Bình Phước sau 5 năm thực hiện Chỉ thị 26 của Thủ tướng Chính phủ
Thực hiện Chỉ thị 26, Hội Nông dân tỉnh đã phối hợp với các ngành và chính quyền địa phương chọn 11 cơ sở của 8 huyện, thị làm điểm triển khai và rút kinh nghiệm
Những năm qua, cùng với việc thực hiện công cuộc đổi mới đất nước, Bình Phước đã có bước phát triển tích cực và ổn định trên các lĩnh vực kinh tế, chính trị, văn hoá, xã hội, đời sống vật chất, tinh thần, dân trí được cải thiện. Tuy nhiên tình hình khiếu nại, tố cáo, tranh chấp đất đai, tài sản trên địa bàn tỉnh diễn ra khá phức tạp. Việc giải quyết khiếu nại, tố cáo, tranh chấp còn gặp khó khăn, nhất là những tranh chấp liên quan đến đất đai, tình hình khiếu nại đòi đất của đồng bào dân tộc thiểu số thời gian gần đây tuy đã lắng dịu nhưng còn tiềm ẩn yếu tố phức tạp.
Thực hiện Chỉ thị 26 của Thủ tướng Chính phủ, UBND tỉnh đã chỉ đạo các sở, ban, ngành, UBND huyện, thị phối hợp và tạo điều kiện để Hội Nông dân tham gia trong việc tiếp công dân và giải quyết khiếu nại, tố cáo; tập trung giải quyết các đơn thư thuộc thẩm quyền, không để phát sinh điểm nóng, khiếu kiện vượt cấp; chính quyền mời Hội tiếp nông dân, nghe phản ánh về tâm tư, nguyện vọng, các đề nghị của nông dân; vụ việc cần hoà giải thì Hội chủ động tiếp nhận đơn, hoà giải hoặc chuyển đơn đến cơ quan có thẩm quyền giải quyết theo quy định của pháp luật; phối hợp với Hội xây dựng QCDC ở nông thôn, xây dựng gia đình văn hoá, làng, bản văn hoá.
Hội Nông dân các cấp đã chủ động ký kết chương trình phối hợp với ngành Tư pháp, Thanh tra, Tài nguyên và môi trường thực hiện có hiệu quả Chỉ thị 26, góp phần tích cực vào việc ổn định chính trị, quốc phòng an ninh, phát triển kinh tế, văn hoá, xã hội ở địa phương.
Các cấp Hội Nông dân đã phối hợp với các ngành phổ biến, giáo dục pháp luật cho hội viên, nông dân với những nội dung liên quan đến sản xuất và đời sống đang gây nhiều bức xúc, vướng mắc trong nông dân như Bộ luật Dân sự, Hình sự, Luật Đất đai, Luật Khiếu nại tố cáo, Luật Hôn nhân và gia đình, Pháp lệnh thực hiện dân chủ ở xã, phường, thị trấn… 5 năm qua đã tổ chức phổ biến pháp luật đến 250.000 lượt cán bộ, hội viên, nông dân. Ngoài ra, Hội còn phối hợp tổ chức các hội thi tìm hiểu về Luật Khiếu nại tố cáo, Luật Đất đai, hội thi Nhà nông đua tài, thi Cán bộ Chi hội giỏi… các cuộc thi đã nhận được sự đồng tình và thu hút đông đảo người dân tham gia, đặc biệt là nông dân vùng sâu, vùng xa, vùng đồng bào dân tộc thiểu số. Qua đó giúp người dân hiểu rõ chính sách pháp luật của Đảng và Nhà nước trong đền bù giải phóng mặt bằng, trình tự thủ tục, thẩm quyền giải quyết khiếu nại tố cáo… Bên cạnh đó, Hội Nông dân tỉnh còn cung cấp Sổ tay phổ biến pháp luật cho nông dân, Sổ tay nghiệp vụ cán bộ Hội Nông dân cơ sở thực hiện Chỉ thị 26, Sổ tay hướng dẫn về tổ chức và hoạt động của CLB nông dân với pháp luật, Bản tin Hội Nông dân tỉnh với chuyên mục “tìm hiểu chính sách pháp luật” được phát hành tới 100% tổ chức Hội từ chi Hội trở lên để dùng làm tài liệu trong các kỳ sinh hoạt chi, tổ Hội.
Hội Nông dân tỉnh đã phối hợp với Trung tâm Trợ giúp pháp lý tỉnh tiến hành trợ giúp pháp lý miễn phí cho 100% xã, phường, thị trấn trên địa bàn 8 huyện, thị. Sau 5 năm đã tư vấn pháp luật và trợ giúp pháp lý cho 35.000 trường hợp chủ yếu liên quan đến các vấn đề như chính sách giao đất, giao rừng, thu hồi đất, thu hồi rừng, chính sách thuế nông nghiệp, chuyển quyền sử dụng đất… những thắc mắc của nông dân đã được các trợ giúp viên pháp luật và cộng tác viên pháp lý giải đáp tận tình. Qua đó giúp nông dân nâng cao nhận thức pháp luật, để có thể tự bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp của mình theo quy định của pháp luật.
Nhằm tạo điều kiện cho đội ngũ cán bộ làm tốt công tác hoà giải và tham gia giải quyết khiếu nại, tố cáo, những năm qua Hội Nông dân các cấp đã tổ chức các lớp tập huấn, bồi dưỡng nghiệp vụ hoà giải và giải quyết khiếu nại, tố cáo cho cán bộ Hội ở các huyện, thị xã và cơ sở. Nội dung tập huấn chủ yếu về nghiệp vụ, trình tự tiếp nhận và giải quyết đơn thư khiếu nại, tố cáo; kỹ năng tuyên truyền phổ biến giáo dục pháp luật; kỹ năng tư vấn pháp luật và trợ giúp pháp lý; các nội dung cơ bản về Luật Khiếu nại tố cáo, Luật Đất đai… Kết quả đã tổ chức tập huấn được 110 lớp với 14.425 lượt cán bộ tham gia.
5 năm qua, các cấp Hội đã tiếp nhận và giải quyết 1.842 đơn khiếu nại, tố cáo thuộc thẩm quyền; tham gia hoà giải thành 6.579 vụ mâu thuẫn, tranh chấp trong nông dân, hạn chế những khiếu kiện vượt cấp, giữ gìn tình làng nghĩa xóm, tình đoàn kết trong nội bộ nông dân, củng cố thêm lòng tin của nông dân vào sự lãnh đạo của Đảng, Nhà nước và chính quyền địa phương.
Thực hiện Chỉ thị 26, Hội Nông dân tỉnh đã phối hợp với các ngành và chính quyền địa phương chọn 11 cơ sở của 8 huyện, thị làm điểm triển khai và rút kinh nghiệm. Tại các điểm này Hội đã tăng cường tuyên truyền, phổ biến pháp luật, trợ giúp pháp lý cho hội viên nông dân, hướng dẫn, bồi dưỡng nghiệp vụ cho cán bộ, giải quyết và tham gia giải quyết khiếu nại, tố cáo, hoà giải ở cơ sở. Qua 5 năm đã phối hợp tổ chức được 26 lớp tập huấn cho 3.120 lượt cán bộ; tổ chức 45 buổi tuyên truyền pháp luật và trợ giúp pháp lý cho 3.785 lượt người; cấp phát 5.500 tài liệu pháp luật cho cán bộ, hội viên nông dân; tham gia giải quyết, hoà giải thành 321 đơn khiếu nại, kiến nghị của hội viên nông dân.
Chỉ thị 26 là một chủ trương đúng đắn, phù hợp với lòng dân, được nhân dân đồng tình ủng hộ, thực hiện tốt Chỉ thị 26 các cấp Hội Nông dân tỉnh Bình Phước đã bảo đảm quyền lợi hợp pháp cho nông dân, làm giảm thiểu việc khiếu nại, tố cáo không đúng và giải quyết được nhiều tranh chấp không đáng có trong nội bộ nông dân, giữ được tình làng, nghĩa xóm, tạo được sự đoàn kết trong cộng đồng dân cư, góp phần ổn định tình hình an ninh chính trị, trật tự an toàn xã hội trên địa bàn tỉnh.
Thu Hà