Kon Tum: Không để điểm nóng phát sinh nhờ công tác hòa giải cơ sở
(KNTC)- Để công tác hòa giải phát huy hiệu quả, ba năm qua (2014-2016), Hội Nông dân phối hợp với các ban ngành, đoàn thể cùng cấp tiến hành quán triệt triển khai công tác hoà giải tại cơ sở và đẩy mạnh thực hiện Quy chế dân chủ ở cơ sở, nhất là phối hợp hoà giải, giải quyết các đơn thư khiếu nại, tố cáo của nông dân kịp thời, không để điểm nóng phát sinh, kịp thời hoà giải ngay ở các chi, tổ Hội, từ đó góp phần ổn định tình hình trật tự, an ninh nông thôn.
|
Lắng nghe nhân dân giám sát, phản biện xã hội (Ảnh minh họa) |
Kết quả trong 3 năm qua, các cấp Hội trong tỉnh đã tổ chức 7.508 buổi tuyên truyền cho 347.805 lượt người tham dự; trong đó có 4.902 buổi được thực hiện ở vùng sâu, vùng xa, vùng đồng bào dân tộc thiểu số cho 230.394 lượt cán bộ, hội viên-nông dân tham dự.
Nét mới trong công tác phổ biến Luật, pháp luật của những năm qua là việc tổ chức thi tìm hiểu pháp luật bằng hình thức sân khấu hoá ở các cơ sở Hội với nội dung phong phú được đông đảo nông dân tham gia hưởng ứng, nội dung các cuộc thi phần lớn do nông dân tự biên tự diễn trên cơ sở xuất phát từ nhu cầu tìm hiểu pháp luật ở cơ sở.
Tính đến nay, toàn tỉnh có 854 tổ hòa giải/869 thôn, làng, tổ dân phố với tổng số hòa giải viên là trên 5.500 thành viên, trong đó thành viên tổ hòa giải là Chi hội trưởng Hội Nông dân hơn 700 người.
Bình quân mỗi tổ hòa giải có từ 5 đến 7 hòa giải viên. Thành phần tham gia tổ hòa giải là bao gồm những người có uy tín, trách nhiệm ở khu dân cư như: Già làng, trưởng thôn, Bí thư Chi bộ thôn, Chi hội trưởng chi Hội phụ nữ, Hội Nông dân, Hội cựu chiến binh, Hội người cao tuổi, Đoàn thanh niên... Tùy từng địa phương có sự bầu chọn và được UBND cấp xã ra quyết định công nhận thành viên của tổ hòa giải.
Trong quá trình thực hiện công tác hoà giải tại cơ sở, phát huy thế mạnh của tổ chức Hội Nông dân, với ưu thế vừa gần gũi, vừa sâu sát, vừa có uy tín với nông dân, Hội Nông dân cơ sở kịp thời phát hiện những mâu thuẫn phát sinh, nắm chắc tâm lý các bên tranh chấp để có hình thức hoà giải phù hợp.
Đồng thời kiên trì thuyết phục, vận động thông qua nhiều hình thức hoà giải linh hoạt như qua đối thoại trực tiếp, qua sinh hoạt chi, tổ Hội, qua người có uy tín với đối tượng và phối hợp với chính quyền, các đoàn thể tổ chức hoà giải. Thực tiễn cho thấy Tổ chức hoà giải ở cơ sở đã và đang phát huy hiệu quả trong việc giải quyết những vụ việc phức tạp, đặc biệt là các tranh chấp về lĩnh vực đất đai hoặc tranh chấp khác phát sinh trong sinh hoạt cộng đồng.
Tuy nhiên, do trình độ hiểu biết pháp luật của đa số các hoà giải viên còn hạn chế nên họ thường gặp rất nhiều khó khăn trong việc giải quyết những vụ việc phức tạp, liên quan nhiều đến chính sách, pháp luật.
Nhằm nâng cao trình độ hiểu biết pháp luật và phương pháp hòa giải, giải quyết các vụ việc khiếu nại, tố cáo của nông dân, hàng năm được UBND tỉnh tạo điều kiện về kinh phí, Ban Thường vụ Hội Nông dân tỉnh Kon Tum phối hợp với các sở, ngành tham gia tổ chức mở lớp tập huấn cho cán bộ chủ chốt của Hội cũng như các thành viên tổ hòa giải.
Trong 3 năm qua, các cấp Hội đã mở 28 lớp tập huấn bồi dưỡng nghiệp vụ công tác hòa giải, giải quyết khiếu nại, tố cáo cho 2.456 lượt cán bộ Hội các cấp. Các cấp Hội cũng tiếp nhận 2.304 vụ việc, trong đó, lĩnh vực dân sự 330 vụ việc; lĩnh vực hôn nhân gia đình 653 vụ việc; lĩnh vực đất đai 752 vụ việc và các lĩnh vực khác 569 vụ việc.
Phối hợp hòa giải thành 2.035 vụ việc, đạt tỷ lệ 88% so với số vụ việc thụ lý. Số vụ việc hướng dẫn chuyển cơ quan chức năng giải quyết theo thẩm quyền là 27 vụ việc; số vụ việc còn lại là giải quyết không thành và đang tiếp tục hòa giải.
Riêng Hội Nông dân các cấp trong 3 năm qua, đã tiếp nhận và hòa giải thành công 648 vụ việc mâu thuẫn, tranh chấp tại các chi Hội.
Bên cạnh đó công tác tư vấn pháp luật được đẩy mạnh, đến nay các cấp Hội trong toàn tỉnh đã xây dựng được 51 Câu lạc bộ nông dân với pháp luật, mỗi câu lạc bộ có 50 thành viên tham gia, với tổng số 2.550 thành viên; có 49 cơ sở và 105 chi Hội xây dựng được lực lượng hội viên nòng cốt với 1.734 người tham gia.
Các Câu lạc bộ đã xây dựng nội dung, chương trình, kế hoạch, nội quy, quy chế sinh hoạt và hoạt động có hiệu quả; đặc biệt các Câu lạc bộ đã chủ động tổ chức sinh hoạt, thi tìm hiểu nông dân với pháp luật, sân khấu hoá, hái hoa dân chủ…
Công tác trợ giúp pháp lý cũng được các cấp hội đặc biệt chú trọng, đã thành lập 519 tổ trợ giúp pháp lý. Hội Nông dân các cấp đã phối hợp với tổ chức trợ giúp pháp lý thuộc Trung tâm trợ giúp pháp lý của Nhà nước tổ chức thực hiện trợ giúp pháp lý lưu động tại các xã có nhiều khó khăn, xã vùng sâu, vùng xa, vùng đồng bào dân tộc thiểu số.
Hoạt động trợ giúp pháp lý đã từng bước giúp hội viên - nông dân hiểu và thực hiện đúng đường lối, chính sách pháp luật của Đảng và Nhà nước, góp phần hạn chế khiếu kiện sai, khiếu kiện vượt cấp ở địa phương.
Trong những năm qua, các cấp Hội đã phối hợp với Trung tâm trợ giúp pháp lý của Nhà nước tổ chức trợ giúp pháp lý cho 1.175 đối tượng; trong đó có 232 đối tượng thuộc diện hộ nghèo, 113 đối tượng hộ nghèo và gia đình chính sách, 207 đối tượng là đồng bào dân tộc thiểu số, 211 đối tượng thuộc diện chính sách, còn 412 thuộc các đối tượng khác.
Phần lớn các đối tượng trên đều ở vùng sâu, vùng xa ít có điều kiện tiếp cận tìm hiểu pháp luật, qua đó giải tỏa được sự nhận thức sai lệch, vướng mắc về pháp lý, hội viên - nông dân rất phấn khởi, tin tưởng vào sự lãnh đạo của Đảng và Nhà nước.
Hội Nông dân tỉnh thường xuyên phối hợp với Ủy ban Mặt trận TQVN tỉnh, các đoàn thể, sở, ban, ngành cùng cấp để triển khai có kết quả Luật hòa giải ở cơ sở. Hoạt động phối hợp hướng vào các nội dung như hướng dẫn củng cố, kiện toàn tổ chức; tập huấn nâng cao kỹ năng hoà giải; lồng ghép hoạt động hoà giải với công tác phổ biến, tuyên truyền pháp luật, triển khai các phong trào thi đua, các cuộc vận động, nhất là cuộc vận động “Toàn dân đoàn kết xây dựng đời sống văn hoá ở khu dân cư”.
Nhờ làm tốt công tác phối hợp, hiện nay trong thành phần thành viên tổ hoà giải đều có đại diện của Hội Nông dân tham gia. Hàng năm, các cấp Hội ở cơ sở đã phối hợp chặt chẽ với UBND, Ban Tư pháp rà soát về tổ chức và hoạt động của tổ hoà giải ở địa phương mình, qua đó nắm được số lượng tổ viên tổ hoà giải, chất lượng hoạt động của các tổ hoà giải, tổ viên tổ hoà giải, trên cơ sở đó đã đề xuất nhiều ý kiến củng cố, kiện toàn về tổ chức các tổ hoà giải như đề xuất thành lập thêm các tổ hoà giải, bổ sung tổ viên tổ hoà giải...
Mặt khác, hoạt động hoà giải đã góp phần triển khai thực hiện tốt các phong trào, các cuộc vận động, xây dựng mối quan hệ đoàn kết trong cộng đồng dân cư tại mỗi địa phương, cơ sở.