Thừa Thiên-Huế: Tăng cường công tác tuyên truyền, phổ biến pháp luật
Công tác tuyên truyền, phổ biến pháp luật và trợ giúp pháp lý cho nông dân là một trong những nội dung công tác trọng tâm của Hội Nông dân tỉnh Thừa Thiên Huế. Từ năm 2009 đến 2012, theo đánh giá của Hội Nông dân Tỉnh ghi nhận các cấp Hội đã thực hiện có chất lượng, hiệu quả với 6.588 cuộc phổ biến chủ trương chính sách và kiến thức pháp luật cho 285.484 lượt hội viên, nông dân .
Những năm qua, các cấp Hội tỉnh Thừa Thiên- Huế đã phối hợp với ngành Tư pháp, các ban, ngành chức năng và các đoàn thể tăng cường công tác phổ biến giáo dục pháp luật cho cán bộ, hội viên, nông dân với nhiều hình thức phong phú.
Nội dung tuyên truyền là những chính sách, pháp luật trong đó tập trung vào các văn bản như Chương trình hành động số 22-CTr/TW ngày 27/3/2009 của Tỉnh ủy và các cấp ủy thực hiện Nghị quyết 26 của Hội nghị Ban Chấp hành TW VII, khóa X về nông nghiệp, nông dân, nông thôn; Nghị quyết Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ V Hội Nông dân VN; Luật Bầu cử đại biểu Quốc hội, Luật Bầu cử đại biểu Hội đồng nhân dân; Kết luận 61-KL/TW của Ban Bí thư (khóa X) về Đề án “Nâng cao vai trò, trách nhiệm của Hội Nông dân Việt Nam trong phát triển nông nghiệp, xây dựng nông thôn mới và xây dựng giai cấp nông dân Việt Nam trong giai đoạn 2010-2020”…Sau 4 năm Hội Nông dân các cấp đã phối hợp tổ chức được 6.588 cuộc phổ biến chủ trương, chính sách, kiến thức pháp luật cho 285.484 lượt hội viên, nông dân và trợ giúp pháp lý cho 26.824 lượt hội viên, nông dân.
Một hình thức tuyên truyền, phổ biến pháp luật được Hội Nông dân Tỉnh Thừa Thiên -Huế chú trọng thực hiện thường xuyên là xây dựng mạng lưới Câu lạc bộ “Nông dân với pháp luật”. Đến nay, Hội Nông dân cơ sở đã xây dựng được 64 Câu lạc bộ. Các câu lạc bộ đã chuyển tải rất nhiều nội dung pháp luật liên quan trực tiếp đến đời sống, sản xuất của bà con nông dân. Đây thật sự là nơi sinh hoạt pháp luật bổ ích, ngày càng đông thu hút thành viên và cán bộ, hội viên, nông dân tham gia. Với 2.240 tuyên truyền viên của 64 câu lạc bộ là mạng lưới nòng cốt đẩy mạnh công tác tuyên truyền, phổ biến pháp luật cho hội viên, nông dân ngay tại cơ sở.
Bên cạnh đó, thi tìm hiểu pháp luật bằng hình thức “sân khấu hóa” những năm gần đây đã được các cấp Hội Nông dân đầu tư tổ chức 05 cuộc thi với các nội dung tuyên truyền theo chủ đề “Nông dân với an toàn giao thông”, “Nông dân với bảo vệ môi trường”, “Nông dân tìm hiểu Luật Thủy sản”, “Nhà nông đua tài”, “Nông dân tìm hiểu chính sách phát triển nghề và làng nghề ở nông thôn”, ở quy mô từ tỉnh đến cơ sở. Từ hình thức, nội dung của cuộc thi lồng ghép các kiến thức pháp luật được biên tập thành tình huống, tiểu phẩm, chuyển thể với các làn điệu dân ca sâu lắng, mang đậm bản sắc dân tộc đã thu hút được hàng ngàn hội viên, nông dân đến dự, cổ vũ cho hội thi tạo nên sức lan toả mang tính tuyên truyền, phổ biến pháp luật cao.
Qua tổ chức hội thi “Nông dân tìm hiểu pháp luật” các cấp Hội Nông dân đã góp phần tạo sự chuyển biến trong nhận thức pháp luật của nông dân và phát huy hiệu quả chương trình phối hợp với các ngành trong công tác tuyên truyền, vận động hội viên, nông dân thực hiện chủ trương, chính sách của Đảng, pháp luật của Nhà nước, chỉ thị, nghị quyết của Hội Nông dân. Khuyến khích nhu cầu tìm hiểu pháp luật của nông dân và tạo môi trường thuận lợi để nâng cao năng lực cho đội ngũ cán bộ Hội, những tuyên truyền viên có kinh nghiệm giao lưu, học hỏi nâng cao chất lượng công tác tuyên truyền, phổ biến giáo dục pháp luật cho nông dân.
Kết hợp nội dung tuyên truyền, phổ biến pháp luật, các cấp Hội đã thực hiện nghiêm túc công tác tiếp dân giải quyết đơn thư khiếu nại, tố cáo của nông dân. Hội Nông dân theo từng cấp đã cử cán bộ có chuyên môn nghiên cứu nắm bắt các vấn đề bức xúc, tìm hiểu tâm tư, nguyện vọng của nông dân từ đó đề xuất, kiến nghị với chính quyền và cơ quan chức năng xem xét giải quyết bảo vệ lợi ích chính đáng, hợp pháp của nông dân, đưa công tác tiếp dân dần đi vào nề nếp.
Đồng thời các cấp Hội đã phối hợp với Chính quyền, ngành Tư pháp, Mặt trận tổ quốc và các tổ chức đoàn thể tham gia hòa giải, giải những vụ việc, mâu thuẫn tại cơ sở. Kết quả, từ năm 2009 đến 2012, các cấp Hội đã tham gia hòa giải được 1838 vụ trong đó hòa giải thành 1.434 vụ mâu thuẫn, tranh chấp của nông dân. Qua đó đã hạn chế việc tranh chấp, mâu thuẫn phát sinh thành khiếu nại, khiếu kiện của nông dân góp phần ổn định trật tự xã hội ở nông thôn.
Lâm Bình