Vừa qua, UBND tỉnh Bình Thuận đã tổ chức Hội nghị sơ kết 2 năm (2007-2008) thực hiện Chỉ thị 26 của Thủ tướng Chính phủ và Chỉ thị 22 của UBND tỉnh.
2 năm qua, 10/10 huyện, thị, thành; 127/127 xã, phường, thị trấn được củng cố, thành lập Ban Chỉ đạo do Chủ tịch hoặc Phó Chủ tịch UBND làm trưởng BCĐ. Thực hiện Công văn 1502 của Thủ tướng Chính phủ, BCĐ tỉnh cùng với Sở Nội vụ tham mưu cho Chủ tịch UBND tỉnh kiện toàn BCĐ, bổ sung thành viên là Công an và Tài chính; rà soát các chương trình phối hợp giữa Hội Nông dân với các ngành Tư pháp, Thanh tra, Tài nguyên và môi trường đồng thời xây dựng chương trình phối hợp với Công an, Tài chính và phân công nhiệm vụ, phụ trách địa bàn cho các thành viên, giao Hội Nông dân các cấp làm Thường trực BCĐ.
Công tác tuyên truyền phổ biến giáo dục các chủ trương, chính sách, pháp luật được tăng cường bằng nhiều hình thức như: tổ chức tập huấn, học tập, thông qua hệ thống truyền thanh, truyền hình của địa phương; lồng ghép trong các buổi sinh hoạt chi, tổ Hội, sinh hoạt CLB pháp luật, phát động các phong trào sản xuất kinh doanh giỏi, phong trào toàn dân bảo vệ an ninh Tổ quốc, xây dựng đời sống văn hoá ở khu dân cư… để tuyên truyền, phổ biến các Luật, Nghị định liên quan đến tranh chấp, khiếu nại, tố cáo và các văn bản liên quan đến quyền lợi, nghĩa vụ của nông dân. Điển hình là huyện Đức Linh đã tổ chức cuộc thi “Nhà nông đua tài”, thi “cán bộ Hội giỏi”; huyện Tuy Phong tổ chức toạ đàm, đối thoại trực tiếp với nhân dân, tổ chức diễn đàn “công an xã lắng nghe ý kiến nhân dân”, “nghe dân nói, nói dân nghe” gắn với nội dung tìm hiểu pháp luật và Chỉ thị 26&22…
Ngoài việc học tập các chủ trương của Đảng, chính sách pháp luật của Nhà nước, Hội Nông dân các cấp đã phối hợp chặt chẽ với các ngành Tư pháp, Thanh tra, Tài nguyên và Môi trường, Trung tâm bồi dưỡng chính trị của huyện tổ chức mở các lớp tập huấn về Luật Đất đai, Luật KNTC, Pháp lệnh dân chủ ở cơ sở hàng năm cho cán bộ, hội viên nông dân. Hội cũng phối hợp với Đài Truyền thanh- truyền hình địa phương phổ biến các Luật, nghị định và thông qua tủ sách pháp luật, bưu điện, văn hoá thông tin xã đã tạo điều kiện cho nông dân tiếp cận tìm hiểu các chủ trương, chính sách của Đảng và pháp luật của Nhà nước, nhất là về vấn đề có liên quan đến tranh chấp, khiếu nại, tố cáo, đất đai, quyền lợi, nghĩa vụ của công dân. Hai năm qua, đã tổ chức tuyên truyền phổ biến, giáo dục pháp luật cho 192.002 lượt người; trợ giúp pháp lý được 744 cuộc cho 10.016 lượt người và tư vấn pháp luật cho 4.994 lượt người.
Công tác tiếp công dân nói chung và nông dân nói riêng được cấp uỷ, chính quyền các cấp quan tâm chỉ đạo, định kỳ hàng tuần, hàng tháng lãnh đạo UBND các cấp tổ chức tiếp công dân theo quy định, có mời Hội Nông dân tham gia, đây là bước chuyển biến rõ nét trong việc tạo điều kiện cho Hội Nông dân giải quyết khiếu nại, tố cáo trong nông dân. Tại nơi tiếp dân có niêm yết quy chế tiếp dân, lịch tiếp dân và thông báo rộng rãi cho nhân dân biết; có sổ theo dõi ghi chép cụ thể rõ ràng. Hai năm qua đã tiếp 5.277 lượt người trong đó 80% là nông dân. Bên cạnh đó các cấp huyện và cơ sở đã tiếp nhận 3.835 đơn thư khiếu nại, tố cáo, trong đó đã giải quyết 2.849/3.323 đơn thuộc thẩm quyền. Các cấp đều có sổ sách theo dõi, ghi chép đơn, thư đầy đủ, ở từng lĩnh vực, từng cấp và đơn thư của hội viên, nông dân. Qua công tác tiếp dân đã tuyên truyền, giải thích, tư vấn pháp luật cho nông dân.
Công tác hoà giải luôn được các cấp lãnh đạo quan tâm củng cố, kiện toàn. Phần lớn các mâu thuẫn phát sinh trong nội bộ nông dân đều được hoà giải tại cộng đồng dân cư, ở các cuộc giải quyết đơn thư khiếu nại hoặc đối thoại Hội Nông dân tham gia là thành viên đều thể hiện được là thành viên nòng cốt trong giải quyết tranh chấp đất đai. BCĐ các cấp từ huyện đến xã thường xuyên chỉ đạo củng cố Hội đồng hoà giải, Ban hoà giải, tổ hoà giải, bổ sung thêm thành viên Hội Nông dân và hoạt động ngày càng có hiệu quả.
Qua hai năm thực hiện các địa phương, cơ sở đã có những bước chuyển biến tích cực trong tiếp nhận và giải quyết đơn thư, rõ nét là các bên liên tịch đã thảo luận và đề xuất ý kiến với Chủ tịch UBND các cấp trước khi ban hành quyết định giải quyết tranh chấp, khiếu nại, tố cáo của nông dân nên đã tạo sự nhất quán trong các quyết định giải quyết khiếu nại, tố cáo.
Xác định giải quyết khiếu nại, tố cáo của nông dân là nhiệm vụ của toàn hệ thống chính trị dưới sự lãnh đạo của Đảng, sự chỉ đạo điều hành của chính quyền thì mới huy động được sự phối hợp chặt chẽ đồng bộ giữa các ban, ngành, Mặt trận, đoàn thể, trong đó Hội Nông dân phải chủ động tham mưu, đề xuất kế hoạch thực hiện Chỉ thị 26 và Chỉ thị 22, củng cố Ban Chỉ đạo; thường xuyên tổ chức rút kinh nghiệm và nhân rộng điển hình tốt.
Các cấp Hội tham gia giải quyết khiếu nại, tố cáo khách quan có chính kiến rõ ràng, coi trọng công tác hoà giải, đối thoại trực tiếp với nông dân có đơn thư và công khai hoà giải, giải quyết, thu hút đông đảo nông dân đồng tình ủng hộ thì giải quyết sự việc dứt điểm. Từ đó củng cố đoàn kết nông thôn, củng cố niềm tin của nông dân đối với Đảng, chính quyền cơ sở; thực hiện chức năng bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp, chính đáng của nông dân. Gắn việc thực hiện Chỉ thị 26&22 với thực hiện Pháp lệnh dân chủ ở cơ sở làm gốc để giải quyết những vấn đề bức xúc ở nông thôn.
Hội Nông dân chú trọng công tác xây dựng lực lượng cốt cán sâu sát nông dân, nắm bắt dư luận xã hội ở nông thôn, tâm tư, nguyện vọng, mâu thuẫn trong nông dân để phản ảnh, đề xuất kịp thời với Đảng, chính quyền giải quyết đúng pháp luật, không để nông dân khiếu kiện kéo dài.
Thu Hà