Qua 5 năm thực hiện Chỉ thị 26/TTg của Thủ tướng Chính phủ, các cấp Hội Nông dân tỉnh Quảng Ninh đã đạt được những kết quả tích cực, góp phần nâng cao nhận thức và ý thức chấp hành pháp luật của nông dân, hạn chế khiếu kiện sai, khiếu kiện đông người, vượt cấp, ổn định tình hình an ninh trật tự xã hội địa phương.
Sau khi có Chỉ thị 26/TTg, Hội Nông dân tỉnh Quảng Ninh chủ động tham mưu để Uỷ ban nhân dân tỉnh ra Chỉ thị số 09/2002/CT-UB ngày 23/4/2002 v/v tạo điều kiện để Hội Nông dân các cấp tham gia giải quyết khiếu nại tố cáo của nông dân.
Hội Nông dân tỉnh đã mở hội nghị triển khai Chỉ thị tới các đồng chí Uỷ viên BCH tỉnh Hội, cán bộ, chuyên viên các ban, đơn vị Tỉnh Hội. Thường trực Tỉnh Hội có văn bản chỉ đạo các cấp Hội mở hội nghị quán triệt Chỉ thị tới các đồng chí Uỷ viên BCH, cán bộ từ huyện, thị, thành Hội đến cơ sở Hội; đồng thời hướng dẫn xây dựng kế hoạch triển khai thực hiện ở mỗi cấp. Ban Thường vụ HND tỉnh ra Quyết định số 21 ngày 15/5/2002 thành lập Ban chỉ đạo thực hiện Chỉ thị 26 gồm 5 đ/c, do đ/c Phó chủ tịch thường trực Tỉnh Hội làm trưởng ban.
Hội Nông dân tỉnh xây dựng và ký chương trình phối hợp thực hiện Chỉ thị 26 với Sở Tư pháp, Thanh tra tỉnh, Sở Tài nguyên môi trường; đồng thời xây dựng kế hoạch triển khai thực hiện chương trình phối hợp và chỉ đạo cấp huyện, cấp cơ sở ký chương trình phối hợp với ngành Tư pháp, Thanh tra, Tài nguyên môi trường cùng cấp. Kết quả đã có 12/14 huyện, thị, thành Hội và 56/160 cơ sở Hội ký chương trình phối hợp với ngành Tư pháp cùng cấp; 6/14 huyện, thị Hội ký chương trình phối hợp với Phòng địa chính. Nhìn chung, các huyện, thị, thành Hội sau khi ký kết chương trình phối hợp đã thực hiện tốt các nội dung yêu cầu của Chỉ thị, góp phần nâng cao vai trò của Hội.
Công tác tuyên truyền giáo dục chính sách pháp luật của Đảng và Nhà nước tới cán bộ, hội viên, nông dân được đẩy mạnh. Trang báo Hội trên Báo Quảng Ninh hàng tháng và Bản tin công tác Hội đều có nội dung tuyên truyền pháp luật cho cán bộ, hội viên nông dân trên các lĩnh vực: Luật hôn nhân gia đình, Luật đất đai, Luật khiếu nại tố cáo...; đã phát hành 30.000 cuốn Bản tin công tác Hội, 450 cuốn đặc san Hội Nông dân, 1.441 số/kỳ Báo Nông thôn ngày nay tới 100% cơ sở và chi, tổ Hội làm tài liệu sinh hoạt. Hội Nông dân tỉnh phối hợp với Sở Tư pháp in 7.000 tờ gấp về các nội dung Luật đất đai, Luật khiếu nại tố cáo để phát hành tới 164 cơ sở Hội trong toàn tỉnh. Đồng thời, Hội Nông dân cơ sở còn chỉ đạo các chi Hội tổ chức tuyên truyền phổ biến pháp luật cho hội viên, nông dân bằng nhiều hình thức: sinh hoạt chi, tổ Hội; đối thoại trực tiếp, qua các hoạt động văn hoá, văn nghệ, thể thao... 5 năm qua, các cơ sở Hội đã tổ chức 9.668 buổi tuyên truyền pháp luật cho 628.549 lượt cán bộ, hội viên tham dự. Hội Nông dân tỉnh phối hợp với huyện và cơ sở Hội tổ chức thành công Hội thi tìm hiểu pháp luật theo hình thức sân khấu hoá tại Thị trấn Cái Rồng, huyện Vân Đồn, có 9 chi Hội với 24 thí sinh tham gia, gần 200 hội viên nông dân tới động viên, cổ vũ. Hội Nông dân tỉnh chỉ đạo các cấp Hội hưởng ứng cuộc thi viết về tìm hiểu Luật đất đai do Trung ương Hội Nông dân Việt Nam phát động, có 21 cơ sở thuộc 4 huyện, thị tham gia với 1.676 bài dự thi, kết quả có 3 giải cá nhân và 1 giải tập thể.
Hội Nông dân tỉnh đã tổ chức 82 lớp tuyên truyền phổ biến pháp luật cho hội viên, nông dân ở 29 cơ sở thuộc 12 huyện, thị, thành phố (Hoàng Bồ, Yên Hưng, Hạ Long, Cẩm Phả, Đầm Hà, Uông Bí, Móng Cá, Vân Đồn, Tiên Yên, Hải Hà, Bình Liêu, Ba Chẽ) cho 3.705 lượt cán bộ, hội viên, nông dân tham dự; tổ chức 3 lớp tập huấn cho 210 cán bộ chi, tổ Hội ở vùng biên giới, vùng khó khăn về công tác phòng chống buôn bán phụ nữ và trẻ em; phát hành 1.960 cuốn tài liệu tuyên truyền Luật khiếu nại tố cáo, một số vấn đề cơ bản của Luật đất đai; 16.900 tờ gấp pháp luật cho nông dân. Cấp huyện tổ chức 250 lớp tập huấn pháp luật cho 8.297 lượt cán bộ, hội viên tham gia học tập; 9.668 buổi tuyên truyền pháp luật cho 628.549 lượt cán bộ, hội viên tham gia.
Hoạt động phối hợp trợ giúp pháp lý giữa Hội Nông dân các cấp với Trung tâm Trợ giúp pháp lý đã giúp chính quyền cơ sở tháo gỡ, giải quyết những vướng mắc, bất cập nảy sinh trong đời sống xã hội hàng ngày của người dân với chính quyền. Trong 5 năm, Hội Nông dân tỉnh đã phối hợp tổ chức trợ giúp pháp lý lưu động tại 147 xã, phường thuộc 14 huyện, thị, thành phố được 391 buổi cho 27.790 cán bộ, hội viên, nông dân, phát 4.500 tờ gấp pháp luật cho nông dân. Tại xã Bằng Cả, huyện Hoành Bồ, tiến hành trợ giúp thực hiện đăng ký kết hôn theo Nghị định 77 cho 60 đôi vợ chồng có hôn nhân thực tế nhưng chưa đăng ký kết hôn. Hoạt động trợ giúp pháp lý góp phần giảm bớt đơn thư khiếu kiện và giúp ngành chức năng nắm bắt được những khó khăn trong việc thực hiện pháp luật của nông dân cũng như thực trạng chấp hành pháp luật, nhu cầu trợ giúp pháp lý của nông dân để kịp thời phản ánh với chính quyền các cấp có kế hoạch và giải pháp tuyên truyền hiệu quả.
Hội Nông dân và Sở Tư pháp phối hợp xây dựng 7 xã điểm về phổ biến giáo dục pháp luật, trợ giúp pháp lý cho nông dân (xã Quảng Thành, huyện Hải Hà; xã Hiệp Hoà, huyện Yên Hưng; xã Hải Xuân, thị xã Móng Cái; xã Đại yên, TP Hạ Long; xã Thống Nhất, huyện Hoành Bồ; xã Phương Đông, thị xã Uông Bí; thị trấn Cái Rồng, huyện Vân Đồn). Chỉ đạo xây dựng 10 xã điểm thực hiện Chỉ thị 26 ở 10 huyện; thành lập tại mỗi xã điểm 1 Câu lạc bộ nông dân với pháp luật có từ 30 – 40 thành viên. Các thành viên câu lạc bộ được hướng dẫn về kỹ năng tuyên truyền và hoà giải ở cơ sở, học tập Pháp lệnh hoà giải, luật đất đai, luật khiếu nại tố cáo. Xây dựng 17 tủ sách pháp luật ở cơ sở điểm phục vụ công tác tuyên truyền với các đầu sách pháp luật liên quan trực tiếp đến nông nghiệp, nông dân, nông thôn.
Công tác hoà giải ở cơ sở được các cấp Hội đặc biệt chú trọng. Hội Nông dân tỉnh phối hợp với Sở Tư pháp xây dựng biểu mẫu và ra văn bản chỉ đạo cơ sở khảo sát đội ngũ cán bộ cơ sở tham gia tổ hoà giải, từ kết quả khảo sát, xây dựng kế hoạch bồi dưỡng nghiệp vụ hoà giải cho đội ngũ cán bộ đáp ứng yêu cầu nhiệm vụ. Hoạt động hoà giải trong nội bộ nông dân được tích cực thực hiện. Hội Nông dân cơ sở chỉ đạo các chi, tổ Hội chủ động phát hiện, nắm bắt tình hình cụ thể các mâu thuẫn trong nội bộ hội viên nông dân, cử người có uy tín với đối tượng để thuyết phục, vận động hoà giải dứt điểm ngay tại thôn, xóm. Trong 5 năm qua, Hội đã trực tiếp hoà giải thành 1.378 vụ mâu thuẫn, giải quyết 323 vụ tranh chấp giữa nông dân với nông dân và giữa nông dân với các đối tượng khác. Điển hình là các cơ sở Hội thuộc HND huyện Hoành Bồ đã hoà giải thành vụ tranh chấp đất đai giữa hợp tác xã khai thác đá do Nguyễn Văn Hà làm chủ nhiệm với một số hộ dân ở thôn Vườn Rậm, xã Sơn Dương; vụ tranh chấp đòi bồi thường cây trồng giữa hộ dân với công ty Hưng Thịnh tại thôn Đồng Đăng, xã Sơn Dương kéo dài trong nhiều năm qua; HND xã Vô Ngại, huyện Bình Liêu hoà giải thành vụ tranh chấp bãi đất giữa 2 bản Nà Ngái và Ngàn Chi với lâm trường Bình Liêu...
Các cấp Hội Nông dân tỉnh Quảng Ninh thực hiện công tác tiếp dân đã thành nề nếp. Hàng tháng, khi được Uỷ ban nhân dân cùng cấp mời tham gia tiếp dân, HND các cấp đều cử cán bộ có trình độ, năng lực tham gia, lắng nghe tâm tư, nguyện vọng của nông dân để tham mưu đề xuất hướng giải quyết những vướng mắc, kiến nghị chính đáng của nông dân. Trong 5 năm, Hội Nông dân các huyện, thị, thành đã tham gia cùng chính quyền tiếp dân 224 buổi, cấp cơ sở tham gia tiếp dân 3.569 buổi, điển hình là thị trấn Cẩm Phả, TP Hạ Long...
Việc tham gia giải quyết khiếu nại tố cáo của nông dân của các cấp Hội Nông dân tỉnh Quảng Ninh đạt được những kết quả tích cực. Hội Nông dân tỉnh cử cán bộ thường xuyên tham gia cùng đoàn công tác của UBND tỉnh đến tận cơ sở có đơn thư khiếu kiện để gặp gỡ, tiếp xúc với nông dân, nghe phản ánh kiến nghị và giải quyết vướng mắc của nông dân, đồng thời đề nghị cơ quan chức năng giải quyết những kiến nghị đó theo đúng pháp luật, đảm bảo quyền và lợi ích chính đáng, hợp pháp của nông dân. Trong 5 năm, Tỉnh Hội đã tiếp 30 lượt cán bộ, hội viên nông dân đến khiếu nại; phối hợp với Thanh tra tỉnh giải quyết đơn thư khiếu nại của 4 hội viên, nông dân ở xã Quan Lạn (huyện Vân Đồn) về việc thu hồi đất, UBND xã chưa thực hiện đúng chức năng, nhiệm vụ trong quản lý tài nguyên, tài sản được Nhà nước giao và vụ việc của 4 nông dân ở thị trấn Đầm Hà (huyện Đầm Hà) khiếu nại về thu hồi đất. Hội Nông dân các huyện, thị, thành phố luôn chủ động tập hợp những kiến nghị, tâm tư, nguyện vọng của nông dân để giải đáp hoặc đề xuất chính quyền giải quyết. 5 năm qua, các cấp Hội đã tiếp nhận 517 đơn thư và hàng trăm kiến nghị của bà con nông dân. Những đơn thư không thuộc thẩm quyền, Hội xem xét chuyển đến các cơ quan chức năng đề nghị giải quyết, đồng thời giám sát đôn đốc giải quyết đúng thời hạn đảm bảo quyền lợi hợp pháp của nông dân; thuyết phục, vận động hội viên nông dân thực hiện các quyết định giải quyết đúng chính sách pháp luật của Đảng và Nhà nước.
Bằng những nỗ lực rất lớn của các cấp Hội, sau 5 năm thực hiện Chỉ thị 26/TTg của Thủ tướng Chính phủ, tình hình an ninh trật tự xã hội địa phương đã có những chuyển biến tích cực, khiếu kiện sai, khiếu kiện đông người, vượt cấp giảm rõ rệt, nhận thức pháp luật và ý thức chấp hành pháp luật của nông dân được nâng cao, các vi phạm pháp luật trong cộng đồng dân cư nông thôn giảm, góp phần ổn định an ninh trật tự xã hội địa phương. Qua đó, thúc đẩy hoạt động Hội và phong trào nông dân, nâng cao vai trò và vị thế của Hội.
Phương Anh