nhà nông đua tài”, “Nhà nông với pháp luật”… Nhiều địa phương  tích cực vận động hội viên, nông dân thực hiện tiêu chí “Làng văn hóa”, xây dựng các câu lạc bộ gia đình nông dân văn hoá, gia đình nông dân hạnh phúc....

Trung ương Hội tiếp tục tăng cường hướng dẫn nông dân tham gia bảo vệ môi trường nông thôn. Hằng năm, phối hợp với các bộ, ngành, địa phương tổ chức các buổi mít- tinh hưởng ứng các chương trình quốc gia về bảo vệ môi trường, phòng, chống ma túy, kế hoạch hóa gia đình… thu hút hàng chục ngàn người tham gia. Hàng năm các tỉnh, thành Hội tổ chức khoảng 2.000 lớp tập huấn cho gần 10.000 lượt cán bộ Hội các cấp; khoảng 26.400 cuộc truyền thông ở cộng đồng cho gần 3 triệu lượt hội viên, nông dân; duy trì hoạt động hiệu quả hơn 30.000 tổ, nhóm, câu lạc bộ nông dân với công tác xã hội, dân số, gia đình…

Thông qua các chương trình truyền thông của Hội, đại đa số hội viên nông dân đã có nhận thức đúng vai trò của văn hóa trong nông thôn, từ đó tích cực xây dựng gia đình, làng, bản văn hóa. Hằng năm có khoảng 8 triệu hộ gia đình nông dân đạt danh hiệu gia đình văn hóa; duy trì được hàng triệu hộ gia đình nông dân thực hiện tốt các chính sách về xã hội, dân số, gia đình, hàng vạn hộ gia đình nông dân đã xóa được đói, giảm được nghèo, góp phần quan trọng nâng cao chất lượng người nông dân trong thời kỳ mới, xây dựng xã hội nông thôn ổn định, tiến bộ và phát triển bền vững. Hội Nông dân Việt Nam đã chủ động phối hợp với các cấp chính quyền, công an, quân đội tổ chức nhiều lớp tập huấn cho cán bộ Hội về công tác phòng chống tội phạm, buôn bán phụ nữ và trẻ em; tích cực vận động hội viên, nông dân tham gia Phong trào nông dân tham gia bảo đảm quốc phòng, an ninh.  

Tại các địa bàn nơi biên giới, Hội Nông dân các cấp đã vận động cán bộ, hội viên, nông dân tham gia bảo vệ đường biên, mốc biên giới, bảo vệ chủ quyền biển đảo và tham gia lực lượng dân quân tự vệ; xây dựng “Điểm sáng vùng biên”, chống di cư trái phép… Hội Nông dân các tỉnh ven biển còn tích cực vận động nông dân tham gia các tổ đoàn kết bám biển nhằm tiết kiệm chi phí sản xuất, hỗ trợ nhau trong phòng tránh thiên tai, cứu hộ, cứu nạn; các tổ đoàn kết bám biển còn cung cấp nhiều thông tin quan trọng giúp các cơ quan chức năng xử lý kịp thời nhiều vụ việc vi phạm trên biển, góp phần bảo vệ nguồn lợi thủy sản, giữ vững an ninh trật tự trên biển.  

Các cấp Hội cũng đã chủ động phối hợp với ngành công an, các ngành liên quan tích cực tuyên truyền cho cán bộ, hội viên, nông dân nâng cao nhận thức và ý thức, trách nhiệm phòng chống tội phạm, xây dựng các tổ tự quản và tổ Hội vừa là tổ an ninh vừa là tổ liên gia hòa giải ở thôn xóm; phát động toàn dân đoàn kết xây dựng các mô hình phòng chống tội phạm và bài trừ tệ nạn xã hội; vận động hội viên, nông dân cam kết gia đình không có người vi phạm pháp luật… Thông qua phong trào, hội viên, nông dân đã cung cấp hàng ngàn tin cho cơ quan Công an; cảm hóa giáo dục hàng ngàn người lầm lỗi, vận động hàng trăm người phạm tội đầu thú, tự báo; xoá hàng trăm tụ điểm phức tạp ở địa bàn dân cư… 

Những kết quả trên đã góp phần quan trọng vào thực hiện các tiêu chí nông thôn mới. Theo báo cáo của Bộ Nông nghiệp & PTNT, Chương trình xây dựng nông thôn mới đã đạt được nhiều kết quả tích cực. Trong 19 tiêu chí về xây dựng nông thôn mới, đã có 79 xã đạt từ 15-18 tiêu chí, 217 xã đạt từ 12-14 tiêu chí, 849 xã đạt 8-9 tiêu chí, còn lại là các xã đạt dưới 5 tiêu chí.

- Đẩy mạnh các hoạt động dịch vụ, dạy nghề, tư vấn, hỗ trợ nông dân:

Một trong những chương trình hoạt động trọng tâm của Hội để tham gia thực hiện Nghị quyết số 26-NQ/TW là tập trung đẩy mạnh các hoạt động dịch vụ, tư vấn, hỗ trợ nông dân phát triển sản xuất, kinh doanh, nâng cao đời sống nông dân, nông thôn.

Để tăng cường hỗ trợ nông dân về vốn sản xuất, Trung ương Hội đã ban hành Nghị quyết 07-NQ/HNDTW ngày 19/7/2010 về đẩy mạnh hoạt động dịch vụ, hỗ trợ nông dân giai đoạn 2010-2015 và Kết luận số 535-KL/HNDTW ngày 19/7/2010 “Về tiếp tục đẩy mạnh xây dựng và phát triển Quỹ Hỗ trợ nông dân”; Ban Thường vụ Trung ương Hội đã ban hành Điều lệ (sửa đổi, bổ sung) tổ chức và hoạt động của Quỹ Hỗ trợ nông dân theo Quyết định số 673/QĐ-TTg, ngày 10/5/2011 của Thủ tướng Chính phủ. Trên cơ sở đó, các cấp Hội đã vận động xây dựng Quỹ đến 30/11/2011, tăng thêm trên 600 tỷ đồng (trong đó, ngân sách Nhà nước cấp theo Quyết định số 673QĐ-TTg gần 550 tỷ đồng), nâng tổng nguồn vốn Quỹ Hỗ trợ nông dân các cấp đạt 1.008,514 tỷ đồng, gồm: Quỹ Trung ương 350,180 tỷ đồng; Quỹ cấp tỉnh 408,273 tỷ đồng; Quỹ cấp huyện và xã: 250,061 tỷ đồng. Trong năm 2011, Quỹ Hỗ trợ nông dân các cấp đã hỗ trợ trên 75.000 hộ nông dân có thêm vốn đầu tư phát triển sản xuất.

Phối hợp với Ngân hàng Chính sách xã hội củng cố sắp xếp lại các Tổ tiết kiệm và vay vốn. Đến 31/10/2011, có 69.993 tổ Tiết kiệm và vay vốn với 2.375.386 thành viên, dư nợ 33.597 tỷ đồng. Phối hợp với Ngân hàng Nông nghiệp và Phát triển nông thôn xây dựng các Tổ vay vốn; triển khai thực hiện Nghị định 41/2010/NĐ-CP, ngày 12/4/2010 của Chính phủ về chính sách tín dụng phục vụ phát triển nông nghiệp, nông thôn. Đến 30/11/2011, có 29.373 Tổ vay vốn hoạt động, với 613.233 thành viên, số tiền dư nợ là 11.472 tỷ đồng...

Ngoài ra, nhiều tỉnh, thành Hội tích cực phối hợp với các công ty cung ứng vật tư nông nghiệp theo phương thức trả chậm trị giá hàng trăm tỷ đồng và tập huấn kỹ thuật, quy trình sử dụng phân bón, thuốc bảo vệ thực vật các loại, thức ăn gia súc và nhiều loại máy nông nghiệp.v.v.

Trung ương Hội đã chỉ đạo tổ chức Hội chợ ở các khu vực nhằm tăng cường quảng bá, giới thiệu tiêu thụ nông sản, hàng hóa cho nông dân; phối hợp triển khai xây dựng hệ thống “Sàn kết nối cung cầu nông nghiệp, thực phẩm” nhằm tạo điều kiện cho nông dân nắm bắt thông tin thị trường; phối hợp với Hiệp hội lương thực Việt Nam triển khai chương trình tăng cường thông tin cho nông dân trồng lúa 13 tỉnh đồng bằng sông Cửu Long...

- Tham gia nghiên cứu, chuyển giao và ứng dụng khoa học, công nghệ vào sản xuất và đào tạo nguồn nhân lực phục vụ công nghiệp hóa, hiện đại hóa nông nghiệp, nông thôn.

Để góp phần tăng cường chất lượng lao động nông nghiệp; trong 3 năm qua, các cấp Hội Nông dân Việt Nam đã tích cực dạy nghề ngắn hạn và phối hợp tổ chức dạy nghề và hỗ trợ việc làm cho nông dân thiết thực và hiệu quả.

Với hệ thống 53 Trung tâm dạy nghề và hỗ trợ việc làm nông dân, 01 Trường Trung cấp nghề (trực thuộc Trung ương Hội mới được thành lập). Từ năm 2008 đến năm 2011, bình quân mỗi năm hệ thống trung tâm dạy nghề của Hội đã trực tiếp dạy nghề và phối hợp dạy nghề cho khoảng 220.000- 290.000 hội viên, nông dân về sản xuất nông nghiệp và các nghề phi nông nghiệp, góp phần nâng cao kỹ năng sản xuất và chuyển đổi cơ cấu lao động ở nông thôn. Ba năm qua, Bộ Lao động- Thương binh và Xã hội đã phân bổ cho Trung ương Hội Nông dân Việt Nam 16 tỷ đồng để đầu tư thiết bị dạy nghề cho các Trung tâm Dạy nghề và Hỗ trợ việc làm nông dân ở Trung ương và các khu vực, góp phần nâng cao quy mô, chất lượng dạy nghề và giới thiệu việc làm cho nông dân.

Thông qua Chương trình vốn quốc gia giải quyết việc làm (120), đến năm 2011 Trung ương Hội đã triển khai 175 dự án, giải quyết việc làm cho 2.123 lao động; các cấp Hội đang quản lý 808 tỷ đồng, giải quyết việc làm cho khoảng 42.500 lao động nông thôn.

Các cấp Hội đã chủ động phối hợp với các cơ quan chuyên môn, các doanh nghiệp tổ chức tập huấn khuyến nông được trên 22,5 triệu lượt hội viên, nông dân. Xây dựng hàng chục ngàn mô hình trình diễn sản xuất trồng trọt, chăn nuôi, mô hình sản xuất, kinh doanh, nhất là các mô hình sản xuất nông nghiệp theo tiêu chuẩn Việt GAP. Nhiều tỉnh, thành Hội tích cực tham gia hướng dẫn hội viên, nông dân phát triển các hình thức kinh tế tập thể; phối hợp với các công ty tập huấn cho nông dân về kỹ thuật sử dụng phân bón, thức ăn gia súc, thuốc thú y, thuốc bảo vệ thực vật và các biện pháp quản lý dịch hại tổng hợp; phối hợp với các nhà khoa học, các trung tâm nghiên cứu chuyển giao hàng trăm tiến bộ khoa học công nghệ mới vào sản xuất nông nghiệp...

Các cấp Hội đã có nhiều biện pháp khuyến khích, tôn vinh nhà nông sáng tạo. Đã có hàng trăm sáng kiến kỹ thuật của nông dân được giải thưởng và ứng dụng có hiệu quả vào sản xuất như: máy làm đất, máy tẽ ngô, máy thái hành... Trung ương Hội Nông dân Việt Nam đã kịp thời tôn vinh nông dân sản xuất kinh doanh giỏi và nông dân có nhiều sáng kiến cải tiến kỹ thuật: tổ chức được 3 Đại hội thi đua yêu nước của Hội gắn với biểu dương nông dân sản xuất kinh doanh giỏi; đã tổ chức được Cuộc thi “Nhà nông đua tài lần thứ nhất” và đã có kế hoạch tổ chức Cuộc thi ”Nhà nông đua tài” lần thứ II vào năm 2012. Hàng năm đều tổ chức giải thưởng ”sao thần nông”. Phối hợp với Bộ Khoa học, Liên hiệp các Hội khoa học kỹ thuật Việt Nam tổ chức 3 lần Cuộc thi “Nhà nông sáng tạo” và đang chuẩn bị cho Cuộc thi này trong năm 2012.

- Tham gia xóa đói giảm nghèo, nâng cao đời sống vật chất, tinh thần của hội viên nông dân.

Các cấp Hội đã chủ động khai thác các nguồn lực, tích cực tham gia “Chương trình mục tiêu quốc gia giảm nghèo và hỗ trợ việc làm”. Phát động phong trào nông dân đoàn kết, tương trợ, giúp đỡ hộ nghèo, các gia đình có hoàn cảnh khó khăn, góp phần đảm bảo an sinh xã hội. Các cấp Hội đã vận động cán bộ, hội viên, nông dân đóng góp hàng tỷ đồng cho Quỹ “Ngày vì người nghèo”, tích cực phổ biến kinh nghiệm làm ăn, cho mượn vốn, cung cấp giống cây, con, tạo việc làm tại chỗ cho gần 260.000 hộ nông dân nghèo, với số tiền hàng trăm tỷ đồng, gần 5 triệu ngày công và nhiều vật tư nông nghiệp khác trị giá hàng chục tỷ đồng. Nhiều tỉnh, thành Hội còn tích cực vận động hội viên nông dân tham gia xóa nhà tạm, xây nhà tình nghĩa, tình thương.

 Nhiều địa phương đã triển khai thí điểm bảo hiểm y tế cho nông dân, tặng thẻ bảo hiểm y tế cho nông dân nghèo; xây dựng mô hình quỹ hưu nông dân đã và đang mang lại những kết quả tích cực, mở ra hướng hoạt động mới của công tác Hội về trợ giúp nông dân, được đông đảo nông dân, cấp ủy, chính quyền các cấp và dư luận đồng tình ủng hộ. Nhiều nơi có cách làm hay như: Hội Nông dân Thành phố Hồ Chí Minh thông qua chương trình “Tết làm điều hay vì nông dân nghèo Thành phố” năm 2011 đã phối hợp với Ngân hàng Vietcombank xây dựng 105 căn nhà tình thương trị giá 2.1 tỷ đồng; trao tặng 1.115 thẻ bảo hiểm y tế trị giá 164.463.525 đồng cho hội viên, nông dân nghèo.

Ngoài ra, các cấp Hội luôn chủ động hướng dẫn hội viên nông dân thực hiện Quy chế dân chủ ở cơ sở. Duy trì tốt việc tiếp dân, gắn với tuyên truyền, phổ biến pháp luật cho hội viên, nông dân theo Chỉ thị số 26/CT-TTg của Thủ tướng Chính phủ; phối hợp trợ giúp pháp lý cho 585.216 hội viên, nông dân; hoà giải gần 120 nghìn vụ mâu thuẫn; tiếp nhận và tham gia giải quyết 48.831 đơn, thư khiếu nại, tố cáo và kiến nghị của hội viên, nông dân. Tích cực kiến nghị với Đảng và Nhà nước giải quyết, bảo vệ quyền và lợi ích chính đáng của hội viên, nông dân, nhất là việc đề nghị xử lý sai phạm trong thực hiện chính sách hỗ trợ người nghèo trong dịp Tết năm 2009; làm việc với Hiệp hội Lương thực và Công ty Lương thực miền Nam về giải pháp bảo đảm quyền lợi của nông dân trong xuất khẩu gạo; báo cáo Thường trực Ban Bí thư Trung ương Đảng và các cơ quan có thẩm quyền yêu cầu Công ty Vedan Việt Nam gây ô nhiễm môi trường bồi thường thiệt hại cho nông dân. Kịp thời có văn bản đề nghị Ủy ban sông Mê Kông Việt Nam có ý kiến với Chính phủ Lào và Ủy hội sông Mê Kông quốc tế về việc xây dựng thủy điện trên sông Mê Kông không làm ảnh hưởng tới môi trường và sinh kế của người dân sống dọc bờ sông Mê Kông; kiến nghị với Đảng và Nhà nước có biện pháp bảo vệ chủ quyền biển đảo, bảo vệ ngư dân đánh bắt hải sản trên vùng biển thuộc chủ quyền Việt Nam…

- Tham gia xây dựng Đảng, chính quyền vững mạnh và khối đại đoàn kết toàn dân tộc 

Các cấp Hội đã tổ chức cho cán bộ, hội viên, nông dân tham gia ý kiến xây dựng các chủ trương, đường lối của Đảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước. Tham gia đóng góp ý kiến phê bình cán bộ, đảng viên, đấu tranh phòng, chống tham nhũng, lãng phí. Đã bồi dưỡng, giới thiệu trên 13 ngàn hội viên ưu tú học lớp đối tượng Đảng, trong đó có 9.589 hội viên được kết nạp vào Đảng. Nhiều cán bộ Hội các cấp được bổ nhiệm vào các chức danh lãnh đạo cấp uỷ, chính quyền địa phương; trong đó có 6.378 cán bộ Hội Nông dân tham gia cấp ủy các cấp. Năm 2011, các cấp Hội đã tích cực vận động hội viên, nông dân tham gia các hội nghị lấy ý kiến nhận xét đối với người ứng cử đại biểu Quốc hội khoá XIII và đại biểu Hội đồng nhân dân các cấp nhiệm kỳ 2011-2016, hăng hái đi bầu cử đạt tỷ lệ cao. Đã có 6 cán bộ Hội Nông dân trúng cử đại biểu Quốc hội khoá XIII, 8.608 cán bộ Hội Nông dân tham gia HĐND các cấp nhiệm kỳ 2011 - 2016.

 Trung ương Hội đã tích cực tham gia xây dựng các nghị quyết, chính sách của Đảng và Nhà nước liên quan đến nông nghiệp, nông dân, nông thôn, trong đó có Nghị quyết số 26-NQ/TW Hội nghị lần thứ 7 Ban Chấp hành Trung ương Đảng khóa X, Quyết định số 1956/QĐ-TTg của Thủ tướng Chính phủ về Đề án đào tạo nghề cho lao động nông thôn đến năm 2020; Dự thảo Nghị định về kinh doanh, xuất khẩu gạo, về chính sách bảo hiểm nông nghiệp, Dự thảo Luật Thuế bảo vệ môi trường…; đã kịp thời kiến nghị với Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ sửa đổi các thủ tục cho vay vốn có hỗ trợ lãi suất theo Quyết định số 497/QĐ-TTg; bổ sung đối tượng vay vốn theo Nghị định số 41/NĐ-CP, bổ sung đối tượng cán bộ Hội được đào tạo theo Quyết định số 1045/QĐ-TTg, sửa đổi, bổ sung Quyết định số 80/QĐ-TTg của Thủ tướng Chính phủ về khuyến khích tiêu thụ nông sản qua hợp đồng; kiến nghị kiểm soát việc chuyển đất lúa sang các mục đích khác…  

III. ĐÁNH GIÁ CHUNG.

1. Ưu điểm:

- Trung ương Hội đã kịp thời xây dựng kế hoạch học tập, quán triệt Nghị quyết và ban hành chương trình hành động nhằm tăng cường chỉ đạo Hội Nông dân các cấp tổ chức thực hiện. Các cấp Hội đã đẩy mạnh công tác tuyên truyền, tạo sự chuyển biến mạnh mẽ về nhận thức cho cán bộ, hội viên nông dân về quan điểm, chủ trương của Đảng đối với nông nghiệp, nông dân, nông thôn; về vai trò, nhiệm vụ của tổ chức Hội, của hội viên nông dân trong phát triển nông nghiệp, xây dựng nông thôn mới và xây dựng giai cấp nông dân Việt Nam.

- Đã chủ động tham mưu cho Bộ Chính trị, Ban Bí thư Trung ương Đảng xây dựng và triển khai thực hiện Đề án ”Nâng cao vai trò, trách nhiệm của Hội Nông dân Việt Nam trong phát triển nông nghiệp, xây dựng nông thôn mới và xây dựng giai cấp nông dân Việt Nam giai đoạn 2010-2020”.

- Chủ động và tích cực phối hợp với các Bộ, ngành, địa phương, doanh nghiệp tăng cường và nâng cao trách nhiệm trong thực hiện Nghị quyết của Đảng.

- Các phong trào thi đua của Hội tiếp tục được phát triển sâu, rộng và được nâng cao về chất, kịp thời động viên, khuyến khích và từng bước hỗ trợ nông dân phát triển kinh tế, góp phần xoá đói giảm nghèo, xây dựng nông thôn mới. Đã chỉ đạo tổ chức nhiều hoạt động dịch vụ, dạy nghề, tư vấn hỗ trợ giúp nông dân phát triển sản xuất kinh doanh, từng bước nâng cao đời sống vật chất và tinh thần cho nông dân, số hộ giàu ngày càng tăng, số hộ nghèo giảm xuống, giai cấp nông dân phấn khởi tin tưởng vào sự lãnh đạo của Đảng và công cuộc đổi mới đất nước. Vị thế và vai trò của tổ chức Hội được nâng cao, hoạt động của Hội có bước phát triển, ngày càng phát huy tốt vai trò trung tâm và nòng cốt trong phong trào nông dân và công cuộc xây dựng nông thôn mới.

 2. Những hạn chế, yếu kém:

- Một số tỉnh, thành Hội còn chậm xây dựng kế hoạch tổ chức thực hiện; công tác tuyên truyền vẫn còn mang tính hình thức,chưa đi vào chiều sâu; chưa nắm bắt kịp thời những khó khăn, vướng mắc, bức xúc trong nông dân để tham mưu cho cấp uỷ, chính quyền có những giải pháp giải quyết kịp thời. Việc phối hợp với các ngành chức năng, các tổ chức chính trị - xã hội, các tổ chức xã hội nghề nghiệp chưa được thường xuyên và nội dung phối hợp còn hạn chế. Thông tin báo cáo chưa kịp thời.

- Nguồn lực Nhà nước giao hàng năm cho các cấp Hội để tổ chức hoạt động dạy nghề và dịch vụ, hỗ trợ nông dân chưa đáp ứng được yêu cầu.

-  Nội dung hoạt động của Hội ở một số nơi chưa thể hiện rõ vai trò tập hợp, tổ chức nông dân tham gia có hiệu quả các chương trình phát triển kinh tế- xã hội ở nông thôn.

- Việc nhân rộng các mô hình kinh tế điển hình, tiên tiến chưa được quan tâm đúng mức. Hoạt động hỗ trợ các mô hình kinh tế còn hạn chế, chưa giúp nông dân mở rộng quy mô sản xuất, nâng cao hiệu quả sản xuất, chất lượng sản phẩm và tiêu thụ nông sản hàng hóa.

3. Nguyên nhân:

- Nhận thức của một bộ phận cán bộ các cấp Hội chưa thật đầy đủ về yêu cầu tháo gỡ những khó khăn và tạo điều kiện thuận lợi cho phát triển nông nghiệp, nông dân, nông thôn là tất yếu để đảm bảo cho sự phát triển bền vững của quá trình công nghiệp hoá, hiện đại hoá đất nước. Bên cạnh đó một số cán bộ đánh giá chưa đúng về vị trí của nông nghiệp, nông dân, nông thôn và vai trò của Hội Nông dân Việt Nam trong sự nghiệp công nghiệp hoá, hiện đại hoá đất nước.

- Đội ngũ cán bộ Hội các cấp số lượng còn thiếu, năng lực còn nhiều bất cập, hạn chế cả về trình độ chuyên môn và kỹ năng vận động trước yêu cầu phát triển nông nghiệp và xây dựng nông thôn mới.

- Tổ chức triển khai các cơ chế, chính sách đã ban hành chưa thật sự quyết liệt, thiếu đồng bộ nên chưa kịp thời giải quyết những vấn đề bức xúc của xã hội cũng như tháo gỡ những nút thắt căn bản cho sự phát triển nông nghiệp, nông thôn.

- Sự phối hợp giữa các Bộ, ngành, giữa các cơ quan Trung ương và địa phương còn thiếu chặt chẽ.

- Các cấp Hội chưa kịp thời tuyên truyền phổ biến kinh nghiệm, các điển hình tiên tiến để nhân rộng.

IV.  MỘT SỐ NHIỆM VỤ VÀ GIẢI PHÁP TIẾP TỤC THỰC HIỆN NGHỊ QUYẾT SỐ 26-NQ/TW TRONG THỜI GIAN TỚI

Trong những năm tới, để tiếp tục triển khai có hiệu quả Nghị quyết số 26-NQ/TW của Ban Chấp hành Trung ương Đảng về nông nghiệp, nông dân, nông thôn; Ban Chấp hành Trung ương Hội Nông dân Việt Nam xác định một số nhiệm vụ và giải pháp quan trọng sau:

1. Tiếp tục đẩy mạnh tổ chức các hoạt động tuyên truyền, giáo dục chính trị tư tưởng cho cán bộ, hội viên nông dân với nhiều hình thức sinh động, phù hợp với nông dân ở từng vùng, từng khu vực; tăng cường tuyên truyền vận động nông dân thực hiện tốt các chủ trương, chính sách của Đảng và Nhà nước về phát triển kinh tế, văn hoá, xã hội, giữ vững ổn định chính trị, trật tự an toàn xã hội ở khu vực nông thôn, để từ đó người nông dân phát huy vai trò chủ thể của mình trong xây dựng nông thôn mới. Tiếp tục triển khai thực hiện tốt cuộc vận động học tập và làm theo tấm gương đạo đức Hồ Chí Minh cho cán bộ và hội viên nông dân.

 2. Tiếp tục đổi mới nội dung, phương thức hoạt động của Hội Nông dân Việt Nam theo Kết luận số 62- KL/TW, ngày 08/12/2009 của Bộ Chính trị (khoá X) về "Tiếp tục đổi mới nội dung, phương thức hoạt động của Mặt trận Tổ quốc Việt Nam và các đoàn thể chính trị - xã hội", đổi mới công tác lãnh đạo, chỉ đạo theo hướng sâu sát, cụ thể, hướng về cơ sở; tiếp tục nâng cao chất lượng và hiệu quả 3 phong trào thi đua của Hội, trọng tâm là Phong trào nông dân thi đua sản xuất, kinh doanh giỏi, đoàn kết giúp nhau xoá đói, giảm nghèo và làm giàu chính đáng. Chú trọng tổ chức xây dựng và nhân rộng các mô hình sản xuất, kinh doanh giỏi, hướng dẫn nông dân đẩy mạnh liên kết, hợp tác trong quá trình sản xuất, tiêu thụ sản phẩm nhằm nâng cao hiệu quả sản xuất, kinh doanh.

3. Trung ương Hội chủ động phối hợp với các bộ, ngành, các địa phương; các tỉnh, thành Hội tích cực phối hợp với các Sở, ngành tham mưu cho cấp ủy và chính quyền để triển khai thực hiện kết luận số 61-KL/TW ngày 03/12/2009 của Ban Bí thư Trung ương Đảng và Quyết định số 673/QĐ-TTg, ngày 10/5/2011 của Thủ tướng Chính phủ đạt hiệu quả cao.

4. Tăng cường công tác đào tạo, bồi dưỡng nâng cao chất lượng cán bộ Hội các cấp. Triển khai thực hiện Quyết định số 1045/QĐ - TTg, ngày 7/7/2010 của Thủ tướng Chính phủ về việc phê duyệt Đề án “Đào tạo, bồi dưỡng cán bộ Hội Nông dân Việt Nam giai đoạn 2010-2015”. Nâng cao chất lượng hoạt động của các Trung tâm Dạy nghề và Hỗ trợ việc làm nông dân cấp tỉnh, thành phố; tích cực tham gia thực hiện Đề án “Dạy nghề cho lao động nông thôn” theo Quyết định 1956/QĐ – TTg của Thủ tướng Chính phủ.

5. Tăng cường các hoạt động dịch vụ hỗ trợ, chủ động liên kết với các doanh nghiệp để cung ứng vật tư, máy móc trực tiếp cho nông dân theo phương thức trả chậm; liên kết với các doanh nghiệp các hiệp hội chế biến, tiêu thụ nông sản hàng hoá giúp nông dân tiêu thụ sản phẩm đạt hiệu quả cao nhất. Đổi mới và nâng cao chất lượng hoạt động của Quỹ Hỗ trợ nông dân; tổ chức quản lý, sử dụng Quỹ Hỗ trợ nông dân các cấp bảo đảm an toàn, hiệu quả.

6. Tăng cường mở rộng quan hệ hợp tác quốc tế, trao đổi kinh nghiệm theo hướng thiết thực, hiệu quả; hướng mạnh hoạt động hợp tác quốc tế vào nhiệm vụ giải quyết việc làm, tiêu thụ nông sản, nâng cao trình độ ứng dụng khoa học kỹ thuật, trình độ tổ chức sản xuất cho nông dân.

7. Tập trung lãnh đạo, chỉ đạo hoàn thành các chỉ tiêu của Đại hội V, Hội Nông dân Việt Nam đề ra, nhất là công tác xây dựng tổ chức Hội, đẩy mạnh công tác phát triển hội viên gắn với đào tạo bồi dưỡng, nâng cao trình độ cho đội ngũ cán bộ Hội. Chỉ đạo các cấp Hội chuẩn bị tốt các điều kiện và tổ chức thành công Đại hội Hội Nông dân các cấp tiến tới Đại hội đại biểu toàn quốc Hội Nông dân Việt Nam lần thứ VI.

8. Các cấp Hội tăng cường công tác kiểm tra việc thực hiện Nghị quyết; giám sát, đôn đốc việc triển khai thực hiện các chương trình, dự án tại các địa phương, kịp thời phát hiện và chấn chỉnh những thiếu sót, đồng thời kiến nghị bổ sung, sửa đổi kịp thời những chính sách đối với nông dân. Tích cực bám sát cơ sở để phát hiện và giúp đỡ nông dân tháo gỡ khó khăn, đẩy mạnh sản xuất kinh doanh.

9. Các cấp Hội tổ chức tốt các phong trào thi đua thực hiện thắng lợi Nghị quyết số 26-NQ/TW, ngày 05 tháng 8 năm 2008 của BCH Trung ương Đảng (khóa X) về  nông nghiệp, nông dân, nông thôn. Vận động cán bộ, hội viên, nông dân tích cực hưởng ứng tham gia Phong trào thi đua ”Cả nước chung sức xây dựng nông thôn mới” do Thủ tướng Chính phủ phát động.

V- MỘT SỐ KIẾN NGHỊ ĐỀ XUẤT

1- Đề nghị Bộ Chính trị, Ban Bí thư tăng cường lãnh đạo, chỉ đạo đẩy mạnh công tác kiểm tra đôn đốc việc thực hiện Nghị quyết số 26-NQ/TW Hội nghị lần thứ 7 Ban Chấp hành Trung ương Đảng (khoá X) về nông nghiệp, nông dân, nông thôn vì đã qua 3 năm thực hiện Nghị quyết nhưng kết quả đạt được cũng còn nhiều hạn chế. Nông dân mong muốn Nghị quyết Trung ương 7 (khoá X) sẽ tạo ra sự đột phá trong phát triển nông nghiệp, nâng cao đời sống nông dân cũng như đổi mới bộ mặt nông thôn.

2- Đề nghị Ban Bí thư Trung ương Đảng:

- Chỉ đạo tổng kết thực hiện Chỉ thị 59- CT/TW ngày 15/12/2000 của Bộ Chính trị về tăng cường sự lãnh đạo của Đảng đối với hoạt động của Hội Nông dân Việt Nam thời kỳ công nghiệp hóa- hiện đại hóa nông nghiệp, nông thôn.

- Chỉ đạo Hội đồng lý luận Trung ương có chuyên đề nghiên cứu về giai cấp nông dân, qua đó cung cấp cơ sở lý luận và thực tiễn để đề ra chủ trương, giải pháp xây dựng giai cấp nông dân Việt Nam trong thời kỳ mới.

- Cho phép Hội Nông dân Việt Nam tiếp tục chuẩn bị dự thảo Luật Nông dân để trình Quốc hội vào thời điểm thích hợp, nhằm tăng cường sự lãnh đạo của Đảng và quản lý của Nhà nước đối với giai cấp nông dân và tổ chức Hội Nông dân Việt Nam trong thời kỳ công nghiệp hóa - hiện đại hóa đất nước.

3- Đề nghị Ban Tổ chức Trung ương sớm phê duyệt Đề án tổ chức bộ máy và biên chế cơ quan chuyên trách Hội Nông dân Việt Nam cấp tỉnh, huyện mà Đảng đoàn Hội Nông dân Việt Nam đã trình để hướng dẫn thực hiện. Đây là điều kiện rất quan trọng để Hội Nông dân Việt Nam thực hiện thắng lợi nhiệm vụ tham gia phát triển kinh tế - xã hội nông thôn.  

4- Đề nghị Chính phủ:

- Đổi mới cơ chế, chính sách đủ sức hấp dẫn để huy động mạnh mẽ các nguồn lực đầu tư về nông thôn, tập trung cho kết cấu hạ tầng: điện, đường, trường, trạm, thuỷ lợi, khoa học - công nghệ và dạy nghề cho nông dân… Có chính sách khuyến khích việc nâng quy mô sản xuất, khắc phục tình trạng manh mún, phân tán hiện nay.

- Chính phủ chỉ đạo các địa phương đẩy nhanh tiến độ cấp giấy chứng nhận quyền sử dụng đất cho nông dân, sớm trình Quốc hội sửa đổi Luật Đất đai năm 2013. Quy hoạch các vùng sản xuất gắn với hình thành cơ sở chế biến nông sản, có chính sách hỗ trợ bảo hiểm đối với cây trồng, vật nuôi, chính sách hợp lý tạo điều kiện cho nông dân vay vốn được thuận lợi để phát triển sản xuất. Sửa đổi đối tượng thụ hưởng chính sách tín dụng theo Nghị định 41 bao gồm cả các hộ nông dân thuộc các thị trấn, phường có sản xuất  nông nghiệp. Có cơ chế tạo lập nguồn vốn lâu dài cho Ngân hàng Chính sách xã hội và cơ chế huy động nguồn vốn trung và dài hạn đối với các ngân hàng thương mại để đủ sức thực hiện chính sách tín dụng phục vụ phát triển nông nghiệp, nông thôn theo Nghị định 41 của Chính phủ.

- Ban hành chính sách để các doanh nghiệp xuất khẩu các mặt hàng nông sản chủ lực như: Lúa gạo, cà phê, hồ tiêu, cao su… trích một phần lợi nhuận trên số lượng hàng xuất khẩu thực tế hàng năm để thành lập Quỹ đầu tư, hỗ trợ trở lại cho người sản xuất ở các vùng chuyên canh.

- Có cơ chế, chính sách hỗ trợ sớm để nông dân phòng chống dịch bệnh cho gia súc, chống rét cho trâu bò ở các tỉnh miền núi. Không nên để tình trạng gia súc đã chết hoặc bị tiêu huỷ mới hỗ trợ thiệt hại theo đầu con. Chỉ đạo các ngành chức năng, quản lý chặt chẽ vật tư, thuốc bảo vệ thực vật, không để tình trạng hàng giả không bảo đảm chất lượng lưu thông trên thị trường.

- Đề nghị chỉ đạo tổng kết Quyết định số 80/QĐ-TTg của Thủ tướng Chính phủ về chính sách khuyến khích việc tiêu thụ sản phẩm hàng hóa thông qua hợp đồng, bổ sung cơ chế thực hiện đồng bộ mối liên kết 4 nhà (nhà doanh nghiệp, nhà nông, nhà khoa học, nhà nước) để hỗ trợ nông dân tiêu thụ sản phẩm có hiệu quả.

 - Tăng cường quan tâm chỉ đạo và hỗ trợ nông dân trong việc phòng ngừa và giảm thiểu rủi do do thiên tai, bão lụt gây ra, nhất là ở những vùng thường xuyên xẩy ra bão lụt.

- Có chính sách khuyến khích người trồng lúa xuất khẩu; đồng thời, có biện pháp bảo vệ vững chắc đất nông nghiệp nhất là đất trồng lúa nhằm bảo đảm an ninh lương thực quốc gia và xuất khẩu./.

 

Nơi nhận :                                T/M BAN CHẤP HÀNH

- Ban Bí thư TW Đảng (Để BC),               PHÓ CHỦ TỊCH

- Văn phòng TW Đảng,      

- Văn phòng Chính phủ,                                       (đã ký)

- Ban Dân vận TW Đảng,

- Ban Tuyên giáo Trung ương Đảng,     Nguyễn Duy Lượng

- Ban Tổ chức Trung ương Đảng,

- UB Kiểm tra Trung ương Đảng,

- Uỷ ban TW MTTQVN,

- Các đ/c Uỷ viên BCH TW Hội,

- Các tỉnh, thành Hội,

- Các ban, đơn vị TW Hội,

- Lưu.                         

 

Thêm bình luận :
Họ và tên
Email

Bài đọc nhiều nhất

Giải quyết khiếu nại tố cáo tại Đồng Tháp