Thái Bình : Thực hiện kiểm tra, giám sát tại 32 cơ sở Hội
15:20 - 27/04/2018
Đầu năm 2018 các cấp Hội trong tỉnh tổ chức kiểm tra thường xuyên và định kỳ được 60 cuộc tại 32 cơ sở Nội dung kiểm tra đối với cơ sở Hội tập trung vào việc thực hiện công tác Hội và phong trào nông dân; kiểm tra việc xây dựng, quản lý, sử dụng Quỹ Hỗ trợ nông dân và các hoạt động dịch vụ, hỗ trợ vốn cho nông dân.
Đối với các huyện, thành Hội trọng tâm là kiểm tra việc tham mưu triển khai thực hiện Kết luận số 61 của Ban Thường vụ Tỉnh ủy và Quyết định số 673 của Thủ tướng Chính phủ; kiểm tra việc xây dựng, quản lý, sử dụng Quỹ Hỗ trợ nông dân; việc triển khai xây dựng mô hình kinh tế tập thể; vai trò của Hội Nông dân các cấp trong tham gia xây dựng nông thôn mới theo Nghị quyết số 01 của Ban Chấp hành Hội Nông dân tỉnh khóa IX.
Ngoài ra, qua kiểm tra các cấp Hội duy trì khá tốt vai trò tham mưu cho cấp ủy Đảng trong việc đề ra các nhiệm vụ, chủ trương phát triển kinh tế, văn hóa, xã hội của địa phương, làm tốt vai trò cầu nối giữa nông dân với cấp ủy Đảng chính quyền. Bên cạnh đó, các cấp Hội phối với Mặt trận Tổ quốc và các ban, ngành, đoàn thể của địa phương giám sát việc thực hiện các chủ trương, chính sách, pháp luật của Nhà nước có liên quan trực tiếp đến nông nghiệp, nông dân, nông thôn như: giám sát việc thực hiện pháp luật về sản xuất, kinh doanh, sử dụng vật tư nông nghiệp.
Cùng với việc triển khai các hoạt động giám sát, Hội Nông dân các cấp đã tham gia phản biện đối với việc xây dựng các đề án về phát triển kinh tế - xã hội của địa phương. Đồng thời, triển khai việc tham gia góp ý xây dựng Đảng, xây dựng chính quyền với nhiều hình thức như góp ý trực tiếp, góp ý qua hòm thư, thực hiện tốt công tác tham gia tiếp công dân cùng với UBND các cấp.
Qua công tác kiểm tra, giám sát cho thấy ở một số đơn vị công tác Hội còn một số hạn chế. Công tác rà soát, nâng cao chất lượng hội viên ở một vài đơn vị chưa được chú trọng, chất lượng hội viên chưa được nâng cao. Các phong trào thi đua ở một số cơ sở Hội chưa triển khai sâu rộng. Công tác tham mưu với cấp uỷ, chính quyền về nhân rộng các điển hình, mô hình tiên tiến trong các phong trào thi đua còn hạn chế. Việc tăng trưởng nguồn vốn Quỹ Hỗ trợ nông dân còn thấp. Nhận thức về công tác giám sát ở một số cơ sở Hội còn hạn chế, còn nhầm lẫn giữa giám sát xã hội với giám sát của cơ quan quyền lực Nhà nước và hoạt động thanh tra, kiểm tra của các cơ quan Nhà nước…
Thực hiện sự chỉ đạo của Hội đồng phối hợp phổ biến giáo dục tỉnh; trong năm 2018, các cấp Hội đã phối hợp với ngành tư pháp tuyên truyền về Luật Bầu cử đại biểu Quốc hội và Hội đồng nhân dân các cấp; Luật chính quyền địa phương. Hội Nông dân các cấp còn phối hợp với ngành tư pháp, thanh tra, tài nguyên môi trường tổ chức hàng trăm buổi tuyên truyền cho 250 nghìn lượt cán bộ, hội viên nông dân về một số nội dung: Luật Đất đai, chính sách đề bù, giải phóng mặt bằng, Luật Khiếu nại, Luật Tố cáo, Luật Hôn nhân - gia đình, Bộ Luật Dân sự, Nghị định số 55/2015/NĐ-CP của Chính phủ về chính sách tín dụng phát triển nông nghiệp, nông thôn.
Ba tháng đầu năm 2018, các cấp Hội đã phối hợp với Sở Tư pháp tổ chức buổi tuyên truyền pháp luật về Bộ Luật Dân sự năm 2015 và thông tin về tình hình tội phạm trên địa bàn nông thôn hiện nay, cách phòng chống cho 90 lượt cán bộ, hội viên, nông dân
Xác định công tác phối hợp với UBND các cấp là một nội dung quan trọng trong thực hiện quy chế dân chủ ở cơ sở. Nhiều UBND các cấp đã ra quy chế phối hợp tiếp nông dân đến khiếu nại, tố cáo. Những khiếu nại, tố cáo của nông dân đều có sự tham gia của Hội ND và trước khi ra quyết định giải quyết có tham khảo ý kiến của Hội ND, nghe phản ánh tâm tư, nguyện vọng và các đề nghị, kiến nghị của nông dân trên cơ sở đó đề ra biện pháp hoà giải hoặc giải quyết nhằm bảo đảm quyền và lợi ích thiết thực của hội viên nông dân, hạn chế tình trạng khiếu kiện đông người, vượt cấp, đông người./.
Lê Hoạt