Dân khiếu kiện: Nguyên nhân và vai trò của Hội
10:48 - 18/12/2008
Qua khảo sát của các huyện, thị tỉnh Quảng Ninh, trong 5 năm trở lại đây, số vụ khiếu nại, tố cáo của nông dân phần lớn có liên quan đến đất đai chiếm từ 70-80% nội dung đơn thư khiếu kiện.

Phần lớn nguyên nhân khiếu kiện là về đất đai

Quảng Ninh là một trong những tỉnh có tốc độ đô thị hóa nhanh. Trong 5 năm (2001-2005) Quảng Ninh đã tiến hành thu hồi đất để xây dựng 21 khu, cụm công nghiệp  mở rộng 29 khu đô thị mới và khu tái định cư. Hết năm 2005, toàn tỉnh có 8/14 huyện, thị xã, thành phố với 40 xã, phường, thị trấn bị thu hồi đất. Tổng diện tích bị thu hồi 1.856,1 ha trong đó có 1.156 ha đất nông nghiệp. Số hộ nông dân bị ảnh hưởng đến sản xuất và đời sống là 8.445 hộ.


Thực tế, đất đai chính là nơi người nông dân cảm thấy gắn bó, thân thiết nhất. Có đất, họ có nơi ăn, chốn ở và  hầu như các khoản chi tiêu của nhà nông đều trông chờ vào đất.  Mặc dù người dân được hỗ trợ tìm việc làm tại các khu công nghiệp nhưng không đảng kể (chỉ có 6,2% người tìm được việc làm trong các khu công nghiệp), số lao động không có việc làm tại những nơi bị thu hồi đất là một thực trạng đáng báo động.


Theo báo cáo của Hội ND xã Lê Lợi và Sơn Dương (huyện Hoành Bồ), cho thấy 100% hộ nông dân bị thu hồi đất giảm 20-30% thu nhập so với trước. Các hộ bị thu hồi từ 50% diện tích canh tác trở lên đời sống hết sức khó khăn. Số tiền được đền bù không đáng là bao so với mức chi dùng hàng ngày. Chỉ sau một thời gian ngắn, số tiền đền bù hết, ruộng đất mất hoặc còn rất ít khiến không ít người dân lâm vào cảnh khốn cùng. Nghịch cảnh hiện nay là sống ở một tỉnh công nghiệp- dịch vụ, bên cạnh khu công nghiệp, đô thị sôi động nhưng tỷ lệ hộ nghèo và tái nghèo lại phát sinh thêm.


Đó cũng là một trong những nguyên nhân lớn dẫn đến sự bức bách trong tâm lý của người dân và phát sinh mâu thuẫn, khiếu kiện. 

Giải quyết khiếu kiện cho nông dân


Từ tháng 6 năm 2002 đến tháng 12 năm 2006, các ngành chức năng tỉnh Quảng Ninh đã tiếp nhận 8.842 đơn thư khiếu kiện, tố cáo của 3.203 vụ việc. Trong đó có 1.632 vụ việc (chiếm 69%) liên quan đến bồi thường, giải phóng mặt bằng; 351 vụ việc (chiếm 14%) là mâu thuẫn về đất đai, nhà cửa. Trong số đơn thư thì có tới 90% là khiếu kiện của nông dân.

 

Qua các số liệu trên, có thể thấy tâm trạng của nông dân hiện nay khá bức xúc. Họ sống không yên ổn như các tầng lớp khác trong xã hội. Tuy các ngành chức năng ở Quảng Ninh đã bố trí, tiếp 6.808 lượt công dân, giải quyết (392/430 vụ khiếu nại, đạt 91%); xử lý 120/130 vụ tố cáo và thông qua đó đã thu hồi cho ngân sách 42 triệu đồng, khôi phục quyền lợi và trả lại cho người dân 1.911 triệu đồng, kiến nghị kỷ luật 28 cán bộ (năm 2006) nhưng những bức xúc của nông dân dường như vẫn không hề giảm.


Để thực hiện tốt Chỉ thị 26 của Thủ tướng chính phủ, trong 5 năm (2002-2007), Hội ND cấp huyện ở Quảng Ninh đã tham gia cùng chính quyền tiếp dân 224 buổi, cấp cơ sở tiếp 5.870 buổi (điển hình là Cẩm Phả, Hạ Long). Công tác hòa giải được các tổ hòa giải ở cơ sở chú trọng, các mâu thuẫn phát sinh được hòa giải dứt điểm ngay tại chi, tổ Hội. Trong 5 năm qua, Hội ND đã hòa giải thành 866 vụ mâu thuẫn, giải quyết 323 vụ tranh chấp trên địa bàn nông thôn. Có những mâu thuẫn không giải quyết được nông dân đã tìm đến Hội ND tỉnh. Những trường hợp như vậy, tỉnh Hội đã phối hợp cùng thanh tra tỉnh giải quyết khiếu kiện của bà con. Điển hình là các vụ khiếu kiện về việc bị thu hồi đất  của nông dân xã Quan Lạn ( Vân Đồn); nông dân thị trấn Đầm Hà ...


Hội ND các huyện cũng tiếp nhận gần 500 đơn thư và hàng trăm kiến nghị khác của bà con nông dân. Hội ND các huyện đã chủ động đề xuất một số phương án đề nghị chính quyền địa phương giải quyết vướng mắc cho nông dân hợp tình, hợp lý.

Để giảm tình trạng khiếu kiện


Qua các số liệu điều tra và thực trạng nông dân hiện nay  có thể thấy,  hầu hết khiếu kiện của nông dân khó giải quyết và để tình trạng khiếu kiện đông người, kéo dài đều  liên quan đến vấn đề thu hồi đất . Để giải quyết cặn kẽ vấn đềâ trên, đề nghị Nhà nước có qui định chặt chẽ và bảo vệ đất nông nghiệp cho nông dân.


Thực trạng hiện nay là nhiều khu công nghiệp thu hồi đất của nông dân rồi bỏ không, hoặc đền bù thấp, sau đó vòng vèo bán lại với giá chênh lệch gầp hàng chục lần khiến nông dân bức xúc, dẫn tới khiếu kiện.


Khi xây dựng qui hoạch, kế hoạch phát triển kinh tế- xã hội ở địa phương, các ngành chức năng phải mời Hội ND  tham gia để Hội nắm được chủ trương và có kế hoạch tuyên truyền, nắm bắt tâm tư của bà con qua đó phản ánh với chính quyền và các ngành chức năng để điều chỉnh cho phù hợp, đảm bảo khi triển khai dự án, nông dân thông suốt tư tưởng, không xảy ra bức xúc, khiếu kiện.


Những dự án lấy đất nông nghiệp cần được thẩm định chặt chẽ, có chế tài bắt buộc các nhà đầu tư cam kết phải nhận con em nông dân vào làm tại các nhà máy,  khu công nghiệp.


Khi đã có đơn thư, các ngành chức năng từ trung ương tới địa phương phải bố trí, xử lý thấu tình đạt lý, tránh việc chuyển đơn thư đi nhiều nơi gây bất bình trong nông dân.


Hoàn Oanh

Thêm bình luận :
Họ và tên
Email

Bài đọc nhiều nhất

Giải quyết khiếu nại tố cáo tại Đồng Tháp