|
Tình trạng sản xuất phân bón giả còn xảy ra ở nhiều địa phương (Ảnh: Dân Việt) |
Các cơ quan báo chí thuộc Trung ương Hội như: Báo Nông thôn ngày nay, Tạp chí Nông thôn mới, Cổng Thông tin Điện tử TƯ Hội đã thường xuyên cập nhật việc ban hành các chính sách, pháp luật và đưa tin về các hoạt động giám sát, phản biện xã hội của Hội.
Trong 6 tháng đầu năm 2017, Ban Kiểm tra đã phối hợp với Báo Nông thôn ngày nay đưa tin, bài viết, phản ánh các hoạt động giám sát, phản biện xã hội của các cấp Hội, kiến nghị với các cơ quan có thẩm quyền xem xét, xử lý các sai phạm trong việc thực hiện các chính sách của Đảng, Nhà nước và phát triển nông nghiệp, nông thôn.
Nổi bật trong đó là hàng loạt các bài viết phản ánh những sai phạm trong việc thực hiện Nghị định 67/2014 do 2 công ty đóng tàu vỏ thép là Công ty TNHH Đại và Công ty TNHH MTV Nam Triệu đóng gây thiệt hại bức xúc trong nhân dân.
Bên cạnh đó Trung ương Hội tổ chức tuyên truyền sâu rộng để cán bộ và hội viên, nông dân hiểu rõ những khó khăn hiện nay của sản xuất chăn nuôi lợn và nguyên nhân chủ quan của việc sản xuất tự phát, từ đó chỉ đạo các cấp Hội tuyên truyền, vận động nông dân cân nhắc lựa chọn quy mô chăn nuôi gắn với thị trường tiêu thụ bền vững, tránh rủi ro.
Hội Nông dân các tỉnh, thành phố phối hợp chặt chẽ với báo, đài của địa phương tuyên truyền các hoạt động của Hội như: Tổ chức các lớp tập huấn, các đoàn giám sát liên ngành về giám sát thực hiện pháp luật về vật tư nông nghiệp; lồng ghép các hoạt động tuyên truyền, phổ biến chính sách hỗ trợ của Nhà nước đối với nông dân; các quy định của pháp luật về quản lý vật tư nông nghiệp (VTNN)...trong sinh hoạt chi, tổ Hội; hoạt động của các câu lạc bộ “Nông dân với pháp luật”...
Nổi bật trong các nội dung sinh hoạt chi, tổ Hội là việc tuyên truyền thực hiện Cuộc vận động ” Người Việt Nam ưu tiên dùng hàng Việt Nam” phát động tới toàn thể cán bộ, hội viên, nông dân ưu tiên tiêu thụ nông sản trong nước đặc biệt là hỗ trợ nông dân vượt qua khó khăn, phát huy truyền thống tương thân, tương ái, tăng cường liên kết nhà nông và các doanh nghiệp kinh doanh nông sản.
Ngoài ra, Trung ương Hội phát hành 5.500 cuốn Sổ tay hướng dẫn giám sát và hơn 12.000 tờ gấp tuyên truyền quy định của pháp luật về quản lý VTNN để chuyển về các địa phương làm tài liệu tập huấn, tuyên truyền.
Bên cạnh đó, Trung ương Hội tổ chức 06 lớp tập huấn tại các tỉnh Nam Định, Hà Nam và Quảng Nam cho gần 400 cán bộ, học về về kỹ năng nghiệp vụ giám sát và phản biện xã hội; phương pháp giám sát vật tư nông nghiệp
Riêng Hội Nông dân 32 tỉnh, thành phố đã tổ chức 250 lớp tập huấn cho 18.750 cán bộ cơ sở, chi, tổ Hội về kỹ năng giám sát và giám sát việc thực hiện pháp luật về VTNN.
Hội Nông dân các tỉnh, thành phố tiếp tục tuyên truyền, vận động hội viên, nông dân tham gia giám sát và phối hợp tổ chức các đoàn giám sát liên ngành giám sát tại địa bàn một số huyện, xã về việc thực hiện một số chính sách, pháp luật triển khai trên địa bàn nông thôn có liên quan trực tiếp đến quyền lợi của nông dân, trọng tâm là: giám sát việc thực hiện pháp luật về sản xuất, kinh doanh VTNN.
Các tỉnh, thành Hội tổ chức tuyên truyền, phổ biến và hướng dẫn ngư dân, chủ tàu trên địa bàn các quy định về đảm bảo an toàn kỹ thuật đối với tàu cá, công tác duy tu, sửa chữa tàu cá vỏ thép theo quy định tại Nghị định 67/2014 và các văn bản liên quan.
Đồng thời tham mưu cho cấp ủy, chính quyền địa phương tăng cường cơ chế giám sát hoạt động của các đơn vị đóng tàu, tổng hợp những kiến nghị, đề xuất, phản ánh của ngư dân đến cấp có thẩm quyền nhằm bảo vệ quyền và lợi ích chính đáng của ngư dân.
Thông qua hoạt động giám sát đã kiến nghị với các cơ quan, tổ chức có thẩm quyền ở địa phương xem xét, xử lý nhiều vấn đề cụ thể về bất cập, yếu kém trong tổ chức thực hiện chính sách, pháp luật.
Một số địa phương tiêu biểu đã thực hiện tốt cơ chế giám sát những thiệt hại về tàu vỏ thép theo Nghị định 67 : Bình Định phát hiện 18 tàu vỏ thép bị thiệt hại, hư hỏng; Quảng Nam 04 tàu vỏ thép bị hư hỏng, Quảng Ninh, Thanh Hóa...
Đến nay có 60/63 tỉnh, thành Hội đã ký chương trình phối hợp. Hội Nông dân các tỉnh, thành chủ trì, phối hợp với Sở Nông nghiệp và PTNT, sở Công Thương, Ủy ban MTTQ tỉnh.
Qua theo dõi, tổng hợp trên các phương tiện thông tin đại chúng và những phản ánh của hội viên, nông dân qua đường dây nóng, trong 6 tháng đầu năm cả nước đã kiểm tra 255 doanh nghiệp sản xuất, gia công, kinh doanh phân bón, xử lý 117 vụ vi phạm. Xử phạt vi phạm hành chính là gần 850 triệu đồng. Tịch thu 7.250 kg, 920 bao, 720 chai, 153 gói phân bón các loại.
Các hành vi vi phạm chủ yếu là kinh doanh hàng hóa quá hạn sử dụng, không có giấy phép đăng ký kinh doanh, không niêm yết giá hàng hóa tại địa điểm niêm yết giá, sản xuất phân bón khi chưa có cơ quan thẩm quyền cấp giấy phép và không thực hiện công bố hợp quy trong sản xuất, kinh doanh phân bón kém chất lượng, để phân bón tiếp xúc với nền nhà mặt đất tại địa điểm kinh doanh...
Hiện đang chờ kết quả giám định chất lượng mẫu phân bón để tiếp tục xác minh, làm rõ, xử lý nhiều vụ việc khác.
Hội Nông dân các tỉnh, thành phố đã phối hợp tổ chức 265 đoàn giám sát liên ngành giám sát tại địa bàn một số huyện tại các tỉnh, thành phố.
Qua giám sát đã phát hiện nhiều cơ sở sản xuất, buôn bán VTNN vi phạm các quy định của pháp luật về chất lượng phân bón, điều kiện kinh doanh VTNN như Hà Nội, Hải Dương, Vĩnh Phúc và Cao Bằng.
Điểm mới trong công tác giám sát 6 tháng đầu năm 2017, các tỉnh thành Hội thực hiện công tác giám sát toàn diện trên tất cả các lĩnh vực, trong đó chú trọng giám sát các nội dung nổi bật, sát với tình hình thực tế của địa phương.
Cụ thể phối hợp với các ban, ngành liên quan giám sát việc khai thác cát trái phép tại Bình Định và Quảng Ngãi và Quảng Ninh, các chính sách về giá và hợp đồng cho vay trả chậm để tạo điều kiện tốt nhất cho hội viên, nông dân.
So với 6 tháng đầu năm 2016 số lượng các cuộc giám sát tăng cao hơn về số lượng và chất lượng.