Hải Dương sơ kết 5 năm thực hiện Chỉ thị 26
16:33 - 17/03/2009
Thực hiện Chỉ thị 26 của Thủ tướng Chính phủ, các cấp Hội Nông dân tỉnh Hải Dương đã đẩy mạnh phối hợp với các ngành Thanh tra, Tư pháp, Tài nguyên- môi trường và chính quyền địa phương trong việc tham gia giải quyết khiếu nại, tố cáo của nông dân.

Là một tỉnh có tốc độ phát triển các khu công nghiệp và đô thị hóa khá nhanh, tạo ra những chuyển biến mới về kinh tế- xã hội theo hướng toàn diện, đời sống của nhân dân không ngừng được cải thiện. Tuy nhiên cũng nảy sinh nhiều diễn biến phức tạp, nhất là khiếu nại về đền bù giải tỏa mặt bằng, giải quyết việc làm và đào tạo nghề cho nông dân không còn đất. Theo báo cáo của các ngành chức năng, trong 5 năm (2003-2008) toàn tỉnh có trên 100 xã, phường, thị trấn có khiếu kiện, trong đó 23 vụ có tính chất phức tạp, đông người, 12 vụ khiếu nại chính quyền cơ sở vi phạm chính sách quản lý đất đai, 104 vụ về chính sách đền bù giải phóng mặt bằng, 14 vụ việc về các nội dung khác. Nguyên nhân là do một số nơi chưa thực hiện nghiêm túc quy chế dân chủ, công khai, minh bạch trong việc giải quyết đền bù, vi phạm chính sách đất đai, một số người dân hạn chế về nhận thức pháp luật, ý thức chấp hành chính sách pháp luật chưa cao… dẫn đến gây mất ổn định, ảnh hưởng an ninh chính trị, trật tự an toàn trên địa bàn tỉnh. Trước tình hình đó, Hội Nông dân đã chủ động phối hợp cùng với chính quyền và các cơ quan chức năng tập trung thực hiện Chỉ thị 26 và công văn số 1502 của Thủ tướng Chính phủ tham gia giải quyết khiếu nại, tố cáo của nông dân đạt được nhiều kết quả.

Công tác tiếp dân và giải quyết đơn thư khiếu nại tố cáo được các cấp Hội duy trì đều đặn, ngoài việc lãnh đạo Hội Nông dân tham gia tiếp dân cùng với chính quyền định kỳ, toàn tỉnh đã có 12 cơ sở Hội tiếp hội viên nông dân tại trụ sở 2 ngày/tuần. Năm năm qua các cấp Hội đã tiếp nhận và giải quyết 43 đơn thuộc thẩm quyền, phối hợp cùng với chính quyền và các cơ quan chức năng giải quyết 1.312 đơn khiếu nại, tố cáo của nông dân. Trong đó đã giải quyết nhiều vụ việc điển hình như khiếu nại của 50 hộ dân phường Thanh Bình thành phố Hải Dương bị thu hồi 10,6 ha diện tích đất nông nghiệp bàn giao cho Công ty Thương mại- Du lịch Nam Cường. Hội Nông dân thành phố Hải Dương sau khi tiếp nhận vụ việc đã xuống xem xét, phối hợp với các Ban, ngành vận động, giải thích hội viên nông dân chấp hành chính sách pháp luật đồng thời có văn bản kiến nghị với chính quyền và cơ quan chức năng của tỉnh và thành phố tạm dừng việc san lấp mặt bằng, thực hiện đền bù cho nông dân theo đúng quy định của pháp luật. Hay vụ việc kiến nghị của 30 hộ dân các thôn Ngọc Trụ, Cẩm Trụ xã Tân Trường và xã Ngọc Liên huyện Cẩm Giàng về việc ô nhiễm môi trường do khói lò gạch gây ra, làm ảnh hưởng đến sức khỏe của các hộ dân và gây chết lúa trên diện tích 3,4 mẫu. Qua xem xét, Hội Nông dân 2 xã đã cùng với chính quyền yêu cầu chủ lò gạch dừng sản xuất và bồi thường thiệt hại đã gây ra. Thông qua việc tham gia giải quyết khiếu nại của nông dân, kịp thời ổn định tình hình an ninh trật tự nông thôn và thực hiện tốt chức năng đại diện, bảo vệ quyền và lợi ích chính đáng, hợp pháp cho hội viên, nông dân.  

Bên cạnh việc tham gia cùng chính quyền giải quyết khiếu nại, tố cáo của hội viên, nông dân, Hội Nông dân tỉnh đã tổ chức dạy nghề như chăn nuôi, thú y cho các hộ nông dân không còn đất nông nghiệp chuyển sang chăn nuôi quy mô hộ gia đình; mở các lớp tập huấn chuyển giao kỹ thuật, hỗ trợ vay vốn sản xuất từ Quỹ hộ trợ nông dân của tỉnh, quỹ quốc gia hỗ trợ việc làm…

 Được Trung ương Hội chỉ đạo và hỗ trợ xây dựng mô hình điểm thực hiện Chỉ thị 26 tại xã Lê Hồng (Thanh Miện) năm 2006 và mở rộng thêm 10 mô hình năm 2007 tập trung chủ yếu vào các nội dung thành lập Câu Lạc bộ nông dân với pháp luật, tham gia tiếp dân và giải quyết đơn thư kiếu nại, tố cáo của nông dân, tham gia thực hiện quy chế dân chủ ở cơ sở, tổ chức tuyên truyền, phổ biến pháp luật thông qua thi tìm hiểu pháp luật bằng hình thức sân khấu.

 Thực tế cho thấy một trong những nguyên nhân dẫn đến khiếu kiện sai,  vượt cấp là do hạn chế về nhận thức pháp luật, thiếu hiểu biết pháp luật của nông dân vì vậy Hội Nông dân tỉnh Hải Dương rất chú trọng đến công tác tuyên truyền, phổ biến giáo dục pháp luật cho cán bộ, hội viên nông dân. Từ năm 2003- 2008, phối hợp với ngành Tư pháp, Tài nguyên và môi trường, Mặt trận tổ quốc tổ chức phổ biến giáo dục pháp luật cho nông dân với nhiều nội dung thiết thực như Luật Đất đai, luật Hôn nhân và gia đình, Luật khiếu nại và tố cáo, Luật dân sự, Luật bảo vệ môi trường…dưới nhiều hình thức phong phú, đa dạng như tổ chức Hội thi nhà nông đua tài, thi sân khấu giữa các Câu lạc bộ nông dân với pháp luật, tổ chức thi viết tìm hiểu Luật hôn nhân gia đình và Pháp lệnh xử phạt vi phạm hành chính (46.000 bài dự thi), thi tìm hiểu Luật đất đai (90.000 bài), cung cấp tài liệu pháp luật dưới dạng sổ tay của Trung ương Hội đến 100% cơ sở Hội, mỗi năm phát hành 12.000 bản tin Hội Nông dân với chuyên mục “tìm hiểu chính sách pháp luật” cung cấp đến chi tổ Hội. Phối hợp với Trung tâm trợ giúp pháp lý của tỉnh tổ chức trợ giúp pháp lý, tuyên truyền phổ biến pháp luật tới các xã, cụm xã được 452 buổi cho 34.769 lượt người tham dự. Phối hợp với Trường chính trị tỉnh và trung tâm chính trị ở các huyện thị, ngành Thanh tra, Tư pháp, tài nguyên- môi trường mở 31 lớp tập huấn về nghiệp vụ hòa giải, giải quyết khiếu nại tố cáo cho 2.916 cán bộ Hội từ tỉnh xuống Chi hội.

Song song với tuyên truyền giáo dục pháp luật, các cấp Hội đẩy mạnh công tác hòa giải ở cơ sở. Hội Nông dân cùng với Mặt trận tổ quốc và các đoàn thể Thanh niên, Phụ nữ, Cựu chiến binh thường xuyên đi sâu, đi sát nắm bắt những vướng mắc, mâu thuẫn trong nội bộ nông thôn kịp thời vận động, giải thích, hòa giải các tranh chấp không để xảy ra thành khiếu kiện. 5 năm qua các cấp Hội đã hòa giải được 3.568 vụ việc chủ yếu về tranh chấp đất đai, hôn nhân gia đình, mâu thuẫn dòng họ…Điển hình như Hội Nông dân xã Gia Xuyên (Gia Lộc) cùng với Chính quyền và Mặt trận tổ quốc hòa giải được 14/17 vụ việc trong đó có vụ việc 12 hộ không đồng tình với việc phân chia đất của chính quyền xã. Sau khi xem xét sự việc, có căn cứ xét thấy việc phân chia đất như vậy là đúng. Hội Nông dân cơ sở đã tiến hành giải thích, vận động để 12 hộ trên tự nguyện rút đơn, chấp hành Nghị quyết của xã. Hay vụ việc hòa giải của Chi hội 5 thôn Cập Thượng, xã Tiền Tiến về việc 2 gia đình tranh chấp lối đi chung trong một thời gian dài, có đơn khiếu nại nhiều lần. Chi hội 5 đã tiến hành hòa giải, thuyết phục có lý có tình, khơi dậy tình đoàn kết làng xóm giúp 2 gia đình đồng thuận rút đơn.

Năm năm qua (2003- 2008) các cấp Hội nông dân tỉnh Hải Dương đã tổ chức, triển khai thực hiện nghiêm túc Chỉ thị 26 và Công văn số 1502 của Thủ tướng Chính phủ,  tích cực phối hợp với các Ban, ngành giải quyết đơn thư khiếu nại, tố cáo của nông dân, góp phần để số lượng đơn thư khiếu nại nhất là khiếu nại vượt cấp của nông dân giảm hẳn. Số vụ việc phức tạp đông người xảy ra tại các xã Lai Cách, Cẩm Điền, Chi Lăng Bắc, Ngọc Sơn, Lai Vu… đã dần được giải quyết, từng bước đi vào ổn định và phát triển. Đại bộ phận nông dân đã chấp hành và thực hiện quyền khiếu nại, tố cáo theo đúng quy định của pháp luật. Quy chế dân chủ ở cơ sở được quan tâm thực hiện. Việc thực hiện Chỉ thị 26 của Chính phủ đã đồng thời nâng cao trách nhiệm của chính quyền và các ban, ngành trong việc giải quyết khiếu nại, tố cáo đảm bảo quyền và nghĩa vụ của hội viên, nông dân.

                                                                          
                                                                              Lan Phương

Thêm bình luận :
Họ và tên
Email

Bài đọc nhiều nhất

Giải quyết khiếu nại tố cáo tại Đồng Tháp