Nam Định: Giám sát có trọng tâm, trọng điểm
11:29 - 09/05/2017
(KNTC)- Căn cứ vào chương trình, kế hoạch kiểm tra, giám sát của TƯ Hội và tình hình thực tế ở địa phương, các huyện, thành Hội đã xây dựng và tổ chức thực hiện chương trình, kế hoạch kiểm tra, giám sát. Với phương châm chỉ đạo là giám sát từ việc nhỏ đến lớn, từ dễ đến khó, vừa làm vừa rút kinh nghiệm.
Các cấp Hội tích cực phối hợp giám sát việc thực hiện pháp luật về sản xuất, kinh doanh vật tư nông nghiệp (ảnh minh họa)


Căn cứ Chương trình phối hợp số 17 giữa TW Hội Nông dân Việt Nam, Ủy ban Mặt trận Tổ quốc Việt Nam, Bộ Nông nghiệp và PTNT, Bộ Công Thương; ngày 04/02/2015 Hội Nông dân tỉnh, Sở Nông nghiệp và PTNT, Sở Công Thương, Ủy ban Mặt trận TQVN tỉnh đã ký Chương trình phối hợp số 06-CTPH/HND-MTTQ-SNN&PTNT-SCT về giám sát việc thực hiện pháp luật về sản xuất, kinh doanh vật tư nông nghiệp giai đoạn 2015 - 2020.


 
Đồng thời xây dựng Kế hoạch liên ngành số 62-KHLN/HND-MTTQ-SNN&PTNT-SCT, ngày 05/5/2015 về thực hiện chương trình phối hợp giám sát việc thực hiện pháp luật về quản lý, sản xuất, kinh doanh sử dụng vật tư nông nghiệp năm 2015.
 


Trong đó xác định rõ nội dung phối hợp và phân công trách nhiệm của từng sở, ngành. Các đơn vị đã quan tâm, chỉ đạo ngành dọc cấp dưới ký kết chương trình phối hợp và triển khai các hoạt động giám sát. Trên cơ sở đó, đến nay đã có 7/10 huyện, thành Hội ký kết chương trình phối hợp với Ủy ban MTTQ huyện, Phòng Nông nghiệp&PTNT, Phòng Công thương (còn 03 đơn vị: huyện Nam Trực, thành phố Nam Định, huyện Vụ Bản chưa ký kết).


 
Căn cứ vào chương trình, kế hoạch kiểm tra, giám sát của Hội cấp trên và tình hình thực tế ở địa phương, các huyện, thành Hội đã xây dựng và tổ chức thực hiện chương trình, kế hoạch kiểm tra, giám sát. Với phương châm chỉ đạo là giám sát từ việc nhỏ đến lớn, từ dễ đến khó, vừa làm vừa rút kinh nghiệm và xác định rõ việc nào do Hội trực tiếp chủ trì giám sát và phản biện, việc nào do Hội phối hợp thực hiện.


 
Xác định công tác kiểm tra, giám sát là một trong những nhiệm vụ trọng tâm, các cấp Hội Nông dân (HND) tỉnh đã tổ chức kiểm tra định kỳ thường xuyên và đột xuất, coi đây là một trong những biện pháp quan trọng để nâng cao hiệu quả hoạt động của HND các cấp, cũng như ý thức của cán bộ, hội viên nông dân trong chấp hành Điều lệ Hội, các chủ trương, nghị quyết và chương trình công tác Hội.


 
Ngay từ đầu năm, Ban Thường vụ HND tỉnh đã xây dựng chương trình kiểm tra, giám sát có trọng tâm, trọng điểm. Nội dung kiểm tra tập trung vào việc chấp hành chủ trương, nghị quyết của Đảng, chính sách pháp luật của Nhà nước và chỉ thị, nghị quyết của Hội; kiểm tra việc thực hiện Kết luận số 61 của Ban Thường vụ Tỉnh ủy và Kế hoạch số 42 của UBND tỉnh về thực hiện Kết luận số 61-KL/TW của Ban Bí thư Trung ương Đảng và Quyết định số 673 của Thủ tướng Chính phủ; quản lý và sử dụng nguồn vốn Quỹ Hỗ trợ nông dân; kiểm tra việc tham gia giải quyết các đơn thư khiếu nại, tố cáo của nông dân; việc triển khai thực hiện Quyết định số 81 của Thủ tướng Chính phủ... 


 
Kết quả, trong năm 2016, các cấp Hội trong tỉnh tổ chức kiểm tra thường xuyên và định kỳ được 658 cuộc ở 212 cơ sở và 3.170 chi Hội. Ban Thường vụ Hội Nông dân tỉnh trực tiếp đi kiểm tra ở 5/10 huyện, thành Hội; mỗi huyện thành Hội kiểm tra 02 cơ sở và 100% chi Hội tại cơ sở đó.


 
Qua kiểm tra cho thấy, các cấp Hội đã tập trung làm tốt công tác tuyên truyền; xây dựng củng cố tổ chức Hội vững mạnh. 3.158/3170 chi Hội có quỹ, bình quân quỹ Hội 71.000 đồng/hội viên. Số lượng và chất lượng hội viên được nâng cao, tỷ lệ hội viên so với hộ nông dân đạt 91,2% so với hộ nông dân. 


 
Đối với việc triển khai thực hiện Kết luận số 61 của Ban Bí thư và Quyết định số 673 của Thủ tướng Chính phủ, trọng tâm là đổi mới và nâng cao hiệu quả hoạt động của Quỹ hỗ trợ nông dân.


 
Các đơn vị đã tiến hành rà soát lại nguồn vốn, quản lý và sử dụng đảm bảo đúng quy định. Toàn tỉnh hiện nay có 181 ban vận động Quỹ hỗ trợ nông dân cơ sở và 9 quỹ cấp huyện, 01 quỹ cấp tỉnh với tổng số vốn hoạt động là 20.183,133 triệu đồng. Tăng trưởng quỹ năm 2016 là 463,54 triệu đồng.

 
 
Các cấp Hội đã phối hợp với các ngành chức năng tuyên truyền, phổ biến các quy định của pháp luật về quản lý, sản xuất, kinh doanh, sử dụng phân bón, thuốc bảo vệ thực vật; phương pháp sử dụng vật tư nông nghiệp hiệu quả, an toàn và bảo vệ môi trường cho cán bộ, hội viên, nông dân.


 
 
Các cấp Hội phối hợp với ngành nông nghiệp và phát triển nông thôn tổ chức cho 7.800 hộ chăn nuôi, kinh doanh thuốc thú y, thức ăn chăn nuôi ở 212 cơ sở Hội ký cam kết “Chăn nuôi an toàn và không sử dụng chất cấm trong chăn nuôi”.
 


Hội Nông dân tỉnh chỉ đạo xây dựng 01 mô hình thực hiện Quyết định 81/2014/QĐ-TTg của Thủ tướng Chính phủ về Hội Nông dân tham gia  giải quyết khiếu nại, tố cáo của nông dân” gắn với chỉ đạo tuyên truyền về chấp hành quy định của pháp luật trong sản xuất, kinh doanh, sử dụng vật tư nông nghiệp hiệu quả, an toàn vệ sinh thực phẩm gắn với giám sát việc thực hiện pháp luật trong lĩnh vực VTNN tại xã Nghĩa Thái, huyện Nghĩa Hưng.


 
Hội Nông dân tỉnh đã cung cấp tài liệu tuyên truyền, tập huấn của Bộ Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn, Bộ Công Thương, Trung ương Hội Nông dân Việt Nam về giám sát vật tư nông nghiệp cho 10 huyện, thành Hội và 212 cơ sở Hội trong tỉnh.


 
Thông qua công tác tuyên truyền đã nâng cao nhận thức, trách nhiệm của cán bộ và người dân trong việc chấp hành các quy định của pháp luật về quản lý, sản xuất, kinh doanh, sử dụng vật tư nông nghiệp; bảo vệ lợi ích của người nông dân.


 
Để nâng cao kỹ năng giám sát việc thực hiện pháp luật về sản xuất, kinh doanh vật tư nông nghiệp giai đoạn 2015 – 2020. Năm 2015, 2016 Hội Nông dân tỉnh đã phối hợp với Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn tổ chức 02 lớp tập huấn cho 520 lượt người là cán bộ chủ chốt các cấp Hội từ tỉnh tới cơ sở. Sở Nông nghiệp và PTNT đã bố trí giảng viên và cung cấp tài liệu cho lớp tập huấn.
 


 
Nội dung tập huấn tập trung vào: Đối tượng, nội dung, phạm vi, phương pháp tiến hành giám sát của tổ chức Hội Nông dân các cấp theo Hướng dẫn số 637-HD/HNDTW, ngày 14/7/2015 của Ban Thường vụ Trung ương Hội Nông dân Việt Nam; phương pháp, cách thức giám sát việc thực hiện pháp luật về sản xuất, kinh doanh và sử dụng vật tư nông nghiệp.
 


Ngoài ra, Hội Nông dân huyện Giao Thủy phối hợp với Phòng Nông nghiệp và phát triển nông thôn tổ chức 03 lớp tập huấn về giám sát vật tư nông nghiệp cho đội ngũ cán bộ chủ chốt và chi Hội trưởng của 20 xã, thị trấn trong toàn huyện.


 
Thông qua công tác tập huấn đã giúp cho đội ngũ cán bộ Hội các cấp trong tỉnh thống nhất về nhận thức và phương pháp, cách thức thực hiện hoạt động giám sát. Từ đó thực hiện tốt hơn vai trò đại diện, bảo vệ quyền và lợi ích chính đáng của hội viên nông dân, nâng cao hiệu lực, hiệu quả quản lý của Nhà nước.


 
Căn cứ kế hoạch giám sát của Trung ương Hội Nông dân Việt Nam và tình hình thực tiễn của địa phương, Hội ND tỉnh đã tổ chức đoàn giám sát ở 10/10 đơn vị huyện, thành phố. Thông qua công tác giám sát đã góp phần thực hiện đúng Nghị quyết của tỉnh về công tác cán bộ, xây dựng đội ngũ cán bộ Hội cơ sở đảm bảo về số lượng và chất lượng, đủ khả năng hoàn thành tốt chức trách nhiệm vụ được giao, góp phần lãnh đạo, chỉ đạo và tổ chức thực hiện có hiệu quả công tác Hội và phong trào nông dân của địa phương.
 


Đồng thời kịp thời phát hiện những sai sót, khuyết điểm trong việc thực hiện Nghị quyết để đề xuất, kiến nghị cấp ủy đảng trong xây dựng đội ngũ cán bộ Hội cấp xã đạt chuẩn theo chức danh quy định.


 
Bên cạnh đó, Hội Nông dân tỉnh phối hợp với Mặt trận tổ quốc và các đoàn thể chính trị - xã hội thực hiện giám sát Nghị quyết 10 của Ban Chấp hành Đảng bộ tỉnh (khóa XVII) về nâng cao chất lượng hoạt động của Mặt trận tổ quốc và các đoàn thể chính trị - xã hội.


 
Năm 2016, một số đơn vị đã phối hợp với các ban, ngành ở địa phương giám sát việc thực hiện pháp luật về sản xuất,  kinh doanh,  sử dụng vật tư nông nghiệp. Phối hợp tổ chức đoàn giám sát về sử dụng vật tư nông nghiệp (HND huyện Trực Ninh).
 


Năm 2015 và 2016, một số đơn vị, huyện thành Hội đã lựa chọn và đăng ký nội dung giám sát khác nhau: Giám sát việc bình xét hộ nghèo (HND huyện Nam Trực, Ý Yên); giám sát việc hỗ trợ, đền bù khi Nhà nước thu hồi đất nông nghiệp (HND huyện Ý Yên); giám sát việc thực hiện nguồn vốn cho vay học sinh, sinh viên từ nguồn vốn ủy thác từ Ngân hàng chính sách xã hội; giám sát các chủ trương về xây dựng nông thôn mới… giám sát việc thực hiện Quy chế dân chủ ở cơ sở, giám sát thực hiện Pháp lệnh thực hiện dân chủ ở xã, phường, thị trấn; giám sát đầu tư của cộng đồng…
 


Nhìn chung các cấp Hội từ tỉnh tới cơ sở đã triển khai nghiêm túc công tác kiểm tra, giám sát. Thông qua đó, tăng cường sự lãnh đạo, chỉ đạo và nâng cao hiệu quả hoạt động của các cấp Hội, thực hiện thắng lợi nhiệm vụ, chỉ tiêu công tác Hội đề ra. Các cấp Hội thực hiện tốt hơn vai trò đại diện, bảo vệ quyền và lợi ích chính đáng của hội viên nông dân.

Thanh Bình
Thêm bình luận :
Họ và tên
Email

Bài đọc nhiều nhất

Giải quyết khiếu nại tố cáo tại Đồng Tháp