Nam Định: Tổ chức 760 cuộc kiểm tra, giám sát năm 2016
09:25 - 29/12/2016
(KNTC) Công tác kiểm tra là một trong những nhiệm vụ trọng tâm được Hội Nông dân các cấp từ tỉnh tới cơ sở triển khai thực hiện. Trong năm 2016, các cấp Hội trong tỉnh tổ chức kiểm tra thường xuyên và định kỳ được 758 cuộc ở 212 cơ sở và 3.170 chi Hội (trong đó tỉnh Hội tổ chức được 35 cuộc kiểm tra đối với 10/10 huyện, thành Hội và 55 cơ sở Hội). 
Nội dung kiểm tra đối với cơ sở Hội tập trung vào việc  thực hiện công tác Hội và phong trào nông dân; kiểm tra việc xây dựng, quản lý, sử dụng Quỹ Hỗ trợ nông dân và các hoạt động dịch vụ, hỗ trợ vốn cho nông dân. Đối với các huyện, thành Hội trọng tâm là kiểm tra việc tham mưu triển khai thực hiện Kết luận số 61 của Ban Thường vụ Tỉnh ủy và Kế hoạch số 42 của UBND tỉnh về thực hiện Kết luận số 61-Kl/TW của Ban Bí thư Trung ương Đảng và Quyết định số 673 của Thủ tướng Chính phủ; kiểm tra việc xây dựng, quản lý, sử dụng Quỹ Hỗ trợ nông dân; việc triển khai xây dựng mô hình kinh tế tập thể; vai trò của Hội Nông dân các cấp trong tham gia xây dựng nông thôn mới theo Nghị quyết số 01 của Ban Chấp hành Hội Nông dân tỉnh khóa IX.



Qua kiểm tra cho thấy, các cấp Hội đã tập trung làm tốt công tác tuyên truyền; xây dựng củng cố tổ chức Hội vững mạnh. 3.158/3170 chi Hội đều có quỹ, bình quân quỹ Hội 71.000 đồng/hội viên. Số lượng và chất lượng hội viên được nâng cao, tỷ lệ hội viên trên hộ nông dân đạt 91,5% so với hộ nông dân. Kết quả bình xét phân loại cơ sở và chi Hội năm 2016, có 183 cơ sở Hội vững mạnh và khá bằng 87%; 2.560 chi Hội vững mạnh và khá (bằng 83%) không có cơ sở và chi Hội yếu.



Đối với việc triển khai thực hiện Kết luận số 61 của Ban Bí thư và Quyết định số 673 của Thủ tướng Chính phủ, trọng tâm là đổi mới và nâng cao hiệu quả hoạt động của Quỹ Hỗ trợ nông dân. Qua kiểm tra cho thấy, toàn tỉnh hiện nay có 181 Ban vận động Quỹ Hỗtrợ nông dân cơ sở và 9 quỹ cấp huyện, 01 Quỹ cấp tỉnh với tổng số vốn hoạt động là 20.183,133 triệu đồng. Tăng trưởng Quỹ năm 2016 là 463,54 triệu đồng. Các đơn vị đã tiến hành rà soát lại nguồn vốn, quản lý và sử dụng đảm bảo đúng quy định.




Ngoài ra, qua kiểm tra các cấp Hội duy trì khá tốt vai trò tham mưu cho cấp ủy Đảng trong việc đề ra các nhiệm vụ, chủ trương phát triển kinh tế, văn hóa, xã hội của địa phương, làm tốt vai trò cầu nối giữa nông dân với cấp ủy Đảng chính quyền. Bên cạnh đó, các cấp Hội phối với Mặt trận Tổ quốc và các ban, ngành, đoàn thể của địa phương giám sát việc thực hiện các chủ trương, chính sách, pháp luật của Nhà nước có liên quan trực tiếp đến nông nghiệp, nông dân, nông thôn như: giám sát việc thực hiện pháp luật về sản xuất, kinh doanh, sử dụng vật tư nông nghiệp (HND huyện Trực Ninh); giám sát việc bình xét hộ nghèo (HND huyện Nam Trực, Ý Yên); giám sát việc hỗ trợ, đền bù khi Nhà nước thu hồi đất nông nghiệp; giám sát việc thực hiện nguồn vốn cho vay học sinh, sinh viên từ nguồn vốn ủy thác từ Ngân hàng chính sách xã hội; giám sát các chủ trương về xây dựng nông thôn mới… Hội Nông dân tỉnh và 8/10 huyện, thành phố đã ký chương trình giám sát việc thực hiện pháp luật về vật tư nông nghiệp với Mặt trận Tổ quốc, ngành Công thương, Nông nghiệp. Trong năm 2016, các cấp Hội đã tổ chức tập huấn kỹ năng giám sát vật tư nông nghiệp cho trên 650 lượt cán bộ Hội chủ chốt. Phối hợp với các ngành tổ chức đoàn giám sát liên ngành được 05 cuộc và tổ chức giám sát thường xuyên thông qua cán bộ, hội viên, nông dân ở cơ sở.




Cùng với việc triển khai các hoạt động giám sát, Hội Nông dân các cấp đã tham gia phản biện đối với việc xây dựng các đề án về phát triển kinh tế - xã hội của địa phương. Đồng thời, triển khai việc tham gia góp ý xây dựng Đảng, xây dựng chính quyền với nhiều hình thức như góp ý trực tiếp, góp ý qua hòm thư, thực hiện tốt công tác tham gia tiếp công dân cùng với UBND các cấp. Năm 2016, các cấp Hội trong tỉnh đã tích cực tham gia tuyên truyền về cuộc bầu cử Đại biểu Quốc hội và đại biểu Hội đồng nhân dân các cấp nhiệm kỳ 2016 - 2021. Giới thiệu cán bộ Hội tham gia ứng cử và tích cực vận động cán bộ, hội viên nông dân tham gia bầu cử. Kết quả, nhiệm kỳ Hội đồng nhân dân các cấp 2116 - 2021, toàn tỉnh có 182 đồng chí cán bộ chủ chốt của Hội tham gia đại biểu HĐND. Tỷ lệ cán bộ, hội viên tham gia bầu cử đạt cao, trên 95%.



Tuy nhiên, qua công tác kiểm tra, giám sát cho thấy ở một số đơn vị công tác Hội còn  một số hạn chế. Công tác rà soát, nâng cao chất lượng hội viên ở một vài đơn vị chưa được chú trọng, chất lượng hội viên chưa được nâng cao. Các phong trào thi đua ở một số cơ sở Hội chưa triển khai sâu rộng. Công tác tham mưu với cấp uỷ, chính quyền về nhân rộng các điển hình, mô hình tiên tiến trong các phong trào thi đua còn hạn chế. Việc tăng trưởng nguồn Quỹ Hỗ trợ nông dân còn thấp…Nhận thức về công tác giám sát ở một số cơ sở Hội còn hạn chế, còn nhầm lẫn giữa giám sát xã hội với giám sát của cơ quan quyền lực Nhà nước và hoạt động thanh tra, kiểm tra của các cơ quan Nhà nước…
 
Thực hiện Kế hoạch của Ban Thường vụ Trung ương Hội Nông dân Việt Nam về triển khai thực hiện Quyết định số 81/2014/QĐ-TTg của Thủ tướng Chính phủ; Hội Nông dân tỉnh đã ký chương trình phối hợp với Sở Tư pháp, Sở Tài nguyên và Môi trường, Thanh tra tỉnh và chỉ đạo các huyện, thành Hội ký kết chương trình phối hợp với các ban, ngành ở địa phương. Hội Nông dân tỉnh chọn HND xã Nghĩa Thái huyện Nghĩa Hưng để chỉ đạo xây dựng mô hình điểm thực hiện Quyết định số 81. Tại mô hình điểm, Hội Nông dân cùng với UBND xã tích cực tham gia hòa giải, giải quyết khiếu nại, tố cáo của nông dân; đẩy mạnh các hoạt động tuyên truyền, phổ biến pháp luật cho nông dân.



Hàng tháng, Hội Nông dân các cấp cử cán bộ Hội tham gia tiếp công dân cùng với UBND. Tổng số đơn thư khiếu nại, tố cáo Hội Nông dân các cấp tiếp nhận trong năm là 98 đơn, trong đó khiếu nại là 65 đơn, tố cáo 35 đơn. Ngoài ra, Hội Nông dân các cấp còn tích cực tham gia hòa giải trong nội bộ nông dân. Tham gia hòa giải 657 vụ, trực tiếp hòa giải 75 vụ.




Chỉ đạo các cơ sở tiếp tục thành lập và duy trì hoạt động của CLB nông dân với pháp luật. Đến nay, toàn tỉnh có 38 CLB nông dân với pháp luật với 1.900 thành viên tham gia.
Thực hiện sự chỉ đạo của Hội đồng phối hợp phổ biến giáo dục tỉnh; trong năm 2016, các cấp Hội đã phối hợp với ngành tư pháp tuyên truyền về Luật Bầu cử đại biểu Quốc hội và Hội đồng nhân dân các cấp; Luật chính quyền địa phương. Toàn tỉnh đã tổ chức được 120 buổi cho trên 20.000 lượt cán bộ, hội viên nông dân. Đơn vị làm tốt điển hình là Hội Nông dân huyện Giao Thủy trong đợt bầu cử đại biểu Quốc hội và HĐND các cấp đã tổ chức được 15 buổi cho trên 2 nghìn lượt cán bộ, hội viên, nông dân.




Hội Nông dân các cấp còn phối hợp với ngành tư pháp, thanh tra, tài nguyên môi trường tổ chức hàng trăm buổi tuyên truyền cho 250 nghìn lượt cán bộ, hội viên nông dân về một số nội dung: Luật Đất đai, chính sách đề bù, giải phóng mặt bằng, Luật Khiếu nại, Luật Tố cáo, Luật Hôn nhân - gia đình, Bộ Luật Dân sự, Nghị định số 55/2015/NĐ-CP của Chính phủ về chính sách tín dụng phát triển nông nghiệp, nông thôn. Tuyên truyền về Ngày Pháp luật nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam năm 2016. Nhân kỷ niệm ngày Pháp luật nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam, Hội Nông dân tỉnh đã phối hợp với Công an tỉnh, Sở Tư pháp tổ chức buổi tuyên truyền pháp luật về Bộ Luật Dân sự năm 2015 và thông tin về tình hình tội phạm trên địa bàn nông thôn hiện nay, cách phòng chống cho 90 lượt cán bộ, hội viên, nông dân xã Nghĩa Thái huyện Nghĩa Hưng.



Phối hợp với Trung tâm tư vấn pháp luật Trung ương Hội Nông dân Việt Nam tổ chức 02 lớp tuyên truyền về Luật Đất đai, Bộ Luật Dân sự, kỹ năng tuyên truyền pháp luật cho trên 200 lượt cán bộ, hội viên, nông dân của 12 cơ sở Hội huyện Vụ Bản, Nam Trực và thành phố Nam Định. Đồng thời, phối hợp với Ban An toàn giao thông tỉnh tổ chức các lớp tuyên truyền về Luật An toàn giao thông; phối hợp với Sở Y tế, Bảo hiểm xã hội tỉnh tổ chức 05 lớp tuyên truyền về chính sách bảo hiểm y tế. Tổ chức cuộc thi “Nông dân với an toàn giao thông” tại huyện Trực Ninh…




Hội Nông dân các cấp trong tỉnh xác định công tác phối hợp với UBND các cấp là một nội dung quan trọng trong thực hiện quy chế dân chủ ở cơ sở. Nhiều UBND các cấp đã ra quy chế phối hợp tiếp nông dân đến khiếu nại, tố cáo. Những khiếu nại, tố cáo của nông dân đều có sự tham gia của Hội Nông dân và trước khi ra quyết định giải quyết có tham khảo ý kiến của Hội Nông dân, nghe phản ánh tâm tư, nguyện vọng và các đề nghị, kiến nghị của nông dân trên cơ sở đó đề ra biện pháp hoà giải hoặc giải quyết nhằm bảo đảm quyền và lợi ích thiết thực của hội viên nông dân, hạn chế khiếu kiện đông người, vượt cấp.
Kim Duyên
Thêm bình luận :
Họ và tên
Email

Bài đọc nhiều nhất

Giải quyết khiếu nại tố cáo tại Đồng Tháp