An Giang: Thông qua đề án dạy nghề và phổ biến giáo dục pháp luật cho nông dân
10:16 - 02/04/2009
Ban Thường vụ Hội Nông dân tỉnh An Giang vừa thông qua Đề án "Dạy nghề, giới thiệu việc làm và tuyên truyền phổ biến giáo dục pháp luật 2009-2010". Đây là tín hiệu vui đối với nông dân trong tỉnh.

Mục tiêu chính của đề án là đào tạo, tập huấn kỹ thuật sản xuất, nuôi trồng, chăm sóc và bảo quản nông sản cho hội viên, nông dân có nhu cầu học nghề để áp dụng vào thực tế sản xuất mang lại hiệu quả cao;  có tay nghề làm việc tại các khu công nghiệp, khu chế xuất hoặc thị trường lao động trong và ngoài nước. Đồng thời đẩy mạnh công tác tuyên truyền, phổ biến giáo dục pháp luật cho nông dân. Theo đó, các cấp Hội phấn đấu mỗi năm đào tạo nghề từ 3.000 đến 5.000 nông dân, giới thiệu và tạo việc làm ổn định từ 1.500 đến 2.500 nông dân, bao gồm: Lao động phổ thông và lao động qua đào tạo nghề. 

Bên cạnh đó, nâng cao năng lực của Trung tâm Dạy nghề & Giới thiệu việc làm nông dân và các trung tâm của Tỉnh hội; xác định thế mạnh, đào tạo nghề gắn với trợ vốn và khả năng sử dụng vốn, giải quyết việc làm cho hội, nông dân. Những hoạt động này nhằm từng bước nâng cao tay nghề cho nông dân khai thác tiềm năng tại chỗ và tìm việc làm ở ngoài tỉnh, ngoài nước nhằm giải quyết lao động nhàn rỗi, dôi dư, góp phần chuyển dịch cơ cấu lao động.

 
Thông qua 6 hình thức tổ chức sản xuất là hộ, nhóm hộ ngành nghề, sở thích, trang trại, câu lạc bộ nông dân, tổ hợp tác sản xuất, hợp tác xã nông nghiệp (trồng trọt, chăn nuôi, thủy sản) để hướng dẫn nghề, hỗ trợ tín dụng, giải quyết lao động nhàn rỗi ở nông thôn, trong đó chú trọng dạy nghề với tham quan, học tập các mô hình có hiệu quả. Hội Nông dân kết hợp giữa giáo dục với dạy nghề cho khu vực nông thôn bằng việc tăng cường đào tạo nghề cho nông dân, thợ thủ công; đào tạo  nâng cao khả năng hòa nhập cơ chế thị trường của hội viên, nông dân sản xuất, kinh doanh giỏi và đào tạo nghề cho con em nông dân dân ở nông thôn. 

Ngoài ra, cơ cấu dạy nghề phải đáp ứng yêu cầu trước mắt và lâu dài phù hợp với nhu cầu phát triển kinh tế- xã hội trên từng địa bàn; chú trọng dạy nghề về kỹ thuật sản xuất, các biện pháp hạ giá thành sản phẩm, chế biến nông - thủy sản, tiểu thủ công nghiệp, kiến thức thị trường, quản trị doanh nghiệp… để nông dân ứng dụng có hiệu quả vào thực tiễn sản xuất. Đặc biệt, dạy nghề gắn với giới thiệu việc làm và tạo điều kiện cho lao động tự tìm việc làm; phối hợp với các ngân hàng thương mại, chính sách xã hội, quỹ tín dụng… hỗ trợ tín dụng cho nông dân.

 


              Nhiều hộ nghèo trong cả nước được hỗ trợ vốn và lồng ghép
                               nội dung tuyên truyền pháp luật

Về dạy nghề thường xuyên (từ 1 tháng đến dưới 3 tháng cho lao động nông thôn, hộ nghèo và đồng bào dân tộc thiểu số), sẽ tổ chức 50 lớp với 13 ngành nghề cho khoảng 3.750 học viên. Dạy nghề sơ cấp, thời gian từ 3 tháng đến 1 năm, sẽ tổ chức 18 lớp với 9 ngành nghề, dành cho 450 học viên. Riêng, công tác dạy nghề trung cấp (liên kết đào tạo), sẽ tổ chức 2 lớp về quản lý, chế biến thực phẩm và cơ điện nông thôn, dành 200 học viên. Mục tiêu trong 2 năm 2009-2010, 11 huyện, thị xã và Thành hội cố gắng giới thiệu khoảng 1.100 lao động là hội viên, nông dân, thành viên câu lạc bộ nông dân, nông dân sản xuất và kinh doanh giỏi… có nhu cầu học nghề, giới thiệu việc làm.

 

Hội Nông dân tỉnh An Giang thành lập Ban Quản lý điều hành Đề án "Dạy nghề, giới thiệu việc làm và tuyên truyền phổ biến giáo dục pháp luật 2009-2010", củng cố và nâng cao vai trò, trách nhiệm đội ngũ giáo viên dạy nghề và tuyên truyền viên pháp luật; sớm tổ chức triển khai thực hiện để đề án đi vào cuộc sống.

 

An Giang

Thêm bình luận :
Họ và tên
Email

Bài đọc nhiều nhất

Giải quyết khiếu nại tố cáo tại Đồng Tháp