(KNTC) Hòa giải là một truyền thống, đạo lý tốt đẹp của dân tộc Việt Nam. Hoạt động hòa giải mang đậm tính nhân văn, hoạt động vì mọi người trên cơ sở đạo đức xã hội và nền tảng pháp luật. Mục đích của hòa giải ở cơ sở là nhằm giữ gìn tình làng, nghĩa xóm, tình đoàn kết tương thân tương ái trong cộng đồng dân cư, hàn gắn vun đắp sự hòa thuận, hạnh phúc cho từng gia đình, mang lại niềm vui cho mọi người, mọi nhà, góp phần giữ gìn an ninh trật tự, an toàn xã hội, nâng cao ý thức chấp hành pháp luật của người dân.
|
(Ảnh minh họa, nguồn Internet) |
Xuất phát từ nhận thức đúng đắn về vị trí, vai trò của công tác hòa giải, công tác triển khai thực hiện Luật Hòa giải ở cơ sở trên địa bàn tỉnh Nghệ An đã được các cấp, các ngành chỉ đạo, góp phần giải quyết trực tiếp những việc vi phạm pháp luật và tranh chấp nhỏ trong nhân dân, giữ gìn trật tự an toàn xã hội, góp phần hạn chế đơn, thư khiếu nại vượt cấp trong nhân dân.
Thời gian qua, Hội Nông dân tỉnh đã chủ động xây dựng kế hoạch lồng ghép công tác hòa giải, công tác phổ biến giáo dục pháp luật với việc thực hiện nhiệm vụ chuyên môn của ngành, tích cực phổ biến, tuyên truyền các văn bản mới tập trung vào các lĩnh vực như: Môi trường, đất đai, hôn nhân gia đình, khiếu nại, tố cáo, các quy định xử lý hành chính ..., ban hành hướng dẫn các cấp Hội triển khai thực hiện Luật hòa giải ở cơ sở.
Nội dung PBGDPL thường được thực hiện bằng các hình thức như: Tuyên truyền qua Tập san Tiếng nói nhà nông, qua loa đài truyền thanh xã, tổ chức tuyên truyền qua tập huấn công tác Hội, các cuộc thi bằng hình thức viết hoặc sân khấu hóa đến với hội viên nông dân; tuyên truyền qua hội nghị cán bộ Hội các cấp, thông qua sinh hoạt định kỳ của chi hội để công tác hòa giải ở cơ sở đến tận hội viên nông dân, thành lập câu lạc bộ nông dân với pháp luật, tập huấn tuyên truyền PBGDPL. Cách làm hiệu quả nhất đó là thông qua hoạt động sinh hoạt Câu lạc bộ nông dân với pháp luật. Kết quả 3 năm triển khai các hoạt động hòa giải cơ sở đã phối hợp tuyên truyền phổ biến pháp luật được 566.056 lượt người và trợ giúp pháp lý được 101.882 lượt người. Thành lập mới CLB Nông dân với pháp luật, tập huấn phổ biến giáo dục pháp luật với 720 người tham gia và kiện toàn tổ chức, duy trì hoạt động 3 câu lạc bộ.
Bên cạnh đó, tỉnh Hội còn chú trọng xây dựng mạng lưới tuyên truyền viên pháp luật. Đội ngũ cán bộ Chủ tịch, Phó chủ tịch Hội cấp huyện và cơ sở hoạt động kiêm nhiệm là cộng tác viên tuyên truyền PBGDPL. Mạng lưới cán bộ làm công tác PBGDPL được hoạt động kiêm nhiệm lồng ghép 100% cán bộ chuyên trách cấp huyện và cơ sở đều là những tuyên truyền viên. Chi Hội trưởng nông dân là thành viên tổ hòa giải thường xuyên phối hợp, lồng ghép.
Công tác hòa giải ở cơ sở gắn liền với tuyên truyền phổ biến giáo dục pháp luật phối hợp và việc thực hiện Quy chế dân chủ cơ sở, tiến hành các biện pháp hòa giải, giải quyết mâu thuẫn ngay tại cơ sở, không để khiếu nại, tố cáo đông người, phức tạp, kéo dài, vượt cấp. Những năm qua Hội Nông dân tỉnh đã tổ chức được 22 lớp tập huấn với 1.216 người tham gia. Năm 2014: Tổ chức được 8 lớp tập huấn tuyên truyền phổ biến giáo dục pháp luật cho 336 học viên tham gia. Năm 2015: Tổ chức được 4 lớp tập huấn tuyên truyền phổ biến giáo dục pháp luật cho 200 học viên tham gia và 2 lớp phổ biến giáo dục pháp luật cho thành viên câu lạc bộ “Nông dân với pháp luật” và hội viên nông dân với sè lîng 160 ngêi. Phối hợp với Trung tâm tư vấn pháp luật TW Hội Nông dân tổ chức 2 lớp với số lượng 220 người. Duy trì sinh hoạt câu lạc bộ “Nông dân với pháp luật” tại xã Quỳnh Ngọc (Quỳnh Lưu) và xã Chi Khê (Con Cuông); hòa giải mâu thuẫn trong nội bộ hội viên nông dân được 5 vụ. Năm 2016: Thành lập mới 2 câu lạc bộ “Nông dân với Pháp luật” và tập huấn tuyên truyền PBPL 6 lớp với 300 học viên tham gia.
Hội Nông dân là thành viên ban chỉ đạo hội thi “Hòa giải viên giỏi” . Đây là một sân chơi bổ ích, thu hút sự tham gia đông đảo của các hòa giải viên, đây là dịp để các hòa giải viên giao lưu, học hỏi, trao đổi kinh nghiệm, qua đó, góp phần nâng cao kiến thức pháp luật, nghiệp vụ hòa giải, năng lực nghiệp vụ, tác phong làm việc khoa học.
Hội Nông dân các cấp lấy công tác hòa giải tại cơ sở là nhiệm vụ trọng tâm. Phát huy thế mạnh của tổ chức Hội, vừa rộng khắp, vừa gần gũi sâu sát, có uy tín với nông dân, Hội Nông dân cơ sở đã kịp thời phát hiện mâu thuẫn mới phát sinh, tâm lý của từng đối tượng để có hình thức hòa giải phù hợp. Đồng thời kiên trì vận động, thuyết phục với nhiều hình thức hòa giải linh hoạt như: dựa trên tình làng nghĩa xóm, anh em thân tộc; qua đối thoại trực tiếp; qua sinh hoạt chi tổ Hội; Qua người có uy tín với đối tượng và phối hợp với chính quyền, các đoàn thể để tổ chức hòa giải. Trong đó tập trung tại Chi, tổ Hội, kịp thời giải quyết mâu thuẫn ngay tại thôn, xóm, bản làng. Từng bước vận dụng phương pháp tham vấn trong công tác hòa giải với mục đích khơi gợi tiềm năng của các đối tượng để họ tự hóa giải những mâu thuẫn trong nội bộ.
Trong 3 năm Hội Nông dân các cấp đã trực tiếp hòa giải thành 3180 vụ việc, góp phần đảm bảo trật tự xã hội ở nông thôn, hạn chế tối đa việc khiếu kiện vượt cấp, vừa nâng cao ý thức chấp hành pháp luật của người dân, tạo được mối quan hệ mật thiết giữa Đảng, Chính quyền và nhân dân, vừa giữ được tình làng nghĩa xóm, tăng cường khối đoàn kết trong cộng đồng dân cư.
Đối với những vụ việc hòa giải không thành, hoặc vụ việc khiếu kiện phức tạp, đông người, các cấp Hội tiếp tục theo sát quá trình giải quyết khiếu kiện, tố cáo. Từ đó, kết hợp giữa công tác vận động thuyết phục của Hội với biện pháp hành chính của chính quyền, chú trọng thực hiện hòa giải trong và sau khiếu kiện. Nhiều vụ việc khiếu kiện phức tạp Hội vừa tham gia cùng chính quyền giải quyết, vừa kiên trì hòa giải đạt hiệu quả.
Có thể nói, công tác hòa giải ở cơ sở cho hội viên và nông dân của Hội nói chung có những chuyển biến đáng kể, nhận thức pháp luật của nông dân từng bước được nâng lên và đã dần đi vào nề nếp, nội dung tuyên truyền PBGDPL được lựa chọn phù hợp với đối tượng, nhiệm vụ chính trị, kinh tế, xã hội ở địa phương. Nhiều nội dung pháp luật đã đến với hội viên nông dân vùng nông thôn, vùng sâu, vùng xa, vùng dân tộc thiểu số. Góp phần hạn chế được tình trạng vi phạm pháp luật, hạn chế tranh chấp, khiếu nại, tố cáo.