|
Các hộ kinh doanh vật tư nông nghiệp không đủ điều kiện sẽ bị đình chỉ hoạt động (Ảnh minh họa) |
Hội ND tỉnh cử cán bộ tham dự các lớp tập huấn, triển khai, quán triệt quy chế, giám sát, phản biện và tham dự hội nghị phổ biến các văn bản pháp luật mới trong lĩnh vực nông nghiệp các tỉnh thành khu vực Nam bộ tại Thành phố Hồ Chí Minh.
Trên cơ sở đó, Hội ND tỉnh xây dựng kế hoạch triển khai thực hiện quy chế giám sát, phản biện xã hội trong hệ thống Hội ND tại tỉnh An Giang. Theo đó, tỉnh Hội tổ chức 4 Hội nghị triển khai việc tham gia thực hiện công tác giám sát, phản biện cho 280 cán bộ các cơ sở Hội. Đồng thời chỉ đạo 11 huyện, thị, thành Hội quán triệt cho cấp cơ sở. Hiện có 11/11 huyện, thị, thành đã triển khai đến các cơ sở Hội, chi Hội và các Câu lạc bộ nông dân trên địa bàn thông qua các hội nghị, hội thảo chuyên đề, họp Ban chấp hành định kỳ.
Tỉnh Hội thực hiện quy chế giám sát phản biện trong hệ thống Hội để đảm bảo nội dung giám sát phản biện xã hội đi đúng hướng và phù hợp với tình hình thực tế ở địa phương. Ban Thường vụ Hội ND tỉnh ban hành kế hoạch số 56 về triển khai quy chế giám sát, phản biện trong hệ thống Hội, đồng thời tổ chức 2 hội nghị triển khai kế hoạch 56 cho 41 đồng chí là Ủy viên BCH Hội ND tỉnh, 50 đồng chí là cán bộ các phòng ban, Trung tâm thuộc tỉnh Hội, các đồng chí Chủ tịch, Phó Chủ tịch Hội ND 11 huyện thị, thành Hội và 152 xã, phường, thị trấn trong toàn tỉnh.
Trên cơ sở đó, Ban Thường vụ Hội ND tỉnh đã thống nhất xây dựng kế hoach số 62 về việc phối hợp với UBMTTQ tỉnh giám sát việc thực hiện ký kết hợp đồng tiêu thụ lúa nếp vụ đông xuân và tiếp tục thực hiện kế hoạch phối hợp số 97 giữa Ban Thường vụ Hội ND tỉnh và Thường trực UBMTTQ tỉnh về giám sát thực hiện hợp đồng tiêu thụ lúa giữa doanh nghiệp và nông dân.
Từ đó hai cơ quan trực tiếp theo dõi, giám sát tình hình thực hiện quy trình ký kết hợp đồng giữa doanh nghiệp và hợp tác xã thông qua khảo sát thực tế, tiếp cận dự thảo hợp đồng, nắm tình hình thực hiện nội dung hợp đồng đã ký kết và ý kiến phản ánh, kiến nghị trực tiếp tại Hợp tác xã nông nghiệp Thạn Giang xã Thoại Giang, huyện Thoại Sơn; hớp tác xã nông nghiệp Phú Thượng, xã Phú Thành, huyện Phú Tân và hợp tác xã nông nghiệp Định Thuận, ấp Long Định, xã Long Điền A, huyện Chợ Mới.
Qua đó báo cáo tiến độ thực hiện về Hội ND huyện, tỉnh, sau đó Ban Thường vụ Hội ND tỉnh cùng Ban Thường trực Ủy ban MTTQ tỉnh nghiên cứu, tổ chức khảo sát thực tế, nắm tình hình, tổ chức họp nông dân láy ý kiến thực hiện hợp đồng tại trụ sở Hợp tác xã, tổ hợp tác có đại diện nông dân, Hội ND, Ủy ban MTTQ, cấp Ủy, UBND xã, Hội ND huyện họp trao đổi thống nhất kết quả giám sát về kết quả và ý kiến đề xuất kiến nghị với các cơ quan, đơn vị liên quan. Vai trò Hội Nông dân các cấp từ tỉnh đến cơ sở và MTTQ ngày càng được khẳng định.
Bên cạnh đó, Hội ND tỉnh còn tham gia cùng đoàn giám sát chất lượng phân bón trên thị trường do Trung ương Hội Nông dân Việt Nam tổ chức, có sự tham gia của Sở NN&PTNT, Sở Công thương. Qua kiểm tra 39 mẫu phân bón của 09 doanh nghiệp (chuyển Trung tâm kiểm nghiệm, phân tích chất lượng chờ kết quả) tại 5 huyện Châu Phú (6 mẫu), Châu Thành (2 mẫu), Tri Tôn (15 mẫu), Tịnh Biên (5 mẫu), Châu Đốc(11 mẫu) ; phát hiện 31/39 sản phẩm thiếu dấu hợp quy và ghi sai thành phần, quy cách và định lượng ghi trên bao bì, nhãn mác.
Hội Nông dân tỉnh còn xây dựng chương trình phối hợp với Ủy ban MTTQ tỉnh, Sở Nông nghiệp & Phát triển nông thôn, Sở Công Thương giám sát việc thực hiện pháp luật về sản xuất, kinh doanh vật tư nông nghiệp giai đoạn 2016 - 2020; tổ chức hội nghị ký kết, triển khai đến huyện đối với các thành phần liên quan nhằm nâng cao nhận thức, trách nhiệm của cán bộ và nông dân trong việc chấp hành quy định của pháp luật về quản lý, sản xuất, kinh doanh, sử dụng vật tư nông nghiệp, góp phần nâng cao chất lượng nông sản, phát huy hiệu quả nền nông nghiệp đảm bảo an toàn vệ sinh, an toàn thực phẩm và bảo vệ môi trường.
Sau khi triển khai đã có 7/11 đơn vị đã xây dựng và ký kết Chương trình/Kế hoạch phối hợp giám sát về sản xuất, kinh doanh vật tư nông nghiệp tại địa phương.Về góp ý xây dựng Đảng, xây dựng chính quyền theo Quyết định 218, Hội ND đã có ý kiến góp ý các văn bản như: Văn kiện Đại hội XII của Đảng, Bộ luật Dân sự (sửa đổi), Luật Hình sự (sửa đổi); góp ý Đề án "Xây dựng mô hình Chi Hội nghề nghiệp, Tổ Hội nghề nghiệp" giai đoạn 2016 - 2018 của TW Hội NDVN; góp ý Hướng dẫn thực hiện Quy định 282-QĐ/TW, ngày 1/4/2015 của Ban Bí thư Trung ương Đảng về chức năng, nhiệm vụ, tổ chức bộ máy, biên chế cơ quan chuyên trách tham mưu, giúp việc Hội Nông dân cấp tỉnh, huyện của Ban Tổ chức TW Hội Nông dân việt Nam.
Góp ý Văn kiện Đại hội X của Đảng bộ tỉnh; "Đề án Đẩy mạnh xã hội hóa, phát triển hoạt động khuyến nông, khuyến ngư phục vụ phát triển nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao của tỉnh An Giang" giai đoạn 2015 - 2020; "Cánh đồng lớn tỉnh An Giang giai đoạn 2015 -2025"; Đề án ứng dụng công nghệ cao trong sản xuất nông nghiệp và đề án xây dựng cách đồng lớn tỉnh An Giang.
Nhìn chung, những ý kiến đóng góp, xây dựng, kiến nghị của các cấp Hội đã có tác dụng bổ sung, điều chỉnh, sửa đổi; phản ánh được ý chí, nguyện vọng của giai cấp nông dân. Công tác giám sát phản biện xã hội của Hội ND đã góp phần xây dựng Đảng, Nhà nước và khối Đại đoàn kết dân tộc đồng thời góp phần xây dựng sự đồng thuận xã hội, nhân tố quyết định đảm bảo sự ổn định và phát triển xã hội.