Đức Lĩnh: xây dựng mô hình tham gia giải quyết khiếu nại, tố cáo
15:12 - 07/01/2016
(KNTC) Năm 2015, Hội Nông dân tỉnh Hà Tĩnh chọn xã Đức Lĩnh (huyện Vũ Quang) xây dựng mô hình “Hội Nông dân tham gia giải quyết khiếu nại, tố cáo của nông dân gắn với thực hiện Quy chế dân chủ ở cơ sở và tham gia giám sát, phản biện xã hội”.

ảnh minh họa
Đức Lĩnh là xã miền núi thuộc chương trình 135 của Chính phủ, địa hình giao thông đi lại cách trở, diện tích chủ yếu là đồi núi, dân cư phân bố rải rác, không đồng đều, đời sống của nhân dân gặp nhiều khó khăn, nhận thức của người dân và những hiểu biết về pháp luật còn có phần hạn chế, điều kiện tiếp xúc, được tư vấn, hiểu biết về pháp luật chưa nhiều nên vẫn còn xẩy ra những hành vi, suy nghĩ trái với pháp luật. Bởi vậy việc xây dựng mô hình “Hội Nông dân tham gia giải quyết khiếu nại, tố cáo của nông dân gắn với thực hiện Quy chế dân chủ ở cơ sở và tham gia giám sát, phản biện xã hội” có ý nghĩa thiết thực với hội viên, nông dân xã Đức Lĩnh.

Hội Nông dân Hà Tĩnh đã căn cứ tình hình địa phương, chọn địa bàn phù hợp với tiêu chí xây dựng mô hình; chỉ đạo Hội Nông dân huyện Đức Quang và Hội Nông dân xã cùng làm việc trực tiếp với đại diện cấp ủy, chính quyền, các đoàn thể và đại  diện hội viên, nông dân ở các cụm dân cư để nắm tình hình kinh tế- xã hội, tình hình khiếu nại tố cáo, mức độ nhận thức và chấp hành pháp luật tại địa phương. Quá trình khảo sát và chọn điểm đã phối hợp chặt chẽ với cấp ủy, chính quyền và các đoàn thể cấp xã. lập kế hoạch xây dựng mô hình và hướng dẫn Hội Nông dân huyện và xã xây dựng kế hoạch thực hiện các hoạt động của cấp mình.

Hội Nông tỉnh và huyện phối hợp với cấp ủy, chính quyền xã chuẩn bị nhân sự Ban chỉ đạo và UBND xã ra quyết định thành lập Ban chỉ đạo xây dựng mô hình với số lượng 7 thành viên, trong đó đồng chí Phó chủ tịch UBND xã làm trưởng ban, đồng chí Chủ tịch Hội Nông dân xã làm phó ban thường trực và đại diện Hội phụ nữ, Mặt trận tổ quốc, Đoàn thanh niên, Phòng tư pháp, Cựu chiến binh làm thành viên. Thành lập Câu lạc bộ Nông dân với pháp luật mà thành viên nòng cốt là từ cộng tác viên các thôn với từ 3-5 người tham gia. Câu lạc bộ Nông dân với pháp luật được tổ chức sinh hoạt ít nhất 1 tháng/lần với các nội dung sinh hoạt gồm: trao đổi thông tin pháp luật, tình hình thực hiện pháp luật ở các thôn, phản ánh tình hình thực hiện chủ trương, chính sách của Đảng và Nhà nước, các chương trình, dự án tại địa phương, thực hiện pháp lệnh dân chủ cơ sở; thực hiện các quy định của pháp luật về quản lý sản xuất, kinh doanh, sử dụng vật tư nông nghiệp. Đồng thời, thành viên Câu lạc bộ thường xuyên tập hợp nắm bắt tâm tư nguyện vọng và phản ánh của hội viên, nông dân.

Ngoài ra, Hội Nông dân tỉnh phối hợp với Hội Nông dân huyện và cấp ủy, chính quyền xã tổ chức hội nghị triển khai xây dựng mô hình, công bố quyết định thành lập Ban chỉ đạo; kế hoạch xây dựng mô hình điểm, bàn biện pháp thực hiện; tập huấn, phổ biến kiến thức pháp luật, kỹ năng, nghiệp vụ tuyên truyền, phổ biến pháp luật, hòa giải, tham gia giải quyết khiếu nại, tố cáo, giám sát và phản biện xã hội cho cán bộ và hội viên, nông dân; tập huấn kiến thức pháp luật và kỹ năng tổ chức điều hành CLB cho đội ngũ cộng tác viên. Hội Nông dân tỉnh trực tiếp tổ chức 2 lớp tấp huấn về kiến thức pháp luật cho cán bộ chính quyền và Hội Nông dân xã, tập huấn 1 lớp kỹ năng công tác hòa giải, tư vấn, tuyên truyền pháp luật cho đội ngũ cộng tác viên các thôn xóm với 60 học viên. Hội Nông dân huyện và xã tổ chức 07 lớp tập huấn kiến thức pháp luật cho 50 hội viên, nông dân. Đồng thời tuyên truyền, phổ biến pháp luật, quy chế dân chủ trên hệ thống loa truyền thanh xã.

Cán bộ Hội tham gia hòa giải mâu thuẫn trong nội bộ nông dân, trợ giúp pháp lý, tư vấn pháp luật nhằm giảm bớt khiếu kiện của nông dân. Các nhóm cộng tác viên ở các thôn trực tiếp tìm hiểu thông tin, nắm bắt các mâu thuẫn, vướng mắc pháp luật và tham gia cùng các tổ hòa giải, tuyên truyền, vận động, tư vấn kiến thức pháp luật cho các đối tượng giúp hòa giải các mâu thuẫn trong nông dân ngay tại các chi, tổ Hội. Bên cạnh đó, Hội Nông dân xã phối hợp với chính quyền tham gia tiếp dân và tổ chức các buổi đối thoại với nông dân, nhất là các vụ việc khiếu kiện của nông dân trong xã; phối hợp với chính quyền thông báo các quyết định giải quyết đơn thư khiếu nại, tố cáo cho nông dân biết. Thực hiện Quy chế dân chủ ở cơ sở, tham gia giám sát phản biện xã hội xây dựng thôn, làng văn hoá xây dựng Đảng chính quyền trong sạch vững mạnh.

Mô hình Câu lạc bộ “Nông dân với pháp luật” có ý nghĩa hết sức to lớn với bà con hội viên nông dân xã Đức Lĩnh. Đây là nơi để hội viên, nông dân có điều kiện tiếp thu, hiểu biết những vấn đề liên quan đến pháp luật. Qua sinh hoạt Câu lạc bộ Nông dân với pháp luật giúp cho hội viên, nông dân bày tỏ được tâm tư, nguyện vọng và những đề xuất, kiến nghị lên cấp trên; tuyên truyền đến cán bộ, hội viên, nông dân về sản xuất như công tác làm vườn, chăn nuôi, làm trang trại, gia trại, khơi dậy phong trào nông dân tham gia thi đua xây dựng nông thôn mới.
 
 
 
 
Khánh Ngân
Thêm bình luận :
Họ và tên
Email

Bài đọc nhiều nhất

Giải quyết khiếu nại tố cáo tại Đồng Tháp