(KNTC)- 3 năm qua, các cấp Hội Nông dân tỉnh Phú Thọ đã phối hợp với các ngành chức năng tham gia hòa giải, giải quyết đơn, thư khiếu nại tố cáo của nông dân. Đến nay, 100% cán bộ chi hội đều tham gia tổ hòa giải ở khu dân cư.
Hội Nông dân tỉnh đã chỉ đạo cho các cấp Hội thường xuyên bám cơ sở để nắm tình hình, tâm tư, nguyện vọng của nông dân. Duy trì hoạt động có hiệu quả 235 CLB "Nông dân với pháp luật". Phối hợp với các ngành chức năng tham gia hòa giải, giải quyết đơn, thư khiếu nại tố cáo. Trong 3 năm (2013-2015), các cấp Hội trong tỉnh đã hoà giải thành công 962 vụ, tiếp nhận và giải quyết 35 đơn thư thuộc thẩm quyền của Hội và chuyển 116 đơn thư đến các cơ quan chức năng giải quyết theo quy định. Nội dung khiếu nại, tố cáo chủ yếu là các vấn đề liên quan đến tranh chấp đất đai, đền bù giải phóng mặt bằng, vấn đề môi trường nông thôn...
Bên cạnh đó Hội Nông dân tỉnh tiếp tục chỉ đạo các cấp Hội tổ chức thực hiện Quyết định số 81/2014/QĐ-TTg, ngày 31/12/2014 của Thủ tướng Chính phủ, Hội Nông dân các cấp trong tỉnh tiến hành kiện toàn Ban chỉ đạo, chủ động phối hợp phổ biến giáo dục pháp luật, trợ giúp pháp lý cho hội viên nông dân. Tổng số đã tổ chức được 4.433 cuộc tuyên truyền cho 308.642 lượt cán bộ, hội viên nông dân về các lĩnh vực pháp luật như: Luật khiếu nại, Luật tố cáo, Luật hoà giải ở cơ sở, Luật bình đẳng giới, Luật phòng chống bạo lực gia đình, Luật hôn nhân gia đình và một số văn bản quy định, hướng dẫn của địa phương.
Từ năm 2013-2015, phối hợp với Trung ương Hội Nông dân Việt Nam, Hội Nông dân tỉnh đã triển khai xây dựng 03 mô hình điểm thực hiện Chỉ thị 26/2001/CT-TTg tại phường Thanh Miếu thành phố Việt Trì và xã Đồng Lương, xã Phú Lạc, huyện Cẩm Khê nâng tổng số mô hình tỉnh chỉ đạo lên 11 mô hình.
Tại 03 mô hình đã tổ chức được 06 lớp tập huấn về pháp luật khiếu nại, tố cáo và công tác hoà giải cho gần 300 cán bộ chính quyền, cán bộ Hội và các nhóm cộng tác viên pháp luật thôn, bản. Hội Nông dân huyện và Hội Nông dân xã phối hợp với phòng Tư pháp tổ chức được 18 lớp tập huấn kiến thức pháp luật như Luật bình đẳng giới, Luật phòng chống bạo lực gia đình, Luật hôn nhân gia đình, Luật đất đai...cho trên 900 lượt cán bộ, hội viên. Thông qua các lớp tập huấn Ban chỉ đạo mô hình, Ban chủ nhiệm CLB đã góp phần nâng cao được kiến thức kỹ năng tuyên truyền về pháp luật, nhất là các kỹ năng điều hành sinh hoạt câu lạc bộ hiệu quả, hấp dẫn người nghe; cán bộ, hội viên nâng cao hiểu biết được kiến thức về pháp luật, ý thức tôn trọng và thực hiện đúng pháp luật.
Câu lạc bộ "Nông dân với pháp luật" đã được duy trì nền nếp, hiệu quả. Hình thức sinh hoạt được Ban chủ nhiệm thường xuyên thay đổi phù hợp, tạo được sự hấp dẫn cho hội viên. Nội dung các buổi sinh hoạt gồm: trao đổi thông tin tình hình thực hiện pháp luật ở các khu; tình hình thực hiện chủ trương, chính sách của Đảng và Nhà nước; các chương trình, dự án tại địa phương; thực hiện Pháp lệnh dân chủ cơ sở; tuyên truyền tìm hiểu về các bộ Luật; văn bản chính sách liên quan đến nông nghiệp, nông dân, nông thôn. Các nhóm cộng tác viên tích cực tham gia sinh hoạt câu lạc bộ, tuyên truyền, vận động nông dân thực hiện và giám sát việc thực hiện pháp luật, quy chế dân chủ ở cơ sở, chủ trương của Đảng, chính sách pháp luật của Nhà nước tại địa phương… các thành viên tích cực tham gia sinh hoạt, đạt tỷ lệ cao trên 95% trở lên, nhiều buổi sinh hoạt còn thu hút thêm nhiều hội viên khác cùng tham dự, giao lưu.
Nhìn chung, các cấp Hội Nông dân tỉnh Phú Thọ đã tăng cường công tác phối hợp với chính quyền, các ngành chức năng tham gia công tác hòa giải, giải quyết khiếu nại, tố cáo góp phần nâng cao nhận thức pháp luật của nông dân. Từ đó hạn chế khiếu kiện sai, đông người, vượt cấp, phát huy thực hiện tốt quy chế dân chủ cơ sở tạo được sự đồng thuận cao của cán bộ, hội viên, nông dân trong việc tham gia thực hiện chương trình mục tiêu quốc gia xây dựng nông thôn mới.