Trong những năm qua, công tác hòa giải ở cơ sở đã có những đóng góp nhất định đối với công tác giải quyết đơn thư khiếu nại, tố cáo của công dân và những vấn đề nảy sinh khác từ thực tế địa bàn dân cư. Trong đó có vai trò quan trọng của các tổ hoà giải có sự tham gia của Hội Nông dân.
Việc phát huy tốt công tác hòa giải bước đầu từ các tổ hòa giải, ban hòa giải ở một số địa phương, đã giúp cho số lượng đơn thư khiếu nại, tố cáo cần phải giải quyết theo đúng quy trình từng cấp theo Luật Khiếu nại, tố cáo giảm đáng kể; tình trạng khiếu nại, tố cáo vượt cấp từng bước được chấn chỉnh. Ðồng thời từ công tác hòa giải ban đầu đã đem lại cho nhiều gia đình, tộc họ, láng giềng lân cận hòa giải được sự bất đồng về lợi ích kinh tế, tinh thần và các mâu thuẫn khác trong cuộc sống.
Qua kinh nghiệm thực tế ở một số địa phương làm tốt công tác hòa giải cơ sở, trước hết là do lãnh đạo địa phương biết "tranh thủ" vận động những người uy tín có ảnh hưởng lớn trong cộng đồng dân cư, trưởng của các tộc họ là người lớn tuổi, người có trình độ và lối sống mẫu mực... để tham gia các tổ hòa giải ở địa bàn thôn, khu phố và ban hòa giải xã, phường, thị trấn. Bên cạnh đó, lãnh đạo cấp ủy, chính quyền địa phương quan tâm đội ngũ những người làm công tác hòa giải, kịp thời động viên, khuyến khích họ tham gia một cách tự nguyện, không đòi hỏi một lợi ích vật chất.
Ngoài ra, địa phương đã biết phối hợp các cơ quan chuyên môn hoạt động trên lĩnh vực pháp luật để tổ chức các cuộc thi "Hòa giải viên giỏi", cung cấp tài liệu, phổ biến điều luật cơ bản cần thiết, các văn bản dưới luật cho đội ngũ làm công tác hòa giải, như: Luật Ðất đai, Luật Khiếu nại, tố cáo, Luật Hôn nhân gia đình và nội dung văn bản có liên quan về thực hiện dân chủ ở cơ sở...
Tuy nhiên, hiện nay vẫn còn không ít địa phương chưa phát huy đúng mức công tác hòa giải ở cơ sở. Trước hết, do lãnh đạo địa phương thiếu sự quan tâm, hoặc ngại khó khi tiến hành vận động, thuyết phục người tham gia công tác hòa giải. Thậm chí có địa phương tiến hành tổ chức các Tổ hòa giải, Ban hòa giải cho có hình thức, còn hiệu quả mang lại thì không nhất thiết, cho nên khi tiến hành các bước hòa giải chỉ cần phủi tay nhẹ nhàng bằng cách ghi chép biên bản hết sức cẩn thận, rồi kết luận bằng câu ngắn gọn "hòa giải không thành" và sau đó chuyển lên cấp thẩm quyền tiếp theo giải quyết theo quy trình giải quyết khiếu nại, tố cáo. Ðối với những địa phương như thế, thì hệ quả tất yếu đem lại là sự bất ổn về an ninh trật tự, tình làng nghĩa xóm thiếu sự gắn kết, nội bộ gia đình rối như canh hẹ xuất phát từ những mâu thuẫn nhỏ trong thực tế hằng ngày, do thiếu đi sự hòa giải bằng tình, bằng lý lẽ thuyết phục và kịp thời của những người có uy tín, trách nhiệm trong cộng đồng dân cư. Cứ thế, lâu ngày từ những mâu thuẫn nhỏ không được giải quyết biến dần thành những vụ xung đột cá nhân với cá nhân, tập thể gia đình, họ tộc với nhau... Nhiều chính quyền địa phương chưa ghi nhận hết vai trò của các tổ hoà giải, vai trò của các thành viên, trong đó có Hội ND.
Những vấn đề trên đây cho thấy, công tác hòa giải ở cơ sở chiếm tầm quan trọng trong mỗi cộng đồng dân cư, thôn, xóm, xã, phường, là yếu tố kìm hãm hay phát triển kinh tế - xã hội trên địa bàn của địa phương. Vì vậy, cấp ủy, chính quyền xã, phường, thị trấn cần có nhận thức đúng đắn về tầm quan trọng của công tác hòa giải ở cơ sở, để từ đó có những định hướng tích cực đối với công tác tổ chức, chỉ đạo và điều hành các ban hòa giải, tổ hòa giải của địa phương hoạt động mang lại hiệu quả thiết thực, góp phần thực hiện các nhiệm vụ chính trị của địa phương.
Dân Ý