Để Hội ND các cấp phối hợp với các cấp chính quyền, cơ quan chức năng giải quyết khiếu kiện của nông dân thực sự có hiệu quả, ngày 09/10/2001 Thủ tướng Chính phủ ban hành Chỉ thị số 26/2001/CT-TTg về việc “Tạo điều kiện để Hội Nông dân các cấp tham gia giải quyết khiếu nại tố cáo của nông dân” là cơ sở pháp lý để các cấp Hội thực hiện trách nhiệm đại diện bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp cho cán bộ hội viên nông dân nói chung.
Ngay sau khi Thủ tướng ban hành Chỉ thị 26, Ban Thường vụ Hội ND tỉnh Sơn La đã phối hợp với UBND tỉnh triển khai thực hiện chỉ thị này. Hội ND tỉnh đã xây dựng kế hoạch triển khai điểm thực hiện Chỉ thị 26 tại xã Cò Nòi. Sau 03 tháng triển khai làm điểm, tỉnh Hội đã tiến hành kiểm tra đánh giá những kết qủa đạt được, hạn chế và nguyên nhân đồng thời rút ra những bài học kinh nghiệm. Nhằm phát huy những kết quả đã đạt được qua việc triển khai điểm Chỉ thị 26, Ban Thường vụ Hội ND tỉnh còn tiến hành sơ kết tập huấn trong phạm vi toàn tỉnh. Trên cở sở đó, các đơn vị căn cứ vào tình hình thực tế của địa phương để xây dựng chương trình phối hợp tổ chức triển khai. Qua kiểm tra đã có 100% huyện, thị và 195 cơ sở xã; 2685 chi tổ hội, 98% tổng số hội viên được quán triệt Chỉ thị 26.
Sau 5 năm triển khai thực hiện Chỉ thị 26 của Thủ tướng Chính phủ, công tác tuyên truyền phổ biến giáo dục pháp luật, trợ giúp pháp lý cho hội viên nông dân đã đạt được những kết quả đáng ghi nhận. Các cấp hội đều xác định vấn đề khiếu nại, tố cáo của nông dân xuất phát từ nhiều nguyên nhân, trong đó nguyên nhân chính là do trình độ nhận thức hiểu biết pháp luật của bà con còn nhiều hạn chế, thông tin pháp luật đến nông dân chưa đầy đủ … Bởi vậy Ban Thường vụ Hội ND tỉnh Sơn La đã xây dựng kế hoạch, nội dung công tác tuyền truyền phổ biến giáo dục pháp luật cho cán bộ hội viên nông dân, đồng thời thực hiện các chương trình phối hợp với các ban ngành như Thanh tra Nhà nước, Sở Tư pháp về kế hoạch tuyên truyền phổ biến giáo dục pháp luật. Từ đó, Hội ND tỉnh chỉ đạo các cấp Hội xây dựng kế hoạch, và chủ động phối hợp với các ngành chức năng có liên quan xin ý kiến lãnh đạo, chỉ đạo của cấp uỷ, chính quyền cùng cấp ký kết các chương trình phối hợp để tuyên truyền phổ biến pháp luật cho bà con góp phần nâng cao nhận thức, hiểu biết về pháp luật, chế độ chính sách của Đảng, các quy định của Nhà nước, qua đó giúp hội viên nông dân nắm rõ và hiểu được quyền và nghĩa vụ của mình. Công tác tuyên truyền phổ biến giáo dục pháp luật, trợ giúp pháp lý được cụ thể hoá bằng những hình thức đa dạng phong phú như mở lớp học lưu động, điểm cụm và gắn với các buổi sinh hoạt của bản, chi tổ hội sinh hoạt câu lạc bộ lồng ghép, qua các hoạt động phong trào của Hội, loa truyền thanh, câu lạc bộ pháp luật nông dân, thi tìm hiểu pháp luật bằng hình thức sân khấu hoá hoặc bài viết... Qua đó giúp hội viên nông dân tự tháo gỡ những khó khăn, vướng mắc, tự bảo vệ quyền lợi hợp pháp và chính đáng của mình. Hội ND tỉnh đã phối hợp mở được 361 lớp với hơn 3000 lượt cán bộ hội viên tham gia tập huấn kiến thức về pháp luật, trong đó tỉnh mở lớp chuyên đề báo cáo viên, tuyên truyền viên pháp luật cho 250 đồng chí là báo cáo viên, tuyên truyền viên cấp cơ sở là dân tộc thiểu số. Hội ND tỉnh còn tổ chức tập huấn cho 64 thành viên là những trưởng bản, chi hội trưởng nông dân về những nội dung, văn bản pháp luật có liên quan đến nông dân, đồng bào dân tộc vùng xa như: Luật biên giới quốc gia, luật bầu cử quốc hội, luật hôn nhân và gia đình, luật phòng chống ma tuý, pháp lệnh hoà giải, quy chế dân chủ cở sở, nghị định 29 và một số văn có liên quan đến quyền và nghĩa vụ của công dân khi tham gia luật.
Trong 5 năm thực hiện chương trình phối hợp các cấp hội đã tuyên truyền được 23329 buổi giáo dục pháp luật cho 198916 lượt người tham gia. Với sự hỗ trợ của TW Hội NDVN, Hội ND Sơn La đã phát 1064 quyển sổ tay pháp luật miễn phí dưới dạng hỏi và đáp tới 197/197 cơ sở hội. Ngoài ra Hội ND tỉnh còn tham gia cùng chính quyền địa phương tiếp 3544 lượt người đến phản ánh kiến nghị, trong đó các cấp đã nhận 3850 đơn (với 2225 đơn có liên quan đến nông dân). Đến nay, cấp xã đã giải quyết xong 3219 đơn, trong đó Hội ND tham gia giải quyết được 1034 đơn, số đơn còn tồn đọng và đang giải quyết là 632 đơn; tổng số vụ việc xảy ra trên địa bàn nông thôn được hoà giải là 4199 vụ việc, Hội tham gia và trực tiếp hoà giải thành 3734 vụ. Đến nay các vụ khiếu kiện, kiến nghị và mẫu thuẫn nhỏ ở nông thôn cơ bản đã giải quyết xong bởi các cấp Hội luôn thực hiện tốt công tác tuyên truyền phổ biến pháp luật, trợ giúp pháp lý, làm tốt công tác hoà giải. Nhờ đó kiến thức về pháp luật của người dân ngày càng được nâng cao, tình hình an ninh trật tự tại nông thôn được giữ vững.
Công Minh