|
Việc sản xuất, kinh doanh phân bón cần được giám sát chặt chẽ (ảnh minh họa) |
Ngay từ đầu năm, Hội Nông dân tỉnh đã triển khai Kế hoạch số 38-KH/HNDT đến các cấp Hội trong toàn tỉnh, trong đó đề ra những nội dung cụ thể, thiết thực như tiếp tục đẩy mạnh công tác tuyên truyền, tổ chức tập huấn cho cán bộ, hội viên nông dân, xây dựng các mô hình điểm.
Đồng thời, triển khai các Kế hoạch chuyên đề như Kế hoạch số 02-KH/BCĐCTPH01 của Ban chỉ đạo thực hiện chương trình phối hợp giám sát việc thực hiện pháp luật về quản lý, sản xuất, kinh doanh, sử dụng vật tư phân bón nông nghiệp trên địa bàn tỉnh với nội dung trọng tâm như tiếp tục duy trì và phát huy đường dây nóng nhằm tổng hợp phản ánh, nắm bắt tổng hợp qua dư luận xã hội, tham gia các đoàn kiểm tra các đơn vị kinh doanh trên địa bàn...
Hội Nông dân Tỉnh đã đăng ký với Ban dân vận Tỉnh ủy, UB MTTQ tỉnh thực hiện nội dung giám sát hiệu quả sản xuất kinh doanh vùng chuyển dịch đất trũng cấy lúa kém hiệu quả sang sản xuất đa canh và triển khai Kế hoạch thực hiện số 45-KH/HNDT đến các cấp Hội trong tỉnh.
Ban Thường vụ chỉ đạo các cấp Hội xây dựng các mô hình làm điểm. Trong đó tỉnh Hội lựa chọn UBND xã Ngọc Sơn- huyện Kim Bảng làm điểm cấp tỉnh.
Các đơn vị huyện, thành Hội đã nghiêm túc thực hiện kế hoạch và chọn địa điểm xây dựng mô hình cấp Huyện như: Huyện Thanh Liêm xây dựng mô hình tại xã Liêm Phong; Huyện Lý Nhân chọn xã Nhân Thịnh, Duy Tiên chọn xã Tiên Ngoại; Kim Bảng chọn xã Ngọc Sơn, Hoàng Tây...
Ngoài ra Hội Nông dân thành phố Phủ Lý đăng ký với cấp ủy và HND tỉnh thực hiện nội dung giám sát kết quả việc thực hiện thu, quản lý và sử dụng thủy lợi phí năm 2015 trên địa bàn với việc lựa chọn xây dựng mô hình điểm tại xã Liêm Chung.
Đối với các mô hình do các huyện, thành Hội lựa chọn, tỉnh hội chỉ đạo thực hiện giám sát gián tiếp thông qua báo cáo tổng hợp kết quả của các đơn vị.
Mô hình cấp tỉnh được giám sát trực tiếp với việc thành lập Đoàn giám sát trực tiếp, độc lập thông qua việc tổ chức Hội nghị tại UBND xã Ngọc Sơn- Huyện Kim Bảng; đoàn do đồng chí Phó chủ Hội Nông Dân tỉnh làm trưởng đoàn và có sự tham gia của Đại diện Ban Dân Vận Tỉnh ủy, UBMTTQ tỉnh, đại diện Phòng NN&PTNT Huyện...
Trên cơ sở giám sát trực tiếp tại mô hình điểm cấp tỉnh và làm việc trực tiếp với Hội Nông Dân huyện, thành Hội; qua tổng hợp báo cáo kết quả của các đơn vị. Công tác giám sát đánh giá hiệu quả sản xuất kinh doanh vùng chuyển dịch đất trũng cấy lúa kém hiệu quả sang sản xuất đa canh trên địa bàn tỉnh Hà Nam.
Ngoài ra, Ban thường vụ Hội Nông dân tỉnh đã thành lập Đoàn giám sát tổ chức đánh giá hiệu quả sản xuất kinh doanh trong chuyển dịch đất trũng cấy lúa kém hiệu quả sang sản xuất đa canh trên địa bàn xã Ngọc Sơn- Huyện Kim Bảng (
Điểm mô hình giám sát trực tiếp cấp Tỉnh)
Đoàn giám sát do Đồng chí: Tống Văn Tam- Phó Chủ tịch Hội Nông Dân tỉnh làm Trưởng đoàn và đại diện các ngành tham gia Đoàn giám sát gồm: Lãnh đạo Ban Dân Vận Tỉnh ủy; UB MTTQ Tỉnh, Phòng NN& PTNT Huyện Kim Bảng.
Tiếp tục thực hiện Chương trình phối hợp số 01-CTPH/HNDT-MTTQ-SCT-SNN&PTNT ngày 21/11/2014 giữa Hội Nông Dân Tỉnh, Ủy ban Trung ương Mặt trận Tổ quốc Tỉnh, Sở NN& PTNT và Sở Công Thương về việc giám sát thực hiện pháp luật về sản xuất, kinh doanh vật tư nông nghiệp giai đoạn 2014-2020 trên địa bàn Tỉnh Hà Nam.
Năm 2016, BCĐ cấp tỉnh đã triển khai Kế hoạch số 02- KH/BCĐ với nội dung tập trung giám sát theo các đoàn liên ngành và thu thập tổng hợp nắm bắt qua dư luận và đường dây nóng.
Các huyện, thành Hội đã bám sát Kế hoạch của tỉnh, tổ chức triển khai đến các cơ sở Hội. Điển hình như Hội Nông Dân thành phố Phủ Lý, Huyện Kim Bảng đã xây dựng Kế hoạch thực hiện CTPH năm 2016, tham gia đoàn kiểm tra liên ngành kiểm tra các cơ sở, đại lý kinh doanh vật tư nông nghiệp trên địa bàn trong đó HND Thành phố tham gia đoàn 01 lần, HND Huyện Kim Bảng tham gia 02 lần.
Các cấp Hội đã đẩy mạnh công tác tuyên truyền để cán bộ, hội viên nông dân hiểu rõ mục đích, yêu cầu, nội dung và trách nhiệm của hội viên, nông dân về hoạt động giám sát và phản biện xã hội, đồng thời tuyên truyền các chính sách hỗ trợ phát triển sản xuất, Kế hoạch số 586/KH-UBND ngày 25/3/2016 của UBND Tỉnh triển khai ký cam kết không sử dụng chất cấm trong chăn nuôi trên địa bàn tỉnh Hà Nam qua báo đài, trang Website của tỉnh Hội, Bản tin công tác Hội, sinh hoạt Hội…để cán bộ, hội viên nông dân được rõ từ đó thực hiện tốt nhiệm vụ giám sát.
Năm 2016, các huyện, thành Hội đã tổ chức 06 lớp tập huấn cho gần 1200 cán bộ Hội các cấp với nội dung liên quan đến việc không sử dụng chất cấm trong sản xuất nông nghiệp (nhất là trong lĩnh vực chăn nuôi); tập huấn về áp dụng tiến bộ KHKT; ứng dụng công nghệ tiên tiến trong sản xuất và cung ứng các sản phẩm nông nghiệp.
Đồng thời xây dựng văn bản triển khai, chỉ đạo các cấp Hội tuyên truyền rộng rãi đến hội viên nông dân về Quyết định thành lập Đường dây nóng tiếp nhận thông tin phản ánh, kiến nghị về vấn đề bức xúc và vi phạm trong tổ chức thực hiện chính sách, pháp luật liên quan trực tiếp đến nông dân của TW Hội Nông Dân Việt Nam.
Ngoài ra Hội ND các cấp còn thường xuyên phối hợp với ngành nông nghiệp, UB MTTQ các cấp chỉ đạo cộng tác viên quản lý chất lượng, hội viên Hội Nông dân, thành viên UBMTTQ tuyên truyền 416 lượt bài phát trên phát thanh địa phương tại các xã/phường/thị trấn về sử dụng vật tư nông nghiệp hiệu quả, an toàn; cách nhận biết sản phẩm an toàn; tuyên truyền về tác hại của chất cấm trong chăn nuôi, kháng sinh cấm trong nuôi trồng thủy sản, thuốc bảo vệ thực vật cấm hoặc ngoài danh mục được phép sử dụng tại Việt Nam.
Bên cạnh đó, Hội còn tổ chức 07 lớp tập huấn cho 790 cán bộ, hội viên, người sản xuất, kinh doanh nông lâm thủy sản về quy trình sử dụng vật tư nông nghiệp an toàn, hiệu quả và các văn bản pháp luật có liên quan đến công tác bảo đảm an toàn thực phẩm.
Hội ND tỉnh còn tham gia Hội nghị giám sát của UB MTTQ Tỉnh giám sát việc thực hiện luật an toàn thực phẩm từ năm 2015 đến 6 tháng đầu năm 2016 tại một số cơ quan quản lý nhà nước cấp tỉnh trong việc triển khai và thực hiện Luật An toàn thực phẩm; Phối hợp với Sở NN&PTNT tổ chức xây dựng, triển khai mô hình sản xuất rau an toàn, sử dụng vật tư nông nghiệp hiệu quả, an toàn tại Phường Thanh Tuyền- TP. Phủ Lý và Xã Thi Sơn- Kim Bảng; Xây dựng mô hình điểm cấp Tỉnh tại Xã Vũ Bản - Huyện Lục về vận động và tổ chức cho các hộ nông dân thực hiện việc ký cam kết không sử dụng chất cấm trong chăn nuôi.
Tính đến hết tháng 8/2016, Hội ND tỉnh đã phối hợp vận động, hướng dẫn cho 824 cơ sở sản xuất, kinh doanh thuốc thú y, thức ăn chăn nuôi, nuôi trồng thủy sản, ký cam kết không sử dụng, kinh doanh chất cấm trong chăn nuôi với Chi cục Quản lý chất lượng Nông, Lâm sản và Thủy sản, Chi cục Chăn nuôi Thú Y- Sở NN&PTNT). 116/116 xã/phường/thị trấn triển khai ký cam kết không sử dụng chất cấm trong chăn nuôi; 15.190 cơ sở chăn nuôi ký cam kết với UBND xã/phường/thị trấn không sử dụng chất cấm trong chăn nuôi (đạt 98% theo kế hoạch).
Hội ND tỉnh tham gia đoàn công tác kiểm tra đánh giá phân loại các cơ sở sản xuất kinh doanh vật tư nông nghiệp và sản phẩm nông lâm thủy sản theo Thông tư số 45/2014/TT-BNNPTNT do Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn tổ chức.
Năm 2016 đã kiểm tra, phân loại 86 cơ sở sản xuất, kinh doanh vật tư nông nghiệp trên địa bàn toàn tỉnh. Kết quả phân loại cụ thể: Loại A: 18 cơ sở (chiếm 20,93%); loại B: 61 cơ sở (chiếm 70,93%), Loại C: 07 cơ sở (chiếm 8,14%). Các cơ sở xếp loại B, C được lập biên bản, ra thời hạn khắc phục các tiêu chí chưa đạt yêu cầu để các cơ quan cùng phối hợp giám sát.
Tham gia đoàn công tác thanh tra chuyên ngành của Sở NN&PTNT thanh kiểm tra được 66 cơ sở sản xuất, kinh doanh thức ăn chăn nuôi, thuốc thú y, cơ sở chăn nuôi và giết mổ lợn trên địa bàn. Phát hiện 01 hộ kinh doanh chế phẩm thuốc dùng trong thú y không rõ nguồn gốc, xuất xứ. Kiểm tra nhanh 172 mẫu nước tiểu lợn về chất cấm (Ractopamine và Salbutamol) trong chăn nuôi. Kết quả có 04 mẫu dương tính với chỉ tiêu Salbutamol. Lấy 04 mẫu dương tính với sabutamol đi phân tích định lượng. Kết quả có 03 mẫu nước tiểu thuộc 3 hộ nuôi lợn có hàm lượng Salbutamol. Đã xử lý vi phạm hành chính bằng hình thức phạt tiền 04 hộ là 25.500.000 đồng.
Bên cạnh một số kết quả tích cực, ông tác tuyên truyền, vận động người dân không kinh doanh sử dụng chất cấm trong sản xuất nông nghiệp còn chưa được thường xuyên, hiệu quả. Tài liệu chuyên môn phục vụ cho công tác giám sát vật tư nông nghiệp hiện nay vẫn hạn chế. Công tác phối hợp giữa các cơ quan chức năng trong thực hiện CTPH có lúc, có nơi còn chưa được đồng bộ, chưa được quan tâm đúng mức...
Nguyên nhân do một số cấp ủy, chính quyền chưa quan tâm lãnh chỉ đạo và tạo điều kiện để thực hiện; năng lực của đội ngũ cán bộ làm công tác giám sát còn chưa chuyên sâu, còn kiêm nhiệm nên vẫn chưa đáp ứng được yêu cầu, nhiệm vụ. Kinh phí tổ chức thực hiện nhiệm vụ giám sát còn chưa có nên phần nào ảnh hưởng đến việc tổ chức các hoạt động giám sát phản biện xã hội và CTPH giám sát vật tư nông nghiệp trên địa bàn.
Năm 2017, Hội ND tỉnh tập trung tổ chức tập huấn cho đội ngũ cán bộ Hội các cấp nhằm nâng cao trình độ, nắm bắt đầy đủ những nội dung quy định trong Quyết định 217, góp phần thực hiện có hiệu quả công tác giám sát phản biện trong thời gian tiếp theo.
Tiếp tục lựa chọn nội dung giám sát phù hợp để đăng ký chuyên đề với UB MTTQ, Ban Dân Vận Tỉnh ủy. Các đơn vị huyện, thành Hội bám sát nhiệm vụ chính trị của từng địa phương chủ động đăng ký các nội dung giám sát phù hợp với chức năng, nhiệm vụ công tác Hội.