Căn cứ nội dung Kế hoạch giám sát, Ban Thường vụ Hội Nông dân tỉnh có văn bản hướng dẫn Hội Nông dân 14 huyện, thị xã, thành phố tập hợp các ý kiến phản ảnh, kiến nghị tại các hội nghị, các buổi sinh hoạt chi, tổ Hội; đơn khiếu nại, tố cáo của hội viên, nông dân trên địa bàn liên quan đến sản xuất, kinh doanh phân bón, thuốc bảo vệ thực vật, thức ăn chăn nuôi; giống thuỷ sản, thức ăn, chế phẩm sinh học, chất xử lý, cải tạo môi trường dùng cho nuôi trồng thuỷ sản. Hội Nông dân 14 huyện, thị xã, thành phố đã có báo cáo bằng văn bản các kiến nghị, phản ảnh về tình hình sản xuất, kinh doanh vật tư nông nghiệp trên địa bàn.
Trên cơ sở nội dung của kế hoạch giám sát, Sở Nông nghiệp & phát triển nông thôn, Sở Công thương, phòng nông nghiệp huyện, phòng kinh tế thuộc 14 huyện, thị xã, thành phố trong tỉnh đã có báo cáo quản lý nhà nước về sản xuất, kinh doanh, sử dụng vật tư nông nghiệp trên địa bàn gửi về Hội Nông dân tỉnh (trong đó TP Uông, huyện Tiên Yên, huyện Hải Hà gửi báo cáo của UBND).
Tại một số cửa hàng kinh doanh vật tư nông nghiệp (phân bón, thức ăn chăn nuôi, thuốc BVTV, thuốc thú y); một số cơ sở, trang trại chăn nuôi, trồng trọt, nuôi trồng thủy hải sản và cơ sở sản xuất giống của địa phương có liên quan (sản xuất, kinh doanh, tiêu thụ vật tư nông nghiệp).
Qua báo cáo của Sở Nông nghiệp và PTNT, Sở Công Thương, kiến nghị của Hội Nông dân các cấp, báo cáo của các phòng Kinh tế, phòng Nông nghiệp &PTNT 14 huyện, thị xã, thành phố và kết quả thị sát việc quản lý Nhà nước về sản xuất, kinh doanh vật tư nông nnghiệp tại 4 huyện, thị xã, thành phố (Đông Triều, Quảng Yên, Tiên Yên và Móng Cái), Đoàn kiểm tra có nhận xét, đánh giá như sau: Sở Nông nghiệp và PTNT, Sở Công Thương là đơn vị chủ quản việc quản lý Nhà nước về sản xuất, kinh doanh vật tư nông nghiệp trên địa bàn tỉnh đã bám sát chỉ đạo của Bộ Nông nghiệp và PTNT, Bộ Công Thương, các văn bản pháp lý về quản lý Nhà nước đối với sản xuất, kinh doanh vật tư nông nghiệp, sự chỉ đạo của Tỉnh ủy, tham mưu cho Ủy ban Nhân dân tỉnh ban hành nhiều văn bản: Quyết định số 292/QĐ-UBND, ngày 09/4/2015 của UBND tỉnh về Kế hoạch hành động năm vệ sinh ATTP trong lĩnh vực nông nghiệp; Quyết định số 1317/QĐ-UBND, ngày 18/5/2015 về phân công, phân cấp cơ quan kiểm tra cơ sở sản xuất, kinh doanh vật tư nông nghiệp; cơ quan kiểm tra, chứng nhận cơ sở sản xuất, kinh doanh nông, lâm, thủy sản đủ điều kiện an toàn thực phẩm và cơ quan quản lý cơ sở sản xuất ban đầu nhỏ lẻ thuộc phạm vi quản lý của ngành nông nghiệp trên địa bàn tỉnh. Đồng thời Sở đã trực tiếp ban hành nhiều quyết định, kế hoạch, văn bản để chỉ đạo, hướng dẫn các đơn vị trong ngành, địa phương về công tác quản lý Nhà nước về sản xuất, kinh doanh vật tư nông nghiệp trên địa bàn tỉnh.
Sở cũng đã tổ chức tập huấn, tuyên truyền về kiến thức, kỹ thuật bảo vệ thực vật và sử dụng thuốc bảo vệ thực vật an toàn, hiệu quả; xây dựng phóng sự truyền hình phim khoa giáo để tuyên truyền về phòng chống dịch bệnh, phòng chống rét vật nuôi, kỹ thuật chăn nuôi, nuôi trồng thủy hải sản bảo đảm vệ sinh an toàn thực phẩm; tuyên truyền các văn bản quy phạm pháp luật về vật tư nông nghiệp; hoạt động thanh tra, kiểm tra cơ sở sản xuất, kinh doanh vật tư nông nghiệp và vệ sinh an toàn thực phẩm cho các cơ sở, các hộ sản xuất, kinh doanh vật tư nông nghiệp.
Công tác kiểm tra, thanh tra, giám sát và xử lý vi phạm về an toàn thực phẩm như lấy mẫu kiểm tra, kiểm soát giết mổ, kiểm dịch, giám sát ô nhiễm sinh học và tồn dư hóa chất trong nông sản, thủy sản đã được các Sở, ngành, địa phương triển khai hàng năm. Sở cũng đã chỉ đạo việc kiểm tra đánh giá, phân loại các cơ sở sản xuất, kinh doanh vật tư nông nghiệp theo Thông tư số 45 ngày 03/12/2014 của Bộ Nông nghiệp quy định việc kiểm tra cơ sở SXKD vật tư nông nghiệp và kiểm tra, chứng nhận cơ sở sản xuất, kinh doanh nông, lâm, thủy sản đủ điều kiện an toàn vệ sinh thực phẩm, tạo điều kiện thuận lợi cho việc quản lý Nhà nước đối với các cơ sở sản xuất, kinh doanh vật tư nông nghiệp trên địa bàn tỉnh.
Ủy ban Nhân dân các huyện, thị xã, thành phố, thực hiện sự chỉ đạo của UBND tỉnh, của Sở Nông nghiệp, Sở Công Thương đã ban hành nhiều văn bản chỉ đạo việc tăng cường quản lý Nhà nước đối với các cơ sở, các hộ sản xuất, kinh doanh vật tư nông nghiệp trên địa bàn. Các huyện, thị xã, thành phố đã quan tâm đến công tác tuyên truyền, phổ biến chính sách, pháp luật liên quan đến vệ sinh an toàn thực phẩm, đến kinh doanh, sản xuất, sử dụng thuốc BVTV, thuốc thú y, phân bón như Luật Bảo vệ và kiểm dịch thực vật số 41/2013/QH13, Nghị định số 114/2013/NĐ-CP, ngày 03/10/2013 về xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực giống cây trồng, bảo vệ và kiểm dịch thực vật; Nghị định số 119/NĐ-CP, ngày 9/10/2013 của Chính phủ về xử phạt hành chính trong lĩnh vực thú y, giống vật nuôi, thức ăn chăn nuôi; Thông tư số 51/2014/TT-BNNPTNT, ngày 27/12/2014 của Bộ NNPTNT quy định điều kiện đảm bảo an toàn thực phẩm với cơ sở sản xuất, kinh doanh thực phẩm nông, lâm, thủy sản ban đầu nhỏ lẻ trên địa bàn quản lý…
Hầu hết các huyện, thị xã, thành phố đã và đang tiến hành việc kiểm tra đánh giá, phân loại các cơ sở sản xuất, kinh doanh vật tư nông nghiệp theo Thông tư số 45/TT-BNNPTNT, tạo điều kiện thuận lợi cho việc quản lý Nhà nước đối với các cơ sở sản xuất, kinh doanh vật tư nông nghiệp trên địa bàn. Việc thanh tra, kiểm tra đã được các phòng Nông nghiệp & PTNT, phòng Kinh tế các huyện, thị xã, thành phố quan tâm tham mưu cho UBND cùng cấp thành lập các đoàn kiểm tra các cơ sở sản xuất, kinh doanh vật tư nông nghiệp, kiểm tra công tác vệ sinh an toàn thực phẩm. Đặc biệt Uỷ ban nhân dân cấp huyện đã chỉ đạo phòng ban chuyên môn phối hợp với Chi cục của tỉnh trong công tác kiểm tra hoạt động sản xuất, kinh doanh và sử dụng vật tư nông nghiệp, thức ăn, thuốc thú y chăn nuôi và nuôi trồng thủy, hải sản.