Bình Dương: Phối hợp giám sát, xử lý vi phạm trong sản xuất, kinh doanh vật tư nông nghiệp
17:02 - 30/01/2018
(KNTC)- Thực hiện Chương trình phối hợp 133 giữa Hội ND, UB MTTQ, Sở NNPTNT, Sở Công Thương về việc giám sát việc thực hiện pháp luật về sản xuất, kinh doanh vật tư nông nghiệp giai đoạn 2014- 2020. Triển khai chương trình phối hợp 133, Ban Thường vụ Hội ND tỉnh đã thành lập Ban Chỉ đạo Chương trình phối hợp do đồng chí Chủ tịch Hội ND tỉnh làm trưởng ban, các đồng chí Phó Chủ tịch UBMTTQ tỉnh, Phó Giám đốc Sở NNPTNT, Phó Giám đốc Sở Công thương là thành viên Ban Chỉ đạo. 
Các cơ quan chức năng kiểm tra cơ sở kinh doanh vật tư nông nghiệp (ảnh minh họa)


Đồng thời, tỉnh Hội cũng thành lập Tổ giúp việc Ban Chỉ đạo gồm cán bộ , chuyên viên thuộc các đơn vị đầu mối của các cơ quan tham gia do đồng chí Phó Ban Tổ chức- Kiểm tra Hội ND tỉnh làm tổ trưởng và thành lập Tổ Biên soạn tài liệu tuyên truyền Chương trình phối hợp 133.


Căn cứ vào chức năng, nhiệm vụ của các bên tham gia phối hợp thực hiện, Ban Chỉ đạo Chương trình hàng năm thống nhất xây dựng và ban hành kế hoạch triển khai thực hiện Chương trình phối hợp 133 giai đoạn 2014-2020.
Thực hiện nội dung kế hoạch, Hội ND đã chủ động phối hợp với Sở, ban, ngành tổ chức Hội nghị quán triệt Chương trình phối hợp và Kế hoạch thực hiện giám sát việc thực hiện pháp luật về sản xuất kinh doanh vật tư nông nghiệp trên địa bàn tỉnh.


Kết quả, có 150 đồng chí là cán bộ Hội ND, Ủy ban MTTQ, Phòng Kinh tế, Đội quản lý thị trường của 9 huyện, thị, thành phố và 87 cơ sở Hội. Đồng thời, hướng dẫn các huyện, thị, thành phố báo cáo cấp ủy, chủ trì phối hợp với UB MTTQ, Phòng Kinh tế, Đội quản lý thị trường chọn nội dung phối hợp giám sát phù hợp với tình hình thực tiễn của địa phương, ký kết Chương trình phối hợp và xây dựng kế hoạch, kinh phí cụ thể; các bên chỉ đạo, hướng dẫn theo ngành dọc để thực hiện.


Hiện đã có 9/9 huyện, thị, thành phố ký kết và thành lập BCĐ Chương trình phối hợp cấp huyện.


Hàng năm, Ban Chỉ đạo Chương trình đã phối hợp với Sở Nông nghiệp và phát triển nông thôn, Chi cục Quản lý thị trường thuộc Sở Công thương nghiên cứu các văn bản pháp luật của Nhà nước về quản lý, sản xuất, kinh doanh, sử dụng vật tư nông nghiệp; biên soạn tài liệu tuyên truyền, tổ chức 18 lớp tập huấn trang bị kỹ năng, kiến thức pháp luật cho cán bộ Hội Nông dân, Ủy ban MTTQ, Phòng Kinh tế, Đội quản lý thị trường của các huyện, thị, thành phố và cán bộ Hội, Ủy ban MTTQ cấp cơ sở, có 1.940 lượt cán bộ tham dự; in ấn, phát hành tài liệu tuyên truyền với số lượng 12.000 tờ gấp.


Nội dung trích dẫn một số quy định của pháp luật về quản lý, sản xuất, kinh doanh, sử dụng vật tư nông nghiệp, một số dấu hiệu nhận biết sản phẩm giả, kém chất lượng; phương pháp sử dụng, phương pháp thực hiện giám sát, cơ chế phối hợp giữa các ngành trong xử lý vi phạm các quy định của pháp luật về quản lý, sản xuất, kinh doanh, sử dụng vật tư nông nghiệp và cung cấp 1600 tờ gấp, 74 cuốn Sổ tay hỏi đáp pháp luật về bảo vệ, kiểm dịch thực vật, quản lý phân bón và một số kiến thức về phân bón vô cơ do TƯ Hội NDVN phát hành.


Ngoài ra, Hội ND các cấp còn đẩy mạnh công tác tuyên truyền nội dung Chương trình phối hợp giám sát việc thực hiện pháp luật về vật tư nông nghiệp thông qua các hoạt động của Hội như: Hội nghị, tập huấn, sinh hoạt chi, tổ Hội, các Câu lạc bộ nông dân với 90 cuộc cho gần 8.000 lượt cán bộ, hội viên, nông dân.


Ban Chỉ đạo đã thành lập Đoàn Kiểm tra, giám sát do đồng chí Chủ tịch Hội ND tỉnh làm trưởng đoàn, đại diện các Sở, ngành tham gia chương trình phối hợp làm thành viên và ban hành thông báo thời gian, địa điểm, nội dung kiểm tra về tình hình triển khai thực hiện Chương trình phối hợp giám sát việc thực hiện pháp luật về kinh doanh, sử dụng vật tư nông nghiệp gửi đến Ban Chỉ đạo Chương trình phối hợp các huyện, thị, thành phố, các cơ quan quản lý Nhà nước về vật tư nông nghiệp trên địa bàn.


Đoàn Kiểm tra 9 huyện, thị, thành trên địa bàn tỉnh; đồng thời tiến hành khảo sát thực tế 01 cơ sở sản xuất phân bón vô cơ, 38 cơ sở kinh doanh và 24 hộ sử dụng vật tư nông nghiệp. Bên cạnh đó, hướng dẫn các huyện, thị, thành Hội tích cực chủ động phối hợp cùng các Trạm Bảo vệ thực vật, Chi cục Thú y, Phòng Kinh tế tự kiểm tra được 155 cơ sở kinh doanh và 12 hộ sử dụng vật tư nông nghiệp.


Kết quả sau kiểm tra, giám sát tại các huyện, thị, thành phố và đi khảo sát thực tế 01 cơ sở sản xuất phân bón vô cơ, 193 cơ sở kinh doanh đa số đều đảm bảo quy trình sử dụng thuốc bảo vệ thực vật; phát hiện 01 đại lý không có giấy chứng nhận đủ điều kiện kinh doanh nên Đoàn đã ra Quyết định xử phạt 4.000.000 đồng; 12/15 cơ sở sản xuất giá đỗ sử dụng đậu xanh Trung Quốc không chứng minh được nguồn gốc nên Đoàn đã lập biên bản tạm giữ sản phẩm; tiêu hủy 112 lu giá đỗ của 2 cơ sở có sử dụng hóa chất và xử phạt 5 hộ sử dụng thuốc kích thích không rõ nguồn gốc…


Nhìn chung, Ban Chỉ đạo Chương trình đã phối hợp với các huyện, thị, thành phố cụ thể hóa Chương trình, kế hoạch của Ban Chỉ đạo Chương trình phối hợp của tỉnh, xây dựng kế hoạch giám sát, tổ chức học tập, quán triệt và ban hành các văn bản để triển khai thực hiện, tuyên truyền phổ biến đến cán bộ, hội viên, nông dân và nhân dân nhằm nâng cao nhận thức trong thực hiện giám sát việc sản xuất, kinh doanh, sử dụng vật tư nông nghiệp.


Các cơ sở kinh doanh, sử dụng vật tư nông nghiệp đều chấp hành đúng các quy định của pháp luật như đa số đều có giấy phép kinh doanh, đảm bảo tiêu chuẩn chất lượng, tuy nhiên bên cạnh đó vẫn còn những hạn chế như một số cơ sở kinh doanh chưa niêm yết bảng giá công khai tại nơi dễ thấy, dễ đọc, thức ăn chăn nuôi chưa được xếp đặt riêng, còn để lẫn với hàng gạo, chưa trang bị nhiệt kế, ẩm kế…

Hà Tâm
Thêm bình luận :
Họ và tên
Email
Tin tức liên quan :

Bài đọc nhiều nhất

Giải quyết khiếu nại tố cáo tại Đồng Tháp