Vĩnh Phúc: Nâng cao chất lượng giám sát và phản biện xã hội
16:51 - 22/07/2024
(KNTC) – Những năm qua, công tác lãnh đạo, chỉ đạo, tuyên truyền, vận động cán bộ, hội viên, nông dân tham gia xây dựng Đảng, chính quyền được các cấp Hội chú trọng triển khai thực hiện.
Ảnh minh họa



 
 Các cấp Hội chủ động tổ chức tham gia đóng góp ý kiến vào dự thảo Báo cáo chính trị tại Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ XIII của Đảng và đại hội đảng bộ các cấp nhiệm kỳ 2020-2025; tích cực tham gia giám sát và phản biện xã hội, góp ý xây dựng Đảng, chính quyền theo Quyết định số 217-QĐ/TW, 218-QĐ/TW ngày 12/12/2013 của Bộ Chính trị, Nghị quyết Trung ương 4 (khóa XII), Chỉ thị số 05-CT/TW ngày 15/5/2016 của Bộ Chính trị và tích cực tham gia phòng, chống tham nhũng, lãng phí. Hội bồi dưỡng, giới thiệu cho cấp ủy kết nạp được 1.105 hội viên nông dân ưu tú vào Đảng.

 
Các cấp Hội tổ chức hội nghị lấy ý kiến góp ý dự thảo các văn kiện Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ XIII của Đảng; hội nghị góp ý dự thảo Luật Hợp tác xã (sửa đổi); hội nghị góp ý dự thảo Luật Đất đai (sửa đổi); tổ chức phản biện, tham gia góp ý các chương trình, dự án phát triển kinh tế, xã hội ở nông thôn về những nội dung liên quan trực tiếp đến quyền lợi, nghĩa vụ của nông dân; thường xuyên nắm bắt tâm tư nguyện vọng, ý kiến của hội viên, nông dân, kịp thời phản ánh với cấp ủy, chính quyền cùng cấp để giải quyết. Hằng năm, tổ chức đoàn giám sát; tham gia đoàn giám sát do các ban, ngành, Mặt trận Tổ quốc và các đoàn thể chính trị - xã hội cùng cấp chủ trì.

 
Hội đã thực hiện giám sát và phản biện xã hội theo Quyết định 217, Quyết định 218 của Bộ Chính trị từ đó kịp thời phát hiện những hành vi, dấu hiệu vi phạm, những vướng mắc bất cập trong thực hiện chính sách, nhất là những cơ chế chính sách, pháp luật có liên quan trực tiếp đến nông nghiệp, nông dân, nông thôn, kiến nghị với các cơ quan quản lý nhà nước có thẩm quyền sửa đổi, bổ sung, hoàn thiện các cơ chế, chính sách phù hợp với thực tiễn.


Tham gia xây dựng mối quan hệ mật thiết giữa Đảng, chính quyền với nhân dân và phát huy sức mạnh của khối đại đoàn kết toàn dân tộc, các cấp Hội đã phối hợp tổ chức đối thoại giữa người đứng đầu cấp ủy, chính quyền địa phương với cán bộ, hội viên nông dân.


Cấp tỉnh tổ chức được 5 cuộc đối thoại; cấp huyện tổ chức được 45 cuộc đối thoại với cấp uỷ, chính quyền.  Nội dung đối thoại tập trung vào: Các vấn đề liên quan đến sản xuất, đời sống của hội viên nông dân; các chủ trương, chính sách về xây dựng nông thôn mới.


Thông qua đối thoại, cán bộ, hội viên nông dân nói lên tâm tư, nguyện vọng, đề xuất, kiến nghị giải quyết những khó khăn, vướng mắc ở địa phương, cơ sở; được cấp ủy, chính quyền địa phương quan tâm xem xét, giải quyết kịp thời. 


Các cấp Hội phối hợp chặt chẽ với Mặt trận Tổ quốc, chính quyền, các ngành chức năng cùng cấp thực hiện tiếp nông dân, tham gia giải quyết khiếu nại, tố cáo, hòa giải những mâu thuẫn trong nội bộ nông thôn góp phần hạn chế việc khiếu kiện vượt cấp, giữ gìn đoàn kết trong nội bộ nông dân; phát huy vai trò của Hội Nông dân trong việc truyên truyền, vận động, tham gia giải quyết những khó khăn, bức xúc của nông dân, tạo sự đồng thuận xã hội, phát huy sức mạnh khối đại đoàn kết toàn dân tộc.


Bên cạnh đó, các cấp Hội Tham gia giám sát thực hiện Quy định số 124-QĐ/TW và Quyết định số 99-QĐ/TW trong rèn luyện phẩm chất, đạo đức, lối sống, đấu tranh, ngăn chặn sự suy thoái, “tự diễn biến”, “tự chuyển hóa” trong nội bộ cấp ủy, cán bộ, đảng viên; phối hợp với Mặt trận Tổ quốc Việt Nam các cấp tổ chức hiệp thương giới thiệu, ứng cử đại biểu HĐND các cấp; tuyên truyền, vận động hội viên, nông dân đồng thuận, hưởng ứng thực hiện trách nhiệm của cử tri đi bầu cử đại biểu Quốc hội khóa XV, Hội đồng nhân dân các cấp nhiệm kỳ 2021-2026; tổng hợp kiến nghị, tâm tư, nguyện vọng của hội viên, nông dân kịp thời phản ánh tại các kỳ họp của Quốc hội, HĐND các cấp.


Đồng thời, Hội còn tham gia vận động hội viên, nông dân tích cực tham gia các phong trào, các cuộc vận động ở địa phương, thực hiện Quy chế dân chủ ở cơ sở, tham gia “Ngày hội đại đoàn kết toàn dân tộc”, góp phần tăng cường và phát huy sức mạnh khối đại đoàn kết toàn dân tộc.


Các cấp Hội thực hiện tốt vai trò đại diện cho giai cấp nông dân, tích cực tham gia xây dựng và giám sát việc thực hiện các chủ trương, đường lối của Đảng triển khai trên địa bàn nông thôn; giám sát việc rèn luyện đạo đức, lối sống, tính tiền phong gương mẫu của cán bộ, đảng viên theo tinh thần Nghị quyết TW 4 (khoá XII, XIII) của Đảng, từ đó tạo mối liên hệ chặt chẽ giữa nông dân với Đảng, phát huy trí tuệ của nông dân trong việc tham gia xây dựng Đảng vững mạnh.

 
Tới đây, các cấp Hội tiếp tục vận động, hướng dẫn hội viên, nông dân thực hiện quyền dân chủ, tham gia góp ý, đối thoại trực tiếp với người đứng đầu cấp ủy, chính quyền ở địa phương; tạo điều kiện cho nông dân tham gia xây dựng chủ trương, chính sách, chương trình dự án phát triển kinh tế, xã hội trên địa bàn nông thôn; đấu tranh phòng, chống tham nhũng, lãng phí, ngăn chặn, đẩy lùi sự suy thoái về tư tưởng, chính trị, đạo đức, lối sống, những biểu hiện “tự diễn biến”, “tự chuyển hóa” trong nội bộ, góp phần tăng cường, củng cố mối quan hệ mật thiết giữa Đảng, chính quyền với nhân dân; chủ động hiệp thương, phối hợp với Mặt trận Tổ quốc và các tổ chức chính trị - xã hội xây dựng các chương trình hành động chăm lo đời sống vật chất và tinh thần cho các tầng lớp nhân dân; thực hiện có hiệu quả các chương trình phối hợp giữa các cấp Hội nông dân với chính quyền cùng cấp, các cơ quan, tổ chức, doanh nghiệp để hỗ trợ hội viên, nông dân, tổ chức các phong trào nông dân, góp phần củng cố khối liên minh công nhân - nông dân - trí thức.
 

 

Phạm Thái
Thêm bình luận :
Họ và tên
Email

Bài đọc nhiều nhất

Giải quyết khiếu nại tố cáo tại Đồng Tháp