Hội Nông dân Ninh Bình góp phần hạn chế khiếu kiện của nông dân
13:57 - 02/12/2008
Thực hiện Chỉ thị 26/TTg và Công văn 1502 của Thủ tướng Chính phủ, các cấp Hội Nông dân tỉnh Ninh Bình tích cực triển khai đồng bộ các hoạt động, trong đó đặc biệt chú trọng đến công tác hòa giải ở cơ sở để hạn chế đến mức thấp nhất khiếu kiện sai, đông người vượt cấp, tránh phát sinh thành những vụ việc phức tạp.

        
         Đến nay, 8/8 huyện, thành, thị Hội và 144/144 cơ sở xã, phường, thị trấn của tỉnh Ninh Bình đã kiện toàn, củng cố Ban chỉ đạo 26. Xây dựng quy chế hoạt động, chương trình, kế hoạch thực hiện theo tinh thần Công văn 1502 của Thủ tướng Chính phủ. Tổ chức quán triệt trong hệ thống Ban Chấp hành Hội Nông dân các cấp các văn bản chỉ đạo mới để tạo ra sự thống nhất về nhận thức, hành động ở các cấp Hội. Hội Nông dân tỉnh tiếp tục ký kết chương trình phối hợp với các ngành Thanh tra, Tư pháp, Tài nguyên Môi trường trong giai đoạn mới, trên cơ sở đó chủ động triển khai thực hiện.

Các cấp Hội Nông dân tỉnh Ninh Bình tích cực triển khai đồng bộ các hoạt động: phổ biến giáo dục pháp luật, trợ giúp pháp lý cho nông dân, hòa giải ở cơ sở, tham gia giải quyết khiếu nại tố cáo của nông dân; trong đó đặc biệt chú trọng đến công tác hòa giải ở cơ sở để hạn chế thấp nhất khiếu kiện sai, đông người vượt cấp, tránh phát sinh thành những vụ việc phức tạp. 
Mâu thuẫn trong nội bộ nông dân được Hội Nông dân cơ sở, chi, tổ Hội nắm bắt kịp thời, kiên trì thuyết phục, vận động các bên tranh chấp tự thỏa thuận, hòa giải với nhau trên cơ sở thấu lý, đạt tình. Những  bức xúc trong các lĩnh vực thu hồi đất, bồi thường hỗ trợ tái định cư, ô nhiễm môi trường, ảnh hưởng thiệt hại ngoài vùng dự án đều được các cấp Hội quan tâm, lắng nghe tâm tư, nguyện vọng của bà con để đề xuất, tham mưu cho Đảng, cho chính quyền giải quyết bảo đảm quyền lợi chính đáng của nông dân. 

Các tổ hòa giải đều có cán bộ Hội Nông dân tham gia tích cực với phương châm kiên trì vận động, tuyên truyền giáo dục trên cơ sở chính sách pháp luật, vừa có lý vừa có tình với phương pháp tìm hiểu sự việc, đánh giá đối tượng, qua người có uy tín với các bên tranh chấp để thuyết phục, qua các hình thức hòa giải linh hoạt như dựa trên tình làng nghĩa xóm, anh em thân tộc, đối thoại trực tiếp, sinh hoạt chi, tổ Hội, phối hợp với các tổ chức đoàn thể khác cùng vận động, thuyết phục…từ đó đã góp phần nâng cao nhận thức và ý thức chấp hành pháp luật của người dân, hạn chế khiếu kiện, phát huy tinh thần tương thân tương ái, giữ gìn đoàn kết, truyền thống tốt đẹp của dân tộc, đồng thời ổn định trật tự xã hội nông thôn. Từ đầu năm 2008 đến nay, Hội đã tham gia hòa giải thành 87 vụ việc, nhận 56 đơn thư, trong đó giải quyết 12 đơn thuộc thẩm quyền của Hội, 44 đơn chuyển các cơ quan chức năng giải quyết.

Công tác tuyên truyền phổ biến giáo dục pháp luật cho cán bộ, hội viên, nông dân cũng luôn được các cấp Hội thực hiện thường xuyên. Các chủ trương, đường lối của Đảng, chính sách pháp luật của Nhà nước được tuyên truyền đến các chi, tổ Hội, đến hội viên, nông dân bằng các hình thức phong phú, thiết thực  nhằm nâng cao nhận thức pháp luật cho cán bộ, hội viên, nông dân, giúp nông dân hiểu được việc thực hiện quyền khiếu nại tố cáo phải đúng pháp luật, đảm bảo lợi ích chính đáng của gia đình, bản thân nhưng không được xâm phạm lợi ích của Nhà nước, của cộng đồng. Từ đầu năm 2008 đến nay, Hội Nông dân tỉnh đã phối hợp với Sở Tư pháp tổ chức được 28 buổi tuyên truyền pháp luật, trợ giúp pháp lý cho 17.000 lượt hội viên, nông dân. 

Các cấp Hội rất quan tâm đến việc xây dựng Tủ sách pháp luật của nông dân, giúp nông dân có điều kiện tiếp cận với các chính sách pháp luật của Đảng và Nhà nước, đến nay trong các cấp Hội đã xây dựng được 16 tủ sách pháp luật của nông dân tại các cơ sở Hội, nhiều cơ sở Hội còn đặt Tủ sách pháp luật tại các chi, tổ Hội, tại nhà văn hóa thôn thu hút đông đảo nông dân đến tìm hiểu, mượn đọc. 

Gắn liền với việc xây dựng các Tủ sách pháp luật của nông dân là xây dựng hệ thống các Câu lạc bộ nông dân với pháp luật. Ban chủ nhiệm Câu lạc bộ nông dân với pháp luật có sự tham gia của  cán bộ Tư pháp, địa chính, chủ tịch Hội Nông dân xã, phường, do Chủ tịch Hội Nông dân làm chủ nhiệm Câu lạc bộ. Định kỳ Câu lạc bộ sinh hoạt với những nội dung: phản ánh, nắm bắt tâm tư, nguyện vọng của nông dân, những mâu thuẫn, vướng mắc trong nông dân, tham gia hòa giải, giải quyết đơn thư khiếu nại tố cáo ở các chi Hội, tổ Hội. Lồng ghép các buổi sinh hoạt Câu lạc bộ, sinh hoạt chi, tổ Hội với việc tìm hiểu pháp luật, trao đổi về những nội dung hỏi đáp pháp luật, kết hợp tư vấn pháp luật, trợ giúp pháp lý cho các thành viên Câu lạc bộ và hội viên, nông dân; hòa giải và tham mưu cho tổ chức Hội về công tác hòa giải, vì vậy đã góp phần ổn định tình hình trật tự an toàn xã hội ở địa phương. 

Các cấp Hội nông dân tỉnh Ninh Bình tích cực phối hợp với các cấp chính quyền và các ngành chức năng trong công tác tiếp dân và tham gia giải quyết khiếu nại tố cáo của nông dân. Định kỳ lãnh đạo Hội Nông dân tỉnh tham gia tiếp dân cùng lãnh đạo chính quyền cùng các ngành chức năng, tổ chức đối thoại với nông dân, trả lời những vấn đề bức xúc của nông dân. Các khiếu kiện phức tạp, đông người được chỉ đạo giải quyết một cách kiên quyết, kịp thời. Do vậy, việc giải quyết khiếu nại tố cáo đã được thực hiện một cách nghiêm túc, nhiều vụ việc mới phát sinh đã được tập trung giải quyết. Số lượt dân đến khiếu kiện tại các Trụ sở tiếp dân của các cấp, các ngành đã giảm so với cùng kỳ năm 2007. Đơn thư vượt cấp cũng như tình trạng trực tiếp kéo lên Trung ương để khiếu kiện đã giảm, không còn xảy ra tình trạng khiếu kiện phức tạp, đông người. Một số khiếu kiện phức tạp, kéo dài ở huyện Nho Quan, Hoa Lư, Yên Khánh và Thành phố Ninh Bình đã được Ủy ban nhân dân tỉnh và các ngành khác, trong đó có sự tham gia tích cực của Hội Nông dân các cấp tập trung  giải quyết cơ bản, đến nay tình hình đã ổn định, bảo đảm được quyền và lợi ích hợp pháp của nông dân. 

Các cấp Hội Nông dân tỉnh Ninh Bình còn tích cực phối hợp cùng chính quyền, các ngành, các cấp thực hiện Pháp lệnh dân chủ ở xã, phường, thị trấn  và phát huy vai trò làm chủ của Hội Nông dân tham gia xây dựng chính quyền trong sạch, vững mạnh. Biểu hiện rõ nhất trong việc thực hiện Pháp lệnh dân chủ cơ sở là Hội tham gia xây dựng hương ước thôn xóm, vận động hội viên, nông dân thực hiện tốt hương ước, xây dựng gia đình nông dân văn hóa, thôn, ấp, bản, làng văn hóa. 

Bên cạnh những kết quả đạt được rất đáng ghi nhận, trong quá trình tham gia giải quyết khiếu nại tố cáo của nông dân, hòa giải ở cơ sở, các cấp Hội tỉnh Ninh Bình còn gặp không ít những khó khăn, vướng mắc. Nhận thức của chính quyền các cấp ở một số nơi chưa đúng, chưa tin ở Hội nên chưa có sự quan tâm đúng mức cũng như chưa tạo điều kiện cho Hội về cơ chế, chính sách, kinh phí để triển khai thực hiện. Chương trình phối hợp giữa Hội Nông dân với các ngành chức năng chưa được chú trọng đúng mức, sự phối hợp chưa thường xuyên, thiếu thông tin hai chiều nên quá trình giải quyết khiếu kiện nhất là lĩnh vực liên quan đến đất đai giải quyết chưa đạt được mục tiêu đề ra. 

Những nguyên nhân trên ảnh hưởng không nhỏ đến hiệu quả thực hiện Chỉ thị 26/TTg và Công văn 1502 của Thủ tướng Chính phủ tại tỉnh Ninh Bình.

 

                                                                          Vân Anh

 

 

 

 

Thêm bình luận :
Họ và tên
Email

Bài đọc nhiều nhất

Giải quyết khiếu nại tố cáo tại Đồng Tháp