Đăk Lăk: Hòa giải thành trên 1.700 vụ việc tranh chấp, mâu thuẫn của nông dân
14:13 - 23/01/2017
(KNTC)- Phát huy thế mạnh của tổ chức Hội, với ưu thế vừa gần gũi, sâu sát, vừa có uy tín với nông dân, 3 năm qua, các cấp Hội Nông dân tỉnh Đăk Lăk đã hòa giải thành 1.799  vụ việc mâu thuẫn, tranh chấp ở nông thôn.

(Ảnh minh họa)
Từ năm 2014 đến nay, trên toàn tỉnh, các cấp Hội đã có 2464 cán bộ chi, tổ Hội tham gia tổ hòa giải ở cơ sở. Trong đó thành viên tham gia tổ hòa giải chủ yếu là Chi hội trưởng Hội Nông dân. Bình quân mỗi tổ hòa giải có từ 5 đến 7 hòa giải viên. Thành phần tham gia tổ hòa giải là bao gồm những người có uy tín, trách nhiệm ở khu dân cư như: Già làng, trưởng thôn, Bí thư Chi bộ thôn, Chi hội trưởng chi Hội phụ nữ, Hội Nông dân, Hội cựu chiến binh, Hội người cao tuổi, Đoàn thanh niên... Tùy từng địa phương có sự bầu chọn và được Ủy ban nhân dân cấp xã ra quyết định công nhận thành viên của tổ hòa giải.
Nhìn chung, các tổ hòa giải cơ bản hoạt động có hiệu quả, số lượng vụ việc hòa giải thành tăng cao, năm sau cao hơn năm trước, từ kết quả đó đã góp phần tích cực trong việc giữ gìn an ninh trật tự, an toàn xã hội tại địa phương, hạn chế xảy ra những vụ việc mâu thuẫn, xích mích kéo dài dẫn đến các hành vi vi phạm pháp luật có thể xảy ra.
Trong thực tế có những việc tranh chấp, mẫu thuẫn đơn giản nhưng do không được hòa giải, giải quyết kịp thời dẫn đến ngày càng phức tạp, nhiều vụ trọng án xảy ra xuất phát từ những mâu thuẫn, tranh chấp nhỏ như: Tranh chấp lối đi, xích mích trong gia đình, chuyện ứng xử hàng xóm, láng giềng... Do đó, cần đánh giá đúng vai trò của công tác hòa giải ở cơ sở và không ngừng củng cố, nâng cao công tác này trong thời gian tới. Trong 3 năm qua, các tổ hòa giải ở cơ sở đã tiếp nhận đươc 270 đơn thư khiếu nại, tố cáo của nông dân và tham gia hòa giải 1.799 vụ việc mâu thuẫn trong nội bộ nông dân, trong đó các cấp Hội trực tiếp hòa giải được 774 vụ, phối hợp hòa giải 1.025 vụ. Lĩnh vực hòa giải chủ yếu là tranh chấp đất đai, hôn nhân và gia đình, dân sự, mâu thuẫn trong nông dân gây mất trật tự, an ninh đánh nhau gây thương tích.
Bên cạnh đó, các cấp Hội Nông dân trong tỉnh hàng năm đã tham mưu với Ủy ban nhân dân ở địa phương và gửi danh sách đăng ký tập huấn nghiệp vụ hòa giải ở cơ sở đến ngành Tư pháp ở địa phương. Năm 2014, ngành Tư pháp phối hợp với các cấp Hội Nông dân trong tỉnh đã tổ chức tập huấn nghiệp vụ hòa giải cho 950 hòa giải viên ở địa phương, tuyển chọn 120 hòa giải viên tham dự Hội thi “Hòa giải viên giỏi” ở địa phương năm 2014, nhằm nâng cao kiến thức hòa giải tại cơ sở.
Ngoài ra, các cấp Hội Nông dân đã phối hợp với chính quyền, các đoàn thể và ngành tư pháp ở địa phương tổ chức triển khai rộng rải Luật hòa giải và các văn bản có liên quan đến các tổ hòa giải, Ban công tác Mặt trận, các Hội đoàn thể các Thôn, Buôn, Tổ dân phố và nhân dân trên địa bàn tỉnh. Cụ thể từ năm 2014 đến nay đã phối hợp tổ chức 2500 buổi tuyên truyền cho gần 150.000 lượt cán bộ, hội viên nông dân; cấp phát tờ rơi cho hơn 1540 lượt người và tuyên truyền thông qua phương tiện thông tin đại chúng ở địa phương.
Nhờ công tác hòa giải, Hội Nông dân cơ sở đã kịp thời phát hiện những mâu thuẫn phát sinh, nắm chắc tâm lý các bên tranh chấp để có hình thức hoà giải phù hợp, linh hoạt như qua đối thoại trực tiếp, qua sinh hoạt chi, tổ Hội, qua người có uy tín với đối tượng và phối hợp với chính quyền, các đoàn thể tổ chức hoà giải. Tuy nhiên, do trình độ hiểu biết pháp luật của đa số các hoà giải viên còn hạn chế nên còn gặp nhiều khó khăn trong việc giải quyết những vụ việc phức tạp. Đây cũng là yêu cầu đặt ra đối với các cơ quan chức năng và các cấp Hội cần tăng cường tập huấn, bồi dưỡng kiến thức, nghiệp vụ cho đội ngũ hòa giải viên để công tác hòa giải ở cơ sở ngày càng chất lượng, hiệu quả.
Hoài Thu
Thêm bình luận :
Họ và tên
Email

Bài đọc nhiều nhất

Giải quyết khiếu nại tố cáo tại Đồng Tháp