Hội Nông dân Bình Dương, 10 năm xây dựng và thực hiện Quy chế dân chủ cơ sở
Hội Nông dân tỉnh đã thành lập Ban Chỉ đạo 26 ở tỉnh, huyện thị và cơ sở. Đồng thời, còn thành lập Ban Kiểm tra để giám sát, kiểm tra việc tổ chức thực hiện QCDC ở cơ sở và phối hợp tham gia tiếp dân, giải quyết khiếu nại, tố cáo của nông dân, hòa giải ở cơ sở.
Sau 10 năm xây dựng và thực hiện Chỉ thị 30 của Bộ Chính trị, Nghị định 29 của Chính phủ, Hội Nông dân tỉnh Bình Dương đã cùng chính quyền, đoàn thể và hội viên, nông dân đạt được nhiều kết quả nhất định góp phần phát triển kinh tế- xã hội ở nông thôn, nông dân phấn khởi hăng hái phát triển sản xuất, xây dựng gia đình văn hoá, khu ấp văn hoá, xây dựng tổ chức Hội ngày càng vững mạnh thực sự là trung tâm nòng cốt phong trào nông dân và xây dựng nông thôn mới.
Những năm qua, Ban Thường vụ Hội Nông dân tỉnh đã chỉ đạo các cấp Hội tổ chức 9.906 cuộc tuyên truyền, quán triệt nâng cao nhận thức về thực hiện dân chủ cơ sở, lồng ghép với tuyên truyền các chủ trương, chính sách của Đảng và pháp luật của Nhà nước, Chỉ thị, Nghị quyết của Hội cho 405.582 lượt cán bộ, hội viên, nông dân.
Qua thực hiện QCDC cơ sở, các cấp Hội đã đẩy mạnh phong trào thi đua sản xuất kinh doanh giỏi, đoàn kết giúp nhau xoá đói giảm nghèo và làm giàu. Đã phối hợp đầu tư các nguồn vốn cho nông dân được 1.933,192 tỷ đồng giúp cho 258.433 lượt hộ nông dân phát triển sản xuất; tổ chức chuyển giao khoa học kỹ thuật, tập huấn kỹ năng chăn nuôi, trồng trọt và sử dụng các loại thuốc nông dược an toàn được 5.244 cuộc với 238.219 lượt người dự. 10 năm qua đã có 300.727 lượt hộ đăng ký thi đua SXKD giỏi, đã bình chọn được 181.198 lượt hộ đạt danh hiệu nông dân SXKD giỏi và giúp 8.859 hộ thoát nghèo.
Các cấp Hội đã vận động nông dân tham gia xây dựng kết cấu hạ tầng nông thôn, đã đóng góp 27,578 tỷ đồng và 176.649 ngày công lao động để sửa chữa và xây dựng đường giao thông nông thôn, làm thuỷ lợi nội đồng, nước sạch vệ sinh môi trường và các công trình phúc lợi xã hội, góp phần làm cho bộ mặt nông thôn ngày càng đổi mới. Vận động nông dân tham gia phong trào phát triển văn hoá xã hội, an ninh quốc phòng, tham gia xây dựng khu, ấp văn hoá, gia đình nông dân văn hoá. Vận động nông dân tham gia xây dựng lực lượng an ninh nhân dân, tổ nhân dân tự quản, tổ hoà giải ở cơ sở, góp phần giữ gìn trật tự an toàn xã hội.
Thực hiện QCDC cơ sở, Hội vận động nông dân tham gia xây dựng Đảng, chính quyền và tổ chức Hội ngày càng vững mạnh. Hàng năm nông dân đều tham gia góp ý kiến cho cán bộ, đảng viên, cho tổ chức Đảng và chính quyền. 10 năm qua các cấp Hội đã giới thiệu cho Đảng kết nạp được 584 đảng viên mới, Hội có 2.398 đảng viên tham gia sinh hoạt.
Hội Nông dân tỉnh đã thành lập Ban Chỉ đạo 26 ở tỉnh, huyện thị và cơ sở. Đồng thời, còn thành lập Ban Kiểm tra để giám sát, kiểm tra việc tổ chức thực hiện QCDC ở cơ sở và phối hợp tham gia tiếp dân, giải quyết khiếu nại, tố cáo của nông dân, hòa giải ở cơ sở. Qua 10 năm đã tham gia hoà giải được 18.039 vụ, tổ chức 7.776 cuộc tuyên truyền phổ biến giáo dục pháp luật cho 362.048 lượt người tham dự, trợ giúp pháp lý 783 buổi cho 27.546 lượt người dự trong đó có 3.945 lượt người được tư vấn trực tiếp về các vấn đề tranh chấp đất đai, hôn nhân và gia đình, mâu thuẫn nội bộ, tranh chấp hợp đồng dân sự…
Nhìn chung, nhận thức của cán bộ, hội viên, nông dân được nâng cao, đã phát huy được quyền làm chủ, tích cực tham gia đóng góp ý kiến về các dự án phát triển kinh tế - xã hội ở cơ sở, làm đường giao thông nông thôn; tham gia bầu Hội đồng nhân dân các cấp, bầu trưởng khu, ấp, tham gia các phong trào thi đua sản xuất, nâng cao đời sống về vật chất và tinh thần của nông dân.
Song Hà