Vĩnh Long: Hòa giải thành trên 1.600 vụ việc mâu thuẫn trong cộng đồng dân cư
14:36 - 24/03/2017
KNTC)-Thực hiện Luật Hòa giải ở cơ sở, từ năm 2014 đến nay, tỉnh Vĩnh Long đã kiện toàn các tổ hòa giải cơ sở, cán bộ Hội các cấp là hòa giải viên đã tích cực tham gia hòa giải,  giải quyết các mâu thuẫn, tranh chấp nhỏ trong nội bộ nông dân, góp phần ổn định trật tự, an ninh xã hội trên địa bàn.

(Ảnh minh họa)
Xác định tầm quan trọng của công tác hòa giải ở cơ sở, Hội Nông dân phối hợp với các ngành chức năng củng cố, kiện toàn các tổ hòa giải. Thành viên tổ hoà giải là trưởng ấp, tổ trưởng tổ Hội, tổ nhân dân tự quản, Trưởng ban Mặt trận khu dân cư, trưởng các chi hội đoàn thể của ấp và những người có uy tín, có kiến thức pháp luật. Hòa giải viên là những người có phẩm chất đạo đức, uy tín, đại diện cho nhân dân, có tinh thần trách nhiệm, nhiệt tình, tự nguyện tham gia làm công tác hòa giải. Chất lượng đội ngũ hòa giải viên ngày càng được nâng cao, số vụ việc hoà giải thành năm sau cao hơn năm trước, hạn chế đáng kể các vụ việc tranh chấp phát sinh thành khiếu kiện.

Từ năm 2014-2016, các cấp Hội của tỉnh Vĩnh Long đã tham gia hòa giải 2.079  vụ việc mâu thuẫn nhỏ. Trong đó:  hòa giải thành 1.657 vụ, chuyển lên cấp có thẩm quyền giải quyết 422 vụ việc. Nội dung tiếp nhận và hòa giải tập trung ở các lĩnh vực như tranh chấp về đất đai, hôn nhân và gia đình, dân sự, cấp dưỡng, gây rối trật tự, va chạm giao thông. Thông qua hoạt động hòa giải cơ sở từng bước mang lại hiệu quả tích cực, góp phần giải quyết các tranh chấp, mâu thuẫn, xích mích nhỏ trong nội bộ nhân dân ngay từ cơ sở, giữ gìn được mối đoàn kết, tình làng nghĩa xóm, hạn chế phát sinh đơn thư khiếu nại, tố cáo kéo dài hay dẫn đến khiếu kiện tại tòa án.

Song song với việc hòa giải, Hội Nông dân các cấp còn nhận cảm hóa, giáo dục  568 đối tượng chậm tiến. Nhìn chung, các đối tượng có chuyển biến tốt, tái hòa nhập với cộng đồng.

Bên cạnh đó, Hội Nông dân các cấp phối hợp với phòng Tư pháp, Hội đồng  phổ biến giáo dục pháp luật và Ủy ban nhân dân cùng cấp tổ chức triển khai, quán triệt Luật Hòa giải ở cơ sở đến Ủy viên Ban Chấp hành cấp huyện, cơ sở và triển khai đến cán bộ, hội viên, nông dân dưới nhiều hình thức như họp Ban chấp hành cấp xã, chi Hội và sinh hoạt định kỳ của tổ Hội hàng tháng, lồng ghép vào các Câu lạc bộ “Nông dân với pháp luật”, thông qua sinh hoạt ngày pháp luật, đã tổ chức tuyên truyền 10.226 cuộc cho 326.114 lượt cán bộ, hội viên, nông dân.

Nhờ sự quan tâm lãnh đạo, chỉ đạo của các cấp uỷ Đảng, chính quyền và nhận thức đúng đắn về vai trò của công tác hoà giải của các ngành, đơn vị, địa phương. đặc biệt là sự phối hợp giữa Mặt trận và các tổ chức thành viên trong xây dựng, kiện toàn tổ chức hoà giải, bồi dưỡng kỹ năng, hướng dẫn nghiệp vụ cho đội ngũ hòa giải viên đã góp phần tạo nên thành công chung cho công tác hòa giải ở cơ sở trên toàn tỉnh.
                                                                                                             
Hoàng Lan
Thêm bình luận :
Họ và tên
Email

Bài đọc nhiều nhất

Giải quyết khiếu nại tố cáo tại Đồng Tháp