|
Người dân thôn Vịnh Mốc, xã Vĩnh Thạch, huyện Vĩnh Linh (Quảng Trị) nhận tiền bồi thường thiệt hại do sự cố môi trường biển. (Ảnh: Báo ND |
Đối với nội dung huy động sự đóng góp của nông dân thực hiện chương trình mục tiêu quốc gia xây dựng nông thôn mới năm 2016, nhìn chung, nguồn kinh phí huy động từ nông dân đóng góp được Ban Chỉ đạo, Ban Quản lý xã, Ban Phát triển thôn quản lý, sử dụng có hiệu quả.
Các công trình xây dựng được thông qua lấy ý kiến của dân và được sự giám sát của Ban Giám sát cộng đồng.
Việc huy động đóng góp của nhân dân địa phương đã kết hợp chặt chẽ giữa việc huy động bằng tiền với việc đóng góp ngày công lao động, trong đó việc đóng góp ngày công lao động là chính được nhân dân tự nguyện, thống nhất, đồng tình.
Các đơn vị đã chú trọng phát huy nội lực của cộng đồng dân cư, vận động nhân dân đóng góp sức người, sức của, hiến đất đai, cây lâu năm; đóng góp xây dựng đường bê tông, kiên cố hóa kênh mương, giao thông nội đồng được các địa phương huy động và đầu tư xây dựng, đảm bảo chất lượng công trình.
Các địa phương đã huy động tốt nguồn trong dân và các nguồn huy động từ con em xa quê, doanh nghiệp để đối ứng xây dựng nhà văn hóa thôn và các công trình phúc lợi khác.
Về việc sử dụng phân bón và thuốc bảo vệ thực vật tại 7 Hội ND: Xã Gio Phong, Hải Lâm, Hải Trường, Hải Lệ, Cam Tuyền, Ba Lòng, Tân Liên.
Hội đã phối hợp với các ngành, UBND xã, Trạm BVTV huyện và HTX tổ chức tuyên truyền, tập huấn phương pháp sử dụng các loại phân bón, thuốc BVTV và cách phân biệt phân bón, thuốc BVTV kém hiệu quả, kém chất lượng trên các loại cây trồng.
Phần lớn hội viên, nông dân đã áp dụng quy trình, sử dụng phân bón và thuốc BVTV đúng hướng dẫn trên bao bì; đã thu hoạch nông sản đúng thời gian sau khi sử dụng phân bón và thuốc BVTV.
Các loại phân bón và thuốc BVTV được cung ứng cho nông dân chủ yếu từ các HTX và các đại lý trên địa bàn đều có nguồn gốc, đảm bảo chất lượng, giá cả hợp lý.
Hội đã phối hợp với ngành chuyên môn tổ chức tập huấn kỹ thuật, sử dụng thuốc BVTV cho hội viên, nông dân.
Việc thu gom chai lọ thuốc BVTV được các cấp Hội vận động hội viên, nông dân bỏ vào các bể thu gom bao bì trên đồng ruộng. Các đơn vị làm tốt công tác này là: Xã Gio Phong, Hải Lâm, Hải Trường, Cam Tuyền.
Việc giám sát chi trả, bồi thường cho ngư dân bị thiệt hại do sự cố môi trường biển tại 5 xã đã nhận được 489 đơn thư. Có 3 xã có đơn thư gồm: Xã Triệu Phước có 82 đơn khiếu nại; xã Gio Việt có 361 đợt tiếp công dân, 134 đơn thư, tổ chức 3 đợt đối thoại với trên 100 người dự. Xã Triệu An tiếp nhận 273 đơn thư.
Đến thời điểm hiện tại các đơn vị được giám sát đã giải quyết xong và không có vướng mắc. Tình hình bà con ngư dân ổn định, tiếp tục ra khơi bám biển và đầu tư xây dựng các mô hình kinh tế ven biển.
UBND các xã đã tiến hành tổ chức các đợt bồi thường cho người dân đúng theo quy định, nắm tâm tư, giải đáp thắc mắc kịp thời cho bà con.
Tuy nhiên tại thời điểm kiểm tra xã Vĩnh Giang còn 15 hộ là đối tượng nuôi trồng thủy sản trực tiếp bị thiệt hại. Xã Triệu Phước, các đối tượng gồm: 4 hộ nuôi trồng thủy sản, 8 hộ nuôi trồng thủy sản xen ghép; 13 lao động không thường xuyên đánh bắt, khai thác thủy sản đơn giản, buôn bán thủy sản chưa nhận tiền bồi thường.
Nguồn kinh phí hỗ trợ và các đề án được phê duyệt và giải ngân kịp thời. Các đơn vị đã xây dựng kế hoạch triển khai các mô hình chuyển đổi sinh kế, người dân hưởng ứng tham gia, đóng thêm kinh phí để thực hiện và sớm ổn định cuộc sống sau sự cố môi trường biển.
Có thể thấy, sau sự cố môi trường biển đã làm ảnh hưởng nghiêm trọng đến sản xuất, kinh doanh và đời sống của nhân dân các xã, thị trấn ven biển. Các cấp, các ngành tại địa phương đã nỗ lực vào cuộc khắc phục hậu quả. Công tác đền bù, hỗ trợ thiệt hại cho người dân kịp thời, chi trả đúng đối tượng, bảo đảm công khai, dân chủ, đồng thuận cao.