Chỉ thị số 30/CT-TW ngày 18/2/1998 của Bộ Chính trị về việc xây dựng và thực hiện Quy chế dân chủ ở cơ sở được Hội Nông dân tỉnh Hoà Bình quán triệt, triển khai thực hiện nghiêm túc và đều khắp đến toàn thể các cấp Hội trong tỉnh. Quá trình thực hiện Quy chế dân chủ 10 năm qua đã mang lại nhiều kết quả to lớn, toàn diện về phát triển kinh tế, văn hoá, xã hội của tỉnh và đặc biệt là nâng cao nhận thức cho cán bộ, hội viên, nông dân về ý thức, trách nhiệm, quyền- nghĩa vụ của mình trong thực hiện “dân biết, dân bàn, dân làm và dân kiểm tra, giám sát”.
Nhận thức được tầm quan trọng của Chỉ thị số 30 ngày 18/2/1998 của Bộ Chính trị về việc xây dựng và thực hiện Quy chế dân chủ ở cơ sở, cấp Uỷ, chính quyền và các đoàn thể, mặt trận tổ quốc tỉnh Hoà bình đã triển khai thực hiện đồng bộ và có hệ thống. Công tác chỉ đạo, hướng dẫn thực hiện để Chỉ thị thực sự đi vào cuộc sống của nhân dân, Tỉnh uỷ Hoà Bình đã ban hành Chỉ thị số 25/CT-TU ngày 14/01/1999 về tăng cường sự lãnh đạo, chỉ đạo thực hiện Quy chế dân chủ ở cơ sở, UBND tỉnh ban hành chỉ thị số 09/CT-UB và quyết định số 40/1998 về thành lập Ban Chỉ đạo thực hiện QCDC của tỉnh, tiếp đó 11/11 huyện, thành phố, 210/210 xã, phường, thị trấn cũng thành lập Ban Chỉ đạo. Hội Nông dân cũng đã cử các đồng chí lãnh đạo tham gia vào Ban Chỉ đạo chung theo từng cấp; mặt khác đã thành lập được Ban Chỉ đạo của Hội ở 11 huyện, thị và 208 xã, phường, thị trấn.
Sau khi thành lập được Ban Chỉ đạo, Hội Nông dân tỉnh đã tổ chức các buổi học tập Chỉ thị, các hội nghị quán triệt về nội dung văn bản cho toàn thể cán bộ Hội đồng thời tổ chức tuyên truyền sâu rộng đến hội viên, nông dân. Phối hợp với các sở Tư pháp, với Trung tâm trợ giúp pháp lý Nhà nước tổ chức trên 7572 buổi tuyên truyền, trợ giúp pháp lý cho 439.530 lượt người được trợ giúp. Đồng thời để rút ra bài học kinh nghiệm trong phát huy quyền làm chủ, vai trò tham gia của người dân trong các lĩnh vực phát triển kinh tế- xã hội, Hội Nông dân Tỉnh đã quyết định chọn phường Phương Lâm, thành phố Hoà Bình làm mô hình điểm về xây dựng và thực hiện quy chế dân chủ ở cơ sở.
Nhằm phát huy được vai trò của người dân trong tham gia các lĩnh vực phát triển kinh tế-xã hội, tác động đến quá trình đầu tư, đến các chính sách cho vay vốn, chuyển giao công nghệ…tạo việc làm, tăng thu nhập cho bà con, các cấp Hội đã chủ động phối hợp với Ngân hàng Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, các Trung tâm khuyến nông, khuyến lâm, Chi cục bảo vệ thực vật tạo điều kiện phát triển sản xuất gắn liền với việc thực hiện dân chủ ở cơ sở. Vì vậy, thu nhập bình quân theo đầu người của tỉnh hiện nay đạt khoảng 9,2 triệu đồng/năm, tỷ lệ hộ nghèo giảm 21%; cơ cấu kinh tế có sự chuyển dịch theo hướng tích cực, giảm tỷ trọng nông nghiệp, tăng công nghiệp và dịch vụ.
Thông qua thực hiện Quy chế dân chủ, các cấp Hội Nông dân cùng với Chính quyền và Mặt trận tổ quốc tuyên truyền, vận động để cán bộ, hội viên, nông dân tham gia thực hiện việc đóng góp xây dựng cơ sở hạ tầng nông thôn. Thực hiện phương châm “Nhà nước và nhân dân cùng làm”, xây dựng các công trình nông thôn như điện, đường, trường, trạm, xây dựng kênh mương, đường giao thông, nhà tình nghĩa đều được nhân dân bàn bạc, tham gia đóng góp tiền của, ngày công, kiểm tra, giám sát. Những năm qua Hội Nông dân đã cùng với các đoàn thể huy động được gần 100 tỷ đồng để xây dựng đường nông thôn, xây mới nhà tình nghĩa 797 căn, sửa chữa 246 căn, xoá 1.139 căn nhà tạm.
Tham gia giải quyết mâu thuẫn, tranh chấp phát sinh trong nội bộ nông dân, góp phần giữ vững an ninh trật tự trên địa bàn nông thôn, các cấp Hội đã tiến hành tổ chức được 1.037 cuộc kiểm tra về thực hiện Quy chế dân chủ qua đó tham mưu cho cấp Uỷ, chính quyền về các giải pháp để phát huy hơn nữa sức người, sức của, ý thức trách nhiệm của nhân dân. Đồng thời công tác hoà giải được các cấp Hội chú trọng, củng cố mạng lưới 1916 tổ hoà giải với 7664 hoà giải viên; tham gia hoà giải 12.178 vụ việc trong đó hoà giải thành gần 12.000 vụ việc. Có nhiều Hội Nông dân huyện, thị đã làm tốt công tác hoà giải như huyện Lạc Thuỷ, Yên Thuỷ, Cao Phong. Nhiều xã, thị trấn nhờ tạo điều kiện để bà con nông dân thực hiện tốt quy chế dân chủ, phát huy tinh thần trách nhiệm trong việc kiểm tra, giám sát các công trình phúc lợi, đường giao thông điển hình như bà con của xóm Xuân Tiến, xã Xăm Khoè (Mai Châu) qua kiểm tra đã phát hiện Ban Quản lý công trình xây dựng đường giao thông xâm tiêu 17 tấn xi măng, đề nghị các cơ quan chức năng xử lý và buộc Ban Quản lý phải bồi hoàn toàn bộ số vật liệu trên. Bên cạnh thực hiện công tác hoà giải, các cấp Hội còn tham gia cùng chính quyền giải quyết được 4.405 đơn thư, khiếu nại tố cáo của nông dân.
Như vậy, kết quả 10 năm tham gia thực hiện Quy chế dân chủ ở cơ sở, Hội Nông dân tỉnh Hoà Bình đã tham mưu, đề xuất với cấp uỷ, chính quyền tạo điều kiện để hội viên, nông dân thực hiện Quy chế dân chủ trên mọi lĩnh vực của đời sống đồng thời tuyên truyền vận động hội viên nông dân thực hiện tốt các nội dung “dân biết, dân bàn, dân làm, dân kiểm tra, giám sát”, cải thiện đời sống vật chất, tinh thần của người dân qua đó góp phần củng cố niềm tin của hội viên, nông dân vào chính sách, pháp luật của Đảng, Nhà nước.
Phương Hải