Sau 10 năm thực hiện quy chế dân chủ cơ sở, Ban Thường vụ Hội ND tỉnh đã tổ chức quán triệt, học tập Chỉ thị 30, Nghị định 29, Thông chi 491 tới đông đảo cán bộ hội viên nông dân trong toàn tỉnh, qua đó giúp cán bộ hội các cấp nhận thức đúng về vai trò, vị trí của Hội trong việc tham gia xây dựng và thực hiện quy chế dân chủ cơ sở.
Hội ND là tổ chức chính trị xã hội thực hiện tốt 2 chức năng đó là: vừa phát huy dân chủ đại diện của tổ chức hội, vừa hướng dẫn tổ chức cho hội viên nông dân thực hiện tốt dân chủ trực tiếp, và nắm được các quyền được biết, được bàn, được quyết định, được giám sát kiểm tra và có ý thức trách nhiệm trong việc thực hiện các quyền đó.
Những năm qua, việc tuyên truyền, học tập thực hiện quy chế dân chủ rộng khắp trên địa bàn toàn tỉnh. Thông qua sinh hoạt học tập đã có hàng ngàn lượt ý kiến tham gia phát biểu tập trung vào một số nội dung cơ bản như: xây dựng kế hoạch cụ thể thực hiện quy chế dân chủ, tạo điều kiện cho dân thực hiện được 14 việc dân biết, 6 việc dân bàn, 8 việc dân tham gia ý kiến và 10 việc dân giám sát. Có thể nói việc triển khai học tập quy chế dân chủ cơ sở đã tạo ra bầu không khí thật sự dân chủ ở cơ sở, giúp hội viên phấn khởi và tin tưởng vào sự lãnh đạo của Đảng và Nhà nước, tạo động lực thúc đẩy các phong trào thi đua do Hội ND phát động. 10 năm qua đã có 990.815 lượt hộ đạt danh hiệu sản xuất kinh doanh giỏi 3 cấp, trong đó 96.081 lượt đạt danh hiệu SXKDG cấp tỉnh, đặc biệt nhiều hộ có mức thu nhập cao tới mức hàng trăm triệu đồng, từ đó làm cho bộ mặt nông thôn có nhiều thay đổi, đời sống của nông dân ngày càng nâng cao.
Về phong trào xây dựng kết cấu hạ tầng cơ sở, hội viên ND các cấp đã tự nguyện tham gia đóng góp tiền, vật liệu và ngày công để xây dựng trường học, nhà tình thương, công trình giao thông, thủy lợi với giá trị 90.528.000.000 đồng. Do được dân chủ bàn bạc, quyết định và hạch toán chi tiết, giám sát quản lý chặt chẽ nên việc xây dựng các công trình hạ tầng nông thôn ở Hải Dương được bà con nhiệt tình ủng hộ.
Việc triển khai thực hiện quy chế dân chủ cơ sở đã góp phần thúc đẩy việc thực hiện phong trào toàn dân đoàn kết xây dựng đời sống văn hóa, xây dựng gia đình nông dân văn hóa ở địa phương. Tính đến nay, đã có trên 700 làng và khu dân cư văn hóa, 288.739 hộ gia đình nông dân được công nhận là gia đình văn hóa.
Cán bộ hội viên ND thực hiện quy chế dân chủ cơ sở trong hòa giải mâu thuẫn nội bộ, tham gia giải quyết khiếu nại tố cáo của nông dân đã góp phần giữ vững an ninh chính trị ở nông thôn theo tinh thần Chỉ thị 26/2001/CT-TTg. Công khai, dân chủ đã trở thành một giải pháp quan trọng để giải quyết khiếu kiện của nông dân, qua thực hiện quy chế dân chủ cơ sở giúp người dân củng cố niềm tin của mình với chính quyền, bởi vậy bà con đã mạnh dạn phát hiện và tố cáo tội phạm, xây dựng mạng lưới an ninh nông thôn, đấu tranh với những biểu hiện không lành mạnh, có nguy cơ tác động xấu đến xã hội ở nông thôn.
Nhờ thực hiện quy chế dân chủ cơ sở gắn liền với việc thực hiện có hiệu quả Chỉ thị 26 của Thủ tướng Chính phủ mà các vụ việc mâu thuẫn trong nội bộ nông dân, đơn thư khiếu nại tố cáo vượt cấp đã giảm đáng kể, cùng với việc tuyên truyền giáo dục pháp luật các cấp Hội còn quan tâm đẩy mạnh tuyên truyền thực hiện các nội dung quy chế dân chủ ở cơ sở tới đông đảo bà con nông dân, kiến nghị với chính quyền địa phương công khai cho dân biết những vấn đề có liên quan trực tiếp đến quyền lợi của họ như: Quy hoạch sử dụng đất đai, đền bù giải phóng mặt bằng, huy động đóng góp xây dựng cơ sở hạ tầng nông thôn, quản lý thu chi các nguồn quỹ… Đến nay, các cơ sở Hội đã tổ chức được trên 400 buổi trợ giúp pháp lý, trên 2.000 buổi tuyên truyền pháp luật cho hàng trăm ngàn lượt hội viên nông dân; Giải quyết 1.755 đơn thư thuộc thẩm quyền của Hội, tham gia hòa giải 886 vụ mâu thuẫn trong nội bộ nông dân, góp phần ổn định tình hình chính trị và trật tự an toàn xã hội ở nông thôn.
Cao Cường