Là một tỉnh miền núi phía Bắc, còn nhiều khó khăn trong phát triển kinh tế-văn hoá- xã hội. Những năm qua, từ khi Bộ Chính trị ban hành Chỉ thị số 30/CT-TW ngày 18/2/1998 về thực hiện quy chế dân chủ ở cơ sở, cấp Uỷ, chính quyền và các tổ chức chính trị trong đó có Hội Nông dân tỉnh Yên Bái đã nhận thức được tầm quan trọng của Chỉ thị trong việc phát triển kinh tế, đời sống, góp phần làm thay đổi dần bộ mặt nông thôn cũng như nâng cao ý thức, trách nhiệm của cán bộ, hội viên, nông dân trong việc phát huy quyền làm chủ trên mọi lĩnh vực của tỉnh Yên Bái.
Việc triển khai, thực hiện Chỉ thị số 30 đã được Hội Nông dân tỉnh thực hiện nghiêm túc từ việc thành lập Ban Chỉ đạo thực hiện Quy chế dân chủ của tỉnh Hội do một đồng chí Phó Chủ tịch tỉnh Hội làm trưởng ban; ban hành các văn bản hướng dẫn, vận động cán bộ hội viên, nông dân tích cực tham gia thực hiện Quy chế dân chủ ở cơ sở.
Sau khi thành lập Ban Chỉ đạo, tỉnh Hội đã tổ chức hội nghị phổ biến quán triệt các văn bản về Quy chế dân chủ như Chỉ thị số 30/CT-TW của Bộ Chính trị, Nghị định số 71/NĐ-CP, Nghị định số 29/ND-CP của Chính phủ và các văn bản chỉ đạo của Trung ương Hội, tỉnh Hội cho 100% cán bộ tỉnh Hội, các đồng chí uỷ viên Ban Chấp hành các huyện, thị Hội và 85% hội viên nông dân tham gia học tập về quy chế dân chủ ở cơ sở.
Qua 10 năm thực hiện Quy chế dân chủ ở cơ sở, các cấp Hội Nông dân của tỉnh Yên Bái đã đẩy mạnh công tác tuyên truyền, phổ biến pháp luật đến tận đối tượng nông dân, cụ thể đã thực hiện được trên 15.000 buổi tuyên truyền, phổ biến về chính sách của Đảng, pháp luật của Nhà nước cho trên 340.000 lượt hội viên, nông dân. Tổ chức và phối hợp với các ban, ngành chức năng được 6.342 cuộc trợ giúp pháp lý cho 172.600 lượt hội viên, nông dân.
Bên cạnh đó, đối với cấp Hội ở cơ sở đã tích cực trong tham gia các tổ hoà giải, Ban thanh tra nhân dân với số lượng 8.932 thành viên của 2363 tổ hoà giải, góp phần giải quyết những mâu thuẫn, tranh chấp nhỏ nhưng thường xuyên xảy ra trong cộng đồng dân cư. Kết quả từ năm 1998 đến nay, các cấp Hội đã phối hợp hoà giải và kiến nghị đến các cơ quan Nhà nước có thẩm quyền giải quyết được 2.730 vụ việc, góp phần ổn định trật tự, trị an trên địa bàn nông thôn.
Cùng với chính quyền các cấp, hệ thống Hội đã vận động và giám sát việc xây dựng và thực hiện hương ước, quy ước ở mỗi thôn, bản, xã một cách thiết thực, hiệu quả. Qua thống kê hiện nay toàn tỉnh đã có 73% thôn, bản, tổ dân phố thực hiện tốt, có trên 70% hộ nông dân đạt danh hiệu gia đình văn hoá.
Với sự chủ động, tích cực và linh hoạt trong vận động thực hiện quy chế dân chủ ở cơ sở của Hội Nông dân tỉnh Yên Bái đã được cấp uỷ, chính quyền địa phương đánh giá cao. Tính đến nay trong tổng số 180 cơ sở đã có 64 cơ sở thực hiện tốt, 100 cơ sở đạt loại khá, 12 cơ sở trung bình và còn 4 cơ sở yếu, kém.
Từ những kết quả và đánh giá trên cho thấy ngoài những thành tích đáng ghi nhận của các cấp Hội tỉnh Yên Bái đạt được sau 10 năm thực hiện Chỉ thị số 30/CT-TW của Bộ Chính trị cũng còn một số tồn tại, hạn chế như: kết quả còn đạt ở mức thấp so với yêu cầu của Trung ương; tính dân chủ, công khai có lúc, có nơi còn mang nặng hình thức. Thực trạng trên là do có nơi cấp uỷ, chính quyền chưa thực sự quan tâm, chỉ đạo việc thực hiện quy chế dân chủ, một vài nơi còn có biểu hiện vi phạm dân chủ; công tác kiểm tra đánh giá chưa thường xuyên; tài liệu tuyên truyền, phổ biến còn chưa hấp dẫn, chưa phù hợp với dân trí của bà con vùng sâu, vùng xa đặc biệt là trình độ, năng lực cán bộ hạn chế, chưa đáp ứng yêu cầu công việc, có nơi cán bộ còn né tránh, chưa kiên quyết đấu tranh với những biểu hiện vi phạm, thiếu kiểm tra, đôn đốc việc thực hiện quy chế dân chủ.
Để khắc phục những tồn tại, hạn chế và phát huy hơn nữa quyền làm chủ của cán bộ, hội viên, nông dân, kinh nghiệm mà Hội Nông dân tỉnh Yên Bái rút ra sau 10 năm thực hiện Chỉ thị 30 đó là:
Một là: cần phải tập trung làm tốt và thường xuyên công tác tuyên truyền, phổ biến Chỉ thị, Nghị quyết của Đảng, Nhà nước, các văn bản hướng dẫn của Trung ương Hội về thực hiện Quy chế dân chủ ở cơ sở đến với cán bộ, hội viên, nông dân;
Hai là: cán bộ Hội Nông dân cần nghiên cứu kỹ, nắm chắc về mục đích, ý nghĩa và nội dung văn bản cũng như các hoạt động triển khai, thực hiện Quy chế dân chủ ở cơ sở;
Ba là: gắn thực hiện quy chế dân chủ ở cở với nhiệm vụ phát triển kinh tế, xã hội của địa phương và xây dựng, củng cố tổ chức Hội. Cán bộ Hội cần gương mẫu, nói đi đôi với làm trong vận động, thực hiện quy chế dân chủ đối với toàn thể hội viên, nông dân./.
Thanh Hải