Điện Biên: thực hiện Quy chế dân chủ gắn với phát triển kinh tế-xã hội
13:48 - 12/05/2010
Sau 10 thực hiện Quy chế dân chủ, bộ mặt nông thôn của tỉnh Điện Biên đã có nhiều đổi thay, đời sống của nhân dân được cải thiện rõ rệt, bản sắc dân tộc được gìn giữ, phát huy. Tính đến nay đã có 48.994 hộ đạt tiêu chuẩn gia đình văn hoá, 537 thôn bản đạt danh hiệu thôn bản văn hoá, đặc biệt có tới 21.105 hộ đạt hộ sản xuất kinh doanh giỏi các cấp.

Triển khai thực hiện Chỉ thị số 30 ngày 18/02/1998 của Bộ Chính trị về xây dựng và thực hiện Quy chế dân chủ ở cơ sở , Hội Nông dân tỉnh Điện Biên đã nhận thức sâu sắc tầm quan trọng của Chỉ thị trong việc phát huy quyền làm chủ, ý chí sáng tạo của các cấp Hội và hội viên, nông dân tham gia đẩy mạnh các phong trào xây dựng nông thôn mới.

Hội Nông dân tỉnh Điện Biên đã tổ chức triển khai, quán triệt các văn bản của Đảng, Nhà nước và của Trung ương Hội NDVN về Quy chế dân chủ như Chỉ thị số 30 của Bộ Chính trị, Nghị định số 29 của Chính phủ, Thông tri số 491, Chỉ thị số 07 của Trung ương Hội…đến toàn thể cán bộ chủ chốt của các cấp Hội. Tổ chức tuyên truyền cho cán bộ, hội viên, nông dân hiểu biết về quy chế dân chủ theo nhiều hình thức phong phú, đa dạng như lồng ghép trong phát động phong trào nông dân sản xuất, kinh doanh giỏi, xây dựng nông thôn mới, đảm bảo quốc phòng - an ninh; lồng ghép vào nội dung sinh hoạt của các Câu lạc bộ nông dân với pháp luật, câu lạc bộ dân số và gia đình, tổ chức các cuộc thi tìm hiểu pháp luật, cán bộ Hội Nông dân giỏi theo nhiều quy mô, phạm vi phù hợp với từng địa bàn cơ sở; tổ chức phát tờ rơi, tờ gấp về nội dung “dân biết, dân bàn, dân làm, dân kiểm tra”, tổ chức học tập về nội dung thực hiện Quy chế dân chủ đã có 9/9 huyện, thị và 106 cơ sở xã, phường với 9.568 buổi và 516.672 lượt cán bộ, hội viên tham gia. Qua đó góp phần nâng cao nhận thức, ý thức trách nhiệm của cán bộ, nông dân về Quy chế dân chủ ở cơ sở.

Phát huy quyền làm chủ trong hoạt động kinh tế, sản xuất ngoài việc cử đại diện tham gia kiểm tra, giám sát các chương trình ,dự án của Nhà nước thực hiện tại cơ sở để thực sự các công trình được xây dựng với chất lượng tốt, phát huy đúng mục đích sử dụng và đáp ứng nhu cầu của người dân địa phương. Các cấp Hội còn chú trọng đẩy mạnh phong trào nông dân sản xuất kinh doanh giỏi, giúp nhau xoá đói giảm nghèo và làm giàu chính đáng. Mặt khác, được sự quan tâm, hỗ trợ của các Ngân hàng, Quỹ hỗ trợ nông dân, trong 10 năm qua, đã có 162.013 hộ nông dân được vay  tổng số 1.537.639 triệu đồng từ Ngân hàng Chính sách-xã hội và Ngân hàng Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, từ Quỹ hỗ trợ nông dân của Hội cho 221 hộ vay tổng số 1tỷ 105 triệu đồng tạo nguồn vốn, việc làm cho hàng nghìn hộ nông dân nghèo. Kết quả đến nay, toàn tỉnh đã có 21.105 hộ sản xuất kinh doanh giỏi các cấp, tỷ lệ đói nghèo giảm mỗi năm từ 3-5%.

Chất lượng cuộc sống  của người dân được nâng cao hơn, bộ mặt nông thôn có nhiều khởi sắc, phong tục truyền thống của các dân tộc được khôi phục, phát huy. Hiện nay đã có 48.994 hộ đạt tiêu chuẩn gia đình văn hoá, 557 thôn bản văn hoá. Trình độ dân trí được nâng lên, tỷ lệ con em đồng bào dân tộc đến trường ngày càng tăng đồng thời các tệ nạn ở nông thôn giảm hẳn.

Việc thực hiện có hiệu quả Quy chế dân chủ ở cơ sở không chỉ giúp đời sống của các hộ dân ngày càng được cải thiện mà còn tạo thuận lợi trong việc động viên, khuyến khích hội viên, nông dân đóng góp hàng trăm nghìn ngày công, trên 10 tỷ đồng tham gia sửa chữa và làm mới 1.918km kênh mương, hơn 2000 km đường liên thôn, liên xã, hơn 3000 cầu cống các loại. Điển hình như xã Thanh Yên, huyện Điện Biên, nhân dân đã góp gần 1 tỷ đồng, hơn 10 nghìn ngày công xây dựng đường điện, trạm xá, trường học; xã Thanh Hưng góp 29.480 kg thóc xây dựng các công trình phúc lợi, phường Him Lam  góp trên 5 nghìn ngày công, gần 500 triệu đồng sửa chữa được 5 km đường dân sinh, xây dựng 5 km đường dây điện…

Đẩy mạnh quy chế dân chủ ở cơ sở gắn với việc phát triển kinh tế-xã hội, cải thiện đời sống dân sinh đã góp phần đẩy lùi được các tệ nạn xã hội, ngăn chặn, phòng chống được các tội phạm ma tuý, trộm cắp, mại dâm, giữ gìn an ninh quốc phòng, trật tự an toàn xã hội ở nông thôn.

Như vậy, thực hiện tốt quy chế dân chủ ở cơ sở đã giúp cho hội viên, nông dân thấy rõ được vai trò, trách nhiệm của mình đối với sự phát triển chung của cộng đồng, của đất nước đồng thời tạo điều kiện cho họ tham gia xây dựng Đảng, Chính quyền trong sạch, vững mạnh. Củng cố mối quan hệ giữa Hội Nông dân với cấp uỷ Đảng, Chính quyền và các đoàn thể ngày càng bền chặt.

 Tuy nhiên ngoài những kết quả đạt được, việc tham gia thực hiện Quy chế dân chủ  của Hội Nông dân, của hội viên, nông dân những năm qua còn một số hạn chế như công tác tuyên truyền về Quy chế dân chủ còn chưa thường xuyên, rộng khắp; việc thực hiện một số nội dung của quy chế dân chủ có nơi còn mang tính hình thức; việc phối hợp của chính quyền, đoàn thể còn có nơi chưa chặt chẽ, thiếu đồng bộ; một số cán bộ còn chưa nhận thức đầy đủ về ý nghĩa, tầm quan trọng của thực hiện Quy chế dân chủ ở cơ sở.

Những tồn tại, hạn chế trên xuất phát từ một số nguyên nhân như trình độ cán bộ Hội còn nhiều hạn chế dẫn đến việc chỉ đạo, tổ chức thực hiện Quy chế dân chủ còn bị động, thiếu kinh nghiệm,  một số nơi thực hiện còn kém hiệu quả. Vai trò của Mặt trận Tổ quốc và một số đoàn thể chưa được phát huy. Tổ chức Hội Nông dân đặc biệt là cấp cơ sở nhiều nơi do điều kiện kinh tế-xã hội quá khó khăn, trình độ dân trí thấp chủ yếu là đồng bào dân tộc thiểu số vùng sâu, vùng xa, phương tiện giao thông, cơ sở hạ tầng thiếu và xuống cấp, kinh phí hoạt động của Hội còn rất hạn hẹp…Dẫn đến việc tổ chức triển khai, thực hiện Quy chế dân chủ bị hạn chế.

Một số kinh nghiệm rút ra từ quá trình tham gia thực hiện Quy chế dân chủ  ở cơ sở của các cấp Hội Nông dân tỉnh Điện Biên:

1. Cần quán triệt sâu sắc và nhận thức đúng đắn, đầy đủ về phát huy quyền làm chủ của nhân dân trong giai đoạn bảo vệ và xây dựng đất nước ta hiện nay. Đồng thời thực hiện tốt vai trò của tổ chức Hội trong việc chỉ đạo, tổ chức việc thực hiện quy chế dân chủ cơ sở đến toàn thể cán bộ, hội viên, nông dân.

2. Việc thực hiện Quy chế dân chủ phải gắn liền với các chủ trương, đường lối về phát triển kinh tế- xã hội, sát với thực tế và phù hợp với nguyện vọng của nhân dân.

3. Vận động thực hiện Quy chế dân chủ có hiệu quả phải có hình thức phù hợp với từng loại đối tượng, chủ động và linh hoạt trong việc áp dụng phương pháp tuyên truyền, vận động để khuyến khích được cao nhất sự tham gia của mọi tầng lớp nhân dân.

4. Khẳng định và nâng cao vai trò, vị thế của tổ chức Hội trong thúc đẩy hội viên, nông dân thực hiện tốt quy chế dân chủ, tham gia xây dựng Đảng, Chính quyền qua đó phát huy được khối đại đoàn kết dân tộc, tổ chức các phong trào thi đua lao động sáng tạo, phát triển kinh tế- xã hội ngày càng vững mạnh./.

                                                                            Mai Hồng                
Thêm bình luận :
Họ và tên
Email

Bài đọc nhiều nhất

Giải quyết khiếu nại tố cáo tại Đồng Tháp