Đa dạng hóa các hình thức tuyên truyền, các cấp Hội đã chủ động tổ chức lồng ghép và phối hợp tổ chức tuyên truyền Luật PBGDPL tới cán bộ, hội viên nông dân. Tại các cơ sở Hội ngoài việc tổ chức các hội nghị, còn phối hợp với đoàn thể địa phương tuyên truyền các luật trong đó có Luật hòa giải ở cơ sở trên hệ thống loa truyền thanh. Các chi, tổ Hội tổ chức sinh hoạt định kỳ gắn với tuyên truyền, phổ biến Luật tới toàn thể cán bộ, hội viên, cộng tác viên, tuyên truyền viên pháp luật của Hội, góp phần tạo chuyển biến mạnh mẽ về ý thức tôn trọng và chấp hành pháp luật của cán bộ, nhân dân, tích cực tham gia hòa giải ngay trong nội bộ nông dân tại cơ sở.
Hội Nông dân tham gia thành viên Hội đồng phổ biến giáo dục pháp luật các cấp, do đó ngoài việc tổ chức tuyên truyền PBGDPL trong hệ thống Hội, các cấp Hội còn có các hoạt động tuyên truyền theo định hướng của Hội đồng pháp luật thành phố. 6 tháng đầu năm, các cấp Hội đã tổ chức 12 hội nghị giới thiệu văn bản pháp luật với 10.128 lượt người dự trong đó Hội Nông dân thành phố phối hợp tổ chức được 14 cuộc; tuyên truyền thông qua sinh hoạt câu lạc bộ “Nông dân với pháp luật”, sinh hoạt chi, tổ hội 378 buổi cho 1.690 lượt hội viên, trực tiếp và tham gia 138 buổi hòa giải ở cơ sở.
Ban Thường vụ Hội Nông dân thành phố luôn quan tâm tổ chức tập huấn nghiệp vụ tiếp công dân, nghiệp vụ hoà giải cho các thành viên CLB, đội ngũ cán bộ hội cơ sở. Tính đến nay toàn Thành phố có 2.570 tổ hoà giải, với 9.801 hoà giải viên.T ừ đầu năm đến nay các cấp Hội đã tham gia phối hợp hoà giải 1.211 vụ việc phát sinh mâu thuẫn trong nội bộ nhân dân, trong đó hoà giải thành 989 vụ chủ yếu là về tranh chấp đất đai, hôn nhân gia đình... Hội trực tiếp hoà giải các mâu thuẫn nhỏ trong nội bộ nông dân thuộc thẩm quyền của Hội là 553 vụ. Từ kết quả đó đã góp phần tích cực trong việc giữ gìn an ninh trật tự, an toàn xã hội tại địa phương, hạn chế xảy ra những vụ việc mâu thuẫn, xích mích kéo dài dẫn đến các hành vi vi phạm pháp luật.
Có thể nói công tác hoà giải ở cơ sở đã tác động tích cực đến đời sống xã hội, tạo cơ sở pháp lý cho hoạt động hoà giải ở cơ sở đi vào nề nếp, tạo bước chuyển biến tích cực trong cán bộ, hội viên nông dân tham gia công tác hoà giải ở cơ sở, thể hiện vai trò, trách nhiệm, góp phần cùng với chính quyền địa phương trong việc giải quyết trực tiếp những mâu thuẫn, tranh chấp trong nhân dân, kịp thời giải quyết những mâu thuẫn nhỏ trong nội bộ nông dân, giữ gìn trật tự an toàn xã hội, hạn chế đơn thư, khiếu nại vượt cấp. Hoạt động hòa giải ở cơ sở đã góp phần nâng cao hiệu quả công tác phổ biến, giáo dục pháp luật, hình thành ý thức chấp hành pháp luật, ý thức “sống và làm việc theo Hiến pháp và pháp luật”.
Công tác phối hợp giữa Hội với các cấp chính quyền, các ngành trong công tác hoà giải ở cơ sở của nông dân từng bước đi vào nề nếp, qua đó, mối quan hệ giữa Hội Nông dân với chính quyền, các ban, ngành, được tăng cường trong việc tham gia giải quyết kịp thời những vấn đề bức xúc trong nội bộ nông dân, đưa các chủ trương, chính sách của Đảng, pháp luật của Nhà nước vào thực tiễn cuộc sống, tạo cầu nối giữa chính quyền với nhân dân, góp phần giữ vững an ninh chính trị, trật tự an toàn xã hội ở nông thôn./.