Nhiều nông dân rẻo cao được "xóa mù" pháp luật
10:01 - 03/04/2009
Sau một năm thực hiện Dự án: "Tư vấn pháp luật cho người dân nông thôn" tại 3 tỉnh Điện Biên, Lào Cai và Lai Châu do Tổ chức phát triển nông nghiệp Đan Mạch tại châu á (ADDA), các chuyên gia pháp lý của Hội Luật gia Việt Nam đã "trang bị" cho người dân nông thôn 3 tỉnh nói trên nhiều kiến thức pháp luật (dân sự, hình sự, hôn nhân và gia đình, khiếu nại tố cáo, đất đai...) bổ ích. Theo đó, 3 Trung tâm tư vấn pháp luật tại 3 tỉnh đã tư vấn miễn phí cho 250 lượt người, tổ chức 54 cuộc tư vấn pháp luật lưu động cho 2.322 người dân tại thôn, bản. Ngoài ra, Dự án còn phát nhiều tài liệu, văn bản pháp luật, tờ rơi...

 

Ông Nguyễn Khắc Chử - Phó Bí thư thường trực tỉnh Lai Châu cho biết: Sau hơn 5 năm chia tách, đến nay tỉnh Lai Châu vẫn là một trong những tỉnh khó khăn nhất trong cả nước, kinh tế xuất phát điểm thấp, cơ sở hạ tầng thấp kém, lạc hậu, giao thông đi lại khó khăn, tỷ lệ hộ nghèo trong toàn tỉnh còn 34,7%. Trình độ dân trí thấp và không đồng đều, điều kiện để tiếp cận với pháp luật còn hạn chế, nhất là đối với những người dân ở nông thôn. Dự án "Tư vấn pháp luật cho người dân nông thôn" do ADDA tài trợ đã góp phần rất lớn đối với công tác tuyên truyền, phổ biến pháp luật, tư vấn pháp luật cho người dân nông thôn trong tỉnh. Sau gần một năm triển khai thực hiện Dự án tại tỉnh đã đạt được một số kết quả đáng ghi nhận. Cụ thể: đã tổ chức 4 lớp tập huấn kiến thức pháp luật cho 200 trưởng thôn, bản tại 3 huyện, thị xã. 

Tổ chức tư vấn lưu động được 14 cuộc tại 14 thôn, bản ở các xã của 4 huyện, thị. Mỗi cuộc bình quân từ 45- 50 người tham gia. Ngoài ra Dự án còn phối hợp với Trung tâm tư vấn pháp luật - Hội Luật gia Việt Nam tuyển chọn 18 cộng tác viên của 4 huyện, thị xã, tổ chức cập nhật thông tin pháp luật cho 18 cộng tác viên tiến hành tư vấn tại trụ sở cho 43 lượt người. Biên soạn tài liệu, giới thiệu một số nội dung cơ bản của pháp luật về đất đai, bảo vệ và phát triển rừng liên quan đến tình hình thực tế địa phương. Theo đó, Đài phát thanh truyền hình tỉnh đã thực hiện phát sóng tuyên truyền pháp luật bằng 3 thứ tiếng: Việt, Thái và Mông. 




Nông dân được giải đáp về pháp luật thông qua các buổi trợ giúp pháp lý lưu động

Qua việc triển khai thực hiện Dự án, nhân dân tại các địa phương trong tỉnh nơi được triển khai thực hiện có cơ hội tiếp cận với pháp luật. Qua đó đã giúp cán bộ thôn, bản có thêm kiến thức vận động nhân dân trong việc chấp hành pháp luật, thực hiện hòa giải cơ sở, góp phần hoạch định chính sách phát triển kinh tế xã hội ở địa phương. Các cuộc tư vấn pháp luật đến tận thôn, bản đã góp phần tuyên truyền pháp luật, giải đáp pháp luật cho người dân, làm cho người dân hiểu rõ hơn pháp luật của Nhà nước, hạn chế được các tranh chấp xảy ra trong nhân dân, giữ gìn được tình đoàn kết. Đồng thời nhân dân cũng có điều kiện để tiếp xúc với chính quyền, phản ánh những tâm tư, nguyện vọng của mình và chính quyền có thêm điều kiện để giải đáp thắc mắc trong nhân dân. Từ đó chính quyền gần dân và hiểu dân hơn. Ngược lại, nhân dân cũng đóng góp cho chính quyền những ý kiến tích cực, giúp chính quyền có những quyết sách đúng đắn, phục vụ kịp thời, tốt hơn lợi ích chính đáng của nhân dân.

Còn ông Nguyễn Thanh Tùng - Phó Bí thư thường trực tỉnh ủy Điện Biện cho rằng: Như chúng ta đã biết, Hội Luật gia tỉnh Điện Biên mới tổ chức Đại hội (tháng 1.2007) và củng cố, kiện toàn tổ chức. Hội Luật gia tỉnh đã phối hợp với Trung ương Hội Luật gia Việt Nam triển khai thực hiện tốt Dự án "Tư vấn pháp luật cho người dân nông thôn"; mở các lớp bồi dưỡng kiến thức, kỹ năng tư vấn pháp luật cho 48 tư vấn viên của 3 tỉnh; Tổ chức bồi dưỡng nội dung cơ bản của Luật Đất đai, Bảo vệ và phát triển rừng, Hình sự, Dân sự, Hôn nhân và gia đình... cho 18 cộng tác viên là hội viên Hội Nông dân, Phụ nữ, hòa giải viên cơ sở) và 206 trưởng thôn, bản của 18 xã thuộc 3 huyện Điện Biên, Tuần Giáo, Mường Chà; tuyển chọn được 48 cộng tác viên cấp tỉnh và 18 cộng tác viên cấp cơ sở; tham gia tư vấn pháp luật nhiều vụ việc cho tổ chức và công dân (tư vấn tại văn phòng cho 62 vụ việc, lưu động 18 cuộc cho 946 yêu cầu của nhân dân). Ngoài những kết quả trên, Hội Luật gia tỉnh đã phối hợp với đài phát thanh - truyền hình tỉnh tổ chức các đợt tuyên truyền pháp luật trên sóng bằng 3 thứ tiếng: phổ thông, Thái và Mông. 

Có thể khẳng định việc triển khai thực hiện Dự án "Tư vấn pháp luật cho người dân nông thôn" của Trung ương Hội Luật gia Việt Nam tại 3 tỉnh miền núi nói chung, tỉnh Điện Biên nói riêng đã góp phần từng bước "xóa mù" về pháp luật cho một bộ phận nhân dân vùng xa, biên giới, góp phần tích cực vào sự nghiệp đẩy mạnh phát triển kinh tế, văn hóa xã hội, nâng cao đời sống của nhân dân, giữ vững ổn định chính trị, đảm bảo trật tự an toàn xã hội... Thay mặt lãnh đạo tỉnh Điện Biên, tôi xin cảm ơn Hội Luật gia Việt Nam, nhất là Trung tâm tư vấn pháp luật cho người nghèo và phát triển cộng đồng - thuộc Hội Luật gia Việt Nam đã quan tâm giúp đỡ, tạo điều kiện cho nhân dân, đặc biệt bà con vùng sâu, vùng xa tỉnh Điện Biên được thụ hưởng...

Thiên Long

Thêm bình luận :
Họ và tên
Email

Bài đọc nhiều nhất

Giải quyết khiếu nại tố cáo tại Đồng Tháp