Bình Phước: Nâng cao nhận thức cho người dân trong việc thực hiện QĐ số 81 và Quy chế dân chủ ở cơ sở
(KNTC) Trong những năm qua, các cấp Hội từ tỉnh đến cơ sở luôn chú trọng việc tuyên truyền, vận động cán bộ, hội viên nông dân chấp hành chủ trương của Đảng, chính sách pháp luật của Nhà nước, quy định của địa phương, tham gia xây dựng quy ước, hương ước của xóm, làng gắn với công tác xây dựng tổ chức Hội cơ sở vững mạnh, nâng cao chất lượng hội viên và giúp hội viên nông dân phát triển sản xuất. Riêng năm 2016, các cấp Hội Nông dân tỉnh Bình Phước đã phối hợp, tham gia tổ chức hòa giải 608 vụ việc với các nội dung về: Ly hôn, tranh chấp đất đai, tài sản, đơn thư khiếu nại, tố cáo (trong đó trực tiếp hòa giải 54 vụ, phối hợp hòa giải 554 vụ), có 413 vụ hòa giải thành.
Công tác tuyên truyền phổ biến giáo dục pháp luật, trợ giúp pháp lý, các cấp Hội trong tỉnh đã tổ chức triển khai Luật PBGDPL và Nghị định số 28/2013/NĐ-CP của Chính phủ quy định chi tiết một số điều và biện pháp thi hành Luật PBGDPL, các cấp Hội tổ chức tư vấn được 456 cuộc, tuyền truyền cho 38.756 lượt hội viên, nông dân. Hình thức PBGDPL không ngừng được đổi mới như: Thông qua hội nghị, hội thi, tập huấn nghiệp vụ, Ngày pháp luật, tư vấn, giải thích pháp luật, phối hợp với Trung tâm trợ giúp pháp lý thuộc Sở Tư pháp tỉnh Bình Phước tổ chức tuyên truyền lưu động … trong đó phổ biến pháp luật trực tiếp được 90 điểm ở các xã trong tỉnh với hơn 4.678 người tham dự. Bên cạnh đó tỉnh Hội còn in ấn và phát hành tới cơ sở 6.700 bộ tài liệu tuyên truyền pháp luật, 500 cuốn tài liệu hỏi đáp pháp luật, 12.000 tờ rơi (gồm 4 loại) tài liệu tuyên truyền về pháp luật; biên soạn và phát hành 18.000 Bản tin Nông dân Bình Phước; phối hợp với Đài truyền thanh các huyện, thị xã, các xã, phường, thị trấn đã phát thanh được 1.286 lượt, thời lượng từ 5 đến 10 phút; cung cấp 8 đĩa CD tuyên truyền về phòng, chống ma túy và phòng, chống tội phạm.
Ngoài ra, thông qua tổ chức Ngày Pháp luật nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam, hàng tháng Hội Nông dân tỉnh tổ chức tuyên truyền cho cán bộ, công chức, viên chức, người lao động cơ quan những văn bản pháp luật mới được ban hành như: Hiến pháp 2013, Luật đất đai (sửa đổi, bổ sung), Luật bầu cử Quốc Hội và Hội đồng nhân dân các cấp, Công ước Quốc tế về quyền con người, quyền chính trị, quyền dân sự; Luật phòng, chống tham nhũng, Luật khiếu nại, Luật tố cáo, Luật cán bộ công chức, Luật phòng chống tác hại của thuốc lá…Các cấp Hội cũng gắn việc tuyên truyền Chỉ thị số 30-CT/TW với thực hiện Chỉ thị 05-CT/TW về “ đẩy mạnh học tập và làm theo tư tưởng, đạo đức, phong cách Hồ Chí Minh”, phong trào thi đua xây dựng nông thôn mới, sản xuất kinh doanh giỏi; phong trào Dân vận khéo; quyết định 217, 218 của Bộ Chính trị ban hành Quy chế giám sát và phản biện xã hội của Mặt trân Tổ quốc, các đoàn thể chính trị - xã hội và nhân dân trong việc tham gia góp ý xây dựng Đảng, xây dựng chính quyền. Công tác tuyên truyền được chú trọng triển khai dưới nhiều hình thức phong phú, thiết thực thông qua các phương tiện thông tin đại chúng của địa phương; hội nghị; tập huấn và sinh hoạt chi, tổ Hội, sinh hoạt CLB…
Hội Nông dân các cấp trong tỉnh cũng tích cực vận động cán bộ, hội viên, nông dân nâng cao ý thức trách nhiệm, ý thức công dân; hăng hái tham gia cuộc bầu cử Đại biểu Quốc hội khóa XIV và Đại biểu Hội đồng nhân dân các cấp nhiệm kỳ 2016-2021; tham mưu, lựa chọn, giới thiệu đại biểu đại diện cho giai cấp nông dân tham gia ứng cử đại biểu HĐND các cấp. Các cấp Hội cũng tích cực bồi dưỡng, giúp đỡ, giới thiệu cán bộ, hội viên ưu tú để các cấp ủy xem xét kết nạp vào Đảng. Mặt khác, Hội còn phối hợp với các cơ quan, ban, ngành liên quan tuyên truyền cho nông dân về các luật: Luật đất đai, Luật khiếu nại tố cáo, Luật phòng chống bạo lực gia đình, Luật bầu cử…Kết quả, từ đầu năm 2016 đến nay, các cấp Hội từ tỉnh đến cơ sở đã tổ chức trên 8.659 buổi tuyên truyền cho hơn 418.867 lượt cán bộ, hội viên, nông dân. Trong đó có nội dung thực hiện quy chế dân chủ ở cơ sở, hương ước thôn xóm làng để hội viên, nông dân nắm được nội dung dân chủ, quyền và nghĩa vụ công dân trên tinh thần dân biết, dân bàn, dân làm, dân kiểm tra.
Nhằm phát huy hiệu quả mô hình chỉ đạo điểm câu lạc bộ Nông dân với pháp luật, tạo điều kiện để cán bộ Hội Nông dân các cấp tham gia giải quyết khiếu nại, tố cáo của nông dân và hòa giải ở cơ sở tập trung ở những nơi thường xảy ra điểm nóng như các huyện Bù Đăng, Bù Đốp, Bù Gia mập, Đồng Phú, Chơn Thành. Hội Nông dân tỉnh đã tổ chức 11 lớp tập huấn, bồi dưỡng nghiệp vụ giải quyết khiếu nại, tố cáo, với 1.023 lượt người tham gia.
Qua công tác tuyên truyền, học tập và việc thực hiện Quy chế dân chủ ở cơ sở, nhận thức, trách nhiệm của cán bộ, hội viên nông dân về xây dựng và thực hiện Quy chế dân chủ ở cơ sở được nâng lên. Đa số cán bộ, hội viên nông dân phát huy được quyền làm chủ của mình, có sự tham gia bàn bạc và đóng góp nhiều ý kiến với cấp ủy, chính quyền và tổ chức Hội. Các tranh chấp, vướng mắc trong nội bộ hội viên nông dân được chính quyền hòa giải, giải quyết ổn thỏa từ cơ sở đã góp phần củng cố khối đại đoàn kết toàn dân, tạo không khí chan hòa, cởi mở, tin tưởng vào Đảng, Nhà nước và tổ chức Hội.