(KNTC) Thực hiện hướng dẫn của Hội cấp trên, sự chỉ đạo trực tiếp của cấp ủy Đảng, sự quan tâm, phối hợp của chính quyền, Mặt trận và các đoàn thể, Hội Nông dân đã tích cực tham gia công tác hoà giải, giải quyết những mâu thuẫn, tranh chấp trong cộng đồng dân cư, góp phần hạn chế đơn thư khiếu nại, tố cáo, giữ gìn đoàn kết trong cộng đồng dân cư và phòng ngừa tội phạm.
|
(Ảnh minh họa, nguồn Internet) |
Hội Nông dân các cấp phối hợp với các ngành chức năng đã tăng cường phổ biến, quán triệt Luật hòa giải ở cơ sở lồng ghép với tuyên truyền pháp luật cho cán bộ, hội viên, nông dân gắn với việc hướng dẫn giải thích cho nông dân, giúp nông dân tháo gỡ khó khăn vướng mắc, tự bảo vệ quyền lợi chính đáng, hợp pháp của mình. Các hình thức phổ biến, quán triệt Luật lồng ghép với tuyên truyền pháp luật cho hội viên - nông dân được các cấp Hội áp dụng như: các buổi sinh hoạt chi, tổ Hội; sinh hoạt Câu lạc bộ Nông dân với pháp luật; đăng tải trên quyển Thông tin Nông dân Kon Tum; thông qua hệ thống loa truyền thanh tại các thôn, làng, tổ dân phố; các tờ tin, báo, tạp chí; thông qua các buổi hoà giải, qua các cuộc thi tìm hiểu pháp luật đất đai, hôn nhân gia đình, an toàn giao thông, luật bảo vệ rừng…
3 năm qua, các cấp Hội trong tỉnh đã tổ chức 7.508 buổi tuyên truyền pháp luật cho 347.805 lượt người tham dự; trong đó có 4.902 buổi được thực hiện ở vùng sâu, vùng xa, vùng đồng bào dân tộc thiểu số cho 230.394 lượt cán bộ, hội viên-nông dân tham dự. Nét mới trong công tác phổ biến Luật, pháp luật của những năm qua là việc tổ chức thi tìm hiểu pháp luật bằng hình thức sân khấu hoá ở các cơ sở Hội với nội dung phong phú được đông đảo nông dân tham gia hưởng ứng, nội dung các cuộc thi phần lớn do nông dân tự biên tự diễn trên cơ sở xuất phát từ nhu cầu tìm hiểu pháp luật ở cơ sở.
Tính đến nay, toàn tỉnh có 854 tổ hòa giải/869 thôn, làng, tổ dân phố với tổng số hòa giải viên là trên 5.500 thành viên, trong đó thành viên tổ hòa giải là Chi hội trưởng Hội Nông dân hơn 700 người. Bình quân mỗi tổ hòa giải có từ 5 đến 7 hòa giải viên. Thành phần tham gia tổ hòa giải là bao gồm những người có uy tín, trách nhiệm ở khu dân cư như: Già làng, trưởng thôn, Bí thư Chi bộ thôn, Chi hội trưởng chi Hội phụ nữ, Hội Nông dân, Hội cựu chiến binh, Hội người cao tuổi, Đoàn thanh niên... Tùy từng địa phương có sự bầu chọn và được UBND cấp xã ra quyết định công nhận thành viên của tổ hòa giải.
Trong quá trình thực hiện công tác hoà giải tại cơ sở, phát huy thế mạnh của tổ chức Hội Nông dân, với ưu thế vừa gần gũi, vừa sâu sát, vừa có uy tín với nông dân, Hội Nông dân cơ sở kịp thời phát hiện những mâu thuẫn phát sinh, nắm chắc tâm lý các bên tranh chấp để có hình thức hoà giải phù hợp. Đồng thời kiên trì thuyết phục, vận động thông qua nhiều hình thức hoà giải linh hoạt như qua đối thoại trực tiếp, qua sinh hoạt chi, tổ Hội, qua người có uy tín với đối tượng và phối hợp với chính quyền, các đoàn thể tổ chức hoà giải. Thực tiễn cho thấy Tổ chức hoà giải ở cơ sở đã và đang phát huy hiệu quả trong việc giải quyết những vụ việc phức tạp, đặc biệt là các tranh chấp về lĩnh vực đất đai hoặc tranh chấp khác phát sinh trong sinh hoạt cộng đồng. Tuy nhiên, do trình độ hiểu biết pháp luật của đa số các hoà giải viên còn hạn chế nên họ thường gặp rất nhiều khó khăn trong việc giải quyết những vụ việc phức tạp, liên quan nhiều đến chính sách, pháp luật.
Nhằm nâng cao trình độ hiểu biết pháp luật và phương pháp hòa giải, giải quyết các vụ việc khiếu nại, tố cáo của nông dân, hàng năm được UBND tỉnh tạo điều kiện về kinh phí, Ban Thường vụ Hội Nông dân tỉnh Kon Tum phối hợp với các sở, ngành tham gia tổ chức mở lớp tập huấn cho cán bộ chủ chốt của Hội cũng như các thành viên tổ hòa giải.
Trong 3 năm qua, các cấp Hội đã mở 28 lớp tập huấn bồi dưỡng nghiệp vụ công tác hòa giải, giải quyết khiếu nại, tố cáo cho 2.456 lượt cán bộ Hội các cấp; trong đó: Hội Nông dân tỉnh đã mở 2 lớp cho 80 lượt cán bộ làm công tác hòa giải, giải quyết khiếu nại, tố cáo (lồng ghép với tập huấn thực hiện Quyết định 81/2014/QĐ-TTg), đã cung cấp 80 bộ tài liệu về hòa giải và giải quyết khiếu nại, tố cáo và 270 quyển “Sổ tay phổ biến pháp luật” cho nông dân do Trung ương Hội biên soạn và cấp.
Các Huyện, thành Hội đã phối hợp với Trung tâm Chính trị cùng cấp mở 16 lớp tập huấn lồng ghép cho 1.515 lượt cán bộ Hội là trưởng, phó ban hoặc thành viên Ban Chỉ đạo Chỉ thị 26/TTg - Quyết định 81/2014/QĐ-TTg, thành viên của các tổ hòa giải cho cấp cơ sở, ngoài ra còn một số huyện được chính quyền tạo điều kiện về kinh phí tổ chức hội thi nông dân với pháp luật nhằm giúp nông dân hiểu và tuân thủ theo đúng pháp luật…
Nhìn chung các tổ hòa giải ở cở sở trên địa bàn tỉnh cơ bản hoạt động có hiệu quả, số lượng vụ việc hòa giải thành tăng cao, năm sau cao hơn năm trước, từ kết quả đó đã góp phần tích cực trong việc giữ gìn an ninh trật tự, an toàn xã hội tại địa phương, hạn chế xảy ra những vụ việc mâu thuẫn, xích mích kéo dài dẫn đến các hành vi vi phạm pháp luật có thể xảy ra.
Trong thực tế có những việc tranh chấp, mẫu thuẫn ngay từ đầu tưởng chừng đơn giản nhưng do không được hòa giải, giải quyết kịp thời dẫn đến ngày càng phức tạp, nhiều vụ trọng án xảy ra xuất phát từ những mâu thuẫn, tranh chấp nhỏ. Do đó, cần đánh giá đúng vai trò của công tác hòa giải ở cơ sở và không ngừng củng cố, nâng cao công tác này trong thời gian tới, góp phần quan trọng vào việc bảo đảm ổn định an ninh trật tự, phòng chống tội phạm, xây dựng đời sống văn hóa ở khu dân cư ngày càng đi vào hiệu quả thiết thực./.