Ninh Thuận: Phát huy mô hình thực hiện hòa giải tại các chi, tổ Hội
(KNTC)- Nhằm đưa Luật hòa giải ở cơ sở đi vào cuộc sống, các câp Hội tỉnh Ninh Thuận đã tổ chức quán triệt các nội dung cơ bản của Luật đến cán bộ, hội viên nông dân và nâng cao hiệu quả hoạt động của 392 tổ hòa giải ở chi Hội.
Các cấp Hội đã tổ chức tuyên truyên sâu rộng đến cán bộ và hội viên nông dân các nội dung cơ bản của Luật Hòa giải ở cơ sở, trách nhiệm của Ủy ban Mặt trận Tổ quốc và các tổ chức thành viên của Mặt trận về công tác hòa giải, các nội dung chính sách, pháp luật liên quan đến việc hòa giải ở cơ sở.
Hội Nông dân tỉnh đã tổ chức được 30 lớp tập huấn cho hơn 2000 lượt cán bộ, hội viên nông dân về tuyên truyền phổ biến giáo dục pháp luật, trong đó có lồng ghép tuyên truyền Luật Hòa giải ở cơ sở, Nghị định số 15/2014/NĐ-CP ngày 27/02/2014 của Chính phủ Quy định chi tiết một số điều và biện pháp thi hành Luật hòa giải ở cơ sở và một số kỹ năng cũng như kinh nghiệm trong việc tiếp cận, xác định các vụ việc tranh chấp, xích mích của nông dân để các hòa giải viên tham khảo, áp dụng trong thực tế. Tổ chức 36 cuộc sinh hoạt ngày pháp luật để tuyên truyên các chủ trương chính sách của Đảng và Nhà nước, Luật hòa giải ở cơ sở cho toàn thể cán bộ Hội các cấp trong tỉnh.
Trong những năm qua, Ban hòa giải ở cơ sở và tổ hòa giải ở chi Hội luôn được củng cố và kiện toàn, đến nay toàn tỉnh có 65 Ban hòa giải ở cơ sở và 392 tổ hòa giải ở chi Hội, các thành viên tổ hòa giải hầu hết là những người có khả năng tuyên truyền vận động nông dân chấp hành chủ trương đường lối của Đảng, chính sách pháp luật của Nhà nước và là người am hiểu pháp luật, trưởng các họ tộc có uy tín trong nhân dân đảm nhận vai trò hòa giải.
Nhờ kịp thời phát hiện những mâu thuẫn phát sinh, đặc điểm tâm lý của đối tượng và sử dụng nhiều hình thức hòa giải linh hoạt như qua đối thoại trực tiếp, qua sinh hoạt hội viên, qua người có uy tín, trưởng các họ tộc, các già làng, trưởng bản và phối hợp với chính quyền, đoàn thể để tiến hành hòa giải thành công nhiều vụ việc.
Cụ thể, từ năm 2014 đến 2016, Hội Nông dân các cấp trong tỉnh đã tổ chức tiếp nhận 722 vụ việc, đã trực tiếp hòa giải 722 vụ việc. Trong đó, hòa giải thành 617 vụ việc, hòa giải không thành 105 vụ việc. Quá trình hòa giải, các cán bộ hòa giải đã tích cực áp dụng phương pháp tham vấn để các bên tranh chấp tự động giải quyết mâu thuẫn của chính mình, đồng thời tự dàn xếp các mâu thuẫn phát sinh trong bản làng, thôn, xóm, khu phố.
Đồng thời, Hội Nông dân các cơ sở đã chủ động tham gia với cơ quan chức năng và Uỷ ban nhân dân cùng cấp tổ chức hòa giải 1383 vụ việc. Hòa giải thành 1190 vụ việc, hòa giải không thành 193 vụ việc góp phần giữ được tình làng nghĩa xóm, giữ được sự đoàn kết trong cộng đồng dân cư.
Đối với các vụ việc hòa giải không thành là các vụ việc khiếu kiện phức tạp về đất đai, về giải phóng mặt bằng quốc lộ 1A, các cấp Hội theo dõi quá trình giải quyết của các cơ quan chức năng để bảo vệ quyền lợi hợp pháp của nông dân đồng thời vận động hội viên, nông dân chấp hành các quyết định giải quyết của các cơ quan có thẩm quyền.
Có thể thấy, công tác hòa giải của các cấp Hội đã dần đi vào chiều sâu, chất lượng hòa giải thành các vụ việc ngày càng cao, nhất là từ sau khi Luật Hòa giải ở cơ sở có hiệu lực thi hành. Ủy ban Mặt trận Tổ quốc và các tổ chức thành viên đã phối hợp với Hội Nông dân các cấp tích cực tham gia tốt vào công tác tuyên truyền pháp luật và vận động nhân dân nghiêm chỉnh chấp hành chủ trương, đường lối của Đảng, chính sách pháp luật của Nhà nước. Đồng thời, các cấp Hội giới thiệu lựa chọn người tham gia tổ hòa giải, biết dựa vào những tập quán tốt đẹp của dân tộc và các quy định của pháp luật để thực hiện nhiệm vụ của hòa giải viên góp phần đảm bảo an ninh chính trị, trật tự an toàn xã hội, giữ gìn tình đoàn kết trong nội bộ nông dân.