Trao đổi kinh nghiệm thực hiện công tác giám sát và phản biện xã hội
(KNTC)- Vừa qua, tại tỉnh Đồng Nai, Ban Dân vận trung ương phối hợp với Tỉnh ủy tỉnh Đồng Nai tổ chức “Hội nghị trao đổi kinh nghiệm thực hiện Quyết định số 217 và 218 của Bộ Chính trị” khóa XI.
|
Hội NDVN tham gia giám sát chất lượng vật tư nông nghiệp tại Nghệ An |
Đồng chí Trương Thị Mai, Ủy viên Bộ Chính trị, Bí thư Trung ương Đảng, Trưởng Ban Dân vận Trung ương chủ trì, chỉ đạo Hội nghị. Tham dự Hội nghị có đại diện 32 tỉnh, thành phố khu vực phía Nam trực thuộc Trung ương, từ Đà Nẵng trở vào.
Qua hơn hai năm thực hiện Quyết định 217-QĐ/TW và Quyết định 218-QĐ/TW các cấp ủy đảng, Mặt trận Tổ quốc, các đoàn thể chính trị - xã hội đã có những cách làm hay, sáng tạo, luôn chủ động đổi mới nội dung, phương thức trong việc giám sát, phản biện các vấn đề người dân quan tâm, góp phần quan trọng tạo sự đồng thuận trong các tầng lớp nhân dân tham gia tích cực xây dựng Đảng, chính quyền.
Thực hiện quy định về việc Mặt trận Tổ quốc Việt Nam, các đoàn thể chính trị - xã hội và nhân dân tham gia góp ý xây dựng Đảng, xây dựng chính quyền; đối thoại trực tiếp giữa người đứng đầu các cấp ủy Đảng, người đứng đầu chính quyền các cấp với nhân dân, các Chương trình phối hợp giám sát đã thu được những kết quả có ý nghĩa trên nhiều phương diện và tạo được sự chuyển biến tích cực về nhận thức đối với vai trò giám sát của Mặt trận Tổ quốc Việt Nam, trong đó, một số chương trình giám sát đã hoàn thành, đạt kết quả theo tiến độ đề ra, được dư luận và nhân dân đồng tình ủng hộ và đánh giá cao.
Ngày 12-12-2013, Bộ Chính trị đã ban hành Quyết định số 217-QĐ/TW về việc ban hành Quy chế Giám sát và phản biện xã hội của Mặt trận Tổ quốc Việt Nam và các tổ chức chính trị - xã hội và Quyết định số 218-QĐ/TW, ban hành Quy định về việc Mặt trận Tổ quốc Việt Nam, các đoàn thể chính trị - xã hội và nhân dân tham gia góp ý xây dựng Đảng, xây dựng chính quyền.
Hằng năm, UB MTTQVN và các tổ chức chính trị - xã hội xây dựng chương trình, kế hoạch cụ thể để triển khai giám sát ở các lĩnh vực, nội dung nào đáp ứng nhu cầu của nhân dân và sự phát triển của địa phương, nếu đòi hỏi sự tham gia của các tổ chức chính trị - xã hội thì ủy ban MTTQVN sẽ chủ trì phối hợp thực hiện; những lĩnh vực, nội dung mang tính chất chuyên sâu sẽ do một tổ chức chính trị - xã hội phù hợp chủ trì phối hợp thực hiện hoặc phát huy vai trò nòng cốt của một tổ chức thành viên trong lĩnh vực đó. |
Nhằm góp phần đưa Quyết định số 217- QĐ/TW của Bộ Chính trị và các chủ trương, chính sách, pháp luật nhanh đi vào cuộc sống, tại Hội nghị, Hội Nông dân Việt Nam kiến nghị Bộ Chính trị, Ban Bí thư tăng cường sự lãnh đạo, chỉ đạo các Bộ ngành TW, các cấp ủy địa phương quan tâm, chỉ đạo, ban hành cơ chế chính sách, tạo điều kiện để Hội Nông dân các cấp tuyên truyền, vận động, tổ chức nông dân thực hiện công tác giám sát và phản biện xã hội, tham gia xây dựng Đảng, nhà nước trong sạch, vững mạnh.
Thời gian qua, Hội Nông dân Việt Nam đã chủ trì và phối hợp với các ngành liên quan thành lập đoàn giám sát tại địa bàn một số huyện, xã về việc thực hiện chính sách, pháp luật liên quan trực tiếp đến quyền lợi, nghĩa vụ của nông dân như: Chính sách về quản lý đền bù, thu hồi đất đai và hỗ trợ tái định cư, sử dụng đất trồng lúa, hợp đồng tiêu thụ nông sản; chính sách về dạy nghề cho lao động nông thôn; thu và chi các khoản đóng góp của nông dân trong xây dựng nông thôn mới; chính sách về trợ giá vật tư nông nghiệp, phụ cấp cho cán bộ chi Hội…
Kết luận tại Hội nghị, Ủy viên Bộ Chính trị, Bí thư Trung ương Đảng, Trưởng ban Dân vận Trung ương Trương Thị Mai nhấn mạnh, trong giám sát và phản biện không phải lúc nào cũng thuận chiều, đồng thuận mà nhiều khi còn có ý kiến trái chiều, nên người cán bộ thực hiện nhiệm vụ giám sát, phản biện phải có đủ năng lực, trình độ chuyên môn, nắm vững và hiểu biết pháp luật, hiểu rõ những vấn đề được lựa chọn giám sát và phải đi tới cùng của sự việc, như vậy đoàn viên, hội viên và nhân dân mới tin vào tổ chức của mình. Khi giám sát, MTTQ và các đoàn thể còn phải thể hiện được bản lĩnh dám nghĩ, dám làm, dám chịu trách nhiệm trong những vấn đề lựa chọn để giám sát, phản biện.
“Trong phản biện, nếu đối tượng không tiếp thu phải có báo cáo giải trình lý do rõ ràng và tiến tới giám sát, phản biện không đơn thuần là việc tuân thủ mà phải tiến tới giám sát hiệu quả thực thi để tránh lãng phí mồ hôi công sức của dân.”, Trưởng ban Dân vận Trung ương Trương Thị Mai nêu rõ.