|
Kiểm tra cơ sở kinh doanh vật tư nông nghiệp Ảnh: Sở Công thương Kiên Giang |
Thực hiện theo Kế hoạch, Ban thường vụ Hội ND tỉnh đã thành lập Đoàn giám sát triển khai Nghị định 202 cuả Chính phủ. Đoàn đã tiến hành giám sát 2 Sở ngành, 3 huyện, 3 xã, thị trấn bao gồm ( Sở Công thương, Sở NNPTNT tỉnh, UBND huyện Tân Hiệp, An Biên, Giồng Riềng; xã: Thạnh Đông A, Thị trấn Thứ Ba, thị trấn Giồng Riềng) và một số cơ sở kinh doanh mua bán phân bón vô cơ và hữu cơ.
Theo kết quả kiểm tra, trên địa bàn hiện có 14 cơ sở sản xuất phân bón, trong đó sản xuất phân hữu cơ chiếm 5 cơ sở, 9 cơ sở sản xuất phân vô cơ, 986 cơ sở kinh doanh phân bón. Cơ sở sản xuất phân bón vô cơ do Sở Công thương quản lý; phân bón hữu cơ và phân bón khác do Sở NNPTNT quản lý.
Thơi gian qua, hai Sở đều tổ chức tập huấn cho các tổ chức, cá nhân sản xuất và kinh doanh phân bón, thuốc BVTV cũng như tuyên truyền, phổ biến các văn bản quy phạm pháp luật về quản lý phân bón cho gần 800 chủ cơ sở. Tập huấn chương trình "Cùng nông dân bảo vệ môi trường"; giúp nông dân nâng cao ý thức trong sử dụng phân bón, thuốc BVTV; mở nhiều lớp tập huấn "1 phải 5 giảm"; dự án "Giảm phát thải khí nhà kính" trên đồng ruộng; chương trình "cánh đồng mẫu lớn" và chương trình "Cùng nông dân ra đồng" góp phần giúp nông dân sử dụng phân bón tiết kiệm, có hiệu quả, thân thiện với môi trường.
Công tác thanh tra, kiểm tra xử lý vi phạm, giải quyết khiếu nại tố cáo luôn được 2 Sở quan tâm và tập trung chỉ đạo. Hai năm qua đã thành lập được 8 đoàn thanh kiểm tra với 1174/1000 lượt cơ sở sản xuất, kinh doanh phân bón được kiểm tra (đạt 1,17 cơ sở được thanh kiểm tra qua 2 năm). Trong đó Sở NNPTNT kiểm tra được 439/986 cơ sở; Sở Công thương thanh kiểm tra 439/986 cơ sở.
Bên cạnh đó, các Đoàn thanh kiểm tra chuyên ngành còn tiến hành lấy 127 mẫu phân bón kiểm nghiệm, kết quả có 43 mẫu phân bón kém chất lượng (chiếm 34% số mẫu phân bón được kiểm nghiệm). Trong thanh kiểm tra còn phát hiện một số trường hợp phân bón hết hạn sử dụng, phân sai nhãn, phân ngoài danh mục được phép sử dụng… Đã tiến hành xử phạt vi phạm hành chính 925 triệu đồng, buộc thu hồi, tái chế hàng hóa vi phạm.
Tại 3 huyện Tân Hiệp, Giồng Riềng, An Biên, UBND 3 huyện đã tổ chức tập huấn bổ sung kiến thức hàng năm cho hầu hết các đại lý kinh doanh vật tư nông nghiệp trên địa bàn theo quy định pháp luật.
Việc tuyên truyền hướng dẫn, sử dụng phân bón hiệu quả, không gây ô nhiễm môi trường đã được UBND 3 huyện thường xuyên quan tâm chỉ đạo các cơ quan chuyên môn tổ chức tập huấn, hướng dẫn kỹ thuật cho nông dân trong mỗi vụ sản xuất. Hàng năm mỗi huyện tập huấn trên 100 cuộc liên quan đến sử dụng phân bón trong canh tác lúa có hiệu quả như: Chương trình 3 giảm 3 tăng, 1 phải 5 giảm, mô hình cánh đồng mẫu lớn, thực hiện dự án về giảm phát thải nhà kính…
UBND 3 huyện đã chỉ đạo các ngành chức năng kiểm tra xử lý vi phạm cũng như phối hợp giải quyết khiếu nại tố cáo liên quan đến sản xuất, kinh doanh vật tư nông nghiệp.
Đối với UBND 3 xã, thị trấn và cơ sở kinh doanh vật tư nông nghiệp. Thời gian qua, 3 xã, thị trấn chưa thật sự quan tâm đến việc triển khai Nghị định 202 của Chính phủ. Tuy việc quản lý nhà nước đối với các cơ sở kinh doanh vật tư nông nghiệp đã được thực hiện khá đầy đủ theo đúng quy chuẩn hóa của ngành như có giấy phép kinh doanh, giấy đủ điều kiện kinh doanh… Các cơ sở khi Đoàn đến giám sát hầu hết đều làm ăn hiệu quả với quy mô kinh doanh khá lớn nhưng tình trạng phân giả, phân bón kém chất lượng còn xuất hiện nhiều và được chào hàng khá công khai nhất là vùng sâu, vùng xa gây hoang mang cho người dân trong sản xuất nông nghiệp. Việc mua bán không niêm yết giá hoặc có với hình thức đối phó với cơ quan chức năng vẫn diễn ra…
Căn cứ vào thực tế, Đoàn kiến nghị: Bộ NNPTNT và Bộ Công thương cần trao đổi và tham mưu kiến nghị Chính phủ sửa đổi, bổ sung Nghị định 202 theo hướng: Giao Bộ NNPTNT quản lý sản xuất, kinh doanh phân bón phục vụ cho sản xuất nông nghiệp (vô cơ và hữu cơ) nhằm thống nhất đầu mối quản lý cũng như hướng dẫn sử dụng. Cần có khung xử phạt thật nghiêm, đủ sức răn đe, ngăn chặn có hiệu quả tình hình sản xuất phân bón giả, phân bón kém chất lượng. UBND tỉnh cần sớm ban hành văn bản chỉ đạo việc tổ chức thực hiện Nghị định 202 của Chính phủ về quản lý phân bón cho sở, ngành và chính quyền các cấp… UBND cấp huyện, xã cần chủ động làm tốt trách nhiệm của mình theo Nghị định 202 của Chính phủ, nhất là khâu tổ chức triển khai, tuyên truyền phổ biến pháp luật về phân bón cho tổ chức, cá nhân trong sản xuất kinh doanh và sử dụng phân bón…