Hội Nông dân huyện Phù Cát: Nỗ lực thực hiện Chỉ thị 26 của Chính phủ
16:31 - 03/06/2010
Ngày 29/6/2002 UBND huyện Phù Cát, Bình Định đã ra quyết định thành lập Ban Chỉ đạo (BCĐ) 26 và ban hành kế hoạch triển khai thực hiện Chỉ thị trên địa bàn toàn huyện. Ban chỉ đạo thực hiện Chỉ thị 26 của huyện Phù Cát do đ/c phó Chủ tịch UBND huyện làm trưởng Ban, đồng chí Chủ tịch Hội Nông dân huyện làm phó Trưởng ban và các ngành: Thanh tra, Tư pháp, Tài nguyên môi trường, Tài chính làm thành viên, được sự quan tâm lãnh đạo chỉ đạo trực tiếp của cấp ủy Đảng, Chính quyền và sự phối hợp của các ngành, đoàn thể từ huyện đến cơ sở đã tạo sự gắn kết tham gia xây dựng kế hoạch và triển khai tổ chức thực hiện.

Ban Chỉ đạo đã chọn xã Cát Tường để làm điểm rút kinh nghiệm trong công tác vận  động quần chúng xây dựng nông thôn mới theo tinh thần Chỉ thị 26, qua đó BCĐ của huyện tập trung chỉ đạo triển khai ra diện rộng trên 17 xã, thị trấn còn lại trên toàn địa bàn.


Sau 8 năm thực hiện Chỉ thị 26 của Thủ tướng Chính phủ,  vai trò của Hội nông dân các cấp đã  được phát huy.Thông qua tập huấn, phổ biến giáo dục phát luật và trợ giúp pháp lý, các Hội thi cán bộ cơ sở giỏi, Hội thi kiến thức nhà nông; qua sổ tay nghiệp vụ công tác Hội, cuốn sổ tay phổ biến giáo dục pháp luật, qua các tờ rơi hỏi đáp pháp luật đến chi, tổ hội dùng làm tài liệu trong các kỳ sinh hoạt...hầu hết cán bộ hội viên nông dân từ huyện xuống cơ sở được trang bị và nâng cao kiến thức cơ bản trong công tác tiếp dân, hòa giải mâu thuẫn tại cộng đồng, khu dân cư, tham gia giải quyết khiếu nại tố cáo, kỹ năng phổ biến giáo dục pháp luật cho nông dân.


Công tác hòa giải, tiếp dân giải quyết khiếu nại tố cáo của nông dân trong những năm qua có chuyển biến tích cực, khi có phát sinh mâu thuẫn trong nội bộ nông dân, sự việc xảy ra ở đâu, cơ sở Hội ở đó tích cực chủ động phối hợp với chính quyền, mặt trận và các đoàn thể và tranh thủ sự tham gia của những người có uy tín trong cộng đồng dân cư, trực tiếp gặp gỡ, trao đổi, đối thoại, xác định vụ việc, đúng sai của mỗi bên...


Qua đó vận động thuyết phục, tổ chức hòa giải thành hơn 1.800 vụ việc mâu thuẫn phát sinh tại cộng đồng khu dân cư (thôn, xóm); mặt khác, có hơn 980 lượt nông dân đến trực tiếp trình bày khiếu nại tố cáo, kiến nghị, phản ánh chủ yếu trên lĩnh vực đất đai, đền bù giải tỏa, khai thác tài nguyên…Hội đồng tiếp dân dựa trên cơ sở pháp luật của Nhà nước, phân tích đúng, sai, động viên tại chỗ, trả lời tại chỗ thấu tình, đạt lý nên nhiều trường hợp tự nguyện rút đơn... Trong 8 năm qua, Phòng Tư pháp huyện đã phối hợp với Hội Nông dân huyện, xã thị trấn tổ chức trợ giúp pháp lý cho hơn 2.400 hội viên, nông dân có yêu cầu trợ giúp….
.


Đặc biệt, các ngành chức năng, Mặt trận, các Hội đoàn thể, trong đó có Hội nông dân các cấp đã góp phần tham gia tổ chức 4.972 buổi phổ biến pháp luật cho cho 348.000 lượt hội viên, nông dân tham gia nâng cao hiểu biết về kiến thức pháp luật.


Huyện  Phù Cát thực hiện “Qui chế dân chủ ở cơ sở” luôn gắn với thực hiện Chỉ thị 26 TTg của Thủ tướng Chính phủ theo phương châm “dân biết, dân bàn, dân làm, dân kiểm tra” mọi việc đều được công khai, dânchủ bàn bạc, coi việc công khai dân chủ là biện pháp quan trọng để giải quyết các khiếu nại, tố cáo, tranh chấp…


Nhờ đó trong những năm qua hầu hết các đơn khiếu nại, tố cáo, những vướng mắc từ nông dân cơ bản được giải quyết từ cơ sở, hạn chế rõ rệt đơn thư khiếu nại, tố cáo vượt cấp, khiếu kiện đông người, nội bộ nông dân đoàn kết, tình làng nghĩa xóm được khơi dậy, trật tự xã hội nông thôn ổn định hơn, góp phần tạo ra động lực mới để phát triển kinh tế- xã hội, đảm bảo quốc phòng an ninh, xây dựng nông thôn mới.


Tuy nhiên, quá trình thực hiện Chỉ thị 26/2001/CT-TTg của Thủ tướng Chính phủ “Về việc tạo điều kiện để Hội Nông dân các cấp tham gia giải quyết khiếu nại, tố cáo của nông dân” ở Phù Cát trong 8 năm qua, vẫn còn không ít tồn tại, hạn chế. Vẫn còn một số cán bộ Chi, tổ Hội năng lực hạn chế chưa nhận thức đầy đủ  về vai trò, vị trí chức năng của Hội trong việc tham gia cùng chính quyền giải quyết, khiếu nại, tố cáo của nông dân còn né tránh, thờ ơ, đứng ngoài cuộc; Công tác tuyên truyền phổ biến giáo dục pháp luật cho nông dân chưa được tiến hành thường xuyên, liên tục, còn mang tính hình thức; Một số cấp ủy, chính quyền và các ngành chức năng có liên quan tham gia thụ lý, giải quyết một số vụ việc còn chậm và kéo dài, cá biệt còn đùn đẩy lẫn nhau. 

Ở một số nơi chính quyền chưa thực sự tạo điều kiện để Hội Nông dân phối hợp tham gia giải quyết đơn thư khiếu kiện tố cáo của nông dân; Chỉ thị 26 gắn với pháp lệnh Dân chủ cơ sở chưa thực hiện đầy đủ phương châm “Dân biết, dân bàn, dân làm, dân kiểm tra”, trong khi đó, một bộ phận nông dân hiểu biết về chính sách pháp luật của Nhà nước còn hạn chế……

Ban chỉ đạo huyện đã và đang  tập trung khắc phục tồn tại, hạn chế trên cơ sở phát huy kết quả đạt được, tiếp tục triển khai nhiều biện pháp đồng bộ về mọi mặt, nhất là nâng cao nhận thức và năng lực cho cán bộ Hội nông dân các cấp gắn với thực hiện tốt phương châm “dân biết, dân bàn, dân làm, dân kiểm tra” để tập trung mọi cố gắng thực hiện tốt hơn nữa Chỉ thị 26/2001/CT-TTg của Thủ tướng Chính phủ ngày càng tốt hơn.


Lương Ngọc Tấn

Thêm bình luận :
Họ và tên
Email

Bài đọc nhiều nhất

Giải quyết khiếu nại tố cáo tại Đồng Tháp