Nam Định tổng kết 10 năm thực hiện Quy chế dân chủ cơ sở
15:38 - 29/04/2010
Thực hiện Chỉ thị 30 CT/TW của Bộ Chính trị, Nghị định 29/CP về xây dựng và thực hiện Quy chế dân chủ cơ sở (nay là Pháp lệnh thực hiện dân chủ ở xã, phường, thị trấn), 10 năm qua, các cấp Hội Nông dân tỉnh Nam Định đã tích cực tham gia cùng chính quyền và các ban, ngành chức năng tổ chức triển khai thực hiện,góp phần ổn định an ninh chính trị, phát triển kinh tế xã hội địa phương.

          10 năm qua, kể từ khi Chỉ thị 30 CT/TƯ của Bộ Chính trị ra đời, các cấp Hội từ tỉnh đến cơ sở đã tăng cường công tác tuyên truyền vận động, phân công cán bộ bám sát cơ sở, cán bộ chi, tổ Hội làm tốt công tác vận động nông dân chấp hành đường lối, chủ trương, chính sách PL của Đảng và Nhà nước và các quy định của địa phương. Đồng thời, phát huy dân chủ, giám sát hoạt động của địa phương theo đúng pháp luật. Các cấp Hội từ tỉnh đến cơ sở đã tổ chức hàng năm được trên 2.800 buổi tuyên truyền PL cho 270.000 lượt cán bộ, hội viên về thực hiện quy chế dân chủ cơ sở, hương ước ở thôn, xóm để hội viên, nông dân nắm được nội dung, biết được quyền và nghĩa vụ công dân trên tinh thần dân biết, dân bàn, dân làm, dân kiểm tra, từ đó phát huy quyền làm chủ tham gia giám sát các hoạt động của chính quyền cơ sở và việc tham gia giám sát của nhân dân nhất là thông qua các kỳ bầu cử Quốc hội, HĐND các cấp và các chương trình phát triển kinh tế, xã hội, an ninh quốc phòng ở từng địa phương. Đến nay, đã có 3.142 chi Hội tham gia xây dựng hương ước thôn, xóm; 213 xã, phường, thị trấn xây dựng các quy ước ở cơ sở, hàng năm đều có bổ sung hoàn thiện cho phù hợp với điều kiện thực tế ở các cơ sở, thôn, xóm; đồng thời cán bộ Hội cũng là một trong những thành viên tham gia các hoạt động giám sát, phản biện xã hội ở các cơ sở nhằm phát huy dân chủ ngày càng tốt hơn. 10 năm qua, các cấp Hội đã tuyên truyền, vận động cán bộ, hội viên, nông dân tham gia xây dựng cơ sở hạ tầng nông thôn, xóa đói giảm nghèo, bảo trợ XH, xây dựng gia đình nông dân văn hóa, thôn, ấp, bản làng văn hóa, phát triển kinh tế địa phương. Hội viên, nông dân đã đóng góp 60-70% giá trị công trình với tổng số tiền 25.000 tỷ đồng và 30 triệu ngày công lao động để xây dựng 200 nhà văn hóa thôn, 2.500 km đường giao thông, 670 trường học, 3.250 km kênh mương, 308 trạm biến thế, 13.000 cầu cống nội đồng. Hàng năm, các cấp Hội giúp đỡ 90 hộ thoát nghèo, góp phần giảm 15-20% số hộ nghèo, có 144.864 hộ sản xuất kinh doanh giỏi các cấp, 283.450 hộ đạt tiêu chuẩn gia đình nông dân văn hóa, 197 làng đạt danh hiệu làng văn hóa các cấp.

          Thực hiện quy chế dân chủ cơ sở thông qua các hoạt động tư vấn pháp luật, trợ giúp pháp lý, hòa giải là một trong những nhiệm vụ   quan trọng để thực hiện Chỉ thị 26/TTg giúp nông dân nâng cao nhận thức và ý thức chấp hành PL và trang bị kiến thức PL cần thiết thông qua hoạt động của câu lạc bộ nông dân với PL. Đến nay, các cấp Hội Nông dân tỉnh Nam Định đã xây dựng được 19 câu lạc bộ nông dân với PL tại 19 cơ sở điểm 26 với 745 thành viên tham gia ở 231 tổ, nhóm trong các thôn, xóm, chi, tổ Hội. Hoạt động của câu lạc bộ nông dân với PL đã góp phần nâng cao nhận thức PL cũng như ý thức chấp hành PL của nông dân được nâng lên, an ninh trật tự được giữ vững, các mâu thuẫn trong nội bộ nông dân được giải quyết ngay tại cơ sở, hạn chế phát sinh thành khiếu kiện. Từ trước những năm 2000, khiếu kiện tập trung chủ yếu ở huyện Giao Thủy và Mỹ Thắng (Mỹ Lộc) về đất đai và chính sách thu nộp thuế. Năm 2001, các cấp Hội đã tham gia cùng các cơ quan chức năng giải quyết 531 vụ việc, đã vận động, giải thích và giải quyết theo Luật khiếu nại tố cáo đã từng bước ổn định. Từ sau năm 2001 đến nay, các khiếu kiện về đất đai, chính sách đền bù giải tỏa có chiều hướng tăng lên. Các cấp Hội đã tiếp nhận 718 đơn thư khiếu nại tố cáo, đã trực tiếp giải quyết 485 đơn thuộc thẩm quyền, số còn lại tham gia cùng cơ quan chức năng giải quyết đảm bảo quyền lợi chính đáng của nông dân. Phối hợp với ngành Tư pháp hàng năm trợ giúp pháp lý ở 30 xã, phường, thị trấn, tư vấn cho 3.500 người về các lĩnh vực đất đai, thừa kế, hôn nhân gia đình, dân sự…tham gia 3.120 tổ hòa giải, bình quân mỗi năm hòa giải 1.584 vụ việc, trong đó hòa giải thành 80% vụ việc, trong đó trước khiếu kiện 30%, trong khiếu kiện 15% và sau khiếu kiện 25% vụ việc. Kết hợp hòa giải với việc thực hiện dân chủ qua hòm thư góp ý kiến của Hội ở các chi Hội, thôn xóm để nắm chắc tình hình mâu thuẫn cũng như tố giác của nông dân để từ đó phát hiện các dấu hiếu tham nhũng, vi phạm pháp luật, các hiện tượng, mâu thuẫn trong cụm dân cư để giải quyết kịp thời, hạn chế khiếu kiện và các vi phạm có thể xảy ra.

          Qua 10 năm thực hiện quy chế dân chủ cơ sở, các cấp HND tỉnh Nam Định đã luôn gắn việc thực hiện dân chủ với các phong trào và hoạt động Hội, bảo đảm quyền và lợi ích hợp pháp của nông dân, từ đó hội viên gắn kết với tổ chức Hội, xây dựng tổ chức Hội ngày càng vững mạnh.

 

          Quang Anh

Thêm bình luận :
Họ và tên
Email

Bài đọc nhiều nhất

Giải quyết khiếu nại tố cáo tại Đồng Tháp