Long An: Nâng cao vai trò Hội ND trong giải quyết khiếu nại tố cáo
Thực hiện Điều 76 Luật Khiếu nại tố cáo, tỉnh Long An có nhiều nổ lực trong xử lý đơn thư khiếu nại tố cáo. Từ việc tiếp công dân được duy trì thường xuyên của các cấp lãnh đạo từ xã đến huyện tỉnh. Cán bộ tiếp dân thể hiện sự tận tình, hết lòng phục vụ nhân dân, nêu cao tinh thần trách nhiệm với công việc. Trong đó phải kể đến vai trò của các cấp Hội Nông dân Long An.
Năm 2008, toàn tỉnh đã tiếp được 3.873 lượt công dân, trong đó có 6 đoàn khiếu kiện đông người: 55 hộ xã Tân Đông huyện Thạnh Hoá, 32 hộ huyện Vĩnh Hưng, 22 hộ xã Mỹ Hạnh Bắc huyện Đức Hoà, 18 hộ dân xã Hưng Điền B huyện Tân Hưng, 13 hộ cầu Cái Môn huyện Tân Hưng-Vĩnh Hưng, 6 hộ thị trấn Đông Thành huyện Đức Huệ, 5 hộ huyện Bến Lức, 5 hộ huyện Cần Đước.
Nội dung khiếu nại chủ yếu về đất đai, giải toả đền bù, khiếu nại quyết định hành chính và hành vi hành chính các cơ quan địa phương. Tố cáo cán bộ lãnh đạo có hành vi bao che cấp dưới trong giải quyết khiếu nại tố cáo, tố cáo trách nhiệm của cán bộ lãnh đạo trong thực thi công vụ, thậm chí có nhiều trường hợp người khiếu nại do không được giải quyết theo nguyện vọng thì quay lại tố cáo cán bộ giải quyết khiếu nại.
Hội Nông dân cùng với các ngành chức năng giải quyết 1.837 đơn chiếm tỷ lệ gần 87% sovới số đơn nhận. Để nhất quán trong giải quyết khiếu nại tố cáo theo Thông báo 130-TB/TW ngày 10-01-2008, Tỉnh ủy ban hành Kế hoạch số 22-KH/TU ngày 27-5-2008; UBND tỉnh ban hành Kế hoạch số 2019/KH-UBND ngày 10-4-2008, tỉnh Long An tổ chức hội nghị quán triệt các chủ trương trên cho lãnh đạo các sở ngành đoàn thể cấp tỉnh và Chủ tịch UBND các huyện thị cùng Chánh thanh tra các huyện thị sở ngành, trong hội nghị này các đại biểu thảo luận về tình hình kết quả giải quyết khiếu nại tố cáo từ năm 2006 đến nay và đặt ra nhiều giải pháp cho thời gian tới. Sau hội nghị này cho đến nay hầu hết các huyện đều tổ chức quán triệt đến tận cán bộ đảng viên và hệ thống chính trị cơ sở. Gắn với hội nghị này, Thanh tra tỉnh tham mưu cho UBND tỉnh sơ kết giai đoạn I và triển khai giai đoạn II thực hiện Đề án 3 tuyên truyền pháp luật về khiếu nại tố cáo cho mọi công dân thông hiểu và thực hiện đúng quyền và nghĩa vụ của mình trong khiếu nại tố cáo.
Hiện nay cơ bản không còn tình hình khiếu kiện vượt cấp, tình hình đơn thư tồn đọng chiếm tỷ lệ chỉ 13%, trong đó nhiều trường hợp đã thẩm tra xác minh chuẩn bị đưa ra giải quyết.
Tuy nhiên, công tác giải quyết khiếu nại tố cáo của công dân vẫn còn một số mặt hạn chế: lãnh đạo một số ngành địa phương có lúc chưa thực hiện nghiêm túc Luật Khiếu nại tố cáo, vi phạm về thời hạn thụ lý giải quyết, việc phân loại xử lý đơn và quản lý hồ sơ chưa chặt chẽ, chế độ thông tin báo cáo chưa kịp thời. Giải quyết đơn khiếu nại trên lĩnh vực đền bù giải tỏa còn chậm và thiếu chính xác. Việc xác định thẩm quyền giải quyết một số nơi chưa đúng, có biểu hiện đùn đẩy trách nhiệm, xử lý đơn không chính xác, hiệu quả giải quyết đơn chưa cao. Việc thực hiện các quyết định giải quyết khiếu nại có hiệu lực pháp luật còm chậm, chưa kịp thời, chưa kiên quyết, chưa đúng trình tự thủ tục.
Để khắc phục các tồn tại trên, tỉnh Long An thực hiện các biện pháp chủ yếu như: tăng cường kiểm tra trách nhiệm của Thủ trưởng các sở ngành huyện thị trong việc thực hiện Luật Khiếu nại tố cáo và chấp hành kỷ cương hành chính trong giải quyết khiếu nại tố cáo. Rà soát các quyết định giải quyết khiếu nại có hiệu lực pháp luật còn tồn đọng chưa tổ chức thi hành, hoặc thi hành chưa dứt điểm, tập trung sức giải quyết kịp thời các vụ việc mới phát sinh, hạn chế thấp nhất điểm nóng, khiếu kiện vượt cấp lên trên, tụ tập đông người ở địa phương. Mặt khác tăng cường hơn nữa việc thực hiện Đề án 3 của Thủ tướng Chính phủ phổ biến giáo dục pháp luật về khiếu nại tố cáo cho cán bộ giải quyết khiếu nại và nhân dân thông suốt. Xây dựng Quy chế phối hợp giữa UBND xã phường thị trấn với UBMTTQVN và Hội Nông dân cùng cấp trong tuyên truyền pháp luật về khiếu nại tố cáo.
Trung Thành (Thanh tra Long An)