Vì sao dân đi khiếu nại tố cáo về đất đai?
14:53 - 04/12/2008
Trong 30 ngày kiểm tra thi hành Luật đất đai tại các địa phương (1/8-30/8), Đoàn kiểm tra Bộ TN&MT đã tiếp nhận 17.480 đơn tranh chấp, khiếu nại, tố cáo về đất đai. Theo Bộ TN&MT, những khiếu nại này xuất phát từ 6 nguyên nhân chính...

6 nguyên nhân khiếu nại tố cáo đất đai

Nguyên nhân thứ nhất, có sự biến động lớn về chủ sử dụng đất (SDĐ), 30 năm chiến tranh đã gây sự xáo trộn lớn về nơi cư trú cùng với những chính sách đất đai theo yêu cầu của từng thời kỳ cách mạng dẫn đến những biến động lớn về chủ SDĐ.

Thứ hai, do chính sách, pháp luật đất đai thời gian dài không đồng bộ, thiếu cụ thể, thiếu nhất quán dẫn đến việc thực hiện chính sách trong nhiều trường hợp tùy tiện, không quan tâm đầy đủ đến lợi ích chính đáng của người SDĐ.

 

Thứ ba, công tác bồi thường, GPMB chưa giải quyết tốt mối quan hệ giữa quyền của Nhà nước (đại diện sở hữu toàn dân về đất đai) và quyền của người SDĐ đã được pháp luật công nhận; chưa giải quyết tốt mối quan hệ giữa lợi ích của xã hội, lợi ích nhà đầu tư cần SDĐ với người có đất bị thu hồi; không chấp hành đúng các quy định của Nhà nước về trình tự, thủ tục thu hồi đất, bồi thường, hỗ trợ, tái định cư...

Các Đoàn kiểm tra đã tiếp nhận 17.480 đơn tranh chấp, khiếu nại, tố cáo về đất đai, trong đó có 16,61% đã có quyết định cuối cùng, còn 83,39% chưa giải quyết hoặc đã có quyết định giải quyết lần đầu. Có tới hơn 70% số đơn thư khiếu nại về bồi thường, hỗ trợ và tái định cư.

Thứ tư, sự yếu kém trong công tác tổ chức thi hành pháp luật về đất đai của các địa phương. Đa số các địa phương chưa đầu tư kinh phí thỏa đáng để xây dựng hệ thống hồ sơ địa chính, bảo đảm quản lý chặt chẽ đến từng thửa đất, cấp GCN QSDĐ chậm; công tác kiểm tra, thanh tra chưa được quan tâm đúng mức, các đại phương cũng ít chú ý công tác hậu kiểm đối với các dự án, công trình sau khi được giao đất, cho thuê đất.

Thứ năm, tổ chức và cơ chế giải quyết khiếu kiện thiếu ổn định và bất cập so với yêu cầu thực tế. Nhiều địa phương chưa làm tốt việc tiếp dân, nhận đơn, chưa hướng dẫn cụ thể theo pháp luật về việc nộp đơn để tình trạng người đi khiếu kiện đi hết nơi này đến nơi khác.

Thứ sáu, sự thiếu gương mẫu, sa sút về phẩm chất đạo đức của một bộ phận cán bộ, công chức; sự thiếu hiểu biết và thiếu ý thức chấp hành pháp luật của một bộ phận nhân dân.

Cần thiết thì đối thoại với dân...

Theo Bộ TN&MT, trước hết tập trung vào xử lý số đơn thư tồn đọng. Đối với những đơn thư thuộc thẩm quyền giải quyết của địa phương thì chuyển về UBND cấp tỉnh giải quyết bảo đảm xử lý xong trước 30/6/2006. Đối với những đơn, thư thuộc thẩm quyền giải quyết của Bộ TN&MT thì Bộ tập trung giải quyết dứt điểm trước 31/3/2006.

Những đơn, thư đã có quyết định giải quyết cuối cùng của UBND cấp tỉnh thì Thanh tra Chính phủ chủ trì cùng Bộ TN&MT làm việc với địa phương xem xét lại. Với những đơn thư thuộc thẩm quyền của Tòa án nhân dân (TAND) cần giải quyết dứt điểm theo quy định. Những đơn thư đã được giải quyết đúng pháp luật và vận dụng pháp luật phù hợp với thực tế mà người khiếu nại vẫn không đồng ý thì tổ chức đối thoại để thuyết phục người đó chấp hành.

Cũng theo Bộ TN&MT, để hạn chế phát sinh đơn thư mới phải được đặt thành một trong những nhiệm vụ quan trọng hàng đầu trong công tác quản lý đất đai. Tập trung kiểm tra, thanh tra, chấn chỉnh việc thực hiện các quy định về thu hồi đất, bồi thường, hỗ trợ, tái định cư; việc giao đất, cho thuê đất, cho phép chuyển mục đích SDĐ, cấp GCN QSDĐ; việc thi hành chế độ công vụ của cán bộ, công chức; việc SDĐ của các dự án được Nhà nước giao đất, cho thuê đất, cho phép chuyển mục đích SDĐ.

Thời gian tới sẽ tập trung rà soát các quy định về giá đất bồi thường, nhất là giá đất nông nghiệp; chính sách tái định cư, giải quyết việc làm đối với người có đất bị thu hồi; trình tự, thủ tục từ khâu xây dựng, công khai hoá quy hoạch, kế hoạch SDĐ, quy hoạch xây dựng đô thị, điểm dân cư nông thôn, quy hoạch xây dựng các công trình, dự án cho tới khâu cưỡng chế thực hiện thu hồi đất, bồi thường, hỗ trợ, tái định cư.

Bộ TN&MT cũng đang đề xuất thành lập cơ quan tài phán nhà nước về đất đai trực thuộc Quốc hội hoặc Chính phủ. Cơ quan này có quy chế hoạt động riêng và được tổ chức ở 3 cấp: cấp Trung ương, cấp vùng tỉnh và cấp vùng huyện do cơ quan tài phán nhà nước về đất đai Trung ương lãnh đạo thống nhất hệ thống tài phán nhà nước về đất đai trong cả nước.

Trong trường hợp không tổ chức hệ thống tài phán nhà nước về đất đai thì tổ chức hệ thống Toà án về đất đai hoặc bổ sung nhiệm vụ, thẩm quyền xét xử của hệ thống Toà hành chính. Toà đất đai hoặc Toà hành chính cũng cần tổ chức ở vùng tỉnh, vùng huyện để bảo đảm tính độc lập, thống nhất trong xét xử.

Bộ cũng đề nghị đưa nội dung kiểm tra việc thi hành Nghị quyết Hội nghị BCH Trung ương lần thứ 7, khoá IX về tiếp tục đổi mới chính sách, pháp luật về đất đai trong thời kỳ đẩy mạnh công nghiệp hóa, hiện đại hóa đất nước vào Chương trình công tác của Trung ương, Bộ Chính trị trong năm 2006.

Đồng thời, đề nghị Ủy ban Thường vụ Quốc hội chỉ đạo, hướng dẫn HĐND các cấp trong việc phát huy chức năng giám sát để ngăn ngừa vi phạm, bảo đảm pháp luật về đất đai được thi hành nghiêm chỉnh, hạn chế tiêu cực và vi phạm.


Kiều Minh

Thêm bình luận :
Họ và tên
Email

Bài đọc nhiều nhất

Giải quyết khiếu nại tố cáo tại Đồng Tháp