Tiền Giang: Phối hợp để giải quyết khiếu kiện của nông dân
13:17 - 17/11/2008
Nhờ sự phối hợp đồng bộ, chặt chẽ giữa các ngành, các đoàn thể với các cấp Hội Nông dân trong tỉnh, Tiền Giang đã tạo sự chuyển biến mạnh mẽ và đạt được những kết quả tích cực trong quá trình giải quyết khiếu nại tố cáo của nông dân, góp phần ổn định tình hình an ninh chính trị, trật tự xã hội địa phương.

Để giải quyết có hiệu quả tình hình khiếu kiện gay gắt, Lãnh đạo tỉnh Tiền Giang đã tiến hành thành lập các tổ công tác gồm các ngành chức năng,  Mặt trận Tổ quốc và các đoàn thể (trong đó đặc biệt nhấn mạnh vai trò quan trọng của Hội Nông dân). Điều đó đã tạo điều kiện thuận lợi để Hội Nông dân các cấp làm tốt công tác tham gia giải quyết khiếu nại tố cáo của nông dân.Thực hiện Chỉ thị 26/TTg của Thủ tướng Chính phủ và sự chỉ đạo, hướng dẫn của Trung ương Hội Nông dân Việt Nam, Ban Thường vụ HND tỉnh đã chủ động phối hợp và tham mưu cho Ủy ban nhân dân tỉnh ban hành Chỉ thị số 15/2002/CT-UB ngày 27/6/2002 và Quyết định số 24/2002/QĐ-UB về việc tạo điều kiện để HND tham gia giải quyết khiếu nại tố cáo của nông dân được chỉ đạo triển khai từ tỉnh đến cơ sở. Tiếp thu chỉ đạo mới theo đúng tinh thần Công văn 1502/TTg-V.II ngày 15/10/2007 của Thủ tướng Chính phủ, Ban Thường vụ tỉnh Hội đề nghị UBND tỉnh ban hành Công văn 967/UBND-NC nhằm chỉ đạo cụ thể các ngành chức năng hướng dẫn hệ thống ngành dọc tăng cường phối hợp với HND tiếp tục thực hiện tốt Chỉ thị 26/TTg. Đồng thời, Ủy ban nhân dân tỉnh yêu cầu các ngành, đoàn thể xây dựng chương trình, quy chế phối hợp với Hội Nông dân để xác định những công việc cụ thể mà các cơ quan cùng phải vào cuộc để giải quyết khiếu nại tố cáo ở các địa phương và giải quyết khiếu kiện đông người trên địa bàn tỉnh Tiền Giang.

          Nhằm nâng cao hiểu biết pháp luật cho nông dân để hạn chế đến mức thấp nhất những khiếu kiện sai, khiếu kiện vượt cấp, các cấp Hội Nông dân tỉnh Tiền Giang đã đặc biệt chú trọng công tác phổ biến giáo dục pháp luật, trợ giúp pháp lý cho nông dân. Xác định đây là nhiệm vụ trọng tâm, thường xuyên của tổ chức Hội để giúp nông dân có những hiểu biết về những chính sách pháp luật có liên quan trực tiếp đến đời sống của hội viên, nông dân, từ đó nâng cao khả năng tự bảo vệ những quyền lợi chính đáng của bản thân và gia đình. Hội Nông dân tỉnh đã chủ động phối hợp cùng ngành Tư pháp thông qua các chương trình tập huấn, tuyên truyền tại cơ sở, qua các phương tiện thông tin đại chúng, hệ thống loa truyền thanh cơ sở, các bản tin công tác Hội, các cuộc thi tìm hiểu pháp luật bằng hình thức thi viết, thi sân khấu hóa…kịp thời chuyển tải đến hội viên, nông dân những nội dung pháp luật thiết thực: Luật đất đai, Luật khiếu nại tố cáo, Luật hôn nhân gia đình, Bộ luật dân sự, hình sự, Pháp lệnh dân chủ cơ sở, các chính sách kinh tế - xã hội, chính sách đền bù, giải toả thực hiện các dự án…Mạng lưới cộng tác viên, tuyên truyền viên pháp luật từ cấp tỉnh đến cơ sở được kiện toàn, củng cố là lực lượng nòng cốt đưa pháp luật đến với cán bộ, hội viên, nông dân ở các thôn, ấp, bản, làng. Ngoài ra, thông qua các chương trình quốc gia phổ biến, giáo dục pháp luật, các cấp Hội trong tỉnh đã tham mưu cùng cấp ủy cùng cấp phối hợp chính quyền và các ban, ngành, đoàn thể trực tiếp tuyên truyền hoặc tuyên truyền lồng ghép với các chương trình sinh hoạt cộng đồng cơ sở nhằm quán triệt những nội dung trọng tâm về chủ trương, chính sách của Đảng và Nhà  nước với phương châm ngắn gọn, dễ hiểu, dễ nhớ, dễ thực hiện…góp phần vào công cuộc CNH-HĐH nông nghiệp, nông thôn, thực hiện tốt phong trào toàn dân đoàn kết xây dựng đời sống văn hóa ở khu dân cư và pháp lệnh dân chủ cơ sở, giữ gìn an ninh trật tự, hạn chế những mâu thuẫn trong nội bộ nông dân, xây dựng nông thôn văn minh, đổi mới.

          Trong 5 năm qua, các cấp Hội đã phối hợp tuyên truyền được 273.681 cuộc với hơn 11.583.149 lượt cán bộ, hội viên, nông dân tham dự, trong đó có hơn 60% cuộc được tổ chức tại cơ sở và chi, tổ Hội với những nội dung thiết thực, cụ thể, hình thức phong phú, có chiều sâu như tọa đàm, thảo luận, thi hỏi đáp…Bên cạnh đó, Hội đã tổ chức được 84.609 cuộc tư vấn pháp luật, trợ giúp pháp lý cho nông dân, đã tiếp nhận và chuyển các ngành 372 đơn thư khiếu nại tố cáo; tham gia hòa giải thành 12.031/17.188 vụ tranh chấp trong nội bộ nông dân, giúp nông dân tự thỏa thuận giải quyết các tranh chấp trên cơ sở vừa có lý vừa có tình. Phối hợp với các ngành tổ chức cuộc thi “Tìm hiểu Luật đất đai” đã thu hút trên 10.000 lượt cán bộ, hội viên, nông dân trong toàn tỉnh tham gia.

          Bên cạnh đó, để nâng cao hiệu quả công tác tham gia giải quyết khiếu kiện của nông dân, việc đào tạo bồi dưỡng chuyên môn nghiệp vụ, nâng cao năng lực cho cán bộ các cấp Hội cũng được tích cực thực hiện. 5 năm qua, phối hợp với Trường chính trị tỉnh, các ngành chức năng, Hội Nông dân tỉnh đã tổ chức trên 90 lớp tập huấn nghiệp vụ thực hiện Chỉ thị 26, tập huấn chuyên đề về các chính sách pháp luật của Nhà nước… với hơn 7.200 lượt cán bộ Hội. Cấp huyện và cơ sở phối hợp tổ chức 274 lớp với hơn 11.344 lượt cán bộ chi, tổ Hội tham dự. Đồng thời, Tỉnh Hội đã cử 140 lượt cán bộ tham dự các lớp tập huấn nghiệp vụ, kỹ năng thực hiện Chỉ thị 26 do Trung ương Hội tổ chức. Qua đó đã giúp cán bộ Hội các cấp nâng cao hơn nữa  nghiệp vụ công tác vận động quần chúng, gần gũi với dân, sát dân, hiểu dân và có kinh nghiệm thực tế trong công tác vận dụng pháp luật vào quá trình giải quyết khiếu nại tố cáo và công tác Hội trong tình hình mới hiện nay.

          Sự phối hợp đồng bộ, chặt chẽ giữa các ngành, các đoàn thể với các cấp Hội Nông dân trong tỉnh Tiền Giang đã tạo nên sự chuyển biến mạnh mẽ, đã đạt được những kết quả tích cực trong quá trình giải quyết khiếu nại tố cáo của nông dân, góp phần ổn định tình hình an ninh chính trị, trật tự xã hội địa phương.

 

Phương Anh

 

 

        

 

 

Thêm bình luận :
Họ và tên
Email

Bài đọc nhiều nhất

Giải quyết khiếu nại tố cáo tại Đồng Tháp