|
Hội ND Nam Định tuyên truyền, phổ biến pháp luật ảnh: Bộ Tư pháp |
10/10 đơn vị Hội Nông dân huyện, thành phố đã phối hợp với Ban Tuyên giáo huyện, thành ủy tổ chức hội nghị triển khai 2 Quyết định tới đội ngũ ủy viên Ban Chấp hành và Chủ tịch, phó chủ tịch Hội Nông dân cơ sở. Căn cứ vào chương trình, kế hoạch giám sát và phản biện xã hội của cấp trên và tình hình thực tế ở địa phương, các huyện, thành Hội đã xây dựng và tổ chức thực hiện chương trình, kế hoạch giám sát và phản biện xã hội của cấp mình.
Với phương châm chỉ đạo là giám sát từ việc nhỏ đến lớn, từ dễ đến khó, vừa làm vừa rút kinh nghiệm và xác định rõ việc nào do Hội trực tiếp chủ trì giám sát và phản biện, việc nào do Hội phối hợp thực hiện.
Đồng thời Hội Nông dân các cấp trong tỉnh đã đẩy mạnh các hoạt động tuyên truyền trên Bản tin nông dân Nam Định, trên hệ thống thông tin đại chúng, sinh hoạt chi, tổ Hội, câu lạc bộ nông dân và đội ngũ báo cáo viên, cộng tác viên dư luận xã hội.
Hội Nông dân các cấp trong tỉnh xác định Quyết định 217, 218 là những chủ trương lớn của Đảng, có ý nghĩa to lớn, nhằm phát huy mạnh mẽ vai trò của Hội Nông dân trong việc giám sát, phản biện xã hội; tham gia góp ý xây dựng Đảng, chính quyền, hệ thống chính trị trong sạch, vững mạnh nên công tác lãnh đạo, chỉ đạo được các cấp Hội triển khai nghiêm túc đã góp phần nâng cao nhận thức về ý nghĩa và tầm quan trọng của hoạt động giám sát, phản biện xã hội và công tác xây dựng Đảng, chính quyền.
Nhằm nâng cao kỹ năng, nghiệp vụ về công tác giám sát và phản biện xã hội, Hội Nông dân tỉnh đã phối hợp với Ban Tuyên giáo Tỉnh ủy, Ban Kiểm tra Trung ương Hội Nông dân Việt Nam tổ chức 03 lớp tập huấn nghiệp vụ về công tác giám sát và phản biện xã hội cho trên 600 lượt người là cán bộ chủ chốt các cấp Hội từ tỉnh tới cơ sở. Nội dung tập huấn tập trung vào: Đối tượng, nội dung, phạm vi, phương pháp tiến hành giám sát và phản biện xã hội của tổ chức Hội Nông dân các cấp theo Hướng dẫn số 637-HD/HNDTW, ngày 14/7/2015 của Ban Thường vụ Trung ương Hội Nông dân Việt Nam; đối tượng, nội dung, phạm vi góp ý xây dựng Đảng, xây dựng chính quyền theo Quy định số 668-QĐ/HNDTW, ngày 14/7/2015 của Ban Thường vụ Trung ương Hội Nông dân Việt Nam.
Hội Nông dân các huyện, thành phố phối hợp với Trung tâm Bồi dưỡng chính trị tổ chức các lớp bồi dưỡng nghiệp vụ công tác Hội, trong đó có lồng ghép nội dung tập huấn về giám sát, phản biện xã hội. Đơn vị làm tốt điển hình như Hội Nông dân huyện Giao Thủy tổ chức tập huấn đến đội ngũ chi Hội trưởng của 20 cơ sở Hội.
Để nâng cao kỹ năng giám sát thực hiện pháp luật về sản xuất, kinh doanh vật tư nông nghiệp giai đoạn 2015 - 2020, Hội Nông dân tỉnh đã phối hợp với Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn tổ chức 01 lớp cho 270 lượt người tham dự.
Thông qua công tác tập huấn đã giúp cho đội ngũ cán bộ Hội các cấp trong tỉnh thống nhất về nhận thức và phương pháp, cách thức thực hiện hoạt động giám sát và phản biện xã hội. Từ đó thực hiện tốt hơn vai trò đại diện, bảo vệ quyền và lợi ích chính đáng của hội viên nông dân, bày tỏ chính kiến đối với các chủ trương, chính sách pháp luật của Đảng và Nhà nước, mở rộng dân chủ và phát huy quyền làm chủ của nhân dân; góp phần nâng cao năng lực lãnh đạo, sức chiến đấu của Đảng, hiệu lực, hiệu quả quản lý của Nhà nước.
Năm 2015, Hội Nông dân tỉnh đã ký Chương trình phối hợp số 06 với sở Nông nghiệp và PTNT, sở Công Thương, Ủy ban Mặt trận TQVN tỉnh vàt riển khai kế hoạch liên ngành số 62 thực hiện chương trình phối hợp giám sát việc thực hiện pháp luật về quản lý, sản xuất, kinh doanh sử dụng vật tư nông nghiệp năm 2015. Trong đó xác định nội dung giám sát trọng tâm là việc thực hiện pháp luật về sản xuất, kinh doanh thuốc bảo vệ thực vật. Đến nay đã có 6/10 đơn vị huyện, thành triển khai ký kết chương trình phối hợp.
Một số đơn vị đã phối hợp với các ban, ngành ở địa phương giám sát việc thực hiện pháp luật về kinh doanh, sử dụng thuốc bảo vệ thực vật; phối hợp với Ủy ban Mặt trận Tổ quốc giám sát về việc thực hiện Nghị quyết 10 của Hội đồng nhân dân tỉnh (điển hình là Hội Nông dân huyện Trực Ninh); giám sát việc thực hiện nguồn vốn cho vay học sinh, sinh viên từ nguồn vốn ủy thác từ Ngân hàng chính sách xã hội (Hội Nông dân huyện Nam Trực); giám sát việc thực hiện Quy chế dân chủ ở cơ sở, giám sát thực hiện Pháp lệnh thực hiện dân chủ ở xã, phường, thị trấn; giám sát đầu tư của cộng đồng…
Cùng với việc triển khai các hoạt động giám sát, Hội Nông dân các cấp đã tham gia phản biện đối với việc xây dựng các đề án về phát triển kinh tế - xã hội của địa phương. Đồng thời, triển khai việc tham gia góp ý xây dựng Đảng, xây dựng chính quyền với nhiều hình thức như góp ý trực tiếp, góp ý qua hòm thư, thực hiện tốt công tác tham gia tiếp công dân cùng với UBND các cấp. Tổ chức cho cán bộ, hội viên, nông dân góp ý vào dự thảo luật có liên quan trực tiếp đến nông nghiệp, nông dân, nông thôn như: Luật Bảo vệ môi trường (sửa đổi), Luật Hôn nhân và gia đình (sửa đổi), Luật Bảo hiểm xã hội (sửa đổi), Bộ luật Dân sự (sửa đổi), Bộ Luật Hình sự (sửa đổi), Luật Tổ chức Quốc hội (sửa đổi), Luật Mặt trận Tổ quốc Việt Nam (sửa đổi), Bộ Luật Tố tụng hình sự (sửa đổi), Luật Tổ chức Chính phủ (sửa đổi)...
Đặc biệt, tổ chức lấy ý kiến của cán bộ, hội viên nông dân vào dự thảo Báo cáo chính trị Đại hội Đảng bộ các cấp, trọng tâm là: công tác lãnh đạo, chỉ đạo của cấp ủy, tổ chức đảng; việc thể chế hóa, cụ thể hóa và tổ chức thực hiện của các cơ quan nhà nước đối với nhiệm vụ, giải pháp về phát triển nông nghiệp, xây dựng nông thôn mới. Kết quả đã có trên 2.000 lượt ý kiến tham gia.
Qua 02 năm thực hiện Quyết định 217, 218 của Bộ Chính trị, các cấp Hội trong tỉnh đã tập trung chỉ đạo triển khai quán triệt, học tập nghiêm túc và ban hành văn bản để triển khai thực hiện. Kết quả bước đầu đã góp phần nâng cao nhận thức của cán bộ, hội viên nông dân trong việc thực hiện Quy chế, Quy định về giám sát, phản biện xã hội và tổ chức cho nhân dân tham gia góp ý xây dựng Đảng, xây dựng chính quyền; từ đó tạo sự thống nhất về nhận thức, phương pháp, cách thức triển khai thực hiện.