An Lập làm tốt công tác giải quyết khiếu nại, tố cáo của nông dân
Trong năm 2009, Ban Chỉ đạo 26 và các ban, ngành chức năng đã tiếp nhận 812 đơn khiếu nại, tố cáo trong đó có 632 đơn liên quan đến tranh chấp đất đai của cán bộ, hội viên, nông dân. Qua tìm hiểu, nghiên cứu từng vụ việc đã hoà giải thành được 756 đơn, chuyển cấp có thẩm quyền giải quyết 56 đơn, không có đơn thư tồn đọng, vượt cấp.
An Lập là một xã vùng sâu, nằm phía đông huyện Dầu Tiếng (Bình Dương), dân số với 6233 nhân khẩu trong đó 339 nhân khẩu (chiếm 6,12%) là đồng bào các dân tộc Nùng, Tày, Mường, Stiêng, Khơme… Điều kiện kinh tế-xã hội của xã tương đối phát triển, với hệ thống điện, đường, trường trạm được đầu tư, xây dựng và nâng cấp. Tuy nhiên do tốc độ đô thị hoá nhanh, chịu ảnh hưởng mặt trái của cơ chế thị trường, năm 2009 tình hình kinh tế-xã hội trên địa bàn xã An Lập có nhiều diễn biến phức tạp, giá đất trên thị trường liên tục biến động cộng với việc giải toả, đền bù của công trình rừng lịch sử Kiến An, quy hoạch khu tái định cư cho người dân còn chậm. Từ đó dẫn đến đơn thư khiếu nại, tố cáo của hội viên, nông dân ngày càng tăng.
Nhằm ổn định đời sống cho hội viên, nông dân, Ban Chỉ đạo 26 của xã đã kịp thời tham mưu để xây dựng thành công quy chế phối hợp giải quyết đơn thư khiếu nại, tố cáo của công dân. Quy trình nhận đơn thư được phân công rõ rách nhiệm của Hội đồng nhân dân, UBND, Mặt trận Tổ quốc, Hội Nông dân; quy định ngày tiếp dân vào thứ hai, thứ năm hàng tuần; phân loại đơn thư giao cho các ngành chức năng tham mưu giải quyết kịp thời, đảm bảo trong thời hạn luật định; phương châm giải quyết ưu tiên áp dụng biện pháp hoà giải đối với các mâu thuẫn, tranh chấp phát sinh trong cộng đồng nhân dân. Kết quả trong năm, các ban, ngành đã nhận được 812 đơn khiếu nại, trong đó 632 đơn liên quan đến lĩnh vực đất đai và đã hoà giải thành 756 vụ việc, điển hình như những vụ tranh chấp đất đai giữa ông Lê Quang Đấu- Phùng Xuân Khang ấp Kiến An, ông Nguyễn Văn Cẩn- Lê Văn Khanh ấp Hàng Nù… hướng dẫn lên cấp có thẩm quyền 56 đơn, không để đơn thư tồn đọng, kéo dài vượt cấp. Hội Nông dân xã đã phối hợp với Ban Tư pháp và các đoàn thể khác xây dựng, tổ chức tập huấn về nghiệp vụ thực hiện chỉ thị 26, quy chế dân chủ ở cơ sở và nội dung văn bản pháp luật về đất đai, hôn nhân gia đình, dân sự, hình sự, khiếu nại tố cáo…cho đội ngũ cộng tác viên, tuyên truyền viên, thành viên các tổ hoà giải làm nòng cốt trong công tác tuyên truyền, phổ biến, vận động bà con chấp hành pháp luật.
Từ những thành công trong thực hiện Chỉ thị 26 của xã An Lập năm 2009, trước hết là nhờ Ban Chỉ đạo 26 đã nhận được sự quan tâm trực tiếp của Đảng uỷ, UBND và các ban, ngành đoàn thể chung tay, phối hợp giải quyết kịp thời những vướng mắc, bức xúc trong nội bộ nông dân. Đồng thời có sự hướng dẫn, chỉ đạo của Hội cấp trên trong quá trình triển khai, thực hiện. Qua đó góp phần ổn định cuộc sống, tạo điều kiện để bà con phát triển sản xuất kinh tế hiệu quả và bền vững.
Phương Linh