Thực hiện chương trình phối hợp số 01 giữa Hội Nông dân với Sở Tư pháp, Sở Tài nguyên- môi trường, Thanh tra, Công an tỉnh Gia Lai trong việc giải quyết khiếu nại, tố cáo của nông dân, dưới sự lãnh đạo của cấp uỷ Đảng, Hội Nông dân đã tham mưu cho chính quyền tuyên truyền, phổ biến, giáo dục pháp luật, tham gia giải quyết khiếu nại tố cáo của hội viên, nông dân.
Gia Lai là tỉnh có 74% hộ sống bằng nghề nông, đời sống của một bộ phận nông dân còn gặp nhiều khó khăn, trình độ dân trí thấp, điều kiện tiếp cận với chủ trương, chính sách pháp luật của Đảng, Nhà nước còn hạn chế, dẫn đế sự hiểu biết và ý thức chấp hành pháp luật của nông dân còn thấp, tình trạng vi phạm pháp luật vẫn còn xảy ra ở nhiều nơi, chưa được ngăn chặn kịp thời đã làm ảnh hưởng không nhỏ đến sản xuất và đời sống của nông dân.
Thực hiện Chỉ thị 26 của Thủ tướng Chính phủ, năm qua Hội Nông dân tỉnh phối hợp với các ngành có liên quan đã mở 6 lớp tập huấn ở xã Đăk Krong (Đăk Đoa), thị trấn IaKha (IaGrai), xã Thăng Hưng, Bình Giáo, Bầu Cạn (Chư Prong), huyện Chư Sê, huyện IaPa, thị xã AyunPa và huyện Krông Pa với 408 cán bộ, hội viên, nông dân là tuyên truyền viên pháp luật tham dự, với nhiều nội dung pháp luật phong phú, gần gũi với đời sống của nông dân. Hướng dẫn thành lập và xây dựng 2 Câu lạc bộ nông dân với pháp luật ở xã Đăk Krong (Đăk Đoa), thị trấn IaKha (IaGrai) với 100 thành viên tham gia; cung cấp cho 2 Câu lạc bộ này trên 400 cuốn sách pháp luật và kỹ thuật nông nghiệp. Tại các CLB đã tổ chức phát 400 phiếu thăm dò nhận thức pháp luật trong hội viên, nông dân; kết quả cho thấy có 40% người có nhận thức pháp luật tương đối tốt, 10% hiểu chưa đầy đủ và 50% không hiểu pháp luật. Đến nay, toàn tỉnh Gia Lai xây dựng được 29 CLB với 1.515 thành viên tham gia sinh hoạt.
Các cấp Hội đã tích cực phổ biến giáo dục, pháp luật cho cán bộ, hội viên, nông dân với các nội dung pháp luật phong phú, đáp ứng nhu cầu tìm hiểu pháp luật của người dân; đồng thời tổ chức tư vấn pháp luật cho hơn 5 ngàn lượt người, tham gia tiếp dân 1.388 vụ trong đó tham gia giải quyết 670 vụ; hoà giải được hơn 1.000 vụ việc tranh chấp đất đai, mâu thuẫn gia đình, xích mích nội bộ.
Hội Nông dân phối hợp với Công an tuyên truyền về công tác phòng chống tội phạm, ma tuý, buôn bán phụ nữ, trẻ em được hơn 1.300 buổi với 125 ngàn lượt người dự; phối hợp tập huấn Luật giao thông đường bộ cho 198 học viên là Chủ tịch, Phó Chủ tịch Hội Nông dân cơ sở.
Những năm qua, Hội Nông dân các cấp đã chủ động tham mưu cho chính quyền, phối hợp với các ngành ký kết chương trình phối hợp; hướng dẫn các cấp Hội tuyên truyền, phổ biến, giáo dục pháp luật; tham gia phối hợp giải quyết khiếu nại tố cáo có hiệu quả được cán bộ, hội viên, nông dân đồng tình ủng hộ. Quá trình triển khai đã gắn với việc thực hiện pháp lệnh dân chủ ở cơ sở, hội viên nông dân thấy được vai trò và tầm quan trọng của tổ chức Hội trong việc đại diện cho lợi ích chính đáng, hợp pháp của hội viên, nông dân, góp phần không nhỏ vào việc động viên hội viên, nông dân phát huy quyền làm chủ trong việc thực hiện dân chủ, xây dựng quy ước, hương ước ở thôn, làng nhằm thực hiện thắng lợi các mục tiêu kinh tế- xã hội, quốc phòng- an ninh ở địa phương, bộ mặt nông thôn có nhiều thay đổi, tiến bộ đáng mừng.
Tuy nhiên, công tác tuyên truyền, phổ biến pháp luật chưa được tiến hành thường xuyên, nhận thức của một bộ phận nông dân về pháp luật còn hạn chế, kết quả mang lại không như mong muốn, kinh phí để các cấp Hội tham gia giải quyết khiếu nại, tố cáo chưa được cấp, những vấn đề liên quan đến nông dân như đất đai, quy hoạch… ở một số địa phương chính quyền chưa chủ động mời Hội tham gia ngay từ đầu để nắm tình hình triển khai và có hướng vận động hội viên, nông dân chấp hành đúng quy định của Nhà nước.
Huy Khánh